Cho đến nay, chỉ có ít một số công trình nghiên cứu về tinh dầu của chi Polyalthia như Ogunbinu A. O. và cộng sự đã nghiên cứu P. longifolia ở Nigieria xác định thành phần chính của lá là (Z)-b-aromadendren (19,7%), caryophyllen oxit (14,4%) và b-caryophyllen (13,0%); vỏ là a-copaen (8,7%), a-muurolol cùng (8,7%), b-selinen (8,6%), viridifloren (8,1%), a-guaien (7,8%), aromadendren (7,4%) và b-cadinen (7,0%). Đây là loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được du nhập trồng ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy vậy, việc nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu trong cây này ở nước ta chưa được đề cập tới. Trong chương trình nghiên cứu một cách hệ thống của chúng tôi về mặt hoá học nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm các loại tinh dầu và các hoạt chất mới góp phần cho công tác điều tra cơ bản nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng Bắc Trường Sơn, định hướng cho việc sử dụng nguồn tài nguyên này, thành phần hoá học của cây Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) là đối tượng nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi về chi này.
Phương pháp nghiên cứu
Lá của cây Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) được thu hái ở thành phố Vinh, Nghệ An vào tháng 10 năm 2008. Mẫu được lưu giữ tại Khoa Sinh học, Đại học Vinh. Lá tươi (2kg) được cắt nhỏ và chưng cất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trong thời gian 3 giờ ở áp suất thường theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. Hàm lượng tinh dầu lá tính theo nguyên liệu tươi là 0,1%. Hoà tan 1,5mg tinh dầu đã được làm khô bằng natrisunfat khan trong 1ml metanol tinh khiết sắc ký hoặc loại dùng cho phân tích phổ.
Sắc ký khí (GC): Được thực hiện trên máy Agilent Technologies HP 6890N Plus gắn vào detectơ FID của hãng Agilent Technologies, Mỹ. Cột sắc ký HP-5MS với chiều dài 30 m, đường kính trong (ID) = 0,25mm, lớp phim mỏng 0,25mm đã được sử dụng. Điều kiện phân tích như công bố trong các công trình trước đây của chúng tôi. Khí mang H2. Nhiệt độ buồng bơm mẫu (kĩ thuật chương trình nhiệt độ-PTV) 250oC. Nhiệt độ detectơ 260oC. Chương trình nhiệt độ buồng điều nhiệt: 60oC (2min), tăng 4oC/min cho đến 220oC, dừng ở nhiệt độ này trong 10 min. Sắc ký khí-khối phổ (GC/MS): Việc phân tích định tính được thực hiện trên hệ thống thiết bị sắc ký khí và phổ ký liên hợp GC/MS của hãng Agilent Technologies HP 6890N. Agilent Technologies HP 6890N/ HP 5973 MSD được lắp với cột tách mao quản và vận hành sắc ký như ở trên với He làm khí mang. Việc xác nhận các cấu tử được thực hiện bằng cách so sánh các dữ kiện phổ MS của chúng với phổ chuẩn đã được công bố có trong thư viện Willey/Chemstation HP. Trong một số trường hợp được kiểm tra bằng các chất trong tinh dầu đã biết hoặc chất chuẩn.
Kết quả nghiên cứu
Mô tả và phân bố cây Huyền diệp
Cây gỗ nhỡ, cao 5-15m, phân cành sớm từ gốc, dài, cong, rũ xuống, tán hẹp, dạng tháp, che kín gần hết thân, xanh quanh năm. Lá đơn mọc cách, trên cành gãy khúc, dạng thuôn dài hẹp, đầu nhọn, gốc tù, dài 8-20cm, rộng 2-4cm, màu xanh bóng nhẵn cả hai mặt, mép lá nhăn nheo. Gân bên không rõ. Cuống lá dài 0,5-0,8cm. Hoa đơn độc màu xanh xám, cánh hoa nhăn nheo, thơm. Nhị đực nhiều. Bầu có nhiều lá noãn. Quả kép gồm nhiều quả nhỏ, dạng bầu dục dài 2cm, màu đen. Nguồn gốc: Loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, được du nhập trrồng rộng rãi trên khắp các nước nhiệt đới Châu Á. Ở Việt Nam cây được nhập trồng rộng rãi khắp cả nước.
Thành phần hoá học của cây Huyền diệp
Hàm lượng tinh dầu từ lá cây Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) là 0,1% theo nguyên liệu tươi. Tinh dầu là chất lỏng có mùi thơm đặc biệt. Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu lá Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) ở thành phố Vinh, Nghệ An bằng phương pháp sắc ký khí (GC) và sắc ký khí khối phổ (GC/MS), gần 50 hợp chất được tách ra từ tinh dầu, trong đó 36 hợp chất được xác định chiếm đến 85,4% của tổng hàm lượng tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là b-cadinen (24,5%), zingiberen (19,6%), aromadendren (19,1%). Các cấu tử khác ít hơn là a-pinen (5,2%), caryophyllenol (3,3%), b-eudesmol (2,5), camphen (1,7%), caryophyllen (1,5%), phellandren (1,4%), b-bisabolen (1,2%) (xem bảng 1). Các chất còn lại phần lớn có hàm lượng từ 0,1% đến 0,9%.
Bảng 1. Thành phần hoá học của tinh dầu lá Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula)
TT | Hợp chất | KI | FID | TT | Hợp chất | KI | FID |
1 | tricyclen | 927 | 0,2 | 19 | verbenon | 1205 | vết |
2 | a-pinen | 939 | 5,2 | 20 | linalyl acetat | 1257 | 0,2 |
3 | camphen | 953 | 1,7 | 21 | bornyl acetat | 1289 | 0,1 |
4 | b-pinen | 980 | vết | 22 | geranyl format | 1298 | vết |
5 | myrcen | 990 | 0,1 | 23 | a-copaen | 1378 | 0,1 |
6 | phellandren | 1006 | 1,4 | 24 | caryophyllen | 1419 | 1,5 |
7 | a-terpinen | 1017 | vết | 25 | aromadendren | 1441 | 19,1 |
8 | p-cymen | 1026 | vết | 26 | zingiberen | 1494 | 19,6 |
9 | limonen | 1032 | vết | 27 | b-bisabolen | 1506 | 1,2 |
10 | (Z)-b-ocimen | 1042 | 0,2 | 28 | b-cadinen | 1526 | 24,5 |
11 | (E)-b-ocimen | 1046 | 0,1 | 29 | germaren B | 1557 | 0,3 |
12 | g-terpinen | 1061 | 1,9 | 30 | caryophyllen oxit | 1583 | 0,6 |
13 | a-terpinolen | 1090 | vết | 31 | caryophyllenol | 1611 | 3,3 |
14 | linalool | 1100 | 0,1 | 32 | b-eudesmol | 1651 | 2,5 |
15 | alloocimen | 1128 | vết | 33 | b-sinensal | 1675 | 0,9 |
16 | nonanol | 1169 | vết | 34 | benzyl benzoat | 1760 | 0,3 |
17 | terpinene-4-ol | 1179 | 0,2 | 35 | 6, 10, 14-trimethyl-2-pentadecanon | 1847 | vết |
18 | a-terpineol | 1191 | vết | 36 | benzyl salicylat | 1866 | 0,1 |
Ghi chú: vết < 0,1; KI = Kovats index.
Kết luận
Hàm lượng tinh dầu lá Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) ở Việt Nam là 0,1% theo hàm luợng tươi. Bằng phương pháp sắc ký khí (GC) và sắc ký khí khối phổ (GC/MS), 36 hợp chất của tinh dầu lá Huyền diệp (Polyalthia longifolia var. pendula Hort.) ở Nghệ An đã được xác định chiếm đến 85,4% của tổng hàm lượng tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là b-cadinen (24,5%), zingiberen (19,6%), aromadendren (19,1%).
Tài liệu tham khảo
1. Võ Văn Chi, 2004: Từ điển thực vật thông dụng. Tập 2. NXB. KH & KT. 2001.
2. Adams R. P., 2001: Identification of Essential Oil Components by Gas Chromatography/ Quadrupole Mass Spectrometry. Allured Publishing Corp. Carol Stream, IL.
3. Chang F. R., T. L. Hwang, Y. L. Yang, C. E. Li, C. C. Wu, H. H. Issa, W. B. Hsieh, Y. C. Wu, 2006: Planta Med., 72(14): 1344-7134.
4. Chen C. Y., F. R. Chang, Y. C. Shih, T. J. Hsieh, Y. C. Chia, H. Y. Tseng, H. C. Chen, S. J. Chen, M. C. Hsu, Y. C. Wu, 2000: J. Nat. Prod., 63(11): 1475-1478
5. Faizi S., N. R. Mughal, R. A. Khan, S. A. Khan, A. Ahmad, N. Bibi, S. A. Ahmed, 2003: Phytother Res., 17(10): 1177-1181.
6. Faizi S., R. A. Khan, S. Azher, S. A. Khan, S. Tauseef, A. Ahmad, 2003: Planta Med., 69(4): 350-355.
7. Faizi S., R. A. Khan, N. R. Mughal, M. S. Malik, K. E. Sajjadi, A. Ahmad, 2008: Phytother Res., 22(7): 907-12.
8. Heller S. R., G. W. A. Milne, 1978, 1980, 1983: EPA/NIH Mass Spectral Data Base. U.S. Government Printing Office. Washington D. C.
9. Trần Hợp, 2002: Cây gỗ rừng Việt Nam, NXB. Nông nghiệp, TP HCM.
10. Joulain D., W. A. Koenig, 1998: The Atlas of Spectral Data of Sesquiterpene Hydrocarbons, E. B. Verlag, Hamburg.
11. Ogunbinu A. O., I. A. Ogunwande, E. Essien, P. L. Cioni, G. Flamini, 2007: J. Ess. Oil Res., 19(5): 419-421.
12. Saleem R., M. Ahmed, S. I. Ahmed, M. Azeem, R. A. Khan, N. Rasool, H. Saleem, F. Noor, S. Faizi, 2005: Phytother Res., 19(10): 881-844.
13. Stenhagen E., S. Abrahamsson, F. W. McLafferty, 1974: Registry of Mass Spectral Data. Wiley. New York.
14. Swigar A. A., R. M. Siverstein, 1981: Monoterpenens, Aldrich, Milwaukee.
15. Vietnamese Pharmacopoeia, 1997: Medical Publishing House, Hanoi, Vietnam.
Nguyễn Thị Chung, Lê Thị Thùy, Nguyễn Hoa Du, Trần Đình Thắng, Đỗ Ngọc Đài
Trường Đại học Vinh
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)