Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với
LOÀI

Tên Khoa học: Alangium chinense (Lour.) Harms
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Thôi ba; Thôi chanh; lăng quăng; quăng trung quốc
Tên khác: Stylidium chinense Lour.;

MÔ TẢ CHUNG

Cây nhỡ cao 4 - 5m hay cây gỗ rụng lá. Lá dạng màng, hình mắt chim - nhọn, gần hình tim ở gốc, có khi có góc dạng thùy ở đầu hoặc xoan - ngọn giáo, gốc cụt, thường không cân đối, có khi có lông sét mềm, có khi có điểm tuyến hay gần như nhẵn, rất thay đổi về kích thước và hình dạng, dài 10 - 20cm.

Hoa thành xim lưỡng phân, ở nách lá, với 8 - 12 hoa có cuống dài bằng hoặc vượt quá cuống lá.

Quả hạch dạng bầu dục, hay gần hình cầu, màu nâu đen, ít nạc, có thể dài tới 30mm; hạch có 2 hạt mà 1 cái thường tiêu biến.

Phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Malaixia, Philippin, Nhật Bản và vùng nhiệt đới châu Phi. Ở Việt Nam, có gặp ở Cao Bằng, Lạng Sơn vào tới Nghệ An.

Thường gặp trong rừng thứ sinh hay ở ven rừng, ven suối hoặc ven các đường đi ở độ cao 300 - 400m trở xuống.

Ra hoa tháng 2 - 3, có quả chín tháng 8 - 9.

Gỗ mềm, dễ gia công nhưng chóng bị mối mọt, thường dùng để xẻ ván làm nhà, đóng đồ thông thường. Lá có thể cho gia súc ăn.

Rễ, thân, lá được dùng làm thuốc. Vỏ rễ thường được dùng chữa đau xương, mỏi gối và làm thuốc trị đòn ngã. Lá dùng trị rắn cắn; còn dùng làm thức ăn cho gia súc. Quả nhỏ, có vị chua, dùng phối hợp với các vị thuốc khác chữa bệnh đau thận.

Ở Trung Quốc, thường dùng rễ chữa: 1. Thấp khớp đau nhức xương, liệt nửa người; 2. Suy tim; 3. Vô cảm và mất cảm giác đau; 4. Đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết. Liều dùng 3 - 10g rễ sắc uống hoặc ngâm rượu. Đồng thời nấu nước để tắm rửa. Không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người già yếu và trạng thái suy nhược.

Lá được dùng trị căng sữa đau buốt. Hoa dùng trị đau đầu phong và ngực bụng trướng đau.

ẢNH

PHÂN LOẠI KHOA HỌC
Giới: Thực vật
Ngành: Magnoliophyta
Lớp: Magnoliopsida
Bộ: Cornales
Họ: Alangiaceae
Chi: Alangium

CHỈ SỐ

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023