Tên Khoa học: DipterocarpaceaeTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Dầu (Quả hai cánh)Tên khác:
Dipterocarpaceae Blume 1825
Cây gỗ to, thẳng, đa số rụng lá. Lá đơn nguyên, dày hay dai, mọc cách, có lá kèm bọc lá búp ngọn và sớm rụng, gân bên song song chếch từ giữa ra mép, lồi rõ ở mặt dưới.
Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, bầu trên 3 ô, các lá đài phát triển mạnh thành cánh.
Quả có 2 - 5 cánh do đài phát triển
Thế giới có 22 chi, 400 loài, phân bố ở Nhiệt đới châu Á và châu Phi, chủ yếu ở rừng mưa.
Việt Nam có 6 chi, 45 loài.
Phân loại: Hai phân họ Monotoideae (châu Phi), Dipterocarpoideae (châu Á). Một số loài mới phát hiện ở núi cao châu Mỹ. Họ này có quan hệ với Chè (Theaceae), Bứa (Clusiaceae) và Mai vàng (Ochnaceae).
Giá trị kinh tế: Lấy gỗ, lấy nhựa dầu như Dầu tra beng, làm bóng mát... (Dipterocarpus, Hopea, Shorea...).
Họ Dầu một số tài liệu tiếng việt gọi là Họ Hai cánh có danh pháp khoa học là Dipterocarpaceae là một họ của 17 chi và khoảng 580-680 loài cây thân gỗ chủ yếu ở các rừng mưa nhiệt đới vùng đất thấp với quả có hai cánh. Tên gọi khoa học của họ xuất phát từ chi điển hình là Dipterocarpus, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (di = hai, pteron = cánh và karpos = quả, nghĩa là quả có hai cánh). Các chi lớn nhất là Shorea (196-360 loài), Hopea (105 loài), Dipterocarpus (70 loài) và Vatica (60-65 loài)[7]. Nhiều loài là các loại cây nổi bật trong các cánh rừng, thông thường có thể cao tới 40–70 m, đôi khi cao trên 80 m (trong các chi Dryobalanops, Hopea và Shorea), với cây còn sống cao nhất (Shorea faguetiana) đạt tới 88,3 a. Các loài trong họ này có tầm quan trọng lớn trong việc buôn bán gỗ. Chúng phân bổ rộng khắp vùng nhiệt đới, từ miền bắc Nam Mỹ tới châu Phi, Seychelles, Ấn Độ, Đông Dương và Malesia, với sự đa dạng và phổ biến nhất ở miền tây Malesia. Một số loài hiện nay đang bị rơi vào tình trạng nguy cấp do kết quả của việc chặt hạ quá mức cũng như việc buôn lậu gỗ. Chúng cung cấp các loại gỗ có giá trị, tinh dầu thơm, bôm, nhựa mủ cũng như làm gỗ dán.
Về đặc điểm hình thái, họ Dầu gồm các loài cây gỗ rất dễ nhận biết với việc lá thường chất da (dai) và có các gân lá nổi, gần nhau, song song mà không nối với nhau, gân thứ cấp và gân tam cấp hình thang; lông thường tụ lại thành bó hoặc hình sao. Cụm hoa thường sim một ngả rõ rang và hoa nhỏ thường tụ ở đầu cành với một tổng bao xoắn đặc trưng. Quả rất dễ nhận với các cánh (là lá đài tồn) đồng trưởng rõ ràng nhưng thường thì các quả khô có các cánh đó không bằng nhau là phổ biến. Ngoài ra cũng có một vài loại quả khác. Quả phát tán nhờ gió. Khi quả rơi xuống có thể bị động vật ăn và phát tán.
Phân loại
Theo APG III (2009)[7], họ Dầu (Diptercarpaceae) gồm 3 phân họ là:
- Phân họ Monotoideae Gilg. Phân họ này gồm các chi và loài chỉ phân bố chủ yếu ở châu Phi, rải rác ở Madagascar và một vài điểm ở Nam Mỹ (chỉ có ở rừng Amazon trên đất Colombia, chi Pseudomonotes).
- Phân họ Pakaraimaeoideae Maguire, Ashton & de Zeeuw: Phân họ này chỉ có một loài duy nhất là Pakaraimaea roraimae phân bố ở Nam Mỹ, là loài đặc hữu của cao nguyên Guiana.
- Phân họ Dầu (Dipterocarpoideae Burnett): Đây là phân họ lớn nhất với 13 chi và 475 loài, phân bố bao trùm khu vực Seychelles, Sri Lanka, India, Đông Nam Á đến New Guinea và phần lớn của đảo Borneo. Trên đảo này, họ Dầu (Dipterocarpaceae) gồm nhiều loài ưu thế trong khu vực rừng đất thấp. Phí Bắc của đảo Borneo được coi là khu vực giàu có nhất về số loài của họ Dầu (Dipterocaprceae) trên thế giới.
Tiến hóa và phát sinh loài
Nghiên cứu di truyền học gần đây đã phát hiện thấy các chi châu Á của họ này chia sẻ cùng một tổ tiên chung với họ Sarcolaenaceae, một họ thực vật đặc hữu của Madagascar (theo M. Ducousso và cộng sự, 2004)[10]. Điều này giả thiết rằng tổ tiên của họ Dipterocarpaceae có nguồn gốc ở miền nam đại lục Gondwana từ 135 triệu năm trước và tổ tiên chung của các loài họ Dầu ở châu Á cũng như Sarcolaenaceae đã được tìm thấy trên khu vực rộng lớn Ấn Độ-Madagascar-Seychelles hàng triệu năm trước và chúng được di chuyển tới phía bắc cùng Ấn Độ, là tiểu lục địa sau đó đã va chạm với châu Á và điều này đã làm cho các loài cây họ Dầu phát tán rộng khắp vùng đông nam châu Á và Malesia. Các gỗ hóa thạch được xác định là cây họ Dầu được tìm thấy ỏ Đông Phi và cũng tìm thấy ở bán đảo Somali hay Horn of Africa (theo Ashton 1982), không có loài nào thuộc phân họ Dipterocarpoideae có mặt ở lục địa này. Các hóa thạch hổ phách trong nhựa dầu cũng không chỉ ra bất kỳ sự tương đồng nào với lục địa châu Phi. Hóa thạch hạt phấn đầu tiên của Dầu được tìm thấy ở Myanmar (lúc đó là một phần của lục địa Ấn Độ) vào hậu Oligocene (Tiệm tân muộn). Ví dụ cho thấy sự đa dạng và ưu thế của chúng từ từ tăng lên trên toàn vùng cho đến kỷ Miocence trung. Những bằng chứng về hóa học của họ dầu như nhựa resin đã tìm thấy ở Ấn Độ vào Eocene (Thủy tân), khoảng 50-52 triệu năm trước. Nhựa resia cũng được tìm thấy ở Đông Nam Á và phía tây Malisia vào cuối Đại Tân Sinh. Điều này có thể chỉ ra rằng tổ tiên sớm nhất của họ này phân bố ở Ấn Độ và sau đó di cư xuống Đông Nam Á - Malesia.
Đặc điểm sinh thái
Các loài họ Dầu (Diptercarpaceae) có thể tồn tại cả ở rừng thường xanh hoặc rừng rụng lá. Ở Thái Lan, gặp các loài phân bố trên độ cao 1300m so với mặt nước biển, môi trường sống của chúng ở Thái Lan bao gồm cả rừng dầu trên đất thấp (0-350m so với mặt nước biển), rừng ven suối, các đồi trên đá vôi và các khu vực đồi duyên hải.
Tại Sri Lanka, 4 loài của chi Stemonoporus được ghi nhận là những loài ưu thế ở rừng trên núi - một trong những sinh cảnh không phổ biến của họ này, chúng chiếm 33-74% thiết diện gốc. Chi Mototes ở châu Phí cũng được mô tả là đặc ưu thế địa phương từ rừng trên đất thấp cho đến các sinh cảnh sa-van phổ biến.
Ở Tây Malesia, Shorea là chi đa dạng nhất. Ở đây, rừng với các loài Dryobalanops aromatica hay Shorea albida là dạng rừng đơn ưu. Rừng Lambir ở Sarawak, họ Dầu (Dipterocarpaceae) chỉ chiếm 7,4% số loài nhưng chiếm đến 41,6% về thiết diện gốc, riêng Shorea chiếm 21%, Dryobalanops aromatica và Dipterocarpus globosus chiếm 13,2%, hai loài này đều sống được trên đất mùn ẩm, cùng với các loài khác, chúng là 2 trong số 10 loài quan trọng nhất tính theo thiết diện gốc.
Giá trị kinh tế
Các loài họ Dầu (Diptercarpaceae) là những loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao bởi than thẳng, gỗ tốt và chiếm lĩnh các sinh cảnh tốt. Khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, chúng chiếm đến 25% thị phần thương mại gỗ cứng của thế giới, trong đó hơn 80% là Shorea. Bên cạnh đó, các chất nhựa cũng có giá trị quan trọng được thu lượm, chiết xuất từ các loài thuộc phân họ Dầu (Dipterocarpoideae) như resin, oleoresin, lac hoặc chiết xuất các chất béo có bơ từ quả.
Họ Dầu (Dipterocarpaceae) ở Việt Nam
Theo Danh lục các loài thực vật ở Việt Nam (tập II, 2003)[16], họ Dầu (Dipterocarpaceae) gồm 6 chi, 42 loài và 3 phân loài, trong đó: chi Vên vên (Anisoptera) có 2 loài; chi Dầu (Dipterocarpus) có 11 loài và 2 phân loài; chi Kiền kiền (Hopea) có 11 loài; chi Chò chỉ (Parashorea) có 2 loài; chi Sến mủ (Shorea) có 8 loài; chi Táu (Vatica) có 8 loài và 1 phân loài.Theo Nguyen Hoang Nghia (2005), Việt Nam có 42 loài và 1 phân loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), trong đó: chi Vên vên (Anisoptera) có 1 loài, tất cả các loài Vên vên trong danh lục thực vật Việt Nam gộp hết thành 1 loài là Vên vên (A.costata); chi Dầu (Dipterocarpus) có 12 loài,bổ sung loài Dầu cát (D. condorensis) so với Danh lục thực vật Việt Nam; chi Kiền kiền (Hopea) có 11 loài trong đó không nhắc đến loài Sao xanh (H. helferi) như trong Danh lục thực vật Việt Nam và bổ sung thêm một loài chưa định danh chính xác là Sao đá (Hopea sp.); chi Chò chỉ (Parashorea) có 2 loài; chi Sến mủ (Shorea) có 8 loài và chi Táu (Vatica) có 8 loài với 1 phân loài. Theo tác giả, các loài Sao đá (Hopea sp.), Dầu cát (D. condorensis) được ghi nhận thực sự tồn tại ở Việt Nam trong khi các loài khác là Sao xanh (H. helferi), Kiền kiền nhẵn (A. scaphula) không chắc chắn tồn tại ở Việt Nam.
Về tình trạng bảo tồn, có 23 loài được ghi nhận mức bị đe dọa theo IUCN (2001), trong đó 2 loài rất nguy cấp (CR) có 3 loài nguy cấp (EN) và 18 loài sẽ nguy cấp (VU). Theo Sách đỏ Việt Nam (2007), có 11 loài được xếp hạng đe dọa, trong đó có 1 loài rất nguy cấp (CR), 5 loài nguy cấp (EN) và 5 loài sẽ nguy cấp (VU).
Về sự phân bố, theo Nguyen Hoang Nghia (2005), các loài họ Dầu (Dipterocarpaceae) phân bố trong các sinh cảnh rừng khô cây họ dầu, rừng mưa mùa thường xanh hoặc nửa rụng lá, rừng kín mưa mùa thường xanh ẩm.
Các loài cây họ Dầu do có giá trị sử dụng về gỗ nên một số loài được nhân trồng như Dầu rái (D. alatus), Sao đen (Hopea odorata).