Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > PHÁT HIỆN MỚI

Bổ sung một loài thuộc chi Cyclea Arn. ex Wight (Menispermaceae Juss.) cho hệ thực vật Việt Nam

Cập nhật ngày 1/6/2010 lúc 10:34:00 AM. Số lượt đọc: 3167.

Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu và so sánh các mẫu vật thuộc chi Cyclea chúng tôi đã phát hiện mẫu vật thuộc loài Cyclea sutchuenensis Gagnep.. Đây là một loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam

Trên thế giới, chi Sâm nam Cyclea Arn. ex Wight, (Menispermaceae Juss.) có khoảng 30 loài, phân bố chủ yếu ở miền Nam châu Á. Ở Việt Nam, theo Phạm Hoàng Hộ (1999) [10] và Nguyễn Tiến Bân (2003) [8], chi này có 8 loài. Năm 2004, Vũ Tiến Chính và Vũ Xuân Phương đã bổ sung thêm 1 loài cho hệ thực vật Việt Nam, nâng tổng số lên 9 loài [9].

Trong bài báo này, các tác giả bổ sung thêm một loài thuộc chi này cho hệ thực vật Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp hình thái so sánh được sử dụng để phân loại chi Cyclea ở Việt Nam. Các bước tiếp theo là tập hợp số liệu đã phân tích, so sánh đối chiếu với các tài liệu hiện có, xây dựng tiêu chuẩn với các dấu hiệu định loại cho các loài, lập khóa định loại các loài thuộc chi này đã biết ở Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu và so sánh các mẫu vật thuộc chi Cyclea được lưu trữ ở các phòng tiêu bản thực vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN) và Viện Sinh học nhiệt đới tại thành phố Hồ Chí Minh (HM)..., chúng tôi đã phát hiện mẫu vật thuộc loài Cyclea sutchuenensis Gagnep. được Petelot thu tại Lạng Sơn (Đồng Mỏ, Vạn Linh) hiện đang được lưu trữ tại phòng tiêu bản thực vật ở thành phố Hồ Chí Minh (HM). Đây là một loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam. Như vậy, tổng số loài hiện biết của chi Cyclea ở Việt Nam là 10 loài.

Kết quả nghiên cứu

Khóa định loại các loài thuộc chi Cyclea Arn. ex Wight đã biết ở Việt Nam

1A. Thân non nhẵn.

2A. Cụm hoa mọc trên thân già (không lá) ................................... 1. C. aphylla

2B. Cụm hoa mọc ở nách lá.

3A. Lá dài hơn 11 cm. Đài hoa đực dính nhau hoàn toàn, không có cánh
tràng ............................................................................... 2. C. bicristata

3B. Lá ngắn hơn 9 cm. Hoa đực có 4 thùy đài rời; tràng gồm 4 thùy rời hay hợp.

4A. Tràng gồm 4 thùy rời nhau hoàn toàn ..... 3. C. fansipanensis

4B. Tràng hợp nhau thành hình đấu.

5A. Lá có số gân gốc bằng 9, có lông thưa ở mặt dưới, lá hình
tim chóp tù ................................................ 4. C. hypoglauca

5B. Lá có số gân gốc bằng 3, không lông, lá hình mác có đuôi
kéo dài ................................................... 5.C. sutchuenensis

1B. Thân non có lông

6A. Cụm hoa mọc trên thân già (không lá) ................................ 6. C. polypetala

6B. Cụm hoa mọc ở nách lá.

7A. Lá có số gân gốc bằng hay nhiều hơn 9.

8A. Đài có lông. Đài hoa cái có thùy hình trứng....................
.......................................................................7. C. barbata

8B. Đài nhẵn. Đài hoa cái có thùy hình bầu dục ..................
................................................................... 8. C. debiliflora

7B. Lá có số gân gốc bằng hay ít hơn 8.

9A. Thùy đài hoa đực chỉ dính nhau tại gốc; hoa cái có 1 thùy
đài, 1 thùy tràng .......................................... 9. C. gracillima

9B. Thùy đài hoa đực dính hoàn toàn với nhau, hoa cái có 2
thùy đài, 2 thùy tràng ............................. 10. C. tonkinensis

Cyclea sutchuenensis Gagnep. - Sâm lá đuôi dài.

Gagnep., 1908. Bull. Soc. Bot. France 55: 37; S. H. Yuan, 1983. Fl.Yunn. 3: 257, fig. 72; S. K. Li, C. F. Liang, 1991. Fl. Guangxi 1: 315, fig. 146 (1- 4); L. Y. Wu et al., 1996. Fl. Reip. pop. Sin. 30(1): 79; Fulikuo et al., 2000. High. Fl. China 3: 620, fig. 985.

- Cyclea sutchuenensis var. sessilis Y. C. Wu, 1940. Bot. Jahrb. Syst. Pflanzenr. 71(2): 175.

- Paracyclea sutchuenensis (Gagnep.) Yamamoto, 1940, in Journ. Soc. Trop. Arg. Taiwan XII: 274.

Dây leo có thân mảnh, cành non không lông. Lá mỏng, hình khiên, hình mác, có kích thước 7-15 ´ 2-5,5 cm; chóp lá có mũi nhọn hoặc có đuôi kéo dài; gốc lá hình tròn-cắt ngang; mép lá nguyên; nhẵn cả hai mặt; mặt trên có màu nâu đậm; mặt dưới nổi rõ gân dạng mạng lưới màu vàng đậm; gân gốc 3, dạng chân vịt; cuống lá đính trong phiến lá từ 1-1,5 mm; cuống lá dài 3-5 cm. Cụm hoa đực mọc ở nách lá, dạng chùm đơn, không lông, có màu nâu đen khi khô, dài 7-10 cm; đài gồm 4 lá đài hình trứng, dài 1,5-2 mm, không lông; tràng gồm 4 cánh hoa, thường hợp nhau hoàn toàn, dài 0,3-0,6 mm, không lông; bộ nhị cao 1,5 mm; 4 bao phấn dính trên một cột nhị hình khiên. Cụm hoa cái mọc ở nách lá; đài gồm 2 lá đài; một cái tròn, có đường kính 1,8 mm; cái kia gập đôi, có đường kính 2-2,2 mm; tràng nhỏ ngắn hơn 1 mm, hợp ở gốc. Noãn nhẵn. Quả hạch hình móng ngựa, có đường kính 7 mm, màu đỏ; lưng có 3 hàng mấu, nổi lên ở cả hai mặt.

Loc. class: China

Sinh học sinh thái: mùa ra hoa, quả từ tháng 5-10 hằng năm. Cây ưa sáng, thường mọc ở trong rừng, bìa rừng hoặc trong các bụi cây.

Phân bố: Lạng Sơn (Đồng Mỏ, Vạn Linh). Còn có ở Trung Quốc.

Mẫu nghiên cứu: Lạng Sơn, Petelot 6450 (HM).


Cyclea sutchuenensis Gagnep.
1. cành mang quả; 2. một phần của cụm hoa đực; 3. hoa đực; 4. bộ nhị, cánh hoa; 5. thùy đài hoa; 6. quả.
(hình vẽ theo mẫu Petelot 6450, HM)

Tài liệu tham khảo

1. Bakhuizen Van Den Brink, 1963: Flora of Java, 1: 151-159. Netherlands.
2. Forman L. L., 1991: Flora of Thailand, 6(3): 326-331. Bangkok.
3. Fulikuo et al., 2000: Higher Plants of China, 3: 619-622. Qing Dao Publishing House.
4. Gagnepain F., 1938: Flora générale de lIndo-chine, 1(1): 138-141. Paris.
5. Gagnepain F., 1907-1908: Flore Générale de lIndochine, 1: 125-154. Paris.
6. Kessler P. J. A., 1993: The Families and Genera of Vascular Plants, 2: 418- 420. Germany.
7. Lo H. S., 1996: Flora Reipublicae Popularis Sinicae, 30(1): 73-80. Pekin.
8. Nguyễn Tiến Bân, 2003: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, II: 140-151. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
9. Vũ Tiến Chính, Vũ Xuân Phương, 2004: Tạp chí Sinh học, 26(4A): 46-48. Hà Nội.
10. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, 1: 339-340. Nxb. Trẻ, tp. Hồ Chí Minh.

Vũ Tiến Chính, Vũ Xuân Phương
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật
Tạp chí Sinh học 28(2)/6-2006

Anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023