Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy trình đất trống đồi núi trọc bằng khoanh nuôi phục hồi rừng tại Thái Nguyên - Bắc Kạn

Cập nhật ngày 30/10/2009 lúc 3:04:00 PM. Số lượt đọc: 1128.

Phủ xanh để bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có đất trống đồi núi trọc (ĐTĐNT)

Có 3 giải pháp chính để phủ xanh ĐTĐNT: (i) phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng, (ii) phủ xanh bằng trồng rừng và cây công nghiệp, (iii) phủ xanh bằng các mô hình nông lâm kết hợp. Trong đó, phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng đang là giải pháp quan trọng để tăng nhanh độ che phủ rừng của nước ta. Để thực hiện giải pháp này, năm 1998 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Qui phạm xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung các loài cây mục đích (QPN 21-98). Đây là tài liệu quan trọng nhằm hướng dẫn việc thực hiện công tác phục hồi rừng bằng khoanh nuôi.
Tuy nhiên, những điều khoản trong qui phạm mới chỉ là những nguyên tắc chung nên khi thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, trong đó đáng chú ý là hệ thống các biện pháp kỹ thuật và qui trình thực hiện. Mặt khác, mục tiêu của phủ xanh ĐTĐNT không chỉ đơn thuần là tăng diện tích rừng mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Điều đó cho thấy cần xây dựng một qui trình thực hiện phù hợp thì mới mang lại hiệu quả. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày một số kết quả nghiên cứu làm cơ sở cho việc xây dựng qui trình thực hiện việc phủ xanh ĐTĐNT bằng khoanh nuôi phục hồi rừng tại Thái Nguyên - Bắc Kạn.

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập số liệu ngoài thực địa được thực hiện theo phương pháp điều tra tuyến và ô tiêu chuẩn. Thu thập các số liệu về điều kiện kinh tế - xã hội thông qua các tài liệu có liên quan tại các cơ quan chức năng ở địa phương, kết hợp điều tra phỏng vấn các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn và người dân theo phương pháp điều tra có sự tham gia của người dân. Đánh giá hiệu quả kinh tế bằng các chỉ số về đầu tư, thu nhập, lợi nhuận hay lãi suất. Xác định tiêu chí cho việc xây dựng qui trình dựa trên cơ sở các số liệu nghiên cứu về hiện trạng, tiềm năng, hiệu quả của công tác phủ xanh ĐTĐNT, các điều kiện về kinh tế - xã hội.

Kết quả nghiên cứu

1. Phân loại và đánh giá tiềm năng ĐTĐNT

Theo số liệu thống kê năm 2005, tỷ lệ ĐTĐN qui hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên là 14,25%, tỉnh Bắc Kạn là 35,67%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi năm 2007 cho thấy tổng số ĐTĐNT của hai tỉnh là 273,557,90 ha, trong đó Thái Nguyên có 193.002,46ha, chiếm 22,82%; Bắc Kạn có 193.002,46ha, chiếm 39,50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Như vậy, tỷ lệ ĐTĐNT của cả hai tỉnh đều cao hơn so với số liệu thống kê năm 2005 như đã nêu trên.

Bảng 1. Độ che phủ rừng và tỷ lệ đất trống trọc tại Thái Nguyên - Bắc Kạn

Địa phương

Diện tích

tự nhiên

(ha)

Độ che phủ rừng

Đất trống đồi trọc

chưa sử dụng

Diện tích (ha)

Độ che phủ (%)

Diện tích (ha)

(%)

Tỉnh Bắc Kạn

Toàn tỉnh

485.721

261.304,5

53,0

173.298,9

35,67

Pắc Nậm

47.364

12.354,7

25,9

31.853,4

67,25

Ngân Sơn

64.437

18.405,4

28,0

38.932,2

60,41

Na Rỳ

86.450

46.475,9

53,0

30.359,5

35,11

Ba Bể

67.809

37.527,6

54,3

23.723,8

34,98

Tx Bắc Kạn

13.195

7.632,7

57,0

3.941,2

29,86

Chợ Đồn

91.293

61.911,8

67,5

24.876,9

27,24

Chợ Mới

60.611

37.533,9

60,6

11.283,0

18,61

Bạch Thông

54.562

39.462,5

71,1

8.328,9

15,26

Tỉnh Thái Nguyên

Toàn tỉnh

354.110

155.335,6

43,8

50.480,7

14,25

Định Hoá

52.074,4

23.347,6

44,8

12.203,2

23,43

Võ Nhai

84.511,6

54.287,8

64,2

16.178,7

19,14

Phú Lương

36.881,5

12.898,4

35,0

6.809,0

18,46

Đồng Hỷ

46.177,4

21.545,6

46,7

6.849,8

14,83

Đại Từ

57.789,7

26.380,2

45,6

6.496,1

11,24

Phổ Yên

25.667,7

6.910,7

26,7

779,6

3,03

Tp. Thái Nguyên

17.707,5

2.468,8

13,9

541,2

3,05

Phú Bình

24.936,2

5.789,5

22,4

489,8

1,96

Sông Công

8.364,0

1.707,0

20,3

133,5

1,59

Nguồn: Diện tích rừng và đất rừng chưa sử dụng qui hoạch cho lâm nghiệp năm 2004.

Trong thống kê lâm nghiệp người ta đã xếp tất cả các trạng thái Ia (cỏ, lau lách), Ib (cây bụi, gỗ, tre rải rác), Ic (nhiều cây gỗ tái sinh), núi đá không cây, các bãi cát, bãi lầy, đất bị xâm hại vào nhóm ĐTĐNT. Cách phân chia này chủ yếu dựa vào cấu trúc ngoại mạo và phục vụ cho mục đích kinh doanh rừng là chính, nó không thể hiện đầy đủ các đặc trưng sinh thái học và động lực phát triển của thảm thực vật. Vì vậy, chúng tôi sử dụng cách phân loại của Trần Đình Lý (2006) để phân loại ĐTĐNT tại hai tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên - Bắc Kạn có 3 nhóm như sau:

Nhóm I: gồm những ĐTĐNT được hình thành do quá trình khai thác hoặc do chặt đốt rừng để lấy đất canh tác sau 2-3 vụ (đôi khi hơn) rồi bỏ hoang. Phân bố chủ yếu ở các huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình, Định Hoá, Phú Lương và Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Mới, Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Pắc Nậm (tỉnh Bắc Kạn). Độ dốc trung bình 15-200, tầng đất mặt trên 50cm; đất tơi, xốp, mát ẩm. Đất còn nhiều tiềm năng cho phục hồi rừng tự nhiên, trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp và cây ăn quả. Kết quả điều tra của chúng tôi tại một số điểm nghiên cứu tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho thấy sau 8-10 năm phục hồi, thảm thực vật có thành phần loài khá phong phú với mật độ cây mục đích đạt trên 500 cây/ha. Do đó biện pháp phủ xanh tốt nhất là khoanh nuôi có tác động bằng việc áp dụng các giải pháp lâm sinh xúc tiến tái sinh, trồng dặm cây mục đích; không nên chặt đốt để trồng rừng, những nơi có điều kiện kinh tế, nên dành những diện tích thích hợp để phát triển các mô hình khác như vườn rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả hay làm trang trại theo các mô hình nông lâm kết hợp.

Nhóm II: Là đất được hình thành do chặt, đốt rừng để lấy đất canh tác, quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không có biện pháp bảo vệ nên đất bị bào mòn rửa trôi và thoái hoá. Nhóm đất này phân bố ở hầu hết các địa phương, nhưng nhiều nhất là các huyện Đại Từ, Định Hoá, Võ Nhai và Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), Na Rì, Pắc Nậm, Ngân Sơn, Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Đất có độ dày tầng mặt dưới 50cm; đất cứng, có nhiều đá lẫn, độ ẩm từ hơi khô đến khô. Thảm thực vật phục hồi chủ yếu là cây bụi chịu hạn, cây mục đích <500 cây/ha. So với nhóm ĐTĐNT loại I, tiềm năng phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên ở đây thấp hơn. Vì vậy, ở vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn nên áp dụng giải pháp khoanh nuôi phục hồi tự nhiên; những nơi gần khu dân cư, có điều kiện kinh tế nên áp dụng giải pháp khoanh nuôi phục hồi có tác động.

Nhóm III: Nhóm này gồm các loại đồi núi trọc trơ sỏi đá mà lớp đất mặt còn rất mỏng (<30cm). Thường gặp ở những núi đá bị tác động mạnh lặp đi lặp lại hoặc ở những đồi đất có độ dốc cao nhưng do khai thác hay chặt đốt rừng làm nương rẫy càn đi quét lại nhiều lần mà không có biện pháp bảo vệ đất. Nơi điển hình có nhóm ĐTĐNT này là các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên), Ngân Sơn, Na Rì (Bắc Kạn). Tiềm năng phục hồi rừng tự nhiên gần như đã bị triệt tiêu. Để phủ xanh, trước hết phải trồng cây cải tạo đất (cây họ Đậu), sau đó mới trồng các loại cây mục đích khác.

2. Hiệu quả của công tác khoanh nuôi phục hồi rừng

Khoanh nuôi phục hồi rừng là một giải pháp đã được thực hiện từ những năm 1990 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách đầy đủ về hiệu quả - kinh tế của phương thức này. Các nghiên cứu đã thực hiện chủ yếu tập trung vào việc đánh giá khả năng phòng hộ và giá trị bảo tồn nguồn gen của rừng được phục hồi. Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy hiệu quả kinh tế của phương thức phục hồi rừng bằng khoanh nuôi tại Thái Nguyên - Bắc Kạn là rất thấp. Nguyên nhân chính là do sinh trưởng của cây bản địa thấp, chỉ đạt trung bình 1,0-1,5cm/năm về đường kính, 1,0-1,5m/năm về chiều cao, năng suất 2-3m3/ha/năm. Vì vậy, nếu chỉ khoanh nuôi không tác động thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Có thể đưa ra một ví dụ qua các số liệu trình bày trong bảng 2. Số liệu bảng 2 cho thấy sau 17 năm, tổng thu nhập của 1ha rừng khoanh nuôi không tác động chỉ đạt 6,8 triệu đồng, trừ chi phí 2,85 triệu đồng, còn lãi 3,95 triệu đồng, tương ứng 0,23 triệu đồng/ha/năm.

So với khoanh nuôi không tác động, khoanh nuôi có tác động đã mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, so với trồng rừng thì thu nhập vẫn thấp hơn rất nhiều. Điều đó được thể hiện qua số liệu điều tra được trên một mô hình khoanh nuôi phục hồi rừng kết hợp trồng bổ sung cây Trám tại hai xã Yên Đỗ và Yên Ninh thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1996-1997. Theo phương thức này, cây Trám được xác định vừa là cây kinh tế (cho quả, gỗ) vừa là thành phần chính nhằm mục đích phủ xanh ĐTĐNT để phòng hộ và bảo vệ môi trường. Do cây trồng sinh trưởng chậm, nên mô hình thực hiện còn đang trong giai đoạn nuôi dưỡng. Tuy nhiên, qua số liệu khai thác tỉa thưa trong quá trình chăm sóc có thể cho phép đánh giá một cách tương đối hiệu quả của mô hình. Theo đó, chúng tôi đã điều tra tại xã Yên Đỗ, huyện Phú Lương, kết quả cho thấy sau 10 năm mô hình đã cho 13,5 triệu đồng tiền thu hoạch cây gỗ tự nhiên, tương ứng 1,35 triệu đồng/năm; số cây trồng (Trám) sống 850 cây/ha với chiều cao và đường kính trung bình là 3,5m và 5,0cm.

Bảng 2. Mức đầu tư và thu nhập trên 1ha rừng khoanh nuôi không tác động

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá (1000đ)

Thành tiền (triệu đồng)

1. Chi phí

 

 

 

2,85

- Công bảo vệ (17 năm)

ha

1

50

0,85

- Thu hoạch (chặt trắng)

công

50

40

2,00

2. Thu nhập

 

 

 

6,80

- Gỗ

m3

23

250

5,75

- Lâm sản khác

 

 

 

0,45

 + Nứa

cây

600

0,5

0,30

 + Măng

kg

100

3000

0,30

3. Lãi

 

 

 

3,95

Nguồn: Lê Đồng Tấn, 2007.

Về hiệu quả môi trường, rừng phục hồi trên cả 2 đối tượng đều đáp ứng được tiêu chí phòng hộ. Mật độ cây mục đích đều đạt 800-900 cây/ha; chiều cao và đường kính trung bình của cây tái sinh tự nhiên đạt 8-10m và 8-10cm, của cây mục đích (Trám) đạt 3,5 m và 5,0 cm; độ tàn che của thảm thực vật 0,6-0,7; môi trường rừng đã được cải thiện, các cây ưa bóng, ưa ẩm đã xuất hiện trở lại. Đáng chú ý, những kết quả nghiên cứu là trên được thực hiện trên ĐTĐNT thuộc nhóm I. Đối với nhóm II và III thì sau 10 năm, thảm thực vật phục hồi thường chỉ có tác dụng phủ xanh tuỳ theo mức độ đã được phục hồi. Giá trị kinh tế chỉ có thể là những vật liệu làm dụng cụ gia đình hay củi đun; một số nơi thảm thực vật có giá trị như là đồng cỏ chăn thả nhưng hiệu quả cũng không cao như các đồng cỏ ở huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn.

3. Xác định tiêu chí xây dựng qui trình phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng

Đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng: Đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng là đất lâm nghiệp không còn rừng hoặc chưa có rừng, nhưng phải có một trong các điều kiện sau:

- Đất rừng bị khai thác kiệt nhưng còn nguồn gieo giống của cây gỗ (bằng hạt hay bằng chồi).

- Đất rừng bị chặt phá, đốt nương làm rẫy sau một thời gian ngắn, đất chưa biến đổi nhiều, còn nhiều nguồn gieo giống.

- Đất thảm cây bụi xen cây gỗ, có tầng mặt trên 30cm trở lên.

- Đất thảm cỏ, có tầng mặt từ 30cm trở lên, còn có cây gỗ tái sinh hoặc có nguồn gieo giống của cây gỗ.

Thời gian và yêu cầu chất lượng của rừng sau khoanh nuôi:

Thời gian khoanh nuôi là 5-8 năm đối với mục đích tạo rừng phòng hộ, lấp khoảng trống trong rừng đặc dụng; 8-10 năm đối với mục đích tạo rừng sản xuất. Kết thúc thời kỳ khoanh nuôi rừng non phải được hình thành có ít nhất 500 cây mục đích trên 1ha và phân bố tương đối đồng đều trong lâm phần; cây gỗ có chiều cao 3-5m, độ tàn che của cây gỗ 0,3. Đối với rừng phòng hộ, độ tàn che phải đạt 0,6; đối với rừng sản xuất phải gồm những cây có giá trị hàng hoá hoặc giá trị sử dụng cao, năng suất đạt 2-3m3/ha/năm đối với rừng khoanh nuôi không thực hiện các biện pháp lâm sinh xúc tiến tái sinh làm giàu rừng và 4-6m3/ha/năm đối với rừng khoanh nuôi có thực hiện các biện pháp lâm sinh xúc tiến tái sinh làm giàu rừng. Rừng tre nứa phải có độ tàn che chung là 0,5.

Mức độ tác động trong khoanh nuôi phục hồi rừng:

Tuỳ theo tình trạng thổ nhưỡng, tình trạng thảm thực vật, địa hình, địa mạo và khả năng kinh phí cho phép mà thực hiện ở hai mức độ tác động sau đây:

- Mức độ thấp: Không thực hiện biện pháp làm giàu, nuôi dưỡng và xúc tiến tái sinh. Mức độ tác động này áp dụng trong điều kiện kinh phí ít, khả năng đầu tư không quả 31 công/ha/năm cho năm thứ nhất đến năm thứ 2 và 21-22 công/ha/năm cho các năm sau.

- Mức độ cao: Có thực hiện một số biện pháp làm giàu rừng, nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh. Mức độ tác động này áp dụng trong điều kiện kinh phí cho phép đầu tư mỗi ha 60-70 công cho năm đầu, 38-40 công cho năm thứ 2 và 30 công cho các năm tiếp theo.

Biện pháp kỹ thuật:

- Chăm sóc cây tái sinh: Phát dọn dây leo bụi rậm chèn ép cây mục đích 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Công việc thực hiện cho đến khi cây con vượt khỏi sự ức chế của tầng cây bụi, thảm tươi và dây leo (thường 3 năm). Vun xới cây con 1-2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Vun gốc xong phải phủ gốc bằng rác, cỏ hay cây bụi để chống xói mòn đất. Đối với rừng sản xuất cần bón phân hỗ trợ cho cây phát triển trong 1-2 năm đầu.

- Đối với cây tái sinh bằng chồi phải tiến hành tỉa chồi. Công việc thực hiện trong 2-3 năm đầu, Lần tỉa thưa thứ nhất khi chồi đạt 30-50cm. Lần thứ 2 khi chồi cao 1-1,5m. Ưu tiên để lại chồi to khoẻ không sâu bệnh. Nếu mục đích tạo thành rừng sản xuất thì số chồi để lại 1-2 chồi. Nếu mục đích tạo thành rừng phòng hộ thì số chồi để lại có thể nhiều hơn 2 nhưng không quá 5 chồi.

- Tra dặm và xúc tiến tái sinh: Những nơi cây tái sinh mục đích không đủ số lượng 500 cây/ha thì phải tiến hành trồng dặm cho đủ 500 cây/ha. Thời gian trồng dặm vào đầu mùa mưa và thực hiện trong hai năm đầu. Phương thức trồng dặm là xử lý đất cục bộ theo hố, kích thước hố 30x30x30cm hoặc 40x30x30cm tuỳ theo loại đất. Trong trường hợp địa hình bằng phẳng không có cây tái sinh mọc thành đám áp dụng phương thức trồng theo băng. Sau khi trồng phải thực hiện biện pháp che phủ, chống xói mòn. Cây trồng phải đạt tiêu chuẩn cây trồng rừng. Chăm sóc cây trồng như rừng trồng.

Tuỳ theo mục đích khoanh nuôi mà có giải pháp thích hợp. Cụ thể như sau:

+ Khoanh nuôi phục hồi rừng phòng hộ: Rừng phòng hộ phải có kết cấu hỗn loài, nhiều tầng, có độ tàn che ít nhất 0,6. Có 2 mức độ mức độ tác động: (i) Không thực hiện các biện pháp làm giàu nuôi dưỡng và xúc tiến tái sinh thực hiện ở nơi có điều kiện sản xuất không thuận lợi, giao thông khó khăn, xa dân (từ 7km trở lên), kinh phí đầu tư ít; (ii) Có thực hiện các biện pháp làm giàu, nuôi dưỡng và xúc tiến tái sinh thực hiện ở nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi, giao thông ít khó khăn, gần dân (dưới 7km), đủ kinh phí đầu tư.

+ Khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất: Rừng sản xuất phải gồm những cây có giá trị hàng hoá hoặc giá trị sử dụng cao. Sau thời gian khoanh nuôi phải đạt năng suất theo trữ lượng cây đứng từ 2-3m3/ha/năm đến 4-6m3/ha/năm tuỳ theo có thực hiện hay không thực hiện biện pháp lâm sinh xúc tiến tái sinh. Giải pháp khoanh nuôi không thực hiện giải pháp lâm sinh xúc tiến tái sinh làm giàu rừng ở nơi có điều kiện sản xuất không thuận lợi, giao thông khó khăn, xa dân (trên 7km), kinh phí đầu tư ít (30 công/ha cho năm đầu và 21 công cho các năm tiếp theo). Giải pháp khoanh nuôi có thực hiện giải pháp lâm sinh làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh thực hiện ở nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi, giao thông ít khó khăn, gần dân (dưới 7km). Đủ kinh phí đầu tư tối thiểu (60-70 công/ha/năm cho năm đầu và 38 công/ha cho năm tiếp theo).

+ Khoanh nuôi lấp lỗ trống trong các khu rừng đặc dụng: Ở đây không đặt ra mục đích tái tạo rừng mà chỉ lấp khoảng trống cần thiết trong các khu rừng đặc dụng để bảo tồn và tăng giá trị của nó. Yêu cầu góp phần bảo tồn và làm tăng tính đa dạng sinh học trong các khu rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng văn hoá, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Không làm thay đổi qui luật tái sinh tự nhiên của các khu bảo tồn thiên nhiên, không đưa cây nhập nội vào các khu này.

Điều kiện kinh tế - xã hội:

Đất khoanh nuôi phục hồi rừng phải có chủ (hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, lâm trường và các đơn vị nhà nước khác...) với những qui định cụ thể về nghĩa vụ quyền lợi của người thực hiện khoanh nuôi theo pháp lệnh hiện hành, kết hợp hài hoà lợi ích của chủ hộ khoanh nuôi với lợi ích Nhà nước. Đất khoanh nuôi phục hồi rừng không có sự tranh chấp với lợi ích khác. Đưa được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vùng núi và trung du, tăng hiệu quả sản xuất và sử dụng đất. Trình độ văn minh, dân số, đời sống của đồng bào được nâng cao. Tập quán canh tác của người dân địa phương được cải tiến, tổ chức lại theo hướng nông lâm kết hợp, hạn chế và đi đến xoá bỏ phương thức du canh du cư, đốt nương làm rẫy. Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng thực hiện nghiêm chỉnh. Có đủ kinh phí cần thiết cho khoanh nuôi.

Kết luận

Thái Nguyên - Bắc Kạn có 3 nhóm ĐTĐNT, trong đó nhóm I và II còn có tiềm năng tái sinh tự nhiên nên có thể thực hiện phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng. Nhóm III do đất đai đã bị suy thoái, tiềm năng tái sinh tự nhiên thấp, quá trình diễn thế phục hồi rừng là lâu dài, không đáp ứng được yêu cầu phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng nên cần phủ xanh bằng giải pháp trồng rừng.

Phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng xây dựng mô hình nông lâm kết hợp mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và bảo vệ môi trường; các giải pháp phủ xanh bằng khoanh nuôi phục hồi rừng đã mang lại hiệu quả tốt trong việc bảo vệ môi trường, nhưng về giá trị kinh tế lại khá thấp so với các mô hình khác, đôi khi không mang lại hiệu quả và dẫn đến lãng phí tài nguyên đất.

Xây dựng qui trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng giải pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tại Thái Nguyên và Bắc Kạn cần thực hiện theo các tiêu chí: đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng, thời gian và chất lượng rừng phục hồi bằng khoanh nuôi, mức độ tác động trong khoanh nuôi phục hồi rừng, biện pháp kỹ thuật và điều kiện kinh tế xã - hội.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2004: Cẩm nang ngành lâm nghiệp - Số liệu môi trường tự nhiên và lâm nghiệp Việt Nam. NXB. Giao thông vận tải, Hà Nội. 104.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 1998: Qui phạm phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (QPN 21-98). NXB. Nông nghiệp, Hà Nội, 1998.
3. Trần Đình Lý, 2006: Hệ sinh thái vùng gò đồi Bắc Trung Bộ. NXB. Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hà Nội.
4. Lê Đồng Tấn, Ma Thị Ngọc Mai, 2006: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 19: 70-73.
5. Lê Đồng Tấn, 2007: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 19: 76-80.

Lê Đồng Tấn
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
Chu Thị Hồng Huyền
Đại học Khoa học, Đai học Thái nguyên

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025