Trong hơn 1000 loài hoa Lan đã được các nhà thực vật học phát hiện ở Việt Nam cho thấy sự đa dạng về hoa lan của nước ta đáng để mọi người quan tâm và bảo vệ. Trong hàng trăm giống lan thì giống lan Hài Paphiopedium được tìm thấy vào cuối thế kỷ thứ 18 và có khoảng 80 loài lan hài phân bố ở châu Á. Việt Nam có khoảng 20 loài với nhiều loài đặc hữu, (chỉ mọc tại Việt Nam) với vùng phân bố rất hẹp ở những nơi có độ cao từ 1000m trở lên ở các đỉnh núi đá vôi. Toàn bộ chi lan Hài Paphiopedium ở Việt Nam đều được đưa vào sách đỏ và Công ước quốc tế (CITES) để bảo vệ loài lan xinh đẹp, quyến rũ này trong thiên nhiên hoang dã.
Với chiếc cánh môi giống như một chiếc Hài của cô Tấm ngày xửa ngày xưa, lan Hài mang đến cho thiên nhiên Việt Nam một vẻ đẹp mê hồn. Hầu hết các loài lan Hài ở Việt Nam thường mọc ở dưới đất, trên các lớp thảm mục thực vật mục nát, một số bám vào cây rừng và một số mọc ở những kẽ núi đá. Loài lan này không có thân củ để dự trữ nước và thức ăn cho nên chúng cần độ ẩm cao. Để nảy mầm và phát triển, hạt giống của loài lan Hài phải cộng sinh với một loài nấm để nảy mầm do vậy môi trường tự nhiên đối với chúng rất quan trọng vì chỉ cần những tác động nhỏ của con người chắc chắn sẽ là thảm hoạ cho sự phát triển của chúng. Để hiểu biết thêm về các loài lan Hài ở Việt Nam website Sinh Vật rừng xin gửi đến các độc giả những loài lan Hài ở Việt Nam
Lan hài đài cuộn Paphiopedilum appletonianum
Mọc rất rải rác dưới tán rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 1500 m. Cây chịu hạn khá tốt. Loài này có sự phân bố rất hạn chế và số lượng cá thể rất ít ở Lâm Đồng (Đà Lạt). Có thể bị đe dọa bị tuyệt chủng do môi trường sống là rừng bị thu hẹp lại. Hoa lan hài đài cuộn cỡ lớn với màu nâu pha xanh nhạt. Cánh đài lưng bầu dục uốn cong ra phía sau, cuộn lại, màu xanh đậm, với các đốm hồng đỏ ở gốc, mép màu lục nhạt, màu trắng ở đỉnh. Cánh môi có màu tía ửng vàng và lục, mép màu vàng.
Lan hài kim Paphiopedilum armeniacum
Loài lan Hài có màu sắc vàng rực này có lá đài sau hình trứng cho đến bầu dục, dài 2,2 - 2,8cm rộng 14 - 2,2cm, hơi nhọn, mép uốn vào ở phần trên. Lá đài bên dính nhau, nhỏ hơn lá đài sau với 2 sóng ở lưng và chỉ 1 răng tròn ở đỉnh, mặt trong nhẵn. Loài này được cho là hoàn toàn tuyệt chủng ở Việt Nam vì ở vùng núi đá vôi biên giới Việt Nam đã bị người dân đã khai thác quá mức để bán sáng Trung Quốc. Có một số nhà khoa học cho rằng loài này không phân bố ở Việt Nam nhưng trên thực tế có rất nhiều tài liệu đã chứng minh đây là loài lan của Việt Nam.