Tên Khoa học: Butea monosperma (Lam.) Taub.Tên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Gièng gièng; Giềng giềng; lâm vố; chan một hộtTên khác: Erythrina monosperma Lam.; Butea frondosa Roxb. ex Willd.;
Cây gỗ cao 8 - 10m, có thân vặn và cành không đều. Lá to, kép lông chim lẻ; lá chét 10 - 20cm, không giống nhau, lá chét cuối hình thoi- mắt chim, các lá chét bên không cân, hình trái xoan hay hình trái xoan ngược, tù, mặt dưới có nhiều lông mềm, dày đặc.
Hoa màu da cam sáng chói, cong, có lông mềm, xếp thành chùy dài. Quả thuôn, tù ở hai đầu, hơi có lông mềm, màu trăng trắng, có vân mạng, mép quả dày. Hạt màu đỏ, hình bầu dục rộng, nhẵn và phẳng.
Loài của Ấn Độ, Xri Lanca, các nước Đông Dương và Inđônêxia. Ở nước ta có gặp tại Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương và Đồng Nai.
Thường gặp ở vùng thấp giữa độ cao 200m và 500m, trong những chỗ trống, các savan. Thích hợp với các vùng khí hậu có mùa mưa và mùa khô phân biệt. Cây ưa sáng mọc trên đất phù sa cổ, đất bồi tụ, đất đỏ bazan đã phong hóa. Tái sinh mạnh bằng hạt dưới tán rừng thưa.
Ra hoa từ tháng 4 cho đến tháng 10.
Gỗ màu đỏ, rắn chắc nhưng không thẳng, nên hiệu suất sử dụng không cao; nếu dùng hầm than thì được loại than chắc có nhiệt lượng cao.
Vỏ cây cho nhựa và gôm màu đỏ, có nhiều tanin. Được sử dụng làm cây chủ thả cánh kiến tốt, cho nhựa cánh kiến đỏ tự nhiên có chiều dài, độ dày và màu đỏ tươi hơn hẳn cánh kiến ở một số cây chủ khác.
Ở Ấn Độ, gôm nhựa của cây được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ; vỏ cây và hạt dùng trị rắn cắn; hạt dùng thay thế santonin làm thuốc trị giun. Ở Vân Nam (Trung Quốc) hạt cũng được dùng làm thuốc khu trùng để trục giun đũa, sán xơ mít và trị trẻ em cam tích. Còn ở Campuchia nhựa cây cũng được dùng trị ỉa chảy và dùng phối hợp với dầu mè làm thuốc đắp các vết thương và vết loét.