Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Đa dạng thảm thực vật ở vùng cát huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế

Cập nhật ngày 14/12/2009 lúc 3:50:00 PM. Số lượt đọc: 5015.

Hệ sinh thái vùng cát ven biển được xem là một trong những hệ sinh thái kém ổn định và dễ bị tổn thương nhất nhưng đây đồng thời cũng là hệ sinh thái có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng đới bờ trước những hiểm hoạ của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Mở rộng các hệ sinh thái vùng cát một cách tự nhiên với các loài cây trồng bản địa thay vì các loài ngoại lai là hướng đang được phát triển trên thế giới, vì vậy chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thảm thực vật tự nhiên ở vùng cát huyện Phong Điền nơi có diện tích đất cát lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế (trên 15.425ha), nhằm xây dựng cơ sở cho việc phát triển và phủ xanh vùng cát ở đây theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học.

Đối tượng, địa điểm và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng: Thảm thực vật bậc cao có mạch tự nhiên ở vùng cát thuộc huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm vùng cát ven biển và nội đồng).

Phương pháp: Áp dụng phương pháp điều tra theo hệ thống tuyến và ô tiêu chuẩn điển hình (kích thước 20 x 20m) kết hợp với thu thập mẫu vật. Phân loại thảm thực vật theo nguyên tắc lấy đặc điểm ngoại mạo làm yếu tố chủ đạo, dựa trên khung phân loại thảm thực vật của UNESCO (1973) và Nguyễn Nghĩa Thìn (1997).

Kết quả nghiên cứu

Mặc dù có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất có độ kết dính kém, nghèo dinh dưỡng, úng lúc mưa, hạn lúc nắng, chịu nhiều tác động của sóng, gió nhưng trên vùng cát huyện Phong Điền đã hình thành một thảm thực vật tự nhiên khá đa dạng với 320 loài thực vật bậc cao có mạch phân bố trên các sinh cảnh khác nhau. Đặc biệt, nhiều nơi có các cây gỗ lớn và cây bụi tập trung thành các khoảnh rừng nhỏ được dân địa phương gọi là “rú cát”. Dựa trên đặc điểm của các vùng cát và cấu trúc thành phần loài thực vật trên đó, thảm thực vật tự nhiên vùng cát huyện Phong Điền có thể được phân thành 10 kiểu (bảng 1).

Bảng 1. Các kiểu thảm thực vật tự nhiên ở vùng cát huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế 

Vùng cát

STT

Kiểu thảm thực vật

Vùng cát di động (bao gồm cả vùng cát bán di động)

1

Trảng cỏ trên cát di động ven biển

2

Trảng cỏ xen lẫn ít cây bụi trên bãi cát di động

 Vùng cát cố định

3

Rừng nhiệt đới thường xanh lá cứng trên cát khô bị tác động mạnh

4

Rừng nhiệt đới thường xanh trên cát bồi tụ ven trằm nước bị tác động mạnh

5

Trảng cây bụi nhiệt đới thường xanh lá cứng trên cát khô

6

Trảng cỏ trên cát khô

Vùng cát ẩm - ngập nước thường xuyên hay định kỳ

7

Rừng nhiệt đới thường xanh trên cát ẩm bị tác động mạnh

8

Trảng cây bụi nhiệt đới thường xanh cây lá rộng trên cát ẩm

9

Trảng cỏ trên cát ẩm

10

Thảm thực vật thủy sinh

Trảng cỏ trên cát di động ven biển

Đại diện cho kiểu trảng này là những loài thân thảo bò lan trên mặt đất, có khả năng chịu khô hạn và giữ cát tốt, phổ biến là các loài Cỏ lông chông (Spinifex littoreus), Rau muống biển (Ipomoea pes-caprae), Từ bi biển (Vitex rotundifolia), Gai đầu răng to (Triumfetta grandidens), Cỏ quăn xanh (Fimbristylis sericea), Cỏ lết (Gisekia pharnaceoides). Đây được coi là những thực vật tiên phong trên vùng cát mới và có vai trò quan trọng trong việc cố định cát.

Trảng cỏ xen lẫn ít cây bụi trên bãi cát di động

Tiếp giáp với các đụn cát di động ven biển đi về phía nội địa là các trảng cỏ xen lẫn ít cây bụi, phổ biến là Cỏ quăn xanh (Fimbristylis sericea), Cỏ chỉ (Cynodon dactylon var. dactylon), Cỏ chân gà (Dactyloctenium aegyptiacum), Tú chình (Digitaria petelotii), Bần thảo rìa (Eremochloa ciliaris), Mao thư láng (Fimbristylis lasiophylla), Cỏ ống (Paspalum vaginatum) và rải rác các cây bụi nhỏ như Xương rồng (Cereus peruvianus), Gai xanh (Severinia monophylla), Dứa dại (Pandanus tectorius), Dừa cạn (Catharanthus roseus).

Rừng nhiệt đới thường xanh (NĐTX) lá cứng trên cát khô bị tác động mạnh

Vùng cát ven biển huyện Phong Điền có hình chữ V, hẹp dần về phía nam, ở lưng chừng sườn hướng về nội địa là dải rú cát có giá trị phòng hộ, ngăn chặn cát bay, cát chảy xuống làng mạc các xã ven phá Tam Giang. Càng về phía bắc của huyện thì sườn càng thoải và rộng, ở đây đã hình thành một dải rừng NĐTX lá cứng trên cát khô. Tuy nhiên do tác động bởi chiến tranh và các hoạt động của con người như chặt cây lấy gỗ, lấy đất làm nghĩa địa…, chiều cao của tán rừng hiện nay tối đa chỉ 10m nhưng rừng tương đối khép tán. Kiểu rừng này cũng gặp ở một số nơi trong vùng cát nội đồng ở xã Phong Hiền và Phong Thu với độ tàn che trung bình đạt 73%.

Cấu trúc thảm thực vật rừng NĐTX lá cứng trên cát khô bị tác động mạnh gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất: được hình thành bởi những cây gỗ có chiều cao 6-10m, chủ yếu là Trâm bù (Syzygium corticosum), Sắn dù (S. polyanthum), Xăng mã (Carallia brachiata), Dẻ cát (Lithocarpus concentricus); Tầng thứ hai: tầng cây bụi xen lẫn với cây gỗ nhỏ và cây tái sinh, chiều cao từ 1-6m, ưu thế là Quế rành (Cinnamomum burmannii), Cổ ướm (Archidendron bauchei), Vè ve (Cleistanthus concinnus), Cù đèn (Croton sp.), Bồ cu vẽ (Breynia fruticosa), Mành mành (Phyllanthus fasciculatus), Me lá vảy hến (P. thaii), Chẹo (Engelhardtia sp.), Trâm voi (Syzygium bullockii), Trâm bù gỗ (S. corticosum), Trâm lá nhỏ (S. tephrodes), Sầm tán (Memecylon umbellatum), Ran (M. edule); Tầng thứ ba: tầng cỏ rất thưa, chủ yếu là các loài thuộc họ Cỏ - Poaceae. Thực vật ngoại tầng thường gặp là Ráng tai chuột đồng tiền (Pyrrosia nummularifolia), Hoa dẻ (Desmos chinensis, D. cochinchinensis), Bù dẻ trườn (Uvaria microcarpa), Ngôn (Alyxia pseudosinensis), Loa ty hoa trắng (Gymnema albiflorum), Tiển quả (Toxocarpus wightianus), Chóc mao (Salacia cochinchinensis), Tơ xanh (Casssytha filiformis), Dây chìu (Tetracera scandens), Dương đầu (Olax cf. imbricata), Mộc ký biến thiên (Loranthus varians). Dây đốt (Strychnos cathayensis), Nhàu lá nhỏ (Morinda parvifolia), Sơn cam (Cansjera rheedii), Chè vằng (Jasminum subtriplinerve).

Rừng NĐTX trên cát bồi tụ ven trằm nước bị tác động mạnh

Đó là các khoảnh rừng nhỏ trên các sống đất cát được bồi tụ cao ven các trằm nước, tập trung nhiều cây gỗ lớn và có mật độ che phủ dày với độ tàn che trung bình là 79%. Rừng có cấu trúc gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất: gồm cây gỗ lớn có chiều cao từ 8-15m, chủ yếu là: Bưởi bung (Acronychia pedunculata), Mưng (Barringtonia acutangula), Dẻ gai (Castanopsis sp.), Dẻ cát (Lithocarpus concentricus), Sơn quả to (Gluta megalocarpa), Xăng mã (Carallia brachiata), Tai chua (Garcinia cowa), Bứa vùng cát (G. scheferi), Giền đỏ (Xylopia vielana),...; Tầng thứ hai: gồm cây bụi xen lẫn với cây gỗ nhỏ và cây tái sinh, chiều cao từ 2-8m, ưu thế là Quế rành (Cinnamomum burmannii), Cổ ướm (Archidendron bauchei), Dẻ cát (Lithocarpus concentricus), Bưởi bung (Acronychia pedunculata), Cơm nguội cọng (Ardisia pseudopedunculosa), Cù đèn (Croton sp.), Sừng trâu (Tabernaemontae buffalina), Chòi (Planchonella obovata); Tầng thứ ba: tầng thảm tươi gồm những thực vật dưới 2m (cây non tái sinh của cây gỗ và các loài thân thảo). Ưu thế trong tầng thảm tươi là Dẻ gai Castanopsis sp., Cổ ướm (Archidendron bauchei), Cơm nguội áo (Ardisia villosa), Riềng mép ngắn (Catimbium breviligulatum), Dứa chót chẻ (Pandanus bipollicaris) và các loài thuộc họ Cỏ - Poaceae, họ Cói - Cyperaceae và họ hàng Dương xỉ. Thực vật ngoại tầng thường gặp là Bù dẻ trườn (Uvaria microcarpa), Cát đằng thơm (Thunbergia fragrans), Tơ xanh (Casssytha filiformis), Dây chìu (Tetracera scandens), Tầm gửi (Loranthus sp.), Kim cang (Smilax china, S. corbularia subsp. synandra, S. menispermoides).

Trảng cây bụi NĐTX lá cứng trên cát khô

Trảng cây bụi NĐTX lá cứng trên cát khô là kiểu thảm thực vật phổ biến và đặc trưng của vùng cát. Trảng bao gồm các cây gỗ nhỏ và cây bụi cao từ 1-3m (ít khi đến 5m) với độ tàn che không đồng đều (30-70%). Thành phần trảng cây bụi NĐTX lá cứng trên cát khô gồm có: Tầng cây bụi và cây gỗ nhỏ: gồm có Xăng mã (Carallia brachiata), Dẻ cát (Lithocarpus concentricus), Dẻ gai (Castanopsis sp.), Quế rành (Cinnamomum burmannii), Dầu đắng (Lindera myrrha), Cơm nguội cọng (Ardisia pseudopedunculosa), Mà ca (Myrsine linearis), Táu duyên hải (Vatica mangachapoi subsp. obtusifolia), Vè ve (Cleistanthus concinnus), Cù đèn (Croton sp.), Bồ cu vẽ (Breynia fruticosa), Mành mành (Phyllanthus fasciculatus), Me lá vảy hến (P. thaii), Chẹo (Engelhardtia sp.), Trâm voi (Syzygium bullockii), Trâm bù gỗ (S. corticosum), Trâm lá nhỏ (S. tephrodes), Ran (Memecylon edule), Sầm tán (M. umbellatum), Niệt dó (Wikstroemia indica), Chổi xể (Baeckea frutescens), Tiểu sim(Rhodamnia dumetorum), Sim (Rhodomyrtus tomemtosa), Lấu núi (Psychotria montana), Gai xanh (Severinia monophylla), Bách bệnh (Eurycoma longifolia), Xương rồng khế (Cereus peruvianus), Sừng trâu (Tabernaemontae buffalina), Trang đỏ (Ixora coccinea), Trang trắng (I. finlaysoniana), Ô liu nhánh (Olea brachiata)... Trong đó, các loài cây gỗ nhỏ thường gặp là Xăng mã, Dẻ cát, Dẻ gai, Trâm bù gỗ, Táu duyên hải, các loài cây bụi ưu thế là Mà ca, Vè ve, Cù đèn, Bồ cu vẽ, Mành mành, Me lá vảy hến, Chẹo, Sầm tán, Trâm voi, Gai xanh; + Tầng cỏ: thường gặp các loài dạng hoà thảo như ở trảng cỏ trên cát khô. Thực vật ngoại tầng gồm các loài gặp ở kiểu rừng NĐTX lá cứng trên cát khô.

Trảng cỏ trên cát khô

Thường gặp ở các trảng cát bằng khô hạn, trảng cỏ trên cát khô chủ yếu là các loài dạng hòa thảo, gồm: Các loài thuộc họ Cỏ Poaceae: Vi thảo hai gié (Brachiaria distachya), Cỏ chỉ (Cynodon dactylon var. dactylon), Tú chình (Digitaria petelotii), Tinh thảo đỏ (Eragrostis unioloides), Bần thảo rìa (Eremochloa ciliaris), Mao tái (Eriachne pallescens), Đẳng hoa (Isachne sp.), Mồm nốt (Ischaemum barbatum var. lodiculare), Thiên nhĩ ấn (Perotis indica), Bấc nhỏ (Sacciolepsis indica), Cầu bản (Sphaerocaryum malaccense), Hương bài (Vetiveria zizanoides) ...; Các loài thuộc họ Cói Cyperaceae: Cỏ cú (Cyperus bulbosus), Cú rơm (C. castaneus), Cú xạ (C. radians), Cỏ cú thân mảnh (C. zollingeri), Mao thư láng (Fimbristylis lasiophylla), Cỏ quăn xanh (F. sericea), Bạc đầu thấu quang (Kyllinga hyalina) ...; Các loài thân thảo hoặc nửa thân thảo thuộc các họ khác: Cỏ lết (Gisekia pharnaceoides), Rau đắng đất (Glinus oppositifolius), Dền gai (Amaranthus spinosus), Cỏ cứt lợn (Ageratum conyzoides), Vòi voi (Heliotropium indicum), Màn màn (Cleome spp.), Lõa trai đổi màu (Murdannia versicolor), Thài lài (Cyanotis burmanniana), Rau sam (Portulaca oleracea), An điền (Hedyotis spp.), Cỏ chanh lươn (Leptocarpus disjunctus), Gai đầu răng to (Triumfetta grandidens), Gai đầu lông (T. pseudocana),... Ở trảng cỏ trên cát khô ưu thế là các loài Mao tái, Bần thảo rìa, Tú chình, Mồm nốt, Cỏ quăn xanh, Thiên nhĩ ấn, Cỏ chanh lươn.

Rừng nhiệt đới thường xanh trên cát ẩm bị tác động mạnh

Đó là các khoảnh rừng nhỏ nằm ở vùng đầm lầy ngập nước định kỳ, gặp ở các xã Phong Chương và Phong Hiền, có tầng cây gỗ cao 8-25m và độ tàn che trung bình đạt 86,67%. Cấu trúc rừng NĐTX trên cát ẩm cũng gồm 3 tầng nhưng cấu trúc thành phần loài trong các tầng khác với hai kiểu rừng trên cát khô: Tầng thứ nhất: Gồm các cây gỗ lớn, ưu thế là Côm (Elaeocarpus sp.), Bùi núi (Ilex cymosa), Thủ (Adina sp.), Vàng trắng (Alseodaphne chinensis), Trai (Fagraea fragans), Chơn trà nhật (Eurya japonica), Mán đĩa (Archidendron clypearia), Vối (Cleistocalyx operculatus); Tầng thứ 2: Tầng cây bụi gồm Mua (Melastoma normale), Ba chạc (Euodia lepta), Sim (Rhodomyrtus tomentosa) phân bố ở bìa rừng, ở dưới tán rừng chỉ có một số cây gỗ nhỏ và cây tái sinh; Tầng thứ 3: Dưới tán rừng chủ yếu là Dứa chót chẻ (Pandanus bipollicaris) và cây con tái sinh, ở bìa rừng tầng cỏ quyết phát triển với các loài Hiển dực trung bộ (Angiopteris annamensis), Thông đất (Lycopodiella cernua), Bòng bong leo (Lygodium scandens), Bình nước (Nepenthes mirabilis.) và các loài cỏ thuộc họ Cói - Cyperaceae.

Trảng cây bụi nhiệt đới thường xanh cây lá rộng trên cát ẩm

Phân bố ven các trằm ngập nước thường xuyên, ven các rừng NĐTX trên cát ẩm hay trên các vùng trũng ngập nước định kỳ, cấu trúc trảng cây bụi NĐTX cây lá rộng trên cát ẩm gồm 2 tầng giống với trảng cây bụi NĐTX lá cứng trên cát khô, tuy nhiên ở trên cát ẩm ngoài tầng cỏ quyết thể hiện rõ nét thì tổ thành loài trong các tầng đều đơn giản. Thành phần thực vật thảm cây bụi trên cát ẩm: Tầng cây bụi gồm có Ba chạc (Euodia lepta), Mua (Melastoma normale), Tràm (Melaleuca cajeputi), Chổi xể (Baeckea frutescens), Sim (Rhodomyrtus tomemtosa), Dành dành (Gardenia angustifolia); Tầng cỏ quyết: gồm có Bòng bong leo (Lygodium scandens), Vọt (Dicranopteris linearis), Thông đất (Lycopodiella cernua), Bình nước (Nepenthes mirabilis.), Dùi trống (Eriocaulon spp.), Hoàng đầu (Xyris spp.), Bắt ruồi (Drosera burmanii), Bờm râu (Bulbostylis barbata), Cỏ lông bò (Fimbristylis pauciflora), Cỏ lác (Mapania bancana), Đưng (Scleria poaeformis).... Tuy thành phần loài đơn giản hơn so với trảng cây NĐTX lá cứng trên cát khô nhưng trảng cây bụi NĐTX cây lá rộng trên cát ẩm lại có độ tàn che lớn hơn, trung bình 85%. Các quần xã cây bụi trên cát ẩm phân hóa theo độ ẩm ướt: ở sát mép nước và nơi thường xuyên ngập nước có độ ẩm ướt cao thường gặp quần xã Mua, Ba chạc, Bình nước, Cỏ dùi trống, Cói - Cyperaceae; tiếp giáp với quần xã trên và ở những nơi ít ngập nước thường bị khô hạn vào mùa nắng là sự hiện diện của quần xã Tràm, Chổi, Cỏ chanh lươn và Mao tái.

Trảng cỏ trên cát ẩm

Các vùng cát trũng ẩm ướt, ngập nước định kỳ có sự hiện diện của các loài cỏ ưa ẩm và có khả năng chịu hạn như Hoàng đầu (Xyris bancana, Xyris complanata), Đũa bếp (Phyllidrum lanuginosum), Cỏ lông bò (Fimbristylis pauciflora), Dùi trống (Eriocaulon gracile, Eriocaulon longifolium, Eriocaulon nigrum, Eriocaulon sexangulare), Bắt ruồi (Drosera burmanii), Bờm râu (Bulbostylis barbata), Cỏ lác (Mapania bancana), Đưng (Scleria poaeformis), Bình nước (Nepenthes mirabilis), An điền (Hedyotis tetrangularis)… Ưu hợp loài phổ biến ở trảng cỏ trên cát ẩm là: Drosera burmanii, Eriocaulon spp., Xyris spp., Nepenthes spp., Cyperaceae.

Thảm thực vật thủy sinh

Với hệ thống các trằm, bàu, hói nước phân bố nhiều nơi trên vùng cát nội động đã tạo môi trường thuận lợi cho các loài thực vật thủy sinh phát triển, thường gặp là Súng (Nymphaea pubescens), Sen (Nelumbo nucifera), Rong đuôi chó (Ceratophyllum demersum), Rau cần trôi (Ceratopteris thalictroides), Lục bình (Eichhornia crassipes)...

Kết luận

Thực vật bậc cao có mạch ở vùng cát huyện Phong Điền đã xác định được 320 loài. Tuy thành phần loài không đa dạng như ở các hệ sinh thái rừng nhiệt đới khác, nhưng thảm thực vật vùng cát ở đây khá đa dạng về sinh cảnh phân bố, có thể phân thành 10 kiểu thảm thực vật khác nhau trên các vùng cát di động, cát khô cố định và cát ẩm. Mỗi kiểu thảm có các quần xã thực vật đặc trưng riêng, đặc biệt trong số đó là các kiểu rừng nhiệt đới thường xanh có cấu trúc thành phần loài tương đối đa dạng và có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng cư dân vùng cát.

Tài liệu tham khảo

1.    Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000: Cây cỏ Việt Nam, Tập I-III. NXB. Trẻ, Tp. HCM.
2.    Mar tí nez M. L., N. P. Psuty, 2004: Coastal Dunes-Ecology and Conversation. NXB. Springer, New York.
3.    Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997: Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
4.    Nguyễn Nghĩa Thìn, 2004: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
5.    Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007: Phương pháp nghiên cứu thực vật. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
6.    Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, 2005: Địa chí Phong Điền. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7.    Nguyễn Việt, 2004: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2: 58-67. Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.

Phan Thị Thúy Hằng
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Nguyễn Nghĩa Thìn
Trường ĐH KHTN - ĐH QGHN

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024