Ở Việt Nam, Benoist R. [4] đã công bố và mô tả 38 loài thuộc chi này ở Đông Dương và Thái Lan, trong đó Việt Nam có 28 loài. Theo Trần Kim Liên [3], chi này có 33 loài và chúng phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam.
Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu và so sánh các mẫu vật của chi Strobilanthes Blume được lưu trữ ở các phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), Viện Dược liệu (HNPM), Viện Sinh học nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (HM), Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (HNU), Trường đại học Dược Hà Nội (HNIP), Viện Điều tra Quy hoạch rừng (HNF) cùng tham khảo các mẫu vật thuộc họ Ô rô (Acanthaceae) được lưu giữ tại các Phòng tiêu bản thực vật của Viện Thực vật Côn Minh, Trung Quốc (KUN) và Viện Thực vật Quảng Tây, Trung Quốc (KIB).... Lần đầu tiên chúng tôi đã phát hiện được loài Strobilanthes longespicatus Hayata có ở Việt Nam. Các mẫu vật được Lê Đồng Tấn và cộng sự thu tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào tháng 10 năm 2005 và hiện được lưu trữ tại phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN).
Trong bài báo này, chúng tôi bổ sung loài mới này cho hệ thực vật Việt Nam, đưa tổng số loài của chi Strobilanthes Blume đã biết ở Việt Nam lên 34 loài.
Strobilanthes longespicatus Hayata - Tràm đài loan
Hayata, 1920. Icon. Pl. Formosan. 9: 83;Hsieh C. F. & Huang T. F. 1988. Fl. Taiw. 4: 677.
- Semnostachya longespicata (Hayata) C. F. Hsieh & T. C. Huang 1974. Taiwanice, 19(1): 22.
Cây bụi hay bụi nhỏ, cao tới 2 m. Thân thường có cạnh hay hình trụ, khi non có lông về sau nhẵn. Lá hình bầu dục thuôn hay thuôn mũi giáo; kích thước 10-30 3-9 cm; chóp lá nhọn hay có mũi nhọn; gốc lá hình nêm hay nhọn; mép xẻ răng thưa, to; nhẵn cả 2 mặt; gân phụ 8-10 cặp; cuống lá dài 2-4 cm. Cụm hoa mọc thành chùm ở nách lá hay đỉnh cành, dài 10-14 cm, thường mang ít hoa. Hoa thường mọc đối nhau trên chùm; cuống ngắn; lá bắc hình mũi giáo hay mũi giáo hẹp, sớm rụng; lá bắc con hình mũi giáo hẹp hay hình đường, dài 1-1,2 cm; đài xẻ 5 thùy gần tới gốc, thùy bằng nhau, kích thước 1-1,2 0,2-0,3 cm; tràng màu hồng nhạt hay trắng, dài 2,5-3 cm; ống tràng dài, họng tràng rộng, 5 thùy hình tam giác gần tròn không bằng nhau; nhị 4, 2 ngắn, 2 dài; chỉ nhị dài tới 0,8 cm, có lông ở gốc; bầu hình trụ thuôn, có lông mảnh ở phía trên; vòi dài tới 3,2 cm, có lông dày. Quả nang, hình bầu dục thuôn, kích thước 1,8-2 0,2-0,3 cm. Hạt hình bầu dục, có lông.
Loc. class.: Taiwan, Kobayashi.
Isotypus: Y. Tsiang 6011 (Taito).
Sinh học và sinh thái: cây ra hoa vào các tháng 1-3; quả chín vào các tháng 3-5. Gặp mọc rải rác trong rừng, ở những nơi ẩm, ở độ cao tới 500 m so với mặt nước biển.
Phân bố: Thái Nguyên (Đại Từ). Còn có ở đảo Đài Loan (Ping-tung, Tai-tung), Trung Quốc.
Mẫu nghiên cứu: Thái Nguyên, L. Đ. Tấn và cs., NY-HN 209 (HN).

Strobilanthes longespicatus Hayata
1. cành mang hoa; 2. lá bắc; 3. hoa (đã mở tràng); 4. lá bắc con và đài; 5. vòi nhụy
(hình vẽ theo mẫu L. Đ. Tấn và cs., NY-HN 209-HN)
Ghi chú: loài này từng được coi là đặc hữu của quần đảo Đài Loan, Trung Quốc và thường phân bố ở các khu rừng ở miền Bắc Đài Loan, đặc biệt là vùng núi Hengchun của quần đảo này. Loài S. longespicatus Hayata rất gần với loài S. cusia (Ness.) Kuntze bởi các đặc điểm như hoa thường mọc đối diện với nhau trên chùm; cành gần như hình trụ hay hình trụ, rất hiếm khi có cạnh; lá bắc con và đài thường nhẵn hay có lông mềm nhưng khác S. cusia bởi S. cusia mang lá khi non mặt dưới có lông màu nâu trên gân; gân phụ 5-6 cặp; lá bắc to dạng lá; thùy đài không bằng nhau; hoa thường màu tím hay tím hồng; còn S. longespicatus mang lá khi non mặt dưới không có lông màu nâu trên gân; gân phụ 8-10 cặp; lá bắc hẹp hình mũi giáo; thùy đài bằng nhau; hoa thường màu hồng nhạt hay trắng.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Hoàng Hộ, 2000: Cây cỏ Việt Nam, 3: 30-82. NXB Trẻ, tp. Hồ Chí Minh.
2. Trần Kim Liên, 1995: Tạp chí Sinh học, 17(4): 89-101. Hà Nội.
3. Trần Kim Liên, 2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, 3: 251-281. Nxb. Nôngnghiệp, Hà Nội.
4. Benoist R., 1935: Flore Générale de l'Indo-Chine (H. Lecomte), 4: 610-772. Paris.
5. Fu L. et al., 2004: Higher plants of China, 10: 329-416. Qingdao Publishing House, China (in Chinese).
6. Hsieh C. F. & Huang T. F., 1988: Flora of Taiwan, 4: 648-687. Taiwan.
7. Hu C. et al., 2002: Flora Reipublicae Popularis Sinicae, 70: 24-308. Science Press, Pekin (in Chinese).
Đỗ Thị Xuyến, Đỗ Văn Hài
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Tạp chí Sinh học 28(4)/12-2006