Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > RAU CỦ QUẢ HÀNG NGÀY

Nghiên cứu chất lượng vệ sinh rau nước Thành phố Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày 9/12/2009 lúc 3:26:00 PM. Số lượt đọc: 1523.

Rau không thể thiếu, rau còn là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho con người. Nó không chỉ cung cấp một lượng lớn sinh tố A, B, C… mà còn cung cấp một phần các nguyên tố vi lượng cần thiết trong cấu tạo tế bào. Rau còn là một nguồn dược liệu quí. Phần lớn các loại rau là những “cây dược liệu” được sử dụng để chữa và phòng ngừa các bệnh thông thường. Nhiều loại vitamin trong rau đã giúp cân đối dinh dưỡng cho con người. Đặc biệt, đối với trẻ em và người già, rau có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình phát triển và ngăn ngừa tình trạng lão hoá của tế bào, các mô trong cơ thể. Rau rất đa dạng về chủng loại như: rau ăn quả, rau ăn củ, rau ăn lá…

Ở thành phố Hồ Chí Minh, rau nước được trồng ở các ao, ruộng nước, bờ rạch thuộc các quận như: quận 2, quận 9, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Thủ Đức và các huyện ngoại thành như: huyện Bình Chánh, huyện  Hoóc Môn, huyện Củ Chi. Hiện nay, rau tự nhiên và rau trồng được bán ở ngoài chợ và cung cấp cho nhà hàng.

Thu thập, tìm hiểu tài liệu có liên quan về rau nước, nguồn nước ở Tp. HCM. Khảo sát thực tế, điều kiện sinh học, sinh thái của các loại rau có thể ăn được. Khảo sát ký sinh trùng trên rau để người dân có thể biết được, phòng ngừa, chọn rau sạch, ăn uống hợp vệ sinh.

Phương pháp nghiên cứu

Đã đi thực địa khảo sát ở các hộ nông dân để tìm hiểu các mô hình trồng rau xanh, điều tra về tình hình sâu bệnh, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, năng suất, sản lượng thu hoạch, diện tích gieo trồng. Tìm hiểu về tình hình sản xuất ở địa phương. Lấy mẫu để phân tích các chỉ số về môi trường, chất lượng vệ sinh an toàn của rau.

Do thời gian có hạn, nên chúng tôi chỉ tập trung  nghiên cứu một số mô hình trồng rau nước ở những xã, phường thuộc các quận 2, quận 8, quận 9, quận 13, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Thủ Đức; các huyện ngoại thành: huyện Bình Chánh, huyện Hốc Môn, huyện  Củ Chi.

Kết quả nghiên cứu


Kèo nèo


Bồn bồn


Rau muống


rau nhúc


Rau đắng


Rau dừa nước

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm của rau

Phân bón là một trong những vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, nó giúp ổn định và nâng cao năng suất cây trồng, nhưng cũng là nguồn gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến phẩm chất của nông sản và độ phì của đất.

Các yếu tố làm ô nhiễm rau

Rau là thực phẩm bị ô nhiễm nhiều nhất so với các loại nông sản khác. Các yếu tố làm cho rau bị ô nhiễm gồm:

- Kim loại nặng (chì, arsen, đồng, kẽm, cadmium…): Là những chất độc thường chứa trong nước thải, khói thải của các khu công nghiệp hoặc có sẵn trong đất từ trước, hoặc từ phân rác.

- Nitrate: Là sản phẩm trung gian được tạo ra trong quá trình chuyển hoá chất từ việc bón phân đạm hoá học. Đây là độc chất có trong rau khi bón đạm quá nhiều hoặc quá gần ngày thu hoạch. Nitrate có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho con người nếu cơ thể tiếp nhận quá mức cho phép.

- Các vi trùng và ký sinh trùng: Có các loại như Salmonella, E. coli, trứng giun sán thường nhiễm trong rau do bón phân hoặc rác chưa ủ hoai. Rau được tưới bằng nước thải trong kênh rạch, nước thải sinh hoạt, trồng gần bệnh viện cũng có nguy cơ bị ô nhiễm vi trùng và ký sinh trùng.

- Dư lượng hoá chất BVTV: Là lượng hoá chất BVTV còn lại trong rau sau khi thu hoạch do chưa phân huỷ hết.

Trong phạm vi bài báo này chúng tôi quan tâm đến điều kiện vệ sinh, ký sinh trùng trên rau.

Giới thiệu một số loại rau nghiên cứu

Bồn bồn: Cây Bồn bồn có tên khoa học là Typha angustifolia L. họ Hương bồ (Typhaceae). Bồn bồn còn có tên khác như: Thuỷ hương bồ, Hương bồ thảo, Cỏ nến, Cỏ lác…

Rau cần nước: Rau cần hay còn gọi là rau cần nước, tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume) DC, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Cây thảo nhiều năm, thân rỗng, lá 1 - 2 lần kép lông chim, phiến lá hình mác hơi có dạng xoan hay hình thoi, đầu nhọn, mép nhăn. Cụm hoa tán kép đối diện với lá, hoa màu trắng. Quả hình trụ thuôn có 4 cạnh lồi.

Rau dừa nước: Tên khác: Rau dừa trâu, Thụy thái, Thủy long, Du long thái. Tên khoa học: Ludwigia adscendens (L.) Hara,  họ Cây thảo (Onagraceae). Cỏ thuỷ sinh nổi hay bám vào bùn. Lá mọc cách. Hoa vàng mọc ở nách lá. Quả nang, hình trụ, khi chín nứt thành 5 mảnh chứa nhiều hạt. Dùng làm thức ăn cho lợn (cho ăn sống hay nấu với các loại thức ăn khác).

Kèo nèo: Tên khác: Cù nèo, Tai tượng, Nê thảo. Tên khoa học là Limnocharis flava (L.) Buchenau, họ Limnocharitaceae. Phân bố: Đông Nam Á, Châu Mỹ.

Môn nước: Khoai nước hay Môn nước. Tên khoa học Colocasia esculenta (L.) Schott, thuộc họ Ráy (Araceae). Cây mọc hoang ở ruộng hay dựa vào bờ nước, có củ, lá có cọng cao 0,3-0,8 m, láng, phiến không thấm nước vì lông mịn như nhung. Mo vàng, buồng thơm mùi đu đủ. Noãn sào đính phôi trắc mô, nhiều noãn, phì quả chín màu vàng. Cây được dùng làm thức ăn gia súc.

Sen: Nelumbo nucifera Gaertn., họ Sen (Nelumbonaceae). Cây có củ dài mọc trong bùn (thường gọi là ngó sen). Lá có cuống dài, cuống có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, đường kính 60 - 70cm. Hoa to màu trắng hay đỏ hồng, lưỡng tính, nhiều nhị, có hương thơm (dùng ướp Trà); nhiều tâm bì rời, đựng trong đế hoa hình gương. Quả bế chứa một hạt;  không nội nhũ, có hai lá mầm dày, 1 chồi mầm (tâm sen - liên tâm), gồm 4 lá non gập vào bên trong.

Cây rau ngổ: Tên thông dụng: Rau om, Rau ngổ, Ngổ trâu, Ngổ đất, Ngổ hương. Tên khoa học: Enydra fluctuans Lour. Họ Cúc Asteraceae.

Rau muống: Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk., thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Lá rau muống hình tam giác hay hình mũi tên, hoa trắng hoặc tím, quả nang chứa 4 hạt có lông màu hung. Rau muống có nguồn gốc nhiệt đới châu Á, khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiệt đới Châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ và Châu Đại Dương.

Rau nhúc: Rau nhúc còn có tên Rau ngúc, tên Hán là Rau quyết. Tên khoa học là Neptunia oleracea Lour., họ Đậu (Fabaceae).

Rau đắng: Rau đắng còn gọi là Biển súc, cây Càng tôm, cây Xương cá. Tên khoa học Polygonum aviculare L, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Chất lượng nước của các địa điểm thu mẫu rau

Đã phân tích các chỉ tiêu về lý hóa các mẫu nước tại các địa điểm nghiên cứu. Kết quả được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Các chỉ tiêu lý hoá nước, nơi lấy mẫu rau nước

Ghi chú: Nguồn: Phân tích tại Viện Vệ sinh Y tế cộng đồng, 2008).

Ký sinh trùng trên rau

Đã xét nghiệm 45 mẫu rau nước về ký sinh trùng, kết quả được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng ở một số rau nước

(Nguồn: Phân tích tại Phòng Thí nghiệm Trường Đại học Khoa học tự nhiên, năm 2007)
Ghi chú:  -: Không có              + : Có ( 1 trứng, 1 con)    +++: Có ( 3 trứng, 3 con)   ++: Có (2 trứng, 2 con)    ++++: Có (4 trứng, 4 con)

Số liệu bảng 2 cho thấy mẫu 1 có 1 trứng sán lá, mẫu 2 có 1 giun đũa, 1 giun kim, mẫu 6 có 1 trứng giun đũa, mẫu 7 có 2 trứng giun đũa, mẫu 9 có 1 trứng giun đũa, 1 trứng sán lá, 3 trứng giun kim, mẫu 10 có 1 trứng giun đũa, mẫu 11 có 2 trứng giun đũa, mẫu 14 có 1 trứng giun kim, mẫu 17 có 4 trứng giun đũa, mẫu 19 có 1 trứng giun đũa, mẫu 20 có 1 trứng giun đũa, mẫu 21 có 1 trứng giun đũa, mẫu 23 có 1 trứng giun đũa, 1 trứng giun kim, mẫu 30 có 4 trứng giun đũa, mẫu 32 có 1 trứng giun đũa, mẫu 33 có 1 trứng giun đũa, mẫu 34 có 1 giun đũa và 1 giun kim, mẫu 39 có 1 giun đũa, 1 giun kim, mẫu 41 có 2 trứng giun đũa, mẫu 42 có 1 trứng giun đũa, mẫu 43 có 2 trứng giun đũa, mẫu 44 có 2 trứng giun đũa, mẫu 45 có 1 trứng giun đũa. Điều đáng lưu ý là rau ở nơi nước đọng,  gần cầu tiêu thì số lượng ký sinh trùng gia tăng.


Sen                                                           Môn nước


Rau ngổ                                                    Rau nước

Kết luận và kiến nghị

Kết luận

Để có được những đánh giá cụ thể và chính xác về mặt chất lượng sản phẩm rau cung cấp cho thị trường, chúng tôi đã không ngừng tìm hiểu, khảo sát, tiến hành điều tra và phân tích chất lượng mẫu rau trên các địa bàn quận, huyện, ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, những vùng đã cung cấp rau cho nhân dân thành phố, nhưng do thời gian và kinh phí có hạn, nên chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát và phân tích ở những khu vực trồng rau nhiều bên cạnh nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm trên địa bàn.

Khi tiến hành tìm hiểu và hỏi thăm người dân thì được biết  nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng trên là do những hoạt động chăn nuôi như: bò sữa, cá, heo… nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống kênh, rạch… ra kênh Tham Lương, rạch Ruột Ngựa, suối Cái. Ngoài ra, còn có nước thải từ những nhà máy xí nghiệp trong vùng và từ thành phố thải ra, chúng đã góp phần làm cho nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ô nhiễm này được sử dụng trực tiếp để tưới lên rau mà không qua một phương pháp xử lý nào.

Kiến nghị

Từ những kết luận nêu trên, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau đây.

Muốn có rau sạch không bị ô nhiễm và có thể cung cấp cho nhân dân, sử dụng trong gia đình, quán ăn và nhà hàng… cần chú ý:

+ Về phía chính quyền: Thực hiện các biện pháp xử lý nước thải theo từng khu vực:

- Đối với nước thải chăn nuôi: Cần xây dựng bể chìm để chứa hoặc tận dụng tưới cho trồng trọt.

- Đối với dân cư đô thị: Nước thải sinh hoạt và nước nhà vệ sinh được xử lý qua bể tự  hoại trước khi xả vào đường cống.

- Đối với dân cư nông thôn: Sử dụng nhà vệ sinh tự hoại hoặc nhà vệ sinh ủ phân. Nghiêm cấm sử dụng nhà vệ sinh trên kênh rạch, ao.

+ Về phía người dân:

-  Có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình, không vứt rác, đổ rác thải bừa bãi.

- Trong nông nghiệp không nên sử dụng các loại thuốc, phân bón không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hay bị cấm.

- Không dùng phân chuồng, phân tươi  chưa ủ (hoai) để tưới rau.

- Sau khi phun thuốc hay bón phân nên tuân thủ đúng thời gian cách ly cho rau.

- Không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, nguồn nước từ hoạt động chăn nuôi để tưới cho rau.

- Chuyển dần sang trồng rau sạch.

Tài liệu tham khảo

1. Agriculture Board and National Research Council, 1968: Effect  of pesticide on fruit vegetable physiology.
2. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 2000: Nghiên cứu môi trường vườn ở quận 9 (Báo cáo nghiệm thu đề tài– Đề tài cấp Trường).
3. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 2002: Nghiên cứu hệ sinh thái và môi trường nông nghiệp để xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái ở thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo nghiệm thu – Đề tài cấp Bộ).
4. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 2004: Nghiên cứu vườn trồng rau xanh ở thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo nghiệm thu – Đề tài cấp Bộ).
5. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 2006: Nghiên cứu kim loại nặng trên rau xanh ở thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo nghiệm thu đề tài cấp Bộ).
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2001: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép, hạn chế và cấm sử dụng tại Việt Nam. NXB. Nông nghiệp.
7. Lee Sing Jong, 1994: From garden to kitchen: Grow your own fruit and vegetables.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2002: Tài liệu qui định về qui định tiêu chuẩn vùng rau an toàn.
9. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, 2002: Chương trình phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2002 -2005.

Nguyễn Thị Ngọc Ẩn
Trường Đại học Hồng Bàng

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
    TIN BÀI MỚI NHẤT


    ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

    SÁCH THAM KHẢO

    LIÊN KẾT WEBSITE

     
     
     
     
     
     
     

    TỪ KHÓA

    BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
    (©) Copyright 2007-2025