Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > PHÁT HIỆN MỚI

Phát hiện loài Thông hai lá quả nhỏ - Pinus tabuliformis ở Hà Giang, loài thông mới bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam

Cập nhật ngày 25/5/2010 lúc 10:47:00 AM. Số lượt đọc: 4350.

Việc phát hiện được Thông hai lá quả nhỏ ở Hà Giang không chỉ bổ sung thêm một loài cho nhóm thông của Việt Nam mà còn là loài mới bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam và phát bổ sung thêm vùng phân bố của chúng ở Việt Nam, tăng thêm cơ hội bảo tồn nhờ tính đa dạng theo địa phương của loài cây nguy cấp này

Theo tài liệu đã được công bố, Việt Nam hiện có 33 loài thông, trong đó có 22 loài bị đe dọa ở mức quốc tế, 8 loài bị đe dọa ở mức quốc gia, trong số 33 loài đã biết thì có đến 32 loài được công nhận là thông bản địa Việt Nam.

Hiện nay, theo kết quả điều tra, khảo sát của các nhà khoa học trong và ngoài nước, danh sách các loài thông của Việt Nam vẫn tiếp tục bổ sung. Theo Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), vào tháng 3 năm 2009, nhóm chuyên gia thuộc dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây quý hiếm của hệ sinh thái núi đá vôi ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” đã phát hiện được loài Thông hai lá quả nhỏ có tên khoa học là Pinus tabuliformis Carriere. Cùng với việc tìm thấy loài này ở Tuyên Quang, việc phát hiện được chúng ở Hà Giang không chỉ bổ sung thêm một loài cho nhóm thông của Việt Nam mà còn là loài mới bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam và phát bổ sung thêm vùng phân bố của chúng ở Việt Nam, tăng thêm cơ hội bảo tồn nhờ tính đa dạng theo địa phương của loài cây nguy cấp này.


Thông hai lá quả nhỏ - Pinus tabuliformis, ảnh theo ruhr-uni-bochum.de

Địa điểm tìm thấy

Thông hai lá quả nhỏ được phát hiện ở tọa độ địa lý 22o15’20’’ vĩ đô Bắc và 105o17’30’’ kinh độ Đông, ở độ cao 1592m so với mặt nước biển, trên đường đỉnh núi đá vôi thuộc xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, theo chuyên gia Vũ Văn Dũng - Viện Điều tra Quy hoạch Rừng - Bộ NN-PTNT, loài này cũng được tìm thấy ở Na Hang (Tuyên Quang). Ông cũng là người trực tiếp giám định mẫu của loài này ở Tuyên Quang và gợi ý cho việc xác định chính xác tên khoa học mẫu vật tìm thấy ở Hà Giang do nhóm chuyên gia của dự án là TS. Lê Trần Chấn và TS. Trần Ninh cung cấp.

Thông tin cơ bản

Tên thường gọi: Thông hai lá quả nhỏ
Tên tiếng Anh: Chinese Red Pine
Tên khoa học: Pinus tabuliformis Carriere
Thuộc họ Thông - Pinaceae

Loài này có hai thứ là:

Pinus tabuliformis var. tabuliformis. China, vảy nón rộng nhất không quá 15 mm.

Pinus tabuliformis var. mukdensis. vảy nón rộng nhất hơn 15 mm.

Loài tìm thấy ở Việt Nam được xác định là Pinus tabuliformis, chưa xác định rõ là thứ nào.

Mô tả

Thông hai lá quả nhỏ là loài cây gỗ lớn, chiều cao đạt tới 25m, đường kính thân lên đến 1m. Vỏ có màu nâu xám, tán lá dẹp trên đỉnh được tạo nên bởi các cành non màu hơi sáng. Cành trên nhẵn, chồi ngủ đông hình thuôn, có dầu. Cây có hai hoặc ba lá trên gốc chung màu lục thẫm, hình bán cầu ở phần gốc, có từ 5 đến 9 ống nhựa; 1-2 gân ở mép, ít khi có gân phụ. Gốc lá có vỏ bọc bền, lúc đầu dài 1-2 cm, sau ngắn lại. Nón có hạt dạng trứng cao 9mm, rộng 5mm.

Đặc điểm sinh thái

Thông hai lá quả nhỏ trưởng thành và ra quả vào tháng 4-5.

Phân bố

Ngoài Việt Nam, chúng còn được tìm thấy ở Trung Hoa, phân bố ở các tỉnh như Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và vùng Nội Mông, ở Triều Tiên.

Công dụng và nuôi trồng

Ngoài ý nghĩa khoa học, Thông hai lá quả nhỏ còn là cây có giá trị kinh tế, do vậy nếu bị khai thác quá mức chúng sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.

 Thông hai lá quả nhỏ cung cấp gỗ dùng trong xây dựng, hầm mỏ, đóng tàu thuyền, làm đồ gia dụng. Ngoài ra, còn cung cấp nhựa, tanin. Lá dùng làm thuốc. Ở nước ta, ngoài Thài Phìn Tủng (Hà Giang), Thông hai lá quả nhỏ còn được phát hiện ở Na Hang (Tuyên Quang) với số lượng cá thể rất ít. Vì vậy, để tránh nguy cơ tuyệt chủng, các cơ quan chức năng và địa phương cần khuyến cáo người dân không được khai thác, phải tích cực bảo vệ cây con tái sinh và sớm đưa vào sách đỏ.

Ở Trung Hoa và Triều Tiên, loài này chủ yếu cung cấp nhựa như là môt thứ vanillion nhân tạo rất được ưa chuộng. Nhựa cũng được dùng để tạo ra các sản phẩm terpentine (hương liệu) và các sản phẩm khác có liên quan, đồng thời cũng sử dụng  để điều trị một số bệnh liên quan đến hô hấp và nội tạng như thận, rối loạn bàng quang, trị vết thương, đau nhức. Vỏ cũng là nguồn tanin. Sử dụng lá kim làm thuốc cũng phải cần thận do nó cũng chưa một loại chất trừ sâu tự nhiên, rất dễ bị ngộ độc.

Ngoài Trung Hoa, nơi loài này có thể nuôi trồng được thì ở những nơi khác chúng chỉ sinh trưởng được ở trong các vườn thực vật

Nguồn tư liệu:
TS. Lê Trần Chấn
Trung tâm Đa dạng và An toàn Sinh học - Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam
chuyên gia Vũ Văn Dũng
Viện Điều tra Quy hoạch Rừng - Bộ NN-PTNT

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023