Thông tin chung
Tên thường gọi: Nho
Tên khoa học: Vitis vinifera L.
Thuộc họ Nho - Vitaceae.
Mô tả
Dây leo bằng cành có tua cuốn. Vỏ lúc đầu màu lục, rồi màu tro khi hoá bầu bong ra thành dải mỏng. Lá mọc so le thành hai dãy có hai lá kèm sớm rụng; phiến lá chia 5-7 thuỳ, khía răng không đều ở mép; cuống lá dài. Tua cuốn đối diện với lá, rẽ đôi một hai lần, ở chỗ rẽ có một lá giảm. Hoa mọc thành chùm xim hai ngả; hoa đầu, tạp tính khác gốc, màu xanh xanh. Quả mọng hình trứng lúc tươi, vàng vàng đỏ hay đen, chứa 4 hạt hình quả lê, có vỏ rắn như xương.
Hình mô tả Nho - Vitis vinifera L., theo botanical.com
Bộ phận dùng
Toàn cây- Herba Vitidis Viniferae, thường có tên là Bồ đào.
Nơi sống và thu hái: Cây nhập nội, được trồng chủ yếu làm cảnh, làm giàn lấy bóng mát. Ở các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ (Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh), ta nhập trồng nhiều giống của Pháp, Hoa Kỳ, Úc, để lấy quả ngọt làm rượu chát. Trồng bằng hom, lấy ở cành già một năm tuổi, làm đất sâu, bón phân đủ và giữ đất ẩm. Cắt tỉa cành và chăm bón để nuôi quả.
Thành phần hoá học
Quả Nho chứa 0,2% protein, 0,1% chất béo, 0,1% glucid, 0,2% tro. Trong 100ml dịch quả có 0,05mg As.
Trong quả chín có acid oxalic, acid malic, acid tartaric và acid racemic, còn một lượng nhỏ vitamin B1 và B2. Hạt chứa 2% dầu nửa khô. Lá của thứ Nnho đỏ chứa tanin, levulose saccharose, dextrose, choline, inositol, vitamin C, các chất màu, anthocyan.
Vỏ quả nho có nhiều chất chát có khả năng kháng khuẩn. Qua phương pháp theo dõi đồng vị phóng xạ chất này không bị phá huỷ bởi dịch tiêu hoá nên có thể tuần hoàn khắp cơ thể và cho tác dụng toàn thân. Trong vỏ quả nho có nhiều chất Resveratrol hơn so với trong thịt quả. Nó có khả năng chống ôxy hoá mạnh gấp 7 lần vitamin E cho nên khi ăn nho nên ăn cả vỏ.
Vỏ hạt nho: Cấu trúc hoá học của chất Resveratrol có trong vỏ của hạt nho và hocmon oestrogene của con người có sự tương đồng. Chúng có tác dụng tốt đối với lượng cholesterol và với thành mạch máu trong cơ thể. Điều này giải thích vì sao những người uống rượu vang đỏ có hệ thống tim mạch tốt.
Cao hạt nho chứa chất Proanthocyanidin “chất chống ôxy hóa siêu đẳng" ngăn chặn sự phát triển của nhiều bệnh nan y và của quá trình lão hoá.
Trong dầu hạt nho có nhiều axit linoleic (nhiều hơn tất cả các loại dầu hiện nay đang dùng) dầu này làm tăng HDL giảm LDL. Dùng dầu hạt nho hàng ngày thì nguy cơ bệnh tim mạch giảm 39-56%. Các nhà khoa học Mỹ cho biết khi nam giới có HDL thấp (cholesterol tốt) hay bị chứng bất lực. Sau một thời gian dùng dầu hạt nho HDL sẽ tăng lên và chứng bất lực giảm rõ rệt. Dầu hạt nho còn giảm kết vón tiểu cầu, có tác dụng phòng tăng huyết áp, hàn gắn vết thương, tiểu đường gây ra.
Tính vị, tác dụng
Quả nho có vị ngọt, chua, tính bình; có tác dụng bổ khí huyết, cường gân cốt, lợi tiểu tiện, nhuận tràng, lợi tiêu hoá. Rễ Nho có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng khư phong thấp, nối gân, lợi niệu. Dây lá Nho có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng giải độc, lợi niệu. Lá của loài Nho đỏ có tác dụng bổ thần kinh và mạch máu, điều hoà huyết, làm săn da, lợi tiểu và làm mát.
Công dụng làm thuốc
Làm thuốc lợi tiểu, Rễ và thân dùng chữa phong thấp, gãy xương, bệnh sởi, chống nôn, làm an thai.
Nho khô tại Trung Hoa được dùng chữa đau lưng, váng đầu, đau dạ dày mãn tính, động thai.
Nho tươi dùng trị đái buốt, đái dắt, đái ra máu. Lá làm thuốc trị ỉa chảy.
Dịch quả tươi chát, được dùng ở Ấn Độ trị bệnh đau cổ họng.
Ở châu Âu, người ta dùng chữa bệnh đau tim thận, chứng béo phì và táo bón.
Rễ Nho trị: Viêm khớp đau nhức xương, đau nhức gân cốt khớp xương.
Rễ và cành bên dùng làm thuốc cầm nôn, an thai.
Ở Ấn Độ, lá dùng làm thuốc ỉa chảy.
Nhựa các cành non dùng làm thuốc trị các bệnh ngoài da.
Ở Âu châu, lá của loài Nho đỏ dùng chữa rối loạn tuần hoàn, rối loạn mãn kinh, chứng mũi đỏ, dãn tĩnh mạch, trĩ, thống kinh, ỉa chảy và giảm niệu.
Các bài thuốc sử dụng Nho
1. Chữa đau lưng, mỏi gối, thũng đầy, nôn oẹ, buồn nôn hay thai động trồi lên: Dùng lá, dây, rễ Nho 20-40g, sắc uống.
2. Chữa động thai hay nôn nghén: Quả Nho 40g ăn hay sắc uống.
3. Đái buốt, đái dắt, đái ra máu: Nho tươi, ngó sen, Sinh địa hoàng lượng vừa đủ, mật ong 150g. Trước hết lấy 3 vị thuốc giã nát từng thứ, vắt lấy nước lấy đủ 1000ml, pha mật ong vào trộn đều, sắc nhừ, mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 100ml, trước bữa ăn nửa giờ, chiêu thuốc với nước ấm.
Ghi chú: Ở nước ta cũng có trồng một loài khác là Vitis labrusca L., với lá có 3 thuỳ, có lông trắng ở mặt dưới, có quả tròn tròn, màu lục hay vàng vàng, có hạt hay không. Cũng có công dụng như Nho.
Nguồn: Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh