Một số tài liệu còn đề cập đến khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống bệnh cao huyết áp và thấp khớp. Rong lục phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương (Philippin, Java, Micronesia, Bikini…) (Critchley và cs., 1998) và đang được nuôi trồng tại Philippin, Nhật Bản. Rong được khai thác tự nhiên trên các bãi cát có san hô chết hoặc cát lẫn bùn ở vùng triều ven biển, ven đảo. Tuy nhiên do nhu cầu ngày càng tăng, nên cùng với việc khai thác tự nhiên, việc nuôi trồng loài rong này cũng đã phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Nhằm góp phần làm phát triển làng nghề nuôi rong biển, tạo ra hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần cung cấp bổ sung nguồn rau xanh dinh dưỡng cao cho quân đội và nhân dân ở các đảo xa bờ như Trường Sa, từ năm 2002, Phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học đã di nhập vào trồng và nghiên cứu các đặc điểm sinh học của rong nho biển. Kết quả ban đầu cho thấy rong sinh sản chủ yếu bằng hình thức sinh sản dinh dưỡng, phát triển mạnh trên nền đáy mềm, tơi xốp là bùn pha cát, thích nghi với độ mặn cao, tốc độ sinh trưởng và năng suất của rong đạt giá trị cao khi nuôi ở độ mặn 33‰, nhu cầu ánh sáng không cao, tốc độ sinh trưởng và năng suất đạt cao nhất khi nuôi ở cường độ ánh sáng 80 mmol.s-1.m-2. Cường độ quang hợp tăng dần từ nhiệt độ 220C đến 300C. Cường độ quang hợp đạt giá trị cao nhất ở nhiệt độ khoảng 300C (Nguyễn Hữu Đại và cs., 2006).
Từ các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã áp dụng để sản xuất ở các mô hình nuôi khác nhau như trong ao nuôi hải sản và trong bể composit 24m2. Mẫu rong Nho thương phẩm cũng đã được phân tích thành phần hóa học và vệ sinh an toàn thực phẩm bởi các phòng thí nghiệm chuyên ngành. Số liệu trình bày trong bài báo này là kết quả của đề tài cấp Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam năm 2006 - 2007. Đây là đề tài kế tiếp của đề tài cấp cơ sở Viện Hải dương học nghiên cứu di nhập rong Nho trong phòng thí nghiệm năm 2004, 2005. Áp dụng kết quả trong phòng thí nghiệm để trồng thương phẩm trong bể có kích thước lớn và ngoài tự nhiên.
Phương pháp nghiên cứu
Bố trí thí nghiệm
Nuôi trong bể composit
Diện tích bể nuôi 24m2, chiều cao cột nước 60cm. Chất đáy là cát pha bùn dày 15cm, cường độ sáng: 10.000-15.000lux nhờ lưới che mát. Nguồn nước biển được lấy từ bể lọc hồ cá của Viện Hải dương học và được thay mới hàng ngày khoảng 1/2 thể tích. Thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Sau 2 tháng, thu toàn bộ rong để xác định tốc độ tăng trưởng (%/ngày), năng suất (g.tươi/m2) và tỷ lệ % phần thân đứng so với toàn bộ phần tản rong. Thân đứng là phần có giá trị sử dụng sau khi thu hoạch. Vì vậy, đây là một chỉ số quan trọng về năng suất rong Nho. Tỷ lệ thân đứng càng cao thì sản phẩm rong Nho càng cao.
- Nuôi đáy: Thí nghiệm ảnh hưởng của khối lượng rong nuôi ban đầu. Bố trí 9 khung lưới thí nghiệm cho 3 mức khối lượng nuôi ban đầu là 50, 100 và 200g/m2.
- Nuôi treo: Trồng treo rong trong các túi lưới ở những nơi nước chảy rất thuận tiện cho việc theo dõi, vệ sinh và thu hoạch rong. Sử dụng lồng lưới hình trụ, đường kính 22cm, cao 30cm, mắt lưới rộng 1cm để nuôi treo trong bể composit với nguồn rong giống ban đầu là 100 và 200g rong/lồng.
Nuôi trong ao
- Nuôi đáy: Rong được trồng trong ao bỏ hoang có diện tích khoảng 300m2 ở xã Cam Hải Đông và khoảng 2000m2 ở xã Cam Nghĩa. Với lượng giống ban đầu 50, 100 và 200g/m2 trong các khung vuông 0,25m2. Sau 45 ngày thì thu hoạch.
- Nuôi treo: Thực hiện ở xã Cam Nghĩa, Cam Ranh, trong vũng nhỏ ven biển. Sử dụng lồng treo, với lượng giống ban đầu là 200g/lồng. Treo lồng cách đáy 30cm, sao cho khi triều thấp nhất không lộ ra và khi triều cao nhất ngập khoảng 1,8m.
Phương pháp xử lý số liệu
Tốc độ tăng trưởng của rong Nho được tính theo công thức của Shokita (1991):
Tỷ lệ khối lượng phần thân đứng so với toàn bộ tản rong được tính theo công thức:
L: Tốc độ tăng trưởng (%/ ngày); W0: Khối lượng rong ban đầu (g/m2); W1: Khối lượng rong sau thời gian thí nghiệm N ngày (g/m2); Wd: Khối lượng thân đứng sau thời gian thí nghiệm (g/m2); N : Thời gian thí nghiệm (ngày); Tỷ lệ khối lượng phần thân đứng so với toàn bộ tản rong (%).
Kết quả nghiên cứu
Trong bể composit 24m2
Nuôi đáy với lượng giống ban đầu 50, 100 và 200g/m2
Sau 2 tháng nuôi, các giá trị về tốc độ tăng trưởng, năng suất, số lượng thân đứng và tỷ lệ phần thân đứng so với toàn tản rong được trình bày trên hình 1, 2, 3 và 4. Các biểu đồ cho thấy năng suất rong tăng tỷ lệ thuận theo khối lượng giống ban đầu. Cụ thể khi khối lượng rong nuôi ban đầu là 50g/m2 thì năng suất rong là 2324g/m2, nhưng khi khối lượng nuôi ban đầu tăng lên 100 và 200 thì năng suất rong tăng lên tương ứng là 3560 và 4092g/m2. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của rong lại tỷ lệ nghịch với khối lượng nuôi ban đầu. Khối lượng nuôi ban đầu cao thì tốc độ tăng trưởng của rong giảm. Điều này có thể giải thích là khi trồng với khối lượng thấp (50g/m2), rong phát triển nhanh để chiếm các khoảng trống trên nền đáy, nhưng khi trồng với khối lượng cao hơn thì khoảng trống trên nền đáy nhanh bị phủ kín, cạnh tranh không gian xảy ra, tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Nuôi treo
Với lượng giống ban đầu 100g và 200g/lồng sau 2 đến 3 tháng cho kết quả như sau: hình 5, 6, 7 và 8. Số liệu thu được cho thấy, rong có khả năng nuôi treo không cần bám vào nền đáy. Giống như phương pháp nuôi đáy, khi lượng giống ban đầu tăng thì năng suất rong cũng tăng. Cụ thể sau 30 ngày, với nguồn giống ban đầu 100g/lồng cho năng suất 249,17g/lồng (tăng 149%), ở lồng nuôi 200g/lồng năng suất là 1605g/lồng (tăng 702,5%). Tuy nhiên từ các khoảng thời gian 70, 81 và 92 ngày sau khi nuôi, năng suất rong nuôi có xu thế tăng chậm và đạt giá trị tương ứng là: 2310, 2412, 2442g/lồng. Điều này khẳng định sau khoảng thời gian này rong đã già, phát triển chậm.
Hình 1: Năng suất (g/m2)
Hình 2: Tốc độ tăng trưởng (%/ngày)
Hình 3: Số lượng thân đứng (thân/m2)
Hình 4: Tỷ lệ (%) khối lượng thân đứng so với toàn tản rong Nho
Hình 5: Năng suất, giống ban đầu 100g/lồng
Hình 6: Năng suất, giống ban đầu 200g/lồng
Hình 7: Tốc độ tăng trưởng, giống ban đầu 100g/lồng
Hình 8: Tốc độ tăng trưởng, giống ban đầu 200g/lồng
Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với nuôi đáy. Trong cả 2 thí nghiệm, tốc độ tăng trưởng của rong đều có xu hướng giảm dần theo thời gian nuôi. Nhìn chung, rong phát triển mạnh từ khi nuôi cho đến 60 - 65 ngày, sau đó chậm lại. Càng về sau tốc độ càng giảm do lồng nuôi không còn chỗ trống, rong phải cạnh tranh không gian.
Trong ao
Nuôi đáy
Trong các ao nuôi thương phẩm, đã bố trí các thí nghiệm nghiên cứu về tăng trưởng, năng suất, số lượng thân đứng và tỷ lệ của phần thân đứng so với toàn tản rong. Nguồn giống ban đầu là 50,100, 150 và 200g/m2. Thời gian nuôi sau 45 ngày, kết quả nghiên cứu được trình bày trong các hình 9 - 12.
Kết quả cho thấy khi nuôi với lượng giống ban đầu là 50, 100, 150, 200g/m2, thì cũng giống như ở bể composit, ở mức 200g/m2, năng suất của rong đạt cao nhất, 1342g/m2, tương đương 13,42 tấn/hecta/45 ngày. Không có sự khác biệt nhiều về năng suất của rong khi nuôi ở giống ban đầu là 100 và 150g/m2. Nhưng ở lượng giống 50g/m2 đạt năng suất thấp nhất, 672g/m2. Theo khảo sát của chúng tôi, trong điều kiện tự nhiên, khi gieo cấy rong giống, chúng chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi như dòng chảy, chất lượng giống khi vận chuyển, nên trước khi thích nghi để phát triển, một số rong giống đã bị chết, có khi đến 50%. Vì vậy, trong sản xuất, nguồn giống ban đầu nên nằm trong khoảng từ 100-200 g.tươi/m2 là thích hợp. Điều này phù hợp với các nghiên cứu của Trono & CS (1988), trong ao đầm, mật độ nuôi ban đầu có thể từ 100-500g/m2, tùy vào điều kiện cung cấp nguồn giống.
Hình 9: Năng suất (g/m2)
Hình 10: Tốc độ tăng trưởng (%/m2/ngày)
Hình 11: Số lượng thân đứng (thân/m2)
Hình 12: Tỷ lệ (%) khối lượng thân đứng trên toàn tản của rong Nho
Rong Nho nuôi trong ao có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong bể composit và phòng thí nghiệm, có thể đạt 3,19%/ngày sau 45 ngày nuôi ở lượng giống ban đầu 100g/m2. Trong tự nhiên, số lượng thân đứng cũng như tỷ lệ thân đứng/toàn tản cao hơn nhiều so với nuôi trong phòng thí nghiệm. Tỷ lệ giữa khối lượng phần thân đứng và khối lượng toàn tản rất ít thay đổi qua các lượng giống nuôi ban đầu.
Nuôi treo
Đã tiến hành nuôi treo rong trong lồng lưới ngoài tự nhiên với lượng giống 200g/lồng. Sau 20 ngày, thu thập số liệu để đánh giá năng suất và tốc độ tăng trưởng của rong. Kết quả được trình bày trong hình 12 và 14.
Hình 13: Năng suất (g/lồng)
Hình 14: Tốc độ tăng trưởng (%/ngày)
Kết quả cho thấy nuôi treo ngoài tự nhiên cho năng suất cao hơn hai lần so với nuôi trong bể composit, trong cùng điều kiện lồng nuôi với lượng giống ban đầu 200g/lồng. Sau 60 ngày nuôi, trong bể composit là 1793g/lồng, còn ngoài tự nhiên là 4242g/lồng. Sau 80 ngày nuôi tốc độ tăng trưởng giảm. So sánh tốc độ tăng trưởng của rong nuôi trong phòng thí nghiệm và ở ngoài tự nhiên của chúng tôi với các thí nghiệm của Shokita (1991) cho thấy các giá trị này như sau (bảng 1).
Bảng 1. So sánh tốc độ tăng trưởng của rong Nho ở các thí nghiệm khác nhau
Địa điểm và hình thức thí nghiệm | Lượng giống ban đầu (g) | Thời gian thí nghiệm (ngày) | Tốc độ tăng trưởng (%/ngày) | Tỷ lệ % phần thân đứng so với toàn tản | Nguồn tài liệu |
Vịnh Yonaha (Nhật Bản) Nuôi treo bằng túi lưới | 100 | 62 | 3,12 | 70 | Shokita et al. (1991) |
Vịnh Cam Ranh, nuôi treo trong lồng lưới | 200g | 60 | 2,85 | | N. H. Đại và cs. (2007) |
Okinawa (Nhật Bản), nuôi đáy trong bể xi măng) | 100 | 92 | 2,76 | 76 | Shokita et al. (1991) |
Trong thí nghiệm này (nuôi đáy trong bể composit 24m2) | 100 | 60 | 1,75 | 64 | N. H. Đại và cs. (2007) |
Trong thí nghiệm này (nuôi đáy trong phòng thí nghiệm) | 100 | 30 | 2,67 | 68 | N. X. Hòa và cs. 2004 |
Trong thí nghiệm này (nuôi đáy, trong ao đìa) | 100 | 45 | 3,19 | 80 | N. H. Đại và cs. (2007) |
Thành phần hóa học rong nuôi
Mẫu rong Nho tươi đã được chuyển đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (02 Nguyễn Văn Thủ, TP Hồ Chí Minh, tháng 9/2006) để xác định thành phần hóa học. Kết quả được trình bày trong bảng 2.
Bảng 2. Thành phần khoáng và dinh dưỡng của rong Nho
TT | Chỉ tiêu kiểm nghiệm | Đơn vị tính (rong tươi) | Kết quả | Phương pháp |
1 | Ca | % | 0,0437 | Ref: AOAC 969.06 |
2 | K | % | 0,0340 | Ref: AOAC 969.06 |
3 | Se | mg/kg | Không phát hiện MLOD=0,001 | Ref: AOAC 969.06 |
4 | Mn | mg/kg | 4,8972 | Ref: AOAC 969.06 |
5 | Cu | mg/kg | 0,4456 | Ref: AOAC 969.06 |
6 | Zn | mg/kg | 1,7461 | Ref: AOAC 969.06 |
7 | Co | mg/kg | Không phát hiện MLOD= 0,08 | Ref: AOAC 969.06 |
8 | Iod | mg/kg | 19,0790 | TK Analytical Science June 1998. Vol. 14 |
9 | P | % | 0,0035 | Ref: AOAC 969.06 |
10 | Lipid | % | 0,1504 | Ref: AOAC 969.06 |
11 | Đường | % | 0,0300 | TCVN 4594-1988 |
12 | Vitamin A | mg/kg | 0,5185 | HPLC-Fat soluble vitamin, p.17. Dosage des vitamines |
13 | Vitamin C | mg/kg | 1,618 | HPLC- High performance columns for HPLC, CA. 190-933C |
14 | Đạm | % | 0,9662 | AOAC 992-15, 2002 |
Kết quả phân tích cho thấy rong không có nhiều đường, đạm, nhưng lại rất phong phú các vitamin A, C, các nguyên tố vi lượng. Hàm lượng Iod rất cao. Trong khuôn khổ phối hợp nghiên cứu, mẫu rong Nho tháng 6/2006 từ Phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học đã được chuyển đến Viện Hóa hữu cơ (Institute of Bioorganic Chemistry, Vladivostok) và Viện Sinh vật biển Viễn Đông (Institute of Marine Biology, Vladivostok). Nikolai Latusev, 2006, để xác định lipid và axit béo. Kết quả được trình bày trong bảng 3.
Bảng 3. Lipid trong rong Nho
Lipid tổng số (g/100g rong khô) | Axit béo (g/100g rong khô) | Cholesterol (g/100g rong khô) |
2,25 | 1,44 | 0,10 |
Đã xác định được 5 loại axit béo không no quan trọng (xem bảng 4).
Bảng 4. Các axit béo không no trong rong Nho
Tên | Công thức | Hàm lượng (%) |
Linoleic | 18: 2n - 6 | 7,34 |
a-linolenic | 18:3n - 3 | 3,96 |
Arachidonic | 20: 4n - 6 | 2,11 |
Eicosapentaenoic | 20: 5n - 3 | 5,91 |
Docosahexaenoic | 22: 6n - 3 | 1,34 |
Trong đó có axit Docosahexaenoic (DHA) chiếm 1,34%, thuộc nhóm axit béo không no cần thiết, cơ thể không tự tổng hợp được mà phải được cung cấp từ khẩu phần ăn.
Phân tích vệ sinh an toàn thực phẩm
Mẫu rong Nho nuôi trồng tại Cam Ranh đã được chuyển đến Trung tâm Chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y miền Trung chi nhánh 3 (NAFIQAVED - Branch 3) để phân tích. Kết quả như sau (bảng 5). Kết quả cho thấy các vi sinh vật gây bệnh đường ruột trong rong Nho nuôi trồng tại Cam Ranh thấp hơn ngưỡng cho phép của Bộ Y tế, một vài loại vi sinh vật âm tính, do vậy rong Nho nuôi trồng đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm.
Bảng 5. Kết quả phân tích các vi sinh vật gây bệnh đường ruột trong rong Nho
STT | Chỉ tiêu kiểm nghiệm | Đơn vị tính | Kết quả | Phương pháp thử | Tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế |
1 | Closterium Perfringens | CFU/gram | < 10 | NMKL 95:1997 | Giới hạn bởi G.A.P. |
2 | Vibrio parabaemolyticus | /25gram | Negative | FDA 2004 | |
3 | Vibrio cholerae | /25gram | Negative | FDA 2004 | |
4 | Salmonella spp. | /25gram | Negative | NMKL 71: 1999 | |
5 | Staphylococcus aureus | CFU/gram | < 10 | NMKL 66: 2003 | Giới hạn bởi G.A.P. |
6 | Entamoeba coli | MPN/gr | < 3 | NMKL 96: 2003 | Giới hạn bởi G.A.P. |
7 | Coliforms | MPN/gr | < 3 | NMKL 96: 2003 | 10 |
8 | TPC( 30º C) | CFU/gr | 5,1x 10 5 | NMKL 86: 2006 | |
Kết luận
- Rong Nho có thể được trồng đáy hoặc trồng treo trong túi lưới. Năng suất tỷ lệ thuận với với lượng giống ban đầu. Trong sản xuất, lượng giống nuôi khoảng 100-200g/m2 là phù hợp. Sau từ 1,5 đến 2 tháng nuôi có thể thu hoạch được.
- Nuôi ngoài tự nhiên tốc độ tăng trưởng và năng suất cũng như tỷ lệ giữa phần thân đứng/toàn tản rong đều cao hơn nuôi trong bể composit và trong phòng thí nghiệm. Tốc độ tăng trưởng và năng suất có thể đạt 3,19%/ngày và 1342g/m2/vụ nuôi 1,5 tháng.
- Rong Nho có hàm lượng khá cao các vitamin A, C và các khoáng vi lượng cần thiết. Đã xác định được 5 loại axit béo không no quan trọng. Các loại axit béo này được tham khảo là có hoạt tính sinh học cao.
- Rong Nho nuôi trồng đều đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hình 15: Rong Nho khi thu hoạch
Hình 16: Nuôi rong Nho bằng túi lưới
Tài liệu tham khảo
1. Critchley A. T., Ohno, Largo, Gillerpie, 1998: Seaweed Resources of the World. Kanagawa International Fisheries Training Center. JICA, 431 pp.
2. Nguyễn Hữu Đại và cs., 2006: Tuyển tập Nghiên cứu biển XV: 146-155.
3. Nguyễn Hữu Đại và cs. 2007: Báo cáo tổng kết đề tài cấp Viện KH & CNVN “Trồng rong Nho biển làm thực phẩm”. 79 tr.
4. Shokita S., K. Kakazu, A. Tomori, T. Toma, 1991: Mariculture of seaweeds. Aquaculture in tropical Area. Midori shobo Co., Ltd. Japan. pp: 31-90.
5. Trono G. C. Jr., E. T. Ganzon-Fortes, 1988: Philippines Seaweeds. National book Store Inc. Publisher Metro manila, 330 pp.
Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Xuân Vị, Nguyễn Xuân Hòa, Phạm Hữu Trí
Viện Hải dương học Nha Trang
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)