Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CÂY CẢNH

Lan hài xuân cảnh

Cập nhật ngày 9/6/2010 lúc 3:30:00 PM. Số lượt đọc: 4140.

Trong buổi họp mặt với các anh chị em thuộc Câu Lạc Bộ Tràng An chiều ngày 29-3-2010, khi nghe anh Chu xuân Cảnh có một cây lan hài rất nhỏ có lẽ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, chúng tôi vội vàng hủy bỏ chuyến đi thăm Hồ Ba Bể tại Bắc Cạn để khỏi ân hận bỏ lỡ một dịp may hiếm có.

Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)
 
Ngày hôm sau, mới 6:30 sáng anh Cảnh đã tới đón tôi ở khách sạn để tới thăm vườn lan của anh tại 265 Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Diện tích vườn lan của anh tuy hơi nhỏ nhưng cũng là một sự hiếm có trong thành phố giá một tấc đất đắt như là một tấc vàng. Trong đám hoa lan, lớp treo trên cành cây khô, lớp trồng trong chậu, anh lấy ra một chiếc chậu bằng đất nung bề ngang chừng 12 cm, trong đó có một khóm lan hài rất nhỏ chừng 3-4 cây mọc chung với vài mầm non của một giống Dendrobium nào đó.
 

Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)

Đóa lan hài này rất nhỏ, nhưng nếu chỉ nhìn vào tấm ảnh này chúng ta không thể nào hình dung ra được cây lan to nhỏ ra sao. Nếu so kích thước bông lan hài mới này với hoa lan hài Paphiopedilum hirsutissimum thấy nó khá nhỏ, nhưng trong tấm ảnh chúng tôi cầm chậu lan chụp chung với anh Cảnh, chúng ta mới thấy rõ sự nhỏ bé của đóa lan hài này.
 
Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)
Ảnh: Parksideorchids

Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)Thoạt nhìn chúng tôi có cảm giác đã thấy cây lan này ở đâu. Về hình dáng và mầu sắc nó hơi có một chút dáng dấp của cây Paphiopedilum malipoense var. hiepii. Nhưng có sự khác biệt rất rõ ràng về kích thước của hoa lá và mầu sắc. Bông lan hài mới chỉ nhỏ bằng cánh hoa của bông lan hài Hiệp. Cánh hoa của bông lan mới mỏng mảnh, trong suốt và mầu sắc tươi đẹp hơn. Túi hoa (pouch) nhỏ hơn, trái lại bộ phân nhị hoa (staminode) rất lớn gần bằng túi hoa. Nó còn nhỏ hơn cây Paphiopedilum helenae nữa, nhưng tiếc rằng không thể chụp chung để dễ bề so sánh vì cây Paph. helenae nở hoa vào tháng 9-10 mà cây lan mới lại nở vào tháng 3-4. Có lẽ nó còn nhỏ hơn cây Paph. thaianum của Thái Lan cũng được coi là bông lan hài rất nhỏ.
 
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một giống lan hài mới của quê hương, một mặt tôi gửi một số hình ảnh cho các khoa hoc gia ngoại quốc như Leonid Averyanov (Nga), Olaf Gruss (Đức), Harold Koopowitz, Norito Hasegawa (Hoa Kỳ), Karel Petrzelka (Tiệp) và Malcolm Perry (Anh). Mặt khác điện thoại cho giáo sư Phan Kế Lộc, một nhà khoa học vẫn thường sát cánh với Leonid Averyanov trong các chuyến khảo sát tại VN, để thu thập mẫu hoa và các chi tiết cần thiết trước khi hoa tàn vì anh Chu xuân Cảnh cho biết đóa hoa này đã nở khoảng 2 tuần lễ trước.

Sau đó nghĩ đến những chuyện trong quá khứ, đã xẩy ra cho cây Paphiopedilum vietnamense (xin xem bài trên trang www.Hoalanvietnam.org), tôi quyết định nhờ giáo sư Leonid Averyanov (Nga) và giáo sư Phan kế Lộc với 2 đề nghị:

1. Không nêu rõ địa danh, tọa độ để bảo vệ cây lan, đề phòng chuyện cũ đã xẩy ra cho cây Paphiopedilum helenae tại Cao Bằng năm 1996. Chỉ 2 tuần lễ sau khi công bố, bọn con buôn quốc tế đã thuê người đến tận nơi vơ vét sạch sành sanh và việc này lại tái diễn với cây Phragmipedium kovachii tại Peru vào năm 2001.

Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii)2. Dùng tên anh Chu xuân Cảnh đặt tên cho cây lan để giải tỏa mối tỵ hiềm sẵn có giữa giới sưu tầm lan và khoa học gia, bởi vì một đôi khi các khoa gia không hiểu vì lý do gì lại đặt tên cây lan cho một người khác, thay vì đặt tên cây để vinh danh người đã tìm ra.

Trong bản thảo gửi ngày 14-4-2010 để chứng minh việc công bố này, chúng tôi rất mãn nguyện vì giáo sư Leonid Averyanov đã đáp ứng cả 2 đề nghị kể trên. Còn về tên Việt tôi bàn với giáo sư Phan Kế Lộc và anh Chu xuân Cảnh đặt tên là lan hài Xuân Cảnh có lẽ hay hơn là lan hài Cảnh Hi gọi theo phiên âm.

Trong khi đó vài khoa học gia trên thế giới vẫn còn nghi ngờ đó là một cây lan lai giống. Việc này giáo sư Leonid Averyanov và Olaf Gruss đã minh định rõ ràng trong bản phác thảo bản tường trình hiện đã đăng trên trang Web www.hoalanvietnam.org và sẽ chính thức xuất hiện trên tờ Orchids của hội Hoa lan Hoa Kỳ vào tháng 5 này và trên nhiều tờ báo về hoa lan với các ngôn ngữ khác nhau như tờ "Germany Orchidée" của Đức và "Japanese Orchid magazine" của Nhật.

Xin quý vị lưu ý là hình ảnh trong bài này phần lớn của Chu xuân Cảnh và nếu đọc bản tường trình có thấy tên người viết là đồng tác giả, xin hiểu chúng tôi chỉ là người trung gian môi giới, được dựa hơi chứ không đóng góp gì nhiều về những điều đã ghi trong bản tường trình này cả.
 
Placentia 4-2010
BÙI XUÂN ĐÁNG
(theo hoalanvietnam.org)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024