Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TÀI NGUYÊN THỰC VẬT VIỆT NAM

Giá trị tài nguyên của họ Màn màn (Capparaceae) ở Việt Nam

Cập nhật ngày 14/5/2010 lúc 10:59:00 AM. Số lượt đọc: 2841.

Họ Màn màn (Capparaceae) ở Việt Nam là một họ không lớn lắm (với khoảng 55 loài và thứ) nhưng lại là họ có ý nghĩa kinh tế về nhiều mặt như: phần lớn các loài trong họ được sử dụng làm thuốc, làm thức ăn (rau ăn, lấy quả) cho người và động vật, lấy gỗ, làm cảnh vì có hoa đẹp... Bên cạnh đó, họ Màn màn còn có giá trị khoa học như được sử dụng nhiều trong nghiên cứu di truyền học, tế bào học, bào tử phấn hoa học…

Trong bài báo này, chúng tôi sẽ trình bày về giá trị tài nguyên của họ Màn màn ở Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Trong bài báo này chúng tôi sử dụng phương pháp hình thái so sánh để phân tích các mẫu vật họ Màn màn của các tác giả trong và ngoài nước để đánh giá số lượng loài, phương pháp phỏng vấn nhanh người dân về giá trị sử dụng, phương pháp phân tích, tổng hợp các tài liệu chuyên khảo về các giá trị sử dụng khác nhau của các loài thuộc họ Màn màn (Capparaceae) ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu

Theo quan điểm của nhiều tác giả như Võ Văn Chi, Jacobs M, giá trị tài nguyên của họ Màn màn (Capparaceae) được chia ra như sau:

Làm thuốc

Họ Màn màn có 19 loài và thứ được sử dụng làm thuốc chiếm 35% tổng số loài của họ. Có thể nói, đây là một trong những họ có tỷ lệ loài cây làm thuốc khá cao. Trong đó phải kể đến một số loài như:

- Capparis micracantha DC. - Cáp gai nhỏ: Các bộ phận của loài này đều có thể làm thuốc như: rễ lợi tiểu và kháng viêm, dùng làm thuốc điều kinh; gỗ nghiền thành bột, cuốn như điếu thuốc lá để hút chữa viêm phế quản và viêm niêm mạc mũi, chữa hen suyễn và đau tim; hạt rang khô dùng chữa ho. Mặt khác, quả loài này có thể ăn được.

- Cleome gynandra L. - Màn màn trắng: Loài này có tác dụng trị các bệnh như viêm đau khớp do phong thấp, lao xương, dùng ngoài đắp rút mủ mụn nhọt độc và trị phong thấp tê đau. Dân gian dùng lá nghiền ra với củ hành để đắp vào bụng dưới làm dịu cơn đau thận; nó có tác dụng như là thuốc chuyển máu. Người ta còn đắp lá này vào thái dương trị đau đầu. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ cây sắc uống trị sốt. Lá dùng đắp trị phong thấp; dịch lá dùng làm thuốc trị đau tai; hạt dùng trị giun, cả cây dùng trị bọ cạp đốt và rắn cắn. Ngoài ra Màn màn trắng còn một số công dụng khác như ngọn non làm rau ăn; dầu hạt được dùng làm cứng tóc, hạt được dùng để duốc cá và diệt chấy rận; hạt đặt vào lỗ tai sẽ hoà tan ráy tai nên có thể lấy ráy tai dễ dàng.

- Cleome viscosa L. - Màn màn vàng: Lá làm chuyển máu, gây phồng, làm ra mồ hôi. Hạt lợi trung tiện, trị giun. Toàn cây nấu nước xông chữa nhức đầu. Nước ép lá dùng nhỏ vào tai hoặc dùng làm thuốc chữa đau tai. Rễ có tính kích thích và chống bệnh hoại huyết, bệnh chảy máu chân răng. Quả non ăn kích thích tiêu hoá. Hạt dùng làm thuốc xoa bóp chữa tê thấp và cũng dùng trị giun. Ở Ấn Độ, lá dùng đắp vết thương, dịch lá dùng trị đau tai.

- Crateva religiosa Forst. f. - Bún lợ: có công dụng chữa một số bệnh như đau đầu, đau tai, táo bón. Lá và vỏ giã đắp chữa thấp khớp. Vỏ thân và rễ làm thuốc nhuận tràng, chống các cơn đau bụng và hạ sốt. Ngoài ra, Bún lợ còn có công dụng làm cảnh, lấy gỗ, thực phẩm (rau ăn, lấy quả), vỏ quả dùng để nhuộm.

Thực phẩm

Có tới 16 loài trong họ Màn màn được sử dụng làm thực phẩm như:

+ Làm rau ăn: Có nhiều bộ phận của cây được sử dụng làm rau ăn như lá (Capparis flavicans - Cáp vàng, Crateva religiosa - Bún lợ), hoa và nụ hoa (Crateva magna - Bún, Capparis flavicans - Cáp vàng), ngọn non (Capparis tonkinensis - Cáp bắc bộ, Cleome gynandra - Màn màn trắng, Cleome viscosa - Màn màn vàng, Crateva magna - Bún).

+ Cho quả ăn: Nhiều loài trong họ có quả ăn được, nhưng đáng lưu ý là quả ăn ít không sao nhưng khi ăn nhiều có thể bị ngộ độc như: Capparis micracantha - Cáp gai nhỏ, Capparis pyrifolia - Cáp lá xá lị, Capparis thorelii var. pranensis - Dây quần quân (quả loài này ăn được nhưng ăn nhiều có thể bị say), Capparis versicolor - Hồng trâu (thịt quả loài này có thể ăn được nhưng ăn vào lúc đói sẽ chết người), Capparis zeylanica - Cáp gai đen (quả loài này ăn được nhưng ăn nhiều có thể bị say), Capparis khuamak - Khua mật, Capparis sikkimensis - Cáp sikkim, Cleome viscosa - Màn màn vàng (quả loài này ăn khai vị), Crateva religiosa - Bún lợ, Crateva roxburghii - Ngư mộc, Stixis fasciculata - Dây tấm cám, Stixis suaveolens - Tôn nấm.

Lấy gỗ

Họ Màn màn còn có 6 loài cho gỗ có giá trị như Cáp to (Capparis grandis - Cáp to), gỗ có màu trắng, cứng và bền được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dùng trong xây dựng, đóng đồ gỗ nội thất, tạc tượng, chế tạo các công cụ… Một số loài khác như Crateva religiosa - Bún lợ, gỗ màu vàng nhạt đến nâu, thớ mịn, dùng làm nhạc cụ, tạc tượng. Crateva roxburghii - Ngư mộc, gỗ mềm dùng làm nhạc cụ và đóng đồ gỗ thông thường.

Làm cảnh

Cần kể đến 3 loài quan trọng trong chi Màn màn (Cleome) như: Cleome speciosa Raf. – Màn màn đẹp: có hoa đẹp, nguyên sản ở Trung Mỹ và được nhập trồng làm cảnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng; Cleome spinosa Jacq. – Màn màn gai: có cụm hoa cao đến 40cm, cánh hoa màu hồng hay hồng nhạt phớt trắng, cũng có nguồn gốc từ miền nhiệt đới Châu Mỹ và được nhập trồng làm cảnh ở Đà Lạt.

Các công dụng khác

Ngoài các giá trị nêu ở trên, có 5 loài trong họ Màn màn có một số công dụng khác như: vỏ dùng làm nhang (Capparis grandis – Cáp to), vỏ quả dùng để nhuộm (Crateva religiosa - Bún lợ).

Kết luận

Giá trị tài nguyên của họ Màn màn (Capparaceae) ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, góp phần đáng kể vào nguồn nguyên liệu có nhiều tiềm năng và triển vọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của nước ta. Vì vậy, việc điều tra, nghiên cứu nhằm khai thác và phát triển, cũng như sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần được quan tâm.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên), 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2: 415-424. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Võ Văn Chi, 1997: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Phạm Hoàng Hộ, 1991: Cây cỏ Việt Nam, 1: 743-760. Santa Ana. Montréal.
4. Huang T. C., 1996: Flora of Taiwan, 2: 734-744. Taipei, Taiwan.
5. Jacobs M., 1960: Flora Malesiana, 6(1): 60-105. Netherlands.
6. Jacobs M., 1963: Blumea, 12(2,3). Netherlands.
7. Lã Đình Mỡi, Dương Đức Huyến, 2001: Tài nguyên thực vật Đông Nam Á, 12(2). NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
8. Schmelzer G. H., 2001: Plant resources of South-East Asia, 12(2): 188-191. Leiden.
9. Wimdadri F. I., 2001: Plant resources of South-East Asia, 12(2): 138-141, 167-171. Leiden.

Danh lục các loài có giá trị tài nguyên của họ Màn màn (Capparaceae) ở Việt Nam

STT

Tên khoa học

LT

TP

LG

LC

CDK

1

Capparis flavicans Kurz

X

X

X

 

 

2

Capparis grandis L.

X

 

X

 

X

3

Capparis khuamak Gagnep.

 

X

 

 

 

4

Capparis micracantha DC.

X

X

 

 

 

5

Capparis pyrifolia Lamk.

X

X

 

 

 

6

Capparis sepiaria L.

X

 

 

 

 

7

Capparis siamensis Kurz

X

 

 

 

 

8

Capparis sikkimensis Kurz

X

X

 

 

 

9

Capparis thorelii var. pranensis Gagnep.

 

X

 

 

 

10

Capparis tonkinensis Gagnep.

 

X

 

 

 

11

Capparis versicolor Griff.

 

X

 

 

 

12

Capparis zeylanica L.

X

X

 

 

 

13

Cleome rutidosperma DC.

X

 

 

 

 

14

Cleome gynandra L.

X

X

 

 

X

15

Cleome speciosa Raf.

 

 

 

X

 

16

Cleome spinosa Jacq.

 

 

 

X

 

17

Cleome viscosa L.

X

X

 

 

X

18

Creteva magna (Lour.) DC.

X

X

X

 

 

19

Crateva religiosa Forst. f.

X

X

X

X

X

20

Crateva roxburghii R. Br.

X

X

X

 

 

21

Crateva unilocularis Buch-Ham.

X

 

X

 

 

22

Niebuhria siamensis Kurz

X

 

 

 

 

23

Stixis fasciculata (King) Gagnep.

X

X

 

 

 

24

Stixis scandens Lour.

X

 

 

 

 

25

Stixis suaveolens (Roxb.) Pierre

X

X

 

 

X

Ghi chú: LT: làm thuốc; TP: thực phẩm (làm rau ăn, lấy quả); LG: lấy gỗ; LC: làm cảnh; CDK: các công dụng khác như làm nhang, thuốc nhuộm…

Sỹ Danh Thường
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)


 

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023