Tên Khoa học: Bambusa nutans Wall. ex MunroTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Vầu; Tre vầu; Mạy cướcTên khác:
Bambusa nutans Wall. ex Munro - Tre vầu, Mạy cượp.
Cây nhỡ cao 7 - 10m, không có gai. Thân có đường kính 4 - 8cm; bẹ thân dài 15 - 22cm, có lông rải rác ở lưng; phiến không đầy đủ chiều rộng gấp đôi chiều dài, có tai mang diềm lông dài cong, cái lớn mọc đứng còn tai kia men xuống. Lá hình dải - ngọn giáo, nhọn mũi có cuống ngắn, nhẵn hay có lông ở mặt dưới, ráp ở trên, nhám ở mép; gân giữa yếu; gân bên 7 - 9 đôi; bẹ có khía, lúc non có lông mềm rồi nhẵn, có tai có lông mi dài; lưỡi dài, tù, có lông.
Cụm hoa nhỏ, nghiêng; trục không lông. Bông chét thành vòng dày đặc, các bông sinh sản cao 1,5 - 2,5mm, có 3 - 5 hoa lưỡng tính; mày 2 - 3, nhẵn. Hoa lưỡng tính có mày hoa 1 nhọn dài; mày hoa 2 ngắn hơn, xoan, có 2 lườn, mang lông trắng; vẩy bao hoa 3, rộng, tù, gần bằng nhau, xẻ tua. Nhị 6, bao phấn có mũi. Bầu có cuống, hình trái xoan ngược; vòi nhụy ngắn; đầu nhụy 2 - 3. Quả thóc thuôn.
Loài của Ấn Độ và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc nhiều tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Hà Tây, Hòa Bình và Quảng Ninh.
Cây mọc ở những vùng có lượng mưa trên 2500mm/năm thường phân bố rải rác; cũng có nơi vầu mọc thành rừng thuần loại, nhưng trên diện tích không quá 10ha.
Vầu cũng thường được trồng. Người ta chọn những đoạn thân dài 50cm, kèm theo một gốc cây có đoạn thân dài 50 - 60cm, mỗi ha cần 50 - 100 gốc. Sau 5 năm thì khai thác chọn.
Vầu được dùng làm nguyên liệu giấy, làm nhà, ống máng, bờ rào, cầu phao nổi qua sông. Măng vầu ăn được, có loại vầu đắng thì phải luộc kỹ để bỏ chất đắng. Thường cây có măng vào tháng 3.