Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Vai trò của yếu tố địa hình trong sự phân hóa thảm thực vạt tự nhiên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tình Lâm Đồng

Cập nhật ngày 30/10/2009 lúc 4:28:00 PM. Số lượt đọc: 3511.

Thảm thực rừng vật nói riêng, các hệ sinh thái rừng nói chung xuất hiện và phát triển thường trải qua quá trình lâu dài và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố tự nhiên. Trong khi đó, sự phân bố vật chất và thiết lập điều kiện khí hậu, thuỷ văn địa phương lại phụ thuộc chặt chẽ vào đặc điểm địa hình

Vì lẽ đó, những hợp phần có tính chất là hệ quả như thổ nhưỡng, thực  vật càng chịu ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố này. Tuỳ theo quy mô khác nhau mà mức độ và ảnh hưởng của địa hình tới thảm thực vật cũng khác nhau. Dù vậy, những yếu tố được coi là quan trọng nhất đối với một vùng lãnh thổ đủ rộng chính là độ cao (quy luật phân hoá đai cao), hướng phơi sườn núi và độ dốc địa hình.

Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học quan trọng của đất nước với các hệ sinh thái đặc trưng của vùng sinh khí hậu á nhiệt đới. Sự phân hoá của yếu tố địa hình theo không gian là nguyên nhân quan trọng dẫn tới những đặc điểm được xem là “nổi trội” về tính đa dạng điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái của khu vực. Từ những kết quả nghiên cứu, bài báo tập trung phân tích có so sánh sự khác biệt của cấu trúc thảm thực vật ở những đơn vị địa hình khác nhau theo quy luật đai cao, hướng phơi sườn núi cũng như độ đốc của địa hình. Đây là cơ sở quan trọng góp phần làm rõ nguyên nhân dẫn đến tính đa dạng và giá trị của các hệ sinh thái, đồng thời xác lập luận cứ khoa học nhằm mục đích bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên đa dạng sinh học được xem là khá đặc sắc của khu vực.

Phương pháp nghiên cứu

+ Phương pháp thực địa: Được áp dụng để thu thập các số liệu về điều kiện tự nhiên, đặc điểm cấu trúc và sự phân hoá của thảm thực vật. Phương pháp này cũng cho phép kiểm tra sự phân hoá không gian của VQG Bidoup - Núi Bà.

+ Phương pháp bản đồ - hệ thông tin địa lý: Được áp dụng để thu thập các thông tin về nền tảng địa chất, địa hình, đất và thảm thực vật khu vực. Các số liệu được cập nhật thông qua các bản đồ dữ liệu đã được số hoá. Sử dụng thiết bị GPS, ảnh viễn thám SPOT để xác định vị trí các điểm chìa khoá cũng như ranh giới của phân hoá địa hình, thảm thực vật.

+ Phương pháp định loại thực vật: Để định tên khoa học các loài thực vật, sử dụng tài liệu của Phạm Hoàng Hộ. Bên cạnh đó còn tham khảo một số tài liệu có liên quan của các tác giả khác.

Kết quả nghiên cứu

1. Đặc điểm cơ bản về tự nhiên VQG Bidoup - Núi Bà

1.1. Vị trí địa lý và cấu trúc không gian

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích 64.800ha nằm gần trọn trong lãnh thổ huyện Lạc Dương và một phần nhỏ thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Phía bắc VQG tiếp giáp huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk, phía đông tiếp giáp huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hoà và huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận, phía tây và phía nam đều tiếp giáp các đơn vị hành chính của tỉnh Lâm Đồng.

Là khu vực có thể gọi là “miền giữa” của một vùng núi rừng rộng lớn, kéo dài từ Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đắk Lắk ở phía bắc qua Bidoup sang Hòn Bà (Khánh Hoà), xuống Phước Bình (Ninh Thuận) với diện tích lên tới vài trăm ngàn hecta là điều kiện “lý tưởng” cho sự phối kết hợp bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực miền Trung - Tây Nguyên của nước ta.

Với địa hình khá hiểm trở, VQG Bidoup - Núi Bà có hình dạng chữ “n” nên đường biên giới càng trở nên quanh co, phức tạp và kéo dài. Diện tích rừng nguyên sinh, rừng giàu chủ yếu tập trung ở phía đông, đông bắc của VQG và một diện tích nhỏ ở khu vực Cổng Trời (phía tây nam). Xen kẽ giữa chúng là kiểu rừng thứ sinh với nhiều khoanh vi là rừng hỗn giao tre nứa và trảng cỏ cây bụi. Đây cũng là điều kiện phân hoá không gian làm cho tính đa dạng hệ sinh thái tăng lên đáng kể ở VQG Bidoup - Núi Bà.

1.2. Đặc điểm khí hậu - thuỷ văn

- Khí hậu: Khí hậu VQG Bidoup - Núi Bà mang đậm nét khí hậu nhiệt đới Tây Nguyên với đặc điểm nắng lắm, mưa nhiều và có mùa khô rõ rệt. Theo kết quả nghiên cứu phân loại khí hậu Việt Nam, khí hậu ở đây được xếp vào loại Nhiệt đới gió mùa vùng núi mát, biên độ nhiệt ngày lớn, mưa hè - thu, mùa khô dài trung bình. Mùa mưa và nhiều nắng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Tuy vậy, thời kỳ khô thật sự kéo dài khoảng 2 tháng (tháng 1 và tháng 2). Trong vòng 1 thập kỷ gần đây, tính quy luật này nhiều khi đã bị phá vỡ, có những năm vào thời gian tháng 4 lại là thời kỳ khô hạn nhất (ví dụ năm 2002), hoặc có những năm tháng 12 vẫn còn những đợt mưa kéo dài hàng tuần (ví dụ năm 2008). Là khu vực tiếp nhận cả 2 khối khí thịnh hành thổi từ hướng đông bắc và tây nam nên lượng mưa năm khá cao và dao động trong khoảng 2.200-2.800mm. Cấu trúc của sườn đón gió và độ cao các dãy núi không những có ý nghĩa cục bộ về chế độ nhiệt - ẩm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới vùng phụ cận.

- Thuỷ văn: Trong khu vực VQG Bidoup - Núi Bà hệ thống sông suối phát triển khá mạnh. Đây là kết quả của điều kiện khí hậu địa phương cùng với sự phân hoá địa hình theo phân bậc và chia cắt sâu, đặc biệt là khu vực phía bắc và phía đông VQG. Trên lãnh thổ có 2 hệ thống sông chủ yếu là sông Đa Nhim và sông Krông Knô. Về thực chất, đây chính là đầu nguồn của 2 hệ thống sông này. Các mạch suối chính bắt nguồn từ núi Bidoup (độ cao 2.287m) và núi Hòn Giao (2.062m). Có rất nhiều dòng suối cũng bắt nguồn trên các núi có độ cao từ 1.500m trở lên cung cấp nước cho các dòng chính của sông. Cũng như nhiều khu vực khác ở Việt Nam, chế độ dòng chảy của sông có sự biến đổi rõ rệt theo không gian và thời gian, đặc biệt là chế độ mùa. Về mùa mưa, lượng dòng chảy trong các sông suối tăng đột biến, lượng dòng chảy chiếm tới 70-80 % dòng chảy cả năm.

2. Đặc điểm địa hình và vai trò của nó trong việc hình thành và phát triển thảm thực vật VQG Bidoup – Núi Bà

2.1. Đặc điểm, sự phân hoá địa hình VQG Bidoup - Núi Bà

Địa hình VQG Bidoup - Núi Bà đặc trưng bởi ưu thế rõ rệt của địa hình núi trung bình và núi cao. Độ cao của các khối núi ở đây dao động từ 1.000m đến 2.287m (đỉnh Bidoup ở phía đông nam). Bên cạnh đó, trong VQG còn có một số ngọn núi quan trọng, có ý nghĩa về mặt địa lý sinh vật địa phương là Gia Rích cao 1.923m (phía đông, giáp Ninh Thuận), Hòn Giao cao 2.062m (phía đông bắc, giáp Khánh Hoà). Nền tảng đá mẹ cùng với các quá trình địa chất đã tạo nên ở khu vực dạng địa hình núi khối tảng khá đặc trưng . Bên cạnh những núi có độ cao nhô, không liên tục là những núi dạng thoải với độ cao tuyệt đối 1.500-1.700m. Tuy vậy, do những quá trình nội sinh và ngoại sinh đã làm cho địa hình khu vực có sự phân hoá khá phức tạp. Quá trình phân cắt sâu diễn ra mạnh, nhất là ở khu vực phía đông VQG, hệ quả là tạo nên dạng địa hình có độ dốc lớn, biến đổi liên tục theo chiều dài sườn. Độ dốc >25o chiếm phần lớn diện tích khu vực phía đông và nhiều khu vực khác như thượng nguồn sông Krông - Knô, khu vực Cổng Trời… Chính sự phân hoá khá phức tạp của địa hình trong toàn bộ VQG theo các đặc trưng: đai cao, hướng và độ dài sườn đã dẫn đến sự phong phú của các quần xã thực vật theo không gian.

Trong VQG, núi có sự phân hoá và không tạo nên hướng thật sự chủ đạo. Nhìn tổng thể, địa hình có dạng cánh cung, cao ở phía đông, đông bắc và đông nam. Tuy vậy, do hệ thống 2 lưu vực: bắc thuộc lưu vực Krông-Knô, nam thuộc lưu vực Đa Nhim nên hướng phơi của sườn chủ đạo ở phía bắc là bắc, phía nam là tây và tây nam. Có thể tạm thời chia ra trong VQG một số bậc địa hình sau:

+ Bậc 1. Độ cao dao động trong khoảng 1.100 - 1.300m, phân bố chủ yếu ở phần tây bắc thuộc lưu vực sông Krông Knô. Đây có thể được xem là khu vực “trũng” nhất Vườn. Mức độ chia cắt trung bình, các bề mặt san bằng không quá rộng, nhưng do sự dao động theo chiều cao không lớn nên khu vực có đặc điểm của một sơn nguyên không điển hình.

+ Bậc 2. Có độ cao dao động 1.400-1.700m, phân bố chủ yếu ở khu vực tây nam, khu vực phía bắc và phụ cận làng Klong Klanh. Đây cũng là bậc địa hình có diện tích phổ biến nhất trong khu vực nghiên cứu. Bề mặt trên cùng của bậc với nhiều đỉnh san sát ở độ cao 1.600-1.700m làm dễ nhầm tưởng như một cao nguyên rộng lớn, song độ chênh cao giữa chân núi và đỉnh khá lớn (chia cắt sâu), có khi đến 200-300m.

+ Bậc 3. Gồm các đỉnh có độ cao trên dưới 2.000m, phân bố chủ yếu ở đai phía đông của VQG với hàng loạt các đỉnh đặc trưng như: Hòn Giao (2.062m), Gia Rích (1.923m), Bidoup (2.287m). Nhìn chung bậc cao này không có tính liên tục, song khối núi phía đông với các đỉnh cao này như bức “tường khí hậu” và tạo nên những nét đặc thù cho các hệ sinh thái khu vực, nhất là tạo nên sự phân hoá đông - tây.

2.2. Đặc điểm cấu trúc thảm thực vật theo sự phân hoá địa hình

- Sự phân hoá theo đai cao: Phân hoá theo đai cao là đặc điểm biểu hiện rõ rệt nhất của nhiều hợp phần tự nhiên chứ không phải riêng của thảm thực vật. Tuy vậy, với tư cách là “chiếc áo choàng” cho lớp vỏ trái đất, thảm thực vật có vai trò trở lại đối với nhiều quá trình khác nhau của hệ sinh thái tự nhiên. Ở vùng núi Bidoup, quy luật đai cao của thảm thực vật là sự phân hoá rừng á nhiệt đới núi trung bình và núi cao. Đây là điểm nhấn cho sự phân hoá thảm và hệ sinh thái. Trong khuôn khổ bài báo, chỉ xin giới thiệu những nét chính của kiểu thảm theo sự phân hoá ở một số đai cao điển hình.

+ Khu vực đỉnh núi ở độ cao trên dưới 2.000m. Đai địa hình này có diện tích không lớn và bản thân cũng đã có sự phân hoá. Đỉnh núi có khi là khá sắc nhọn (đỉnh Bidoup 1) nhưng cũng có khi dạng khối với bề mặt san bằng rộng hàng hecta (đỉnh Bidoup 2, đỉnh Hòn Giao).

Thảm thực vật thân gỗ trên đỉnh Bidoup 2 chỉ cao khoảng 7-10m, tán xen kẽ, thân có thế nằm xiên hay cong queo. Sự phân tầng của thảm thực vật không thật sự rõ rệt. Ở đây chủ yếu là sự góp mặt của các loài thực vật có nhiều thân trên một gốc. Trên thân cây phủ lớp rêu mỏng. Một số loài thực vật bì sinh phát triển trên cành, nhánh cây. Các loài thực vật cây gỗ phát triển trên dạng địa hình này điển hình là Lithocarpus sp., Castanopsis sp., Quercus sp. thuộc họ Fagaceae, một số loài thuộc chi Elaeocarpus của họ Elaeocarpaceae, Neolitsea sp., Machilus sp. thuộc họ Lauraceae, Magnolia thuộc họ Magnoliaceae. Bên cạnh còn có một số loài thuộc họ Melastomataceae, Illiciaceae, Rutaceae, Rubiaceae. Thực vật bì sinh điển hình là Coelogyne sp., Dương xỉ vảy và loài Hoa tím Viola sp. thuộc họ Violaceae.

Điểm đáng lưu ý là các sườn của đỉnh núi rất dốc, độ dốc lên tới 35-50o nhưng vẫn được bao phủ bởi thảm thực vật rừng khá dày với sức sống tốt. Dưới tán rừng, lớp lá rụng 3-4cm với quá trình phân giải chậm. Trong khi đó, ở các dạng đỉnh sắc nhọn (có bề mặt san bằng hẹp), đặc điểm của thảm thực vật có sự khác biệt rõ rệt. Ví dụ, tại đỉnh núi Bidoup 1 ở độ cao khoảng 2.100m, thảm thực vật thân gỗ được cấu thành chủ yếu là loài Fokienia hodginsii thuộc họ Cupressaceae. Cây có độ cao đạt tới 10m, đường kính 50-100cm, tán đan xen. Cây có sự phân cành sớm, ở độ cao khoảng 2-3m. Tham gia vào tổ thành loài còn có Vaccinuim sp., Rhododendron sp. thuộc họ Ericaceae, Cinnamomum sp. thuộc họ Lauraceae, Ternstroemia sp. thuộc họ Theaceae, Quercus sp., Lithocarpus sp. thuộc họ Fagaceae...

+ Khu vực đỉnh - sườn núi ở độ cao 1.400-1.700m: Như đã trình bày, đây là đai núi có diện tích rộng nhất trong VQG Bidoup - Núi Bà. Ở đây hình thành kiểu rừng á nhiệt đới núi trung bình điển hình. Trong đai này có một số kiểu phụ sau:

Rừng á nhiệt đới thường xanh cây lá rộng và cây lá rộng + lá kim núi trung bình. Rừng có diện tích lớn với cây đa trội và cấu trúc thảm phức tạp. Rừng phân ra nhiều tầng nhưng có 2 tầng chủ đạo, các tầng trung gian không liên tục, xen kẽ nhau, đôi khi tạo nên các “khảm”. Tầng 1 thường cao 30-35m, tán liên tục, thậm chí đan xen nhau. Thân cây thẳng, hình trụ, đường kính dao động mạnh, thường 50-100cm. Những loài cây lá kim, đường kính có thể lên tới 150-200cm. Ở nhiều nơi, trên thân cây có lớp rêu mỏng như một đại diện của thực vật bì sinh của đai. Đại diện của tầng này có loài Castanopsis sp., Lithocarpus spp. thuộc họ Fagaceae, Manglietia sp., Michelia sp. thuộc họ Magnoliaceae, Exbucklandia sp. thuộc họ Hamamelidaceae, cf. Litsea, Cinnamomum sp. thuộc họ Lauraceae, Fokienia hodginsii thuộc họ Cupressaceae, Podocarpus imbricatus, P. neriifolius thuộc họ Podocarpaceae, Ducampopinus krempfii, Pinus kesiya thuộc họ Pinaceae... Trong đó, các loài thuộc họ Fagaceae là những loài có kích thước lớn và phổ biến nhất trong những loài cây lá rộng của đai này. Đây cũng là đặc điểm khá nổi trội của VQG Bidoup - Núi Bà.

Tầng 2 không liên tục, chủ yếu là các đại diện thuộc họ Annonaceae, Euphorbiaceae. Tầng 3 liên tục, cao 4-6m gồm các loài như Schefflera sp., Brassaiopsis sp. thuộc họ Araliaceae, Illicium sp. thuộc họ Illiaceae, họ Melastomataceae, Fabaceae. Các loài thân thảo và dây leo khá phổ biến. Trong đó các loài thân thảo phải kể đến là Phyllagathis sp., Pentafragma sp., Ophiorhyza sp., Selaginella sp.. Dây leo có đại diện của các họ Menispermaceae, Gnetaceae, Verbenaceae, Myrsinaceae, Smilacaceae... Thực vật bì sinh phổ biến trên các cành, nhánh cây lớn. Các loài điển hình thuộc về họ Ericaceae, Orchidaceae, Aspleniaceae và Gesneriaceae. Các loài bán bì sinh với đại diện là Pyrus granulosa thuộc họ Rosaceae, Schefflera cf. , Pseudoparasitica, Schefflera sp. thuộc họ Araliaceae.

+ Rừng lá kim núi trung bình (rừng thông 3 lá Pinus kesiya): Rừng thông 3 lá tự nhiên Pinus kesiya là kiểu thảm thực vật phổ biến trong VQG Bidoup - Núi Bà, phân bố ở đai độ cao <1.700m. Địa hình thường có dạng sườn thoải, độ dốc dao động 15-25o. Tuy vậy, cũng có nơi rừng phân bố trên độ dốc tới 30-400 như ở khu vực trạm kiểm lâm Liêng Ka. Rừng thường có 2 tầng cây gỗ: tầng 1 đơn trội của loài thông 3 lá, cao trung bình 20-25m, đường kính thân cây ở thảm thuần thục 40-70cm. Cây mọc thưa và khá đều, khoảng cách 4-15m, đôi khi tán đan xen nhau, nhưng thường là có khoảng cách mang tính “độc lập”. Nhiều diện tích rừng đã ở trạng thái già cỗi với nhiều cá thể chết khô tự nhiên.

Tầng 2 không liên tục, biến đổi nhiều về chiều cao và cấu trúc thành phần loài. Chiều cao của tầng từ 4 đến 7m. Cây đứng độc lập nhưng có khi mọc thành khóm. Có thể kể ra một số loài tiêu biểu như Antidesma sp. thuộc họ Euphorbiaceae, Elaeocarpus sp. thuộc họ Elaeocarpaceae, Vaccinium sp. thuộc họ Ericaceae. Các cây thường rụng lá vào mùa khô.Tầng cây bụi thấp và thân thảo phổ biến bởi các loài Melastoma sp. thuộc họ Melastomataceae, Desmodium sp. thuộc họ Fabaceae, các loài họ Poaceae, Dương xỉ Dicranopteris sp.

- Sự phân hoá hướng sườn: Kết quả khảo sát cho thấy, hướng phơi của sườn núi có ý nghĩa nhiều tới đặc trưng phân bố không gian của thảm thực vật tự nhiên VQG Bidoup - Núi Bà. Hiện tượng này đặc biệt biểu hiện rõ nét ở khu vực phía đông, nơi có nhiều đỉnh núi cao. Quy luật phân bố của rừng rêu mây mù núi cao đã hoàn toàn bị phá vỡ ở VQG Bidoup - Núi Bà. Trong khi ở nhiều địa điểm cũng ở trong Vườn ở độ cao 1.600-1.700m, thậm chí cao hơn, thảm thực vật vẫn là rừng á nhiệt đới điển hình trên núi trung bình thì tại khu vực núi Hòn Giao, sườn phía đông đón gió đông bắc gần như ẩm quanh năm đã làm xuất hiện kiểu rừng rêu mây mù. Kiểu này xuất hiện ngay từ trạm Hòn Giao ở độ cao 1.650m. Như vậy, tại VQG Bidoup - Núi Bà có sự tồn tại của kiểu Rừng rêu mây mù núi trung bình. 

 Rừng chỉ có 1 tầng cây gỗ chủ đạo với chiều cao dao động mạnh, từ 8 đến 13m, đường kính thân cây 5-20cm, phổ biến là 10-15cm. Đúng như đặc tính của rừng Rêu, thân cây thường ở thế nghiêng, cong queo, nhưng cũng có những cây thân thẳng. Trên thân cây, từ gốc lên đến tán rêu phát triển mạnh và phủ kín lớp ngoài. Tán lá của tầng này dày đặc và đan xen nhau làm cho rất ít ánh nắng lọt xuống mặt đất. Các loài chủ đạo của tầng là Castanopsis sp., Lithocarpus sp. thuộc họ Fagaceae, Calophyllum sp., Garcinia sp. thuộc họ Guttiferae, Elaeocarpus spp. thuộc họ Elaeocarpaceae, Cinnamomum sp., Neolitsea sp. thuộc họ Lauraceae, Rhododendron spp. thuộc họ Ericaceae, Thea sp., Camellia sp., Schima sp., Ternstroemia sp., Eurya sp. thuộc họ Theaceae. Tầng 2 gồm các cá thể của các loài thuộc họ Melastomataceae, Ardisia sp. thuộc họ Myrsinaceae, Lasianthus sp. thuộc họ Rubiaceae. Các chi Coelogyne, Dendrobium thuộc họ Orchidaceae, Dương xỉ Elaphoglossum sp. là những đại diện của thực vật bì sinh ở khu vực này.

Sự phân bố rừng thông, các kiểu phụ rừng á nhiệt đới cây lá rộng + lá kim núi trung bình cũng chịu sự chi phối rõ rệt của hướng sườn. Ngay tại khối núi Bidoup, rừng thông 3 lá chỉ xuất hiện ở phía tây và tây nam, những hướng còn lại, đặc biệt ở hướng bắc, đông bắc kiểu thảm thực vật hoàn toàn là rừng á nhiệt đới thường xanh cây lá rộng hoặc hỗn giao cây lá rộng + lá kim.

- Sự phân hoá độ dốc: Ngoài mối liên hệ và sự phụ thuộc chặt chẽ với sự phân hoá đai cao, hướng phơi của sườn núi thì thảm thực vật còn chịu ảnh hưởng tương đối nhiều vào độ dốc của địa hình. Nét biểu hiện rõ nhất khi nghiên cứu ở VQG Bidoup - Núi Bà chính là hình thái, mật độ cá thể thực vật trong cùng một kiểu loại thảm nhưng ở những độ dốc khác nhau. Có thể minh chứng điều này qua một số khu vực đặc trưng: Trên sườn tây nam khối Bidoup, nơi tồn tại kiểu rừng lá kim á nhiệt đới thuần loại loài thông 3 lá Pinus kesiya ở độ cao 1.500-1.800m có thể quan sát thấy sự khác biệt. Tại nơi địa hình có độ dốc lớn (> 30o), các cây trưởng thành thường có kích thước thân trung bình, chiều cao phân cành lớn; trong khi đó tại những nơi địa hình tương đối bằng phẳng, kể cả trên giông núi, thân cây thường có kích thước lớn hơn, cành phát triển nhiều. Không những thế, quá trình diễn thế đang dần chuyển đổi rừng thông 3 lá trên những sườn có độ dốc > 35o và tạo nên thảm thực vật có kiểu “khảm” ở khu vực này.


Nhìn chung, ở đai độ cao > 1.200m, cấu trúc thảm thực vật thường có quy luật phân hóa khá rõ rệt theo độ dốc: độ dốc càng lớn, thân cây có kích thước càng nhỏ, cong queo, thế nằm nghiêng và có xu thế đan xen. Có thể quan sát hiện tượng này ở khu vực đỉnh và gần đỉnh núi Hòn Giao thuộc phía đông bắc của Vườn. Tuy vậy, những khảo sát theo tuyến và điểm cũng chỉ ra rằng, trên một phạm vi đủ lớn, độ dốc địa hình ảnh hưởng không thật sự rõ rệt đến cấu trúc thành phần loài mà chủ yếu đến cấu trúc tầng tán và hình thái của thảm tại mỗi vị trí xác định.

Kết luận

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng mang đặc điểm của vùng rừng á nhiệt đới núi trung bình và núi cao. Có thể gọi VQG là “miền giữa” của một vùng núi rừng rộng lớn, kéo dài từ Chư Yang Sin sang Hòn Bà xuống Phước Bình (Ninh Thuận) với diện tích lên tới vài trăm ngàn hecta là điều kiện “lý tưởng” cho sự phối kết hợp bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực miền Trung - Tây Nguyên của nước ta.

Sự phân hoá địa hình có ảnh hưởng trực tiếp tới đặc điểm thảm thực vật, với những yếu tố điển hình là đai cao, hướng phơi sườn núi và độ dốc địa hình.

Quy luật phân hoá đai cao đã tạo ra những kiểu thảm thực vật khác nhau: rừng á nhiệt đới núi trung bình, rừng á nhiệt đới núi cao. Bên cạnh đó tính chất đai cao cũng không thật sự giống nhau ở các khối núi. Cùng với nó, hướng phơi của sườn núi đã tạo ra những nét độc đáo và đặc trưng của thảm thực vật VQG Bidoup - Núi Bà. Ngay trong cùng một đai cao đã tồn tại nhiều phụ kiểu thảm thực vật khác nhau, trong đó điển hình là sự xuất hiện của kiểu Rừng rêu mây mù trên núi trung bình ở độ cao 1.650-1.700m.

Độ dốc địa hình cũng có ý nghĩa với cấu trúc và hình thái thảm thực vật. Ngay trong cùng một đai độ cao, độ dốc đã làm cho hình dáng thân cây, tán lá và hệ rễ của cùng một loài không giống nhau. Tuy vậy, khác với yếu tố đai cao và hướng phơi sườn núi, độ dốc địa hình ảnh hưởng rõ rệt nhất đến cấu trúc tầng tán, cấu trúc dưới tán mà ít ảnh hưởng tới thành phần loài trong cùng một kiểu thảm thực vật.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Chiển và cs., 1990: Tây Nguyên - các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, 1, 2, 3, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Đăng Hội, và cs., 2009: Báo cáo kết quả nghiên cứu khu hệ động, thực vật VQG Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, Hà Nội.
4. Nguyễn Đăng Hội, Nguyễn Quốc Trị, 2008: Đa dạng sinh học Hoàng Liên Sơn, Hà Nội, tr. 9-20.
5. Thái Văn Trừng, 1970: Thảm thực vật rừng Việt Nam, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Trương, 1983: Quy luật cấu trúc rừng gỗ hỗn loại, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
7. Nguyễn Khanh Vân, 2000. Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Văn Hội, Kuznetsov A.N.
Trung tâm nhiệt đới Viêt-Nga

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024