Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Hiện trạng các thảm cỏ biển tại Đầm Già, Đầm Tre (vịnh Nha Trang) và Mỹ Giang (vịnh Vân Phong)

Cập nhật ngày 11/1/2010 lúc 4:21:00 PM. Số lượt đọc: 6802.

Cỏ biển là thực vật có hoa, sống ngập chìm trong nước biển (Lewmanomont, 1995). Hình thái cỏ biển được chia thành 4 phần rõ rệt bao gồm thân bò, thân đứng, lá và rễ bám chặt vào nền đáy (den Hartog, 1970). Chúng chiếm ưu thế ở các cửa sông, vịnh, đầm phá (Kirkman, 1996). Cỏ biển được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và vùng nước ấm trên thế giới và là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái ven bờ (den Hartog, 1970; Fortes, 1993; Lewmanomont, 1995)

Chúng là thức ăn chính của bò biển, rùa và các động vật biển khác, cung cấp bề mặt cho các sinh vật sống bám như rong biển và nhiều động vật kích thước nhỏ khác và chính những động thực vật nhỏ này là thức ăn quan trọng cho các động vật lớn hơn (Fortes, 1993). Trên thế giới 60 loài đã được phát hiện. Cỏ biển cũng có chức năng vật lý quan trọng trong môi trường biển (Fortes, 1993; Green and Short, 2003). Chúng tham gia vào sản xuất sơ cấp và có vai trò quan trọng trong chu trình dinh dưỡng của hệ sinh thái ven bờ. Hệ thống rễ và thân ngầm của cỏ biển cố định nền đáy và trầm tích (Bradley, 1997). Ngoài ra, chúng còn bẫy và lưu trữ vật chất trong trầm tích ven bờ (Gacia, 2003; Fortes, 2004). Tuy nhiên, phân bố của cỏ biển đang bị suy giảm do các hoạt động của con người và thiên nhiên (UNDP, 2004).

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu về cỏ biển đã được Phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện từ năm 1996 cho thấy cỏ biển được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Chúng phân bố ở các ao đầm ven biển, vũng vịnh, cửa sông, quanh các đảo với diện tích lên đến hàng nghìn hecta, đặc biệt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… Các loài ưu thế có kích thước lớn như cỏ Lá dừa - Enhalus acoroides, cỏ Vích - Thalassia hemprichii và cỏ Kiệu răng cưa - Cymodocea serrulata (Nguyễn Hữu Đại, 1999). Tác giả cũng đã ghi nhận có tổng cộng 15 loài được tìm thấy tại các tỉnh phía Nam Việt Nam.

Thảm cỏ biển tại Đầm Tre và Đầm Già, vịnh Nha Trang chưa được nghiên cứu nhiều. Chưa có số liệu về sinh lượng và mật độ cỏ biển tại khu vực này. Nghiên cứu trước đây về cỏ biển tại Đầm Tre và Đầm Già chỉ ghi nhận đây là khu vực có sự hiện diện của cỏ biển trên bản đồ cỏ biển tại Khánh Hòa. Các nghiên cứu chi tiết vẫn chưa được thực hiện tại khu vực này (Nguyễn Hữu Đại và cs., 1996). Ngược lại, các thảm cỏ biển tại Mỹ Giang đã được nghiên cứu kỹ. Nguyễn Hữu Đại và cs., 1999 đã thu thập được 7 loài bao gồm Enhalus acoroides (L. f.) Royle, Halophila minor (Zollinger) den Hartog, Halophila ovalis (R. Brown) Hooker f., Thalassia hemprichi (Ehrenberg) Ascherson (Family Hydrocharitaceae). Cymodocea rotundata Ehrenberg & Hemprich ex Ascherson, Cymodocea serrulata (R. Brown) Ascherson, Halodule uninervis (Forsskal) Ascherson (họ Cymodoceaceae) tại Mỹ Giang. Mật độ và sinh lượng của cỏ Lá dừa là 108 - 144 thân/m2 và 121 - 154 gDW/m2. Mật độ và sinh lượng của cỏ Vích Thalassia hemprichi cao nhất là vào tháng 5 (1050 thân/m2 và 133 gDW/m2). Mật độ và sinh lượng cỏ Kiệu răng cưa - Cymodocea serrulata - đạt giá trị cao nhất cũng vào tháng 5 (1120 thân/m2 và 109 gDW/m2). Tuy nhiên, các thảm cỏ biển ở đây cũng đã biến đổi khá nhiều do tác động của nhiều điều kiện khác nhau. Bài viết này nhằm đánh giá lại hiện trạng và biến đổi của các thảm cỏ biển từ năm 2003 đến năm 2006.

Địa điểm và phương pháp nghiên cứu

Khu vực nghiên cứu

Khu vực nghiên cứu là các thảm cỏ biển tại Đầm Già, Đầm Tre (vịnh Nha Trang), Bắc và Nam Hòn Mỹ Giang (vịnh Vân Phong) vào tháng 9 năm 2003 và 2006. Đầm Già và Đầm Tre là hai vũng nhỏ ở phía bắc đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang. Vũng Đầm Già (12013’ N; 109015’ E) có chiều dài bờ biển là 3,95km với chỗ rộng nhất là 1,06km (hình 1). Vũng Đầm Tre (12012’ N; 109018’ E) có chiều dài bờ biển là 3,05km và chỗ rộng nhất là 1,27km (Nguồn: GoogleEarth).



Hình 1: Đảo Hòn Tre và khu vực nghiên cứu


Hình 2: Hòn Mỹ Giang và khu vực nghiên cứu

 

Tọa độ các trạm nghiên cứu:  Đầm Già: 109015’16”E; 12013’13”N;  Đầm Tre: 109018’30”E; 12012’52”N; Bắc Hòn Mỹ Giang: 109017’38”E; 12029’42”N; Nam Hòn Mỹ Giang: 109018’48”E; 12029’07”N

Tính sinh lượng và mật độ

Đối với khu vực Đầm Tre và Đầm Già, nơi có độ sâu lớn, chúng tôi đặt mặt cắt vuông góc với đường bờ, mặt cắt kéo dài từ nơi có sự phân bố của cỏ biển đến hết thảm cỏ biển. Tại mỗi độ sâu 2, 4, 6, 8, 10 và 12m, các mẫu cỏ biển được thu thập bằng khung sinh lượng 0,3 x 0,3m. Tại Mỹ Giang, do độ sâu nước thấp nên chúng tôi chỉ thu mẫu tại mặt cắt cạn (2 m sâu) và mặt cắt sâu (4m sâu) cũng bằng khung sinh lượng 0,3 x 0,3m. Mẫu cỏ biển được rửa sạch bằng nước biển tại hiện trường để bỏ bùn, các động vật nhỏ, các loài rong phụ sinh bám vào và ngâm trong dung dịch formol 5% và đưa về phòng thí nghiệm để đếm mật độ và cân sinh lượng. Tại phòng thí nghiệm, chúng tôi sử dụng tài liệu “Seagrasses of the world” của Den Hartog (1970) để phân loại. Đếm mật độ cây/khung sinh lượng và chuyển sang đơn vị m2. Cỏ biển được rửa một lần nữa để loại sạch muối bám trên cỏ biển, mẫu được sấy trong tủ sấy liên tục trong 24 giờ ở nhiệt độ 600C. Sinh lượng (gDW/m2) cân bằng cân điện tử có độ chính xác 0,001g.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

1. Thảm cỏ biển tại Đầm Già và Đầm Tre, Vịnh Nha Trang

Thành phần loài

Tổng cộng có 5 loài được tìm thấy trong khu vực nghiên cứu, bao gồm:  Halophila ovalis (R. Brown) Hooker f.; Halophila minor (Zollinger) den Hartog; Thalassia hemprichii (Ehrenberg) Ascherson; Enhalus acoroides (L.f.) Royle và Halodule uninervis (Forsskal) Ascherson.

Cấu trúc thảm cỏ biển

Đầm Tre: Thảm cỏ biển thường đơn loài, hoặc là Halodule uninervis hoặc là Halophila ovalis. Ở khu vực nước nông với độ sâu nhỏ hơn 4m, Halodule uninervis chiếm ưu thế tạo thành thảm cỏ biển đơn loài. Từ độ sâu 4m trở đi, loài Halophila ovalis hoàn toàn chiếm ưu thế và tạo thành thảm cỏ biển đơn loài phân bố tới độ sâu 12m.

Đầm Già: Khác với Đầm Tre, cỏ Halophila ovalis ở khu vực này mọc ở độ sâu 2 m tạo thành thảm cỏ đơn loài. Tuy nhiên, ở vùng nước sâu hơn Halophila ovalis, Enhalus acoroides và Thalassia hemprichii tạo thành thảm cỏ hỗn hợp phân bố tới độ sâu 5m.

Biến động sinh lượng và mật độ cỏ biển năm 2003 và 2006 tại Đầm Già và Đầm Tre

Kết quả biến động mật độ và sinh lượng cỏ biển tại Đầm Tre được thể hiện qua bảng 1 và hình 3. Từ kết quả bảng 1 cho thấy, mật độ cỏ biển đã suy giảm nhiều. Ở độ sâu 2m, mật độ cỏ Halodule uninervis là 1404 thân/m2 năm 2003, nhưng đến năm 2006 mật độ chỉ còn 490 thân/m2. Loài Halophila ovalis mọc vùng nước nông (độ sâu 4m) cũng suy giảm mạnh về mật độ, mật độ của chúng đếm được là 1440 thân/m2 năm 2003, nhưng đến năm 2006 mật độ chỉ còn 440 thân/m2. Tại vùng nước sâu hơn (8m), mật độ loài Halophila ovalis đếm được năm 2006 là 840 thân/m2 trong khi đó con số này là 1170 thân/m2 vào năm 2003. Mật độ loài cỏ này không thay đổi nhiều ở vùng nước sâu hơn (trên 10m). Để thấy rõ hơn về sự suy giảm, chúng tôi so sánh sinh lượng của chúng trong năm 2003 và 2006. Kết quả hình 2 cho thấy sự suy giảm rõ rệt về sinh lượng cỏ biển tại Đầm Tre, đặc biệt là vùng ven bờ ở độ sâu 2 - 4 m, sinh lượng tổng cộng của cỏ biển ở độ sâu 2m đạt 39,87 gDW/m2, nhưng đến năm 2006 sinh lượng chỉ còn lại 6,1g DW/m2. Tương tự như vậy sinh lượng cỏ biển ở các độ sâu 4, 6, 8m lần lượt là 17,64; 20,52; 20,43 gDW/m2 vào năm 2003, nhưng đến năm 2006 sinh lượng của chúng giảm còn 6; 15,9; 14,6 gDW/m2 theo thứ tự.

Bảng 1. Biến động mật độ cỏ biển tại Đầm Tre - Vịnh Nha Trang trong năm 2003 và 2006

Độ sâu

Loài

Mật độ (cây/m2)

Năm 2003

Năm 2006

2

Halophila ovalis

Halodule uninervis

207

1404

 

490

4

Halophila ovalis

1440

440

6

Halophila ovalis

Halodule uninervis

576

756

840

8

Halophila ovalis

1170

580

10

Halophila ovalis

675

850

12

Halophila ovalis

477

920

Qua khảo sát năm 2006 chúng tôi nhận thấy nước biển khá đục, trầm tích bao phủ lên cỏ biển, làm chúng khó phát triển. Đồng thời với lượng vật chất lơ lửng trong nước cao làm cho khả năng quang hợp của cỏ biển giảm đi nhiều. Bên cạnh đó, rong phát triển dày đặc (hình 5) trên thảm cỏ biển đã cạnh tranh gay gắt môi trường sống với cỏ biển vì rong là loài rất thích nghi với môi trường có dinh dưỡng cao (ưu dưỡng). Nguồn vật chất lơ lửng có thể bắt nguồn từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng của khu du lịch cao cấp Vinpearl Land như san lấp mặt bằng cho xây dựng, tạo các con đường chạy dọc biển đã tác động mạnh vào môi trường sống của cỏ biển.


Hình 3: Biến động sinh lượng cỏ biển tại Đầm Tre


Hình 4: Halodule uninervis tại Đầm Tre (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 5: Thảm cỏ biển đơn loài Halophila ovalis tại Đầm Tre (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 6: Trầm tích bám vào cỏ Enhalus acoroides tại Đầm Già (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 7: Cỏ Thalassia himprichii hiếm hoi được tìm thấy tại Đầm Già năm 2006 (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 8: Cỏ Halophila ovalis tại Đầm Già (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)

Sự biến động cỏ biển mạnh mẽ nhất phải kể đến là thảm cỏ biển ở Đầm Già. Thảm cỏ đơn loài Enhalus acoroides đang dần bị biến mất. Năm 2003, khu vực này có một thảm cỏ biển Enhalus acoroides rất rộng với mật độ rất cao, dao động từ 45 đến 162 thân/m2 (TB: 91; SD: 39; n = 14) và sinh lượng từ 39,15 đến 316,22 gDW/m2 (TB: 160.11; SD: 79,60; n = 14). Thế nhưng kết quả khảo sát năm 2006 cho thấy rằng thảm cỏ biển này hầu như bị biến mất, chỉ còn lại những đốm nhỏ với mật độ chỉ còn 40 cây/m2 và sinh lượng là 145,4 gDW/m2 (hình 6). Trong đợt khảo sát năm 2003, mật độ loài cỏ Thalassia hemprichii đạt từ 36 - 45 thân/m2 nhưng kết quả khảo sát năm 2006 cho thấy hầu như không còn sự hiện diện của loài này, nếu có thì chỉ là những bụi nhỏ mọc lác đác (hình 7).

Biến động sinh lượng và mật độ cỏ biển năm 2003 và 2006 tại Hòn Mỹ Giang, vịnh Vân Phong

Thành phần loài

Có 7 loài được tìm thấy tại Hòn Mỹ Giang bao gồm: Enhalus acoroides (L. f.) Royle; Halophila minor (Zollinger) den Hartog; Halophila ovalis (R. Brown) Hooker f.; Thalassia hemprichi (Ehrenberg) Ascherson; Cymodocea rotundata Ehrenberg & Hemprich ex Ascherson; Cymodocea serrulata (R. Brown) Ascherson và Halodule uninervis (Forsskal) Ascherson.

Cấu trúc

Thảm cỏ biển tại Mỹ Giang thông thường là thảm đa loài, nhưng cũng có một số thảm là đơn loài. Thảm đa loài được hình thành từ 2 loài trở lên với sự ưu thế của Thalassia hemprichii, Enhalus acoroides, Cymodocea rotundata và Cymodocea serrulata. Do tính đa dạng loài cao (7 loài) và phân bố cả hai mặt bắc và nam nên hình thành 5 dạng cấu trúc phụ thuộc vào điều kiện nền đáy.

- Dạng 1 (hình 9): Thảm Enhalus acoroides/Cymodocea serrulata: Chúng phân bố dày trên đáy cát bùn và ít khi trộn lẫn vào nhau. Ở dạng này, hoặc là thảm Enhalus acoroides hoặc là thảm Cymodocea serrulata. Nhưng thỉnh thoảng vẫn tìm thấy loài Thalassia hemprichii trong dạng này.

- Dạng 2 (hình 10): Thảm Cymodocea serrulata: Duy nhất chỉ có một loài tạo thành thảm đơn loài với độ phủ khá cao trên nền đáy cát.

- Dạng 3 (hình 11): Thảm Enhalus acoroides/Thalassia hemprichii/Cymodocea serrulata: Chúng phân bố gần bờ trên nền đáy là san hô chết hoặc cát tạo thành thảm đa loài.

 - Dạng 4 (hình 12): Thảm Halophila ovalis: Chúng được tìm thấy ở vùng nước trong, sâu khoảng 5m, phát triển thành thảm lốm đốm.

- Dạng 5 (hình 13): Thảm cỏ bị bày khô khi triều kiệt, rất nhiều loài mọc chung trên nền đáy là san hô chết, vỏ sò ốc. Độ phủ của dạng này tương đối thấp.



Hình 9: Cấu trúc cỏ biển dạng 1 ở Mỹ Giang (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 10: Cấu trúc dạng 2 ở Mỹ Giang 


Hình 11: Cấu trúc dạng 3 ở Mỹ Giang (Ảnh: Hoàng Xuân Bền) 


Hình 12: Cấu trúc dạng 4 ở Mỹ Giang (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)


Hình 13: Cấu trúc dạng 5 ở Mỹ Giang (Ảnh: Hoàng Xuân Bền)

Kết quả khảo sát năm 2003 cho thấy mật độ trung bình cỏ Enhalus acoroides là 41 cây/m2 với sinh lượng là 107,15 gDW/m2. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại lác đác những bụi nhỏ. Mật độ và sinh lượng loài cỏ Vích Thalassia hemprichii năm 2003 là 426 cây/m2 và 171,37g DW/m2 nhưng con số này là 150 cây/m2 và 51,97 gDW/m2 vào năm 2006. Kết quả khảo sát năm 2003 và 2006 được thể hiện qua hình 14 và 15.


Hình 14: Biến động mật độ loài cỏ Enhalus acoroides và cỏ Thalassia hemprichii tại Bắc Mỹ Giang năm 2003 và 2006


Hình 15: Biến động sinh lượng loài cỏ Enhalus acoroides và cỏ Thalassia hemprichii tại Bắc Mỹ Giang năm 2003 và 2006
 

Từ kết quả trên cho thấy thảm cỏ biển tại Bắc Mỹ Giang đã suy giảm nghiêm trọng. Mật độ cỏ Vích giảm từ 426 cây/m2 năm 2003 còn 150 cây/m2 năm 2006, tương đương 65%. Sinh lượng giảm từ 171,37 gDW/m2 năm 2003 còn 51,97 gDW/m2, tương đương 70%.

Thảm cỏ biển tại nam Hòn Mỹ Giang rất ít bị tác động về sinh lượng và mật độ. Thành phần đa dạng và độ phủ vẫn còn cao. Mật độ loài cỏ Vích Thalassia hemprichii khảo sát năm 2006 là 250 thân/m2, không thay đổi nhiều so với năm 2003 (mật độ là 243 thân/m2). Tuy nhiên sinh lượng có giảm chút ít nhưng không đáng kể. Sinh lượng của loài này đạt được 99,92 gDW/m2 trong đợt khảo sát năm 2006 so với 106,63 gDW/2 trong đợt khảo sát năm 2003. Đối với loài có kích thước nhỏ như Halophila ovalis thường phân bố trên nền đáy cát có mật độ là 360 thân/m2 trong đợt khảo sát năm 2003, nhưng trong đợt khảo sát năm 2006 mật độ loài này giảm còn 220 thân/m2.

Về sinh lượng: Do mật độ của cỏ biển không khác nhau nhiều nên sinh lượng của cỏ biển tại nam Hòn Mỹ Giang cũng không khác nhau nhiều. Sinh lượng khảo sát cho từng loài Thalassia hemprichii, Enhalus acoroides và Halophila ovalis trong đợt khảo sát năm 2003 lần lượt là 106,62; 91,8 và 3,24 gDW/m2 theo trình tự so với 99,92; 91,8 và 3,1 gDW/m2 trong đợt khảo sát năm 2003. Như vậy từ kết quả khảo sát năm 2003 và 2006 cho thấy, biến động thảm cỏ biển tại nam Hòn Mỹ Giang là không đáng kể. Kết quả khảo sát năm 2003 và 2006 về mật độ và sinh lượng cỏ biển tại nam Hòn Mỹ Giang được thể hiện qua hình 16 và 17.


Hình 16: Biến động mật độ loài cỏ Enhalus acoroides, Thalassia hemprichii và Halophila ovalis tại Nam Mỹ Giang năm 2003 và 2006


Hình 17: Biến động sinh lượng loài cỏ Enhalus acoroides, Thalassia hemprichii và Halophila ovalis tại Nam Mỹ Giang năm 2003 và 2006

 

Két luận

Rõ ràng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu khu lịch Vinpearl Land tại Vịnh Nha Trang đã tác động rất lớn đến các thảm cỏ biển trong khu vực nghiên cứu. Cụ thể tại Đầm tre, đặc biệt là vùng ven bờ ở độ sâu 2- 4m, sinh lượng tổng cộng của cỏ biển ở độ sâu 2m đạt 39,87 gDW/m2, nhưng đến năm 2006 sinh lượng chỉ còn lại 6,1g DW/m2. Tương tự như vậy sinh lượng cỏ biển ở các độ sâu 4, 6, 8m lần lượt là 17,64; 20,52; 20,43 gDW/m2 vào năm 2003, nhưng đến năm 2006 sinh lượng của chúng giảm còn 6; 15,9; 14,6 gDW/m2 theo thứ tự. Thảm cỏ biển tại Đầm Già là thảm bị thiệt hại nặng nề nhất. Đợt khảo sát năm 2003 cho thấy đây là khu vực cỏ biển rộng lớn với loài ưu thế là loài cỏ Lá dừa với mật độ trung bình từ 45 đến 162 thân/m2 và sinh lượng từ 39,15 đến 316,22 gDW/m2. Tuy nhiên đợt khảo sát năm 2006 cho thấy thảm cỏ biển Enhalus acoroides tại khu vực này hầu như bị xóa sổ, hiện chỉ còn những lốm đốm nhỏ. Hoạt động của nhà máy đóng tàu Huyndai-Vinashin từ lâu đã được xem là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới các hệ sinh thái trong vùng có các thảm cỏ biển phân bố quanh hòn Mỹ Giang. Thảm cỏ biển tiếp giáp với khu nhà máy này đã bị suy giảm nghiêm trọng về sinh lượng và mật độ, đặc biệt là thảm cỏ Enhalus acoroides hầu như bị biến mất. Kết quả khảo sát năm 2003 cho thấy mật độ trung bình cỏ Enhalus acoroides là 41 cây/m2 với sinh lượng là 107,15 gDW/m2 nhưng hiện nay chỉ còn lại lác đác những bụi nhỏ. Mật độ và sinh lượng loài cỏ Vích Thalassia hemprichii năm 2003 là 426 cây/m2 và 171,37g DW/m2 nhưng con số này chỉ còn150 cây/m2 và 51,97 gDW/m2 vào năm 2006.

Như vậy trong 4 thảm cỏ biển khảo sát là Đầm Già, Đầm Tre, Bắc Hòn Mỹ Giang và Nam Hòn Mỹ Giang trong năm 2003 và 2006 cho thấy 2 thảm cỏ biển là Đầm Già và Đầm Tre là 2 thảm cỏ biển bị suy giảm mạnh nhất, thảm cỏ tại Đầm Tre bị suy giảm ở vùng nước nông còn cỏ biển phân bố sâu hơn không bị tác động nhiều. Sự biến động của thảm cỏ tại Nam Hòn Mỹ Giang không bị thay đổi nhiều.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyen Huu Dai et al., 2000: Seagrass beds along the southern coast of Vietnam and their signification for associated flora and fauna. Collection of Marine research works. Vol. X. pp. 149-160.

2. Nguyen Huu Dai, Pham Huu Tri, 2000: Distribution of seagrasses and seaweed in the littoral zones in Ninh Phuoc (Ninh Hoa, Khanh Hoa). Biological issues in Program of natural basic researches: 1996-2000.

3. Den Hartog C., 1970: The seagrasses of the world. North Holland Publishing Company, Amsterdam 1970.

4. Dolens J., 2003: Genome size of Adriatic seagrasses. Aquatic Botany. 77. 9 p.

5. Nguyễn Hữu Đại và cs., 1999: Báo cáo tổng kết đề tài cấp Trung tâm “Nghiên cứu các thảm cỏ biển phía Nam Việt Nam, 53 tr.

6. Nguyễn Hữu Đại, Nguyễn Xuân Hoà, Phạm Hữu Trí, 1999: Tuyển tập nghiên cứu biển, IX: 216-226.

7. Elkalay K. et al., 2003: A model sesonal dynamics of biomass and production of seagrass Posidonia oceanica in the Bay of Calvi (Northestern Mediterranean). Ecological Modelling. 167. 17 p.

8. English S., C. Wilkinson, V. Baker, 1994: Survey Manual for Tropical Marine.

9. Fortes M. D., 1993: Seagrasses: Their role in Marine Ranching. Chapter 11. In Seaweed cultivation and Marine Ranching. Japan International Cooperation Agency (JICA).

10. Gacia E., 2003: Sediment deposition and production in SE-Asia seagrass meadows. Estuaries, Coastal and Shelf Science. 56. 10 p.

11. Green E. P., F. T. Short, 2003: World Atlas of Seagrasses. Published in association with UNEP – WCMC by the University of California Press. London, England.

12. Kirkman H., 1970: Resources. Chapter 5: Seagrass Communities. pp. 235-264.

13. Kirkman H., 1996: Baseline and Monitoring Methods for seagrass Meadows. Environmental Management. 47. 11 p.

14. Lewmanomont K., 1995: Common seaweeds and seagrasses of Thailand. Bangkok. Thailand.

15. Phillip R. C., C. P. McRoy, 1990: Seagrass Research Methods: Monograph on Oceanographic methodology. UNESCO, Paris. 210 p.

Tác giả xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới dự án NUFU, hợp phần “Đa dạng sinh học” đã cung cấp kinh phí để thực hiện các chuyến khảo sát. Tác giả cũng gởi lời cảm ơn đến các cán bộ phòng Nguồn lợi thủy sinh, Viện Hải dương học đã tạo điều kiện cho tôi trong việc thu mẫu. Nhân đây tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm ơn đối với Thạc sỹ Hoàng Xuân Bền đã cung cấp những bức ảnh dưới nước đẹp và có giá trị.

 Nguyễn Xuân Vị
Viện Hải dương học Nha Trang

 (Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024