Tên Khoa học: Balanophora laxiflora Hemsl.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Nấm đất; Dó đất hoa thưa; cu chó; xà cô; net din; tang dinTên khác:
Đặc điểm nhận dạng: Cỏ mập, sống ký sinh trên rễ, màu nâu đỏ, cao 10-20 cm, không có diệp lục. “Củ” hình trứng, đường kính 2-2,5 cm, bề mặt sần sùi và có mụn hình sao nổi rõ. Thân khí sinh (là cuống cụm hoa) mang 5-10 lá dạng vảy ở phía gốc; phiến lá hình mũi mác, cỡ 2-2,5 x 1-1,5 cm. Hoa đơn tính khác gốc, họp thành cụm hoa dạng bông nạc. Cụm hoa đực hình trụ, gồm những hoa gần như không cuống; bao hoa gồm 6 mảnh, trong đó 2 mảnh giữa (đối diện nhau) lớn hơn và cụt đầu, các mảnh bên hình trái xoan tròn đầu; khối phấn bị ép ngang. Hoa cái hình bầu dục thuôn; không có bao hoa, mọc ở quanh chân của vảy bảo vệ; vảy hình trứng lõm ở đỉnh; 1 vòi nhụy.
Sinh học và sinh thái: Ra hoa tháng 11-12 (và chỉ khi có hoa mới dễ phát hiện). Sinh sản vô tính (bằng cách đẻ nhánh). Mọc rải rác trong rừng (ký sinh trên rễ) cây lá rộng, nơi ẩm, ở độ cao 600-2300 m.
Phân bố:
- Trong nước: Ninh Bình (Cúc Phương), Kon Tum (Ngọc Guga, Ngọc Pan).
- Thế giới: Trung Quốc, Đài Loan, Lào.
Giá trị: Nguồn gen hiếm và độc đáo. Toàn cây sấy khô, ngâm rượu làm thuốc bổ.
Ở Lào, người ta dùng củ để chế một loại nhựa dính dùng bẫy chim. Cây cũng được dùng làm thuốc bổ máu, phục hồi sức khỏe, chữa nhức mỏi chân tay.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây được dùng trị hư lao xuất huyết, đau lưng, lở trĩ.
Tình trạng: Loài có khu phân bố chia cắt, diện tích nơi cư trú không thể vượt quá 500 km2. Số cá thể gặp thường rất ít, bản thân lại bị khai thác lấy nguyên liệu làm thuốc.
Phân hạng: EN B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (V). Không xâm hại, khai thác các cây còn sót lại ở các nơi phân bố. Nghiên cứu thêm về các đặc điểm sinh học, nhằm đưa vào bảo tồn ngoại vi có hiệu quả.
Tài liệu dẫn: SĐVN(2007): 127;CCVN, 2: 172;