Tên Khoa học: Achillea millefolium L.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Dương kỳ thảo; Vạn diệp; cỏ thi; Cúc vạn diệp, Xương cáTên khác:
Đặc điểm nhận dạng: Cỏ lâu năm, cao 40-80 cm; thân có gờ dọc, phân nhánh, phủ lông trắng. Lá mọc so le; phiến lá dài 2-20 cm, rộng 1-2,5 cm, kép lông chim 2-3 lần, mềm; lá chét hình thuôn, dài 3-9 mm, mặt trên phủ lông tơ mảnh, mặt dưới dầy hơn, hình dải, đỉnh nhọn. Cụm hoa đầu, đường kính 4-7 mm, cuống dài 2-4 mm, phủ lông mềm; lá bắc tổng bao hình trứng, xếp 4 hàng, 1 lá bắc dài 4-5 mm, hàng phía ngoài đỉnh nhọn, hàng phía trong đỉnh tù, mặt ngoài phủ lông dài, mềm. Hoa ở viền cụm hoa thường 5; tràng dạng lưới nhỏ, hình bầu dục dài 2-3 mm, màu trắng pha tím nhạt, ống tràng phía dưới dài bằng lưỡi nhỏ là hoa cái; tất cả hoa ở giữa có tràng hình ống dài 3,5 mm, màu trắng là hoa lưỡng tính, đỉnh ống có 5 thuỳ ngắn. Quả bế hình bầu dục dài 2 mm, dẹt.
Sinh học và sinh thái: Ra hoa và có quả từ tháng 12-3 (năm sau). Tái sinh bằng hạt. Mọc ở các trảng cỏ và các bãi cỏ có cây bụi thưa ở chân núi nơi nhiều ánh sáng, nơi độ cao 800-2000 m có khí hậu cận nhiệt đới ở vùng núi cao.
Phân bố:
- Trong nước: Lai Châu (Mường Tè), Điện Biên (Tủa Chùa), Lào Cai (Sa Pa), Sơn La (Mộc Châu), Lâm Đồng (Đà Lạt).
- Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Giá trị: Dùng làm thuốc bổ, kích thích, trị ho, cầm máu, kinh nguyệt phụ nữ ra quá nhiều... Ngoài ra, cây có dáng đẹp nên một số gia đình ở Đà Lạt đã đưa về trồng vừa là cây cảnh vừa làm thuốc.
Cây được trồng làm cảnh ở nhiều nước và cả ở Việt Nam, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có trồng. Do trồng trọt mà người ta tạo ra những giống trồng có hoa màu hồng tới màu mận tía.
Toàn cây cũng được sử dụng làm thuốc. Trong Đông y, nó được xem như có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng, chỉ thống, điều kinh. Trong Tây y, người ta cho nó là chất kháng viêm và chống co thắt, kích thích nội tiết các dịch tiêu hóa (giúp ăn ngon), nó điều hòa và chống co thắt trong chứng rối loạn kinh nguyệt và còn là chất làm tan sưng. Nhưng với liều cao nó gây chóng mặt và đau đầu.
Được dùng chữa: 1. Mệt mỏi toàn thân, ăn uống không biết ngon, trướng bụng, tiêu chảy; 2. Ho, hen suyễn; 3. Kinh nguyệt không thông, hành kinh đau bụng, rối loạn khi mãn kinh; 4. Thấp khớp, thống phong; 5. Sỏi mật và sỏi niệu; 6. Trĩ, sốt liên miên. Liều dùng 4-12g, dạng thuốc hãm hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài trị bạch đới, lậu, trĩ, đau khớp, viêm da, viêm mủ da, mụn nhọt, nứt da, cầm máu các vết thương, rắn cắn, chó cắn…; lấy cây tươi giã đắp.
Tình trạng: Bị tàn phá do quá trình canh tác nương rẫy, cháy rừng. Đôi khi cũng được khai thác làm thuốc (nhổ cả cây), làm mất nguồn gieo giống.
Phân hạng: VU A1c, B1+2b,c,d.
Biện pháp bảo vệ: Thu thập về trồng ở các vườn cây thuốc vùng núi như Hoàng Liên Sơn (Sa Pa), Tam Đảo, Lâm Đồng (Đà Lạt).
Tài liệu dẫn: SĐVN(2007): 110; CCVN, 3: 283; FGI, 3: 590; FRPS, 76 (1): 185; TĐCT: 288.