Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > PHÁT HIỆN MỚI

Bổ sung loài Sida szechuensis Matsuda (họ Bông - Malvaceae) cho hệ thực vật Việt Nam

Cập nhật ngày 16/5/2010 lúc 11:29:00 PM. Số lượt đọc: 1454.

Trên thế giới, chi Sida L. (họ Bông Malvaceae) có khoảng 150 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới.

Ở Việt Nam, theo Nguyễn Tiến Bân và Đỗ Thị Xuyến có 8 loài [1], nhưng trong đó Sida supina (non LHérit.) Gagnep. được coi là tên đồng nghĩa (synonym) của Sida cordata (Burm. f.) Borss nên thực tế chỉ có 7 loài. Trong nghiên cứu chi này ở Việt Nam, năm 2005 chúng tôi đã ghi nhận thêm 1 loài là S. parviflora DC., đây là loài rất hiếm gặp, chỉ phân bố ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa [3].

Trong quá trình tiếp tục nghiên cứu các tài liệu và so sánh mẫu vật của chi Sida L. với các mẫu vật được lưu trữ ở các phòng tiêu bản, chúng tôi đã phát hiện và bổ sung loài Sida szechuensis Matsuda, cho hệ thực vật Việt Nam, đưa số loài hiện biết của chi này lên 9 loài. Mẫu vật được Nguyễn Thành Lê thu tại Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang và được lưu trữ tại phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN).

Dưới đây là phần mô tả của loài S. szechuensis Matsuda

Sida szechuensis Matsuda, 1918. Bot. Mag. (Tokyo) 32: 165; S. Y. Hu, 1955. Fl. China fam. 153: 19; K. M. Feng, 1984. Fl. Reipubl. Pop. Sin 49(2): 20 - Ké lông.

Thân cỏ, cao 0,5-1 m; gốc thân hóa gỗ; thân và cành đều có lông hình sao ngắn bao phủ dày đặc. Lá đa dạng, hình bầu dục hay hình thoi; gốc lá thuôn dần hay hơi tròn; chóplá nhọn hay hơi tròn; mép có răng tù; gân hình lông chim; mặt trên có lông nhung mềm và lông hình sao rải rác; mặt dưới có lông hình sao dày đặc. Lá kèm giống nhau từng đôi, hình sợi, có lông, sớm rụng. Hoa đơn độc hay hình chùm ở nách lá hoặc đỉnh cành; màu vàng hay gần vàng cam; nhỏ; cuống hoa dài 1-1,5 cm; đài hình chuông hay hình chén, có 5 thuỳ hình tam giác có mũi nhọn, mặt ngoài có lông hình sao trắng mềm dày đặc, mặt trong nhẵn trừ mép có lông hình sao dày đặc màu trắng; cánh hoa hình tam giác ngược, đỉnh tròn hay cụt, có vết lõm hay lượn sóng, cao 1-2 cm, có lông rải rác ở dưới gốc; ống chỉ nhị dài cỡ 5 mm, có lông cứng dài bao phủ; bầu hình cầu, có lông ở nửa trên; vòi nhuỵ 7-10 hay hơn, dính nhau ở 2/3 phía dưới, nhẵn. Quả nang; cuống quả dài 2-3(4) cm; vách mảnh quả dày và có vân; mảnh quả có lông ở đỉnh, có 2 mỏ như chỉ; mỏ ngắn và nhọn. Hạt hình thận, màu đen hay nâu, có lông màu trắng.

Typus: China, Sichuan, I. Yamadzuta sine. num (TI).

Sinh học và sinh thái: Cây ra hoa vào các tháng 3-6, có quả vào các tháng 6-8. Mọc rải rác trong rừng thứ sinh; gặp ở độ trên 300 m so với mực nước biển.

Phân bố: Hà Giang (Quản Bạ, Tùng Vài). Còn có ở Trung Quốc (Guangxi, Guizhou, Sichuan, Yunnan).

Mẫu nghiên cứu: Hà Giang (Quản Bạ): N. T. Lê 151 (HN).

Ghi chú: loài này rất gần với loài S. rhombifolia L. bởi các đặc điểm: lá hình thoi hay bầu dục, gân lá hình lông chim, gốc lá thuôn, phân quả 7-10 và có 2 gai, vách phân quả dày và có vân; nhưng khác với loài S. rhombifolia L. bởi đặc điểm: lá mặt trên có lông hình sao rải rác, đặc biệt mặt dưới có lông hình sao dày đặc; đài mặt ngoài có lông hình sao dày đặc, mặt trong có lông hình sao màu trắng ở mép; cụm hoa đơn độc và chùm, ống chỉ nhị có lông cứng dài, vòi nhụy không lông.


Sida szechuensis Matsuda
1. cành mang hoa; 2. một đoạn thân; 3. mặt dưới của lá;4. lông hình sao; 5. mặt trong của đài; 6. bộ nhụy.
(hình vẽ theo mẫu N. T. Lê 151 (HN))

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tiến Bân, Đỗ Thị Xuyến, 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 2: 566-568. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, 1: 516 - 518. Nxb. Trẻ, tp. Hồ Chí Minh.
3. Đỗ Thị Xuyến, 2005: Tạp chí Sinh học, 27(3): 16-18. Hà Nội.
4. Feng K. M., 1984: Flora Reipublicae Popularis sinicae, 49(2): 16-27. Pekin (inChinese).
5. Gagnepain in H. Lecomte, 1910: Flora Général de l'Indo-Chine, 2: 399 - 406. Paris.
6. Hu S. Y., 1955: Flora in China, fam. 153. Pekin (in Chinese).
7. Saibaba A. M. & Rao R., 1990: Leaf venation studies in Indian Sida (Malvaceae), 14(2): 215-222. USA.
8. Waalker J. V. B., 1966-1967: Blumea, 14: 177-204. Leyden. Hollannd

Đỗ Thị Xuyến
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật 
Tạp chí Sinh học, số 28(3)/9-2006

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023