Tên Khoa học: Fagus longipetiolata SeemenTên tiếng Anh: Tên tiếng Việt: Sồi cánh; Cử cuống dài; cử sa paTên khác: Fagus brevipetiolata Hu; F. longipetiolata form. yunnanica Y.T. Chang; Fagus sinensis Oliv.;
Đặc điểm nhận dạng: Cây gỗ trung bình đến to, cao 20-25 m, đường kính 40-50 cm, rụng lá trong mùa khô. Lá hình trứng hoặc hình trứng mũi mác, cỡ (6)10-15 x (3)4-6 cm, khi non mặt dưới hơi có lông, chóp lá nhọn hay có mũi, gốc lá hình nêm rộng hoặc gần tròn; mép có răng cưa chủ yếu ở nửa phía ngọn; gân bên 9-14 đôi, song song và tận mép; cuống lá dài 2-2,5 cm. Cụm hoa gồm những xim hai ngả, 1-nhiều hoa; các xim mọc riêng lẻ ở kẽ lá và không xếp thành đuôi sóc. Hoa đực họp thành cụm hình đầu, 2-20 hoa, có cuống dài, mọc rủ xuống, không có nhụy lép; nhị 5-6(9); bao phấn đính gốc, trung đới không nhọn đầu. Xim cái gồm 2 hoa (do hoa giữa thoái hoá), được bọc trong một đấu có cuống dài 2-7 cm; hoa cái mẫu 3(6), bao hoa khá phát triển, có 5-6 nhị lép; bầu 3(6) ô; vòi nhụy 3-6, hình nón hay hình trụ; núm nhụy ở đỉnh, hình đầu. Đấu có gai mềm, cao 2-3 cm, chứa 2 hạch, khi chín mở bằng van thành 4 mảnh. Hạch (hạt) hình 3 cạnh, có 3 gờ nhỏ dạng cánh, có lông màu nâu vàng.
Sinh học và sinh thái: Mọc rải rác trong rừng rậm cận nhiệt đới, ở độ cao 1000-2000 m.
Phân bố:
- Trong nước: Sơn La (Mộc Châu), Lào Cai (Sa Pa).
- Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, ...).
Giá trị: Gỗ dùng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng, làm nhạc cụ. Hạt ăn được
Tình trạng: Là loài duy nhất thuộc chi Fagus ở Việt Nam, mới chỉ gặp ở 2 điểm Mộc Châu (Sơn La) và Sa Pa (Lào Cai), trong đó điểm cư trú ở Mộc Châu đã bị xâm hại nặng do rừng bị chặt phá. Bản thân loài cũng bị khai thác lấy gỗ.
Phân hạng: EN B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ: Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (R). Tuyệt đối không chặt đốn những cây trưởng thành còn sót lại trong Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).
Tài liệu dẫn: CCTT, 2: 118; CCVN, 2: 763; CGKT: 341; SĐVN: 135; VFT: 268; WLTT: 225.