Lượt truy cập thứ 44,786,589 Có 274 người đang truy cập
|
 |
Nghiên cứu một số đặc điểm của rừng Vầu đăng (Indosasa angustata Mc. Clure) và khả năng chống sụt lở đất ở Đôn Phong, Bạch Thông, Bắc KạnCập nhật ngày 11/12/2009 lúc 1:52:00 PM. Số lượt đọc: 2239.Đôn Phong là xã vùng núi của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn có địa hình chia cắt bởi núi cao, dốc nên hàng năm vào mùa nước thường xảy ra xói lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân địa phương. Ngoài một số diện tích rừng già với thành phần chủ yếu là cây gỗ lớn còn sót lại ở khu vực các đỉnh núi và diện tích rừng trồng mỡ, quế, keo phân tán ở vùng thấp thì rừng phục hồi trong đó có loài Vầu đắng (Indosasa angustata Mc. Clure) phát triển mạnh và đang được nhiều người quan tâm bởi không những giá trị kinh tế mà còn có giá trị bảo vệ đất chống xói mòn tốt, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học Bài viết này xin giới thiệu tóm tắt một số đặc điểm và cấu trúc của thân khí sinh, thân ngầm của Vầu đắng, cấu trúc tổ thành, cấu trúc tầng thứ và khả năng bảo vệ đất chống xói mòn, sạt lở của lâm phần Vầu đắng. Phương pháp nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Là các trạng thái rừng Vầu đắng ở địa phương. Phương pháp nghiên cứu Phân loại trạng thái rừng Vầu đắng theo Quy phạm thiết kế kinh doanh, 1984. Lập ô tiêu chuẩn 1.000m2 ở trạng thái gỗ xen Vầu để điều tra toàn bộ cây gỗ, lập ô dạng bản 25m2 điều tra cây tái sinh, lập ô 100m2 để điều tra thân khí sinh Vầu đắng, lập ô 25m2 để đào và điều tra cấu trúc hệ thân ngầm Vầu đắng. Kết hợp giữa quan sát, so sánh trực tiếp mức độ xói mòn với sử dụng tài liệu để xác định khả năng chống xói mòn, sạt lở của lâm phần Vầu đắng. Kết quả nghiên cứu và thảo luận Cấu trúc tổ thành cây gỗ, cây tái sinh Trong 5 trạng thái ở khu vực nghiên cứu có Vầu đắng xuất hiện, thì có 2 trạng thái có cây gỗ phân bố ở tầng trên hoặc cùng chiều cao với tán rừng Vầu đắng. Thành phần các loài cây gỗ ưu thế được thể hiện ở bảng 1. Bảng 1. Tổ thành cây gỗ ở một số trạng thái rừng Vầu đắng Trạng thái rừng | ÔTC | Công thức tổ thành cây gỗ | Gỗ xen Vầu | 1 | 3,6 Trám trắng + 1,8 Dẻ đỏ + 1,8 Chẹo tía + 1,0 Vạng trứng + 1,0 Thôi ba - 0,9 Loài khác | 2 | 3,6 Trám trắng + 1,7 Lim xẹt + 1,7 Chẹo tía + 0,8 Dẻ đỏ + 0,6 Côm tầng + 0,6 Vạng trứng + 0,6 Kháo tầng - 0,6 Loài khác | 3 | 2,7 Trám trắng + 1,6 Chẹo tía + 1,5 Lòng mang xẻ + 1,2 Dẻ đỏ + 0,9 Kháo tầng – 0,6 Loài khác | Vầu xen gỗ | 4 | 3,0 Dẻ đỏ + 1,7 Dung giấy + 1,7 Trám trắng + 1,7 Chẹo tía + 1,7 Lát hoa - 0,2 Loài khác | 5 | 2,0 Dẻ đỏ + 2,0 Chẹo tía + 2,0 Vạng trứng + 1,0 Xoan ta + 1,0 Re bầu + 1,0 Rè vàng + 1,0 Lát hoa | 6 | 2,5 Dẻ đỏ + 1,8 Quế + 1,8 Vạng trứng + 1,8 Lim xẹt + 0,9 Trám trắng + 0,9 Kháo tầng |
Trám trắng và Dẻ đỏ là những loài cây gỗ lớn cùng với những loài cây gỗ khác tham gia vào công thức tổ thành đồng thời tham gia vào tầng tán chính của rừng. Ở hai trạng thái trên mật độ cây gỗ từ 120 - 390 cây/ha, độ tàn che chung của cả cây gỗ và Vầu đạt tới 0,7-0,8 đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, đồng thời còn tạo ra tiểu hoàn cảnh rừng thích hợp cho nhiều loài cây tái sinh, cây bụi thảm tươi, hệ vi sinh vật đất và động vật rừng sinh trưởng và phát triển. Bảng 2. Công thức tổ thành cây tái sinh ở các trạng thái rừng Vầu đắng Trạng thái | ÔTC | Công thức tổ thành cây tái sinh | Gỗ xen Vầu | 1 | 4,2 Dẻ đỏ + 1,9 Thẩu tấu + 1,6 Re bầu + 1,0 Kháo tầng + 1,3 Loài khác | 2 | 2,0 Dẻ đỏ + 1,3 Lim xẹt + 1,3 Côm tầng + 1,0 Thẩu tấu + 1,0 Chẹo tía + 0,7 Kháo tầng + 0,7 Trám trắng + 1,4 Loài khác | 3 | 2,1 Kháo tầng + 1,8 Thẩu tấu + 1,8 Dẻ đỏ + 1,0 Thôi ba + 1,0 Màng tang + 0,7 Lim xẹt + 0,7 Ràng ràng mít + 0,7 Loài khác | Vầu xen gỗ | 4 | 3,0 Thẩu tấu + 1,7 Kháo nước + 1,3 Thôi ba + 1,3 Re rừng + 0,9 Lim xẹt + 0,9 Hoắc quang tía + 0,8 Loài khác | 5 | 2,2 Thẩu tấu + 1,7 Lim xẹt + 1,7 Re rừng + 1,2 Côm tầng + 1,1 Kháo nước + 1,1 Màng tang + 0,5 Hoắc quang tía + 0,5 Thừng mực trâu | 6 | 2,6 Thẩu tấu + 2,1 Kháo tầng + 2,1 Thừng mực trơn + 1,1 Lòng mang + 1,1 Trẩu ta + 1,0 Loài khác | Vầu thuần | 7 | 2,6 Dẻ gai ấn độ + 1,5 Thẩu tấu + 1,5 Lim xẹt + 1,5 Màng tang + 1,1 Thừng mực trơn + 0,7 Thôi ba + 0,7 Kháo nước + 0,7 Loài khác | 8 | 1,9 Dẻ đỏ + 1,6 Lim xẹt + 1,3 Kháo nước + 1,0 Hoắc quang + 1,0 Trám trắng + 0,6 Màng tang + 0,6 Thẩu tấu + 0,6 Chẹo tía - 1,3 Loài khác | 9 | 2,5 Thừng mực trơn + 1,9 Kháo + 1,9 Lim xẹt + 1,9 Màng tang + 0,6 Trám trắng + 0,6 Re gừng + 0,4 Loài khác | Vầu xen nứa | 10 | 2,1 Kháo tầng + 1,8 Thẩu tấu + 1,8 Dẻ gai ấn độ + 1,0 Thôi ba + 1,0 Màng tang + 0,7 Lim xẹt + 0,7 Côm tầng + + 0,7 Loài khác | 11 | 2,4 Thẩu tấu + 1,4 Trám trắng + 1,0 Dẻ gai ấn độ + 1,0 Thôi ba + 1,0 Kháo tầng + 1,0 Re xanh + 0,5 Thừng mực trơn + 0,5 Hoắc quang + 1,0 Loài khác | 12 | 2,0 Thẩu tấu + 1,0 Dẻ gai ấn độ + 1,0 Màng tang + 1,0 Thôi ba + 1,0 Kháo tầng + 1,0 Lim xẹt + 0,5 Dung giấy + 0,5 Thừng mực trơn + 0,5 Hoắc quang + 0,5 Trám trắng + 1,0 Loài khác |
Đã phát hiện được 27 loài cây gỗ tái sinh dưới tán các trạng thái rừng Vầu trong khu vực phản ánh mức độ khá đa dạng về loài thực vật. Số loài cây tái sinh chiếm ưu thế trong tổ thành từ 4 loài trở lên. Ở trạng thái gỗ xen Vầu và Vầu xen gỗ có một số loài cây tái sinh thuộc nhóm gỗ lớn, giai đoạn nhỏ có khả năng chịu bóng. Tuy nhiên, ở trạng thái Vầu thuần loài và Vầu xen Nứa đã xuất hiện một số loài cây tiên phong ưa sáng như Màng tang, Thôi ba bởi vì đây là những trạng thái rừng đang phục hồi. Mật độ cây tái sinh ở đây khá cao, đạt bình quân từ 10.000 - 15.500 cây/ha nhưng phân bố không đều và số cây triển vọng (>1m) ít. Tầng cây bụi thảm tươi dưới tán rừng Vầu đắng ở khu vực đã phát hiện được 25 loài điển hình như: Lá dong (Phrynium dispermum), Bòng bong lá nhỏ (Lygodium microphyllum), Lông culi (Cibotium barometz), Sa nhân (Amomum lonhiligulare), Cỏ lá tre (Oplismenus compositus), Râu hùm (Tacca chantrieri)… Chủ yếu là những loài cây ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, với độ che phủ từ 20 - 30% đã tạo nên lớp thảm sát mặt đất làm giảm tốc độ dòng chảy bề mặt cũng như công phá của hạt mưa rơi xuống. Cấu trúc mật độ thân khí sinh Vầu đắng Bảng 3. Mật độ thân khí sinh Vầu đắng ở một số trạng thái rừng Trạng thái rừng | Mật độ (cây/ha) | D00 (cm) | HVN (cm) | Gỗ xen Vầu | 807 | 6,52 | 9,95 | Vầu xen gỗ | 1127 | 9,49 | 11,94 | Vầu thuần | 5200 | 8,54 | 11,25 | Vầu xen Nứa | 820 | 8,68 | 11.51 |
Với mật độ cao, bề dày tán lá chiếm tới ½ chiều cao cây, lại phân bố đều trên toàn diện tích nên khả năng phát huy tác dụng phòng hộ của rừng Vầu đắng được đánh giá là rất tốt. Theo Võ Đại Hải rừng Tre Nứa có độ che phủ 70 - 80% hoặc rừng có kết cấu 3 tầng với độ tàn che từ 0,7 – 0,8 được xếp vào nhóm I (có khả năng chống xói mòn rất tốt). Cấu trúc thân ngầm Vầu đắng Vầu đắng là loài cây có thân ngầm mọc tản bò lan ngầm dưới mặt đất, xu hướng phát triển của thân ngầm thường tập trung về nơi đất ẩm, nhiều dinh dưỡng, hướng xuống phía chân dốc nhiều hơn, độ sâu phân bố thân ngầm được thể hiện ở bảng dưới đây: Bảng 4. Phân bố thân ngầm theo độ sâu tầng đất Độ sâu tầng đất | 0 - 25cm | 26 - 50cm | 51 - 100cm | Tổng số thân ngầm | Số lượng | % | Số lượng | % | Số lượng | % | Số lượng | % | Số thân ngầm | 44 | 56,41 | 28 | 35,9 | 6 | 7,69 | 78 | 100 |
Bình quân mỗi ô tiêu chuẩn số nhánh thân ngầm lên tới 78 chiếc với tổng chiều dài 90,5m, như vậy mỗi m2 đất có tới 5,7m thân ngầm có mang nhiều đốt, mỗi đốt mang nhiều rễ mọc xen cài với nhau thành mạng lưới trong đất đã tạo thành hệ thống vững chắc bảo vệ đất khỏi bị xói lở. Khả năng bảo vệ đất chống xói mòn của rừng Vầu đắng Với kết cấu 4 tầng (Tầng cây gỗ - Tầng tán vầu - tầng cây tái sinh - Tầng cây bụi thảm tươi) như ở trạng thái rừng gỗ xen Vầu và trạng thái rừng Vầu xen gỗ, hay kết cấu 3 tầng (Tầng tán Vầu - tầng cây tái sinh - Tầng cây bụi thảm tươi) như ở trạng thái Vầu thuần loài, trạng thái Vầu nứa, với độ tàn che > 0,7, mật độ cây phân bố đều toàn rừng, dưới mặt đất có hệ thống thân ngầm dày đặc và bộ rễ chùm phát triển thì khả năng bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi và sạt lở là rất tốt. Trên thực tế ở khu vực đồi núi có Vầu đắng mọc không có hiện tượng xói mòn rãnh hay sạt lở. Khả năng giữ nước của 2 trạng thái rừng Vầu thuần và Vầu xen Nứa kém hơn trạng thái rừng gỗ xen Vầu và Vầu xen gỗ bởi tầng thảm mục chủ yếu là lá và cành Vầu, Nứa mỏng và khả năng thấm nước kém, nhanh khô hơn. Kết luận Khu vực Đôn Phong với 4 trạng thái rừng có Vầu đắng phân bố đó là: Gỗ xen Vầu - Vầu xen gỗ - Vầu thuần - Vầu xen Nứa. Các trạng thái này rừng có kết cấu từ 3-4 tầng, độ tàn che > 0,7 nên khả năng phòng hộ bảo vệ đất chống xói mòn rất tốt. Vầu đắng có thân khí sinh mọc tản, phân bố khá đều trên toàn rừng, thân ngầm bò lan thành mạng lưới và bộ rễ chùm mọc dày đặc đã phát huy tốt khả năng chống xói mòn và sạt lở đất. Nên phát triển các mô hình Vầu hỗn giao khi trồng rừng phòng hộ ở khu vực Bắc Kạn và các tỉnh lân cận để phòng chống thiên tai do mưa lũ gây ra. Hàng năm thân ngầm và măng khí sinh Vầu phát triển, vì vậy có thể chặt tỉa những cây già để dùng, nhưng phải duy trì độ tàn che của rừng ³ 0,7 nhằm duy trì khả năng phòng hộ của rừng Vầu đắng. Tài liệu tham khảo 1. Cục Lâm nghiệp, 2004: Phát triển rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, 72-75. 2. Trần Ngọc Hải, 2007: Kỹ thuật gây trồng một số loài tre trúc lấy măng và cách chế biến măng. NXB. Nông nghiệp, 105-110. 3. Võ Đại Hải, 1996: Nghiên cứu các dạng cấu trúc hợp lý cho rừng phòng hộ đầu nguồn ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, 90-92. Trần Ngọc Hải Trường Đại học Lâm nghiệp (Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)
CÁC BÀI MỚI HƠN:CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
|