Tên Khoa học: Acacia pennata subsp. hainanensis (Hayata) I. NielsenTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Sống rắn dây; Đọc tăng, Móc mèoTên khác:
Dây leo hóa gỗ. Nhánh non phủ lông mịn hoặc lông dày đặc có tuyến đo đỏ ở ngọn hoặc gần như không lông. Cuống lá mang tuyến ở nửa dưới, trục lá lông chim cũng có tuyến. Lá chét 9 - 18 đôi, hình dải, có khi hơi có hình lưỡi hái, dài tới 4 - 7mm, rộng 0,8 - 1,5 mm, hơi nhọn và cong hoặc tù và thẳng ở đỉnh.
Cụm hoa phủ lông tuyến, màu đo đỏ, không cuống. Hoa không cuống; đài hình ống nhẵn hay hơi có lông mịn với 5 răng; tràng cao tới 2,5 mm, có các cánh hoa nhẵn. Quả đậu thuôn, dài 10 - 13,5 cm, rộng 1,5 - 3,1 cm, có lông tuyến rải rác; hạt hình bầu dục rộng, cỡ 9 x 6 mm, màu đen.
Acacia pennata (L.) Willd.
1. Cành lá mang hoa; 2. Quả.
Phân loài của Trung Quốc (Hải Nam, Vân Nam), Mianma và Việt Nam. Ở Việt Nam, có gặp từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Hà Tây, Quảng Ninh vào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Ninh Thuận.
Cây mọc trong rừng, trên đất sét hay hoa cương, tới độ cao 1000 - 1200 m.
Ở Ấn Độ, người ta dùng phân loài pennata làm thuốc: dịch lá lẫn với sữa dùng cho trẻ em ăn uống không tiêu; còn quả và vỏ thân dùng để duốc cá.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân cũng được biết là có độc, được sử dụng làm thuốc trị tay chân tê mỏi, mệt mỏi vô lực, ngoại thương, phong thấp viêm khớp xương, viêm da dị ứng cấp tính.
Còn ở Việt Nam, vỏ cây được nghiền ra dùng để duốc cá và đập giập ra dùng để trám thuyền và trát các lỗ thủng.
Ngoài phân loài trên, ở Việt Nam cũng còn gặp phân loài kerrii I. Nielsen.
Các Acacia nhóm pennata, có hột chứa đến 0,5% metiltiramin NLM, độc cho thần kinh gia súc và làm nhức đầu, tăng huyết áp vì cơ thể phóng thích noradrenalin (Phạm Hoàng Hộ, 1999).