Tên Khoa học: CampanulaceaeTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Hoa chuông, Cát kiếnTên khác:
Campanulaceae - Họ Hoa chuông:
Thường là cây thảo, có nhựa mủ trắng, đôi khi dạng leo. Lá đơn nguyên, mọc đối, có khi mọc cách, không có lá kèm.
Cụm hoa luôn luôn có hoa ở đỉnh. Hoa thường đều, lưỡng tính, mẫu 5 (K5C5A5). Cánh hoa dính thành hình chuông. Tràng hình chuông với các thùy xếp van. Nhị rời loe ở dưới, xen kẽ với các thùy tràng, đính ở gốc tràng hay đính trên triền. Bao phấn dính nhau thành ống nhưng khi hoa nở thì rời nhau. Lá noãn 5-2, hợp thành bầu hạ (ít khi bầu trung) 2-10 ô. Noãn nhiều, đính noãn trụ giữa.
Quả nang, đôi khi dạng quả mọng, còn các thùy đài tồn tại. Hạt có nội nhũ nạc.
Thế giới có 40 chi và 800 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Ôn đới, nhất là miền núi châu Âu, ít có ở vùng hàn đới.
Ở Việt Nam có 6 chi và trên 10 loài.
Phân loại: Trên cơ sở hình thái bầu và quả, họ này được chia làm 3 phân tông nhưng nó không đại diện cho các con đường tiến hóa. Campanulinae: Bầu dưới và quả nang mở bên (Campanula, Adenophora). Wahlenberginae: Bầu dưới hay trung đến bầu trên, quả nang mở ở đỉnh (Wahlenbergia, Campanumoea, Codonopsis...). Platycodimae: bầu dưới đến bầu trung, quả nang mở. Các họ Cyphiaceae, Lobeliaceae, Pentaphragmataceae và Sphenocleaceae thường được coi thuộc về họ Campanulaceae, nay chúng được tách thành các họ riêng biệt. Rất có thể họ Campanulaceae là gốc và từ đó cho ra họ Cúc.
Giá trị kinh tế: Nhiều loài dùng làm cảnh và làm thuốc (Codonopsis javanica, Platicodon grandiflorum).