Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Thảm thực vật ven bờ Bình Trị Thiên

Cập nhật ngày 11/8/2010 lúc 2:31:00 PM. Số lượt đọc: 3310.

Thừa kế các công trình đã có, cùng với các tư liệu khảo sát trong những năm 1995-2007, chúng tôi hệ thống và mô tả sơ lược các đơn vị phân chia có trong khu vực nhằm cung cấp thông tin về thảm thực vật ở một khu vực có sự phối hợp phức tạp của các nhân tố sinh thái phát sinh. Hiện nay, chúng chỉ còn sót lại với diện tích không lớn và ít gặp ở các nơi khác.

Khu vực ven bờ Bình Trị Thiên được xác định vào phía nội địa gồm các xã có các địa hình là các thềm biển cổ (trong Pleistocen) có diện tích khoảng 515.000ha, kéo dài từ 16o12’28’’N đến 17o56’25”N với trên 300km bờ biển, bề rộng từ 10-30km với sinh khí hậu nhiệt đới mưa ẩm, nền đất thực vật đa dạng.

Phương pháp nghiên cứu

Áp dụng phương pháp nghiên cứu thông thường, bao gồm: tổng hợp tư liệu, khảo sát thực tế và mô tả hiện trạng. Hệ thống các kiểu thảm được mô tả theo quan điểm sinh thái phát sinh thảm thực vật của Thái Văn Trừng (1999) có bổ sung, thay đổi để phù hợp cho một khu vực.

Kết quả nghiên cứu

Rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới mưa ẩm trên đất địa đới

Rừng có cấu trúc tốt trên bazan không còn. Trên đất hình thành từ các đá cát, bột kết, granit, hầu hết các cây gỗ có bộ lá rộng thường xanh. Số loài và cá thể rụng lá không nhiều. Các cây gỗ có vỏ mỏng, đại đa số không có bao chồi tránh rét. Mùa hoa tập trung vào tháng IV-VI. Chỉ có ít loài có hoa quanh năm. Một số loài có hoa quả ở thân. Thành phần loài thay đổi theo độ cao địa hình. Các loài cây gỗ chiếm ưu thế trong tầng tán rừng, vượt tán, gồm các cây gỗ trong các họ Dầu, Đậu, Vang, Trinh nữ, Dâu tằm, Thầu dầu, Trôm, Nhãn; từ 300m trở lên các loài trong họ Dẻ, Long não, Ngọc lan ưu thế; từ 600m xuất hiện các cây Hạt trần nhưng có ít cá thể và kích thước nhỏ. Thành phần loài mang tính chất pha tạp của của kiểu phụ miền với ưu thế của các loài thuộc khu hệ thực vật đệ tam Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa và kiểu phụ miền với các loài đặc trưng cho khí hậu nóng ẩm như các cây họ Dầu. Cấu trúc rừng gồm 4-5 tầng, trong đó tầng vượt tán >35m, với các loài như Sấu, Tung, Dầu cà luân, Chò chỉ, Chò đen, Gội tía, Đa cừa; tầng tán rừng 20-30m, che phủ kín, gồm các cây gỗ của các họ đã kể trên và còn các loài trong các họ Thích, Thôi ba, Tô hạp, Xoài, Cúc, Chùm ớt, Trám, Bứa, Tung, Sổ, Thị, Côm, Mùng quân, Hà nu, Óc chó, Bằng lăng, Xoan, Máu chó, Sim, Dương dầu, Viễn chi, Chẹo thui, Hoa hồng, Cà phê, Bồ hòn, Hồng xiêm, Bồ đề, Dung, Chè, Trầm hương, Đay, Du, các cây thân cột của họ Cau dừa; ngoài ra còn có tầng dưới tán, tầng cây bụi, tầng thảm tươi và thực vật ngoại tầng. Các ưu hợp thường gặp: trong khu rừng tốt ở Bạch Mã còn gặp các ưu hợp: Chò chỉ + Trâm; Chò chỉ + Trâm + Ươi.

Rừng cây lá rộng thường xanh thứ sinh nhiệt đới mưa ẩm trên đất địa đới

Trên đất hình thành từ đá cát bột kết, granit, rừng phục hồi từ trảng cây bụi hay từ các rừng khai thác kiệt trong thời gian vài chục năm gần đây. Trong rừng phổ biến những cây của tầng dưới tán rừng cũ sót lại hay các loài tiên phong, ưa sáng mọc nhanh. Tầng cây gỗ cao 10-20m, tạo tầng không rõ. Thành phần loài ưu thế không rõ. Các họ có nhiều cá thể thuộc là các họ Thầu dầu, Long não, Dâu tằm. Các họ khác có Xoài, Na, Trúc đào, Ngũ gia bì, Trám, Kim ngân, Dây gối, Bứa, Sổ, Dầu, Thị, Côm, Vang, Đậu, Trinh nữ, Dẻ, Mùng quân, Ban, Lộc vừng, Xoan, Sim, Hoàng mai, Dương dầu, Viễn chi, Táo, Đước, Bồ hòn, Trôm, Bồ đề, Dung, Hu đay, Du, Cỏ roi ngựa. Ngoài ra còn có các cây thân cột trong các họ Cau dừa và các loài Tre nứa. Ngoài ra còn có tầng dưới tán, tầng cây bụi, tầng thảm tươi và thực vật ngoại tầng. Các ưu hợp thường gặp: Linh nhật + Bứa nhuộm; Kiền kiền + Chò chỉ; Linh nhật + Súm nhiều gân + Bục bạc; Chò chỉ + Trâm; Dẻ + Chò chỉ + Trâm; Chò chỉ + Trâm leveni + Súm nhiều gân; một số loài của họ Long não + Trâm; Lộc vừng + Kiền kiền + Trâm + Sóc bạch mã; Bục bạc + Bồ đề xanh lá nhẵn + Mán đỉa xơ-va-li-ê. Trên đất đỏ sâu dày hình thành từ đá bazan, rừng phân bố trên đồi cao 60-94m, còn 100ha, đã qua khai thác chọn, đang được bảo tồn. Cây lá rộng, rụng lá chiếm ưu thế. Mùa hoa và lá mới tập trung từ tháng II-V. Rừng không còn tầng vượt tán. Tầng tán rừng cao khoảng 18-25m, gồm các cây Sindora siamensis (Gụ mật) với đường kính thân cây 60-80cm (cây lớn nhất có đường kính 120cm) và các cây gỗ khác có đường kính 50-70cm như Trám trắng, Vạng trứng, Hoàng linh, Hoàng linh bắc bộ, Xoay, Săng mây, Gù hương, Bời lời trắng, Gội nước hoa to, Lòng tong, Trâm, Trâm ràng rạc, Huỷnh, trồng xen năm 1961 có Trầm, Ngát vàng. Tầng dưới tán cao 12-15m, đường kính các cây 30cm đến 50cm, có độ che phủ tương đối kín. Các loài Đáng chân chim, Chân chim quảng trị chiếm ưu thế ở tầng này. Các loài khác có Sưng đào hay Ré, Mù u, Vấp, Côm tầng, Giâu tiên hay Du trung bộ, Săng mây, Muồng đen, Mán đỉa, Kha thụ động chê, Quế rành hay Trèng trèng, Máu chó lá lớn, Chôm chôm. Ngoài ra còn có tầng cây bụi, gỗ nhỏ cao 2-8m và thực vật ngoại tầng khác (dây leo, phụ sinh).

Trảng cây bụi thứ sinh nhiệt đới trên đất địa đới

Trên đất hình thành đá cát bột kết, granit, trảng cây bụi phân bố khá rộng rãi, thành các mảng vài chục ha đến hàng trăm ha, hình thành trên các đất canh tác bỏ hoang; cao 1-2m nơi đất mỏng, 2-6m nơi đất dày; che phủ kín nơi đất dày, thưa nơi đất mỏng hay sỏi sạn. Hầu hết các cây bụi đều ưa sáng. Một số loài thể hiện dạng sống trung sinh hay chịu hạn với bộ lá nhỏ dày, có gai, lá như kim (Chổi sể, Thiên môn đông) hay rụng lá như các loài Thành ngạnh, Chua méo. Các họ Thầu dầu, Cà phê, Đậu, Sim, Cáp chiếm ưu thế về số loài. Còn có cây bụi trong các họ Mãng cầu, Trúc đào, Vòi voi, Bọ chó, Dây gối, Hoa sói, Bàng, Trường điều, Sổ, Vang, Trinh nữ, Mùng quân, Long não, Mã tiền, Bằng lăng, Bông, Mua, Dâu tằm, Đơn nem, Nhài, Mao cấn, Táo, Hoa hồng, Cam chanh, Bồ hòn, Hồng xiêm, Thanh thất, Trôm, Dung, Trầm hương, Đay, Du, Gai, Cỏ roi ngựa, Hoa tím, Cau dừa, Thiên môn. Ngoài các loài thường có mặt trên vùng đồi núi phía nội địa, trong trảng cây bụi còn có các loài chỉ có ở ven biển như Cáp gai, Tràm, Chổi sể. Trong trảng cây bụi còn có loài cây gỗ nhỏ của rừng cũ sót lại hay mới tái sinh cao 2-8m; các loài cỏ cao 2-4m mọc lẫn; các loài dây leo làm trảng cây bụi có cấu trúc lộn xộn; các loài cỏ thấp, bụi nhỏ (thuộc họ Đậu), chịu bóng ở dưới tán các cây bụi, dây leo. Cây phụ sinh ít gặp. Cây ký sinh khá phổ biến. Một số ưu hợp thường gặp: Đom đóm, Dâu làm rượu, Hồng sim + Chổi sể, Tràm, Chành rành. Trên đất hình thành từ đá bazan, trảng cây bụi chỉ có diện tích nhỏ. Tại Rú Lịnh, trên đất dày có quần xã Bọ mát cao 1,5-2m, che phủ kín; trên đất bị xói mòn có quần xã Sầm chỉ thị cho đất khô và chua, cao 1-2m; trên miệng núi lửa Cồn Tiên có quần xã Duối nhám, cao 3-6m. Ngoài ra, còn gặp các loài gỗ nhỏ, bụi, dây leo.

Trảng cỏ thứ sinh nhiệt đới trên đất địa đới

 Trên đất hình thành từ đá cát bột kết, granit, trảng cỏ có diện tích không lớn, phân bố thành các mảng nhỏ ở nhiều sinh cảnh; hình thành trên các đất canh tác bỏ hoang theo kiểu nương rẫy. Nếu không bị cháy, trảng cỏ dần trở thành trảng cây bụi. Trên đất dày trảng cỏ có chiều cao 1 đến 5 hay 6m, che phủ kín với các loài cỏ đa niên, trung sinh, ưa ẩm. Trên đất mỏng trảng cỏ thấp <1m, thưa với các loài cỏ trung sinh hay chịu hạn, cỏ nhất niên. Ven làng xóm, đường đi, có một trảng cỏ thấp, che phủ kín trên đất có bề mặt bị nén chặt. Các cây cỏ trong các họ Hòa thảo, Cói, Cúc, Đậu chiếm ưu thế trong trảng cỏ. Ngoài ra còn có nhiều họ khác như Ráng lưỡi rắn, Ô rô, Rau dền, Vòi voi, Cẩm chướng, Kinh giới, Thầu dầu, Vang, Trinh nữ, Ban, Bạc hà, Bụp, Chua me đất, A phiến, Rau răm, Rau sam, Anh thảo, Cà phê, Hoa mõm chó, Đay, Cỏ roi ngựa, Hoa tím, Thài lài. Trong trảng cỏ còn có các loài cây bụi, cây gỗ tái sinh hay sót lại. Trên các đồi sát biển, thường thấy các loài ký sinh trên thân cây cỏ như Tơ hồng nam, Tơ hồng trung quốc, Tơ xanh hay cỏ leo như Chim bim. Một số ưu hợp: Lau, Sậy núi, Sậy lớn, Đơn buốt, Chuối hoang, Chuối rừng, Cỏ lào, Mua thường, Mua bà, Cỏ tranh, Cỏ ống tai, Me rừng, Trinh nữ có gai; Lách, Cỏ chít, Ngũ sắc, Tế thường, Guột, Vọt, Chè vè, Mồm râu mày cực nhỏ, Hồng nhung, Cỏ mỹ, Lô tam hùn, Cỏ may + Cỏ gà + Mần trầu. Trên đất hình thành từ bazan, trảng cỏ có diện tích nhỏ, rải rác với các mảng vài trăm m2, gồm ưu hợp cao trên 2m, che phủ kín với ưu thế của các loài ưa sáng mọc nhanh, phát tán mạnh thuộc họ Cúc như Cỏ lào, Đơn buốt xen lẫn các loài cỏ cao như thuộc họ Hoà thảo như Đót, Chè vè, Lau; ưu hợp cỏ cao trung bình 0,5-2m, che phủ kín với ưu thế của Cỏ tranh cùng mọc với Trinh nữ thân vuông; trảng cỏ thấp bị gia súc giẫm đạp thường xuyên cao không quá 10 cm, che phủ kín với ưu thế của Cỏ may, Cỏ gà, Mần trầu...

Rừng Tre nứa thứ sinh trên đất địa đới

 Ít phổ biến. Ven một số sông, suối, trên vạt trầm tích bằng, các loài Tre, Nứa, cao 8-12m, che phủ kín, với các loài Tre gai, Lồ ô, Tre gai rừng. Trên vùng đồi núi, thường là các đám nhỏ Nứa tép cao 4-6m, Hóp gai, Hóp, giống như Trúc mọc thành khóm cao 2,5-7m, đường kính 2-3cm, che phủ kín. Trong tầng và vượt tầng Tre, Nứa, có các cây gỗ. Ngoài ra còn có các cây cỏ, dây leo, bụi.

Rú Tràm (Melaleuca leucadendron) trên đất sỏi sạn ở vùng đồi

Tại Mai Thủy có trảng Tràm rộng hàng trăm ha, trên thềm biển cổ có nền đất rất chặt và tầng mỏng (20cm), màu xám trắng, giàu cát, dưới là tầng sỏi, đá vụn (đường kính 1-3cm) dày khoảng >40cm. Rú cao 2-5m, che phủ kín, cành chỉa sát gốc. Dưới tầng Tràm là tầng cỏ cao 10cm, che phủ thưa với ưu thế của loài cỏ trong họ Hòa thảo.

Trảng cây bụi, trảng cỏ thứ sinh trên sườn và đỉnh núi đá vôi

Trảng cây bụi cao 5-8m, che phủ thưa, gồm các loài cây gỗ của rùng cũ sót lại như Si, Mạy tèo, Ô rô núi, Teo nông, các loài Đa, Ngái, các loài Trâm, Sảng, Mán đỉa. Các cây bụi, gỗ nhỏ có Nàng hai, Lá han, Han tía, Sòi tía, Mun, các loài Cò ke, Mạn kinh, Nguyệt quế nhẵn, Bời lời, Thầu tấu, các loài Bọ nẹt, Hoa dẻ, Thao kén . Dưới tầng cây bụi là tầng cỏ.

Rú kín lá cứng trên cát

Trên cát đỏ ở Vĩnh Nam, rú cao 8-12m, che phủ khoảng 40-50%, với các cây gỗ như Mộc hương ngược, Trâm trắng có đường kính 20-30cm và cành nhánh phân ở 5-6m. Tầng cây bụi cao 1-1,5m, che phủ kín. Ít gặp các loài cỏ. Trên cát vàng nghệ ở Truông Nhà Hồ, rú cao 8-12m, che phủ thưa, ưu thế thuộc các cây gỗ Kha thụ sừng nai, Dẻ cát. Ngoài ra còn có các cây gỗ khác như Re lá cứng, Trâm núi, Bứa lá thuôn, Bứa. Tầng cây bụi, gỗ nhỏ cao 2-5m, che phủ khá kín, gồm các loài Đỏ ngọn, Chẹo, Bộp lông, Sầm lưỡi, Vàng nương ô rô, Đài khoai, Găng gai, Trang son, Lẩu núi, Bồ đề trung bộ, Sở, Linh mùn, Tai ghé đuôi to, Cách hoa ca, Vạng chân dài, Me hoa chùm, Cổ yếm, Dẻ lá xoan, Hòe bắc bộ, Ma trá, Chóp máu mụt. Tầng cỏ không rõ mới thấy loài cỏ cứng Euphorbia sp., nơi trũng có rêu mọc thành các đám tròn với đường kính 30-40cm, cao 5cm. Dây leo có Bù dẻ hoa vàng, Ngôn bìa. Cây phụ sinh có Ráng vảy ốc trứng ngược, Ráng ổ xiên trên, Ráng tai chuột thường. Cây ký sinh có Tơ xanh với khá nhiều cá thể. Trên bãi cát trắng xám, gần mực nước ngầm, rú cao 5-8m, đường kính 10-20cm, che phủ tương đối kín, cành chỉa gần sát gốc. Tại Hải Thiệu, có rú với ưu thế của Táu duyên hải. Ven Trằm Bàu Bàng có rú với ưu thế của Dẻ giáp, Quế rành, Mặt cắt. Trên các bãi cát thấp ven đầm Trà Lộc (Hải Lăng), gần mực nước ngầm có rú với chiều cao 5-6m, che phủ kín với ưu thế của các loài Dẻ cát, Dẻ núi dinh, Kha thụ sừng nai. Các cây gỗ khác có Ngấn chày, Bứa scheffer, Sóc tích lan, Quế bạc, Ô đước tụm, Ô đước Chun, Dầu đắng, Ô đước gân lồi, Bời lời nha trang, Bời lời nhớt, Bời lời bao hoa đơn, Móc chắc, Xây nam bộ, Trâm lá cà na, Trâm, Trâm cửu long, Trâm tích lan, Tiểu quất nhánh, Trường nguân, Dung lá trà, Dung quả to, Linh mùn. Có thể thấy các loài trong họ Long não, Sim có nhiều về cá thể. Tầng cây bụi, bụi trườn cao 1-2m, gồm các loài như Trâm móc quả to, Hoa dẻ lông đen, Nhọc, Bù dẻ trườn, Chóp máu nam bộ, Vạng chân dài, Nổ Spirei, Cổ yếm, Dẻ lá xoan, Gai bóm, Bộp lông, Ô đước trung hoa, Nô bu-san, Trâm phi-nét, Niệt dó xoan, Niệt gió ấn, Cò ke trung bộ. Tầng cỏ thưa, không rõ mới gặp An điền đầu, Bán hạ bờ-lu-mơ, Cói quăn xim. Dây leo gỗ có nhiều cá thể của Ngôn nhánh, Dây giun; các dây leo nhỏ mềm có Nhàu lá nhỏ, Dây quai bị. Cây phụ sinh ít. Cây ký sinh có Tơ xanh. Trên các bãi cát cao, mực nước ngầm ở khu kinh tế Na Uy, Đông Bàu Trung, bãi cát ở Nam Đèo Ngang còn sót lại rú Tràm cao 5-6m. Trên cát vàng xám ven biển, tại Quảng Phú, Lệ Thủy, Vinh Thái, đụn cát ở cửa Thuận An, rú cao 8-10m với các loài Bời lời nha trang, Xây có nam bộ, Xây hẹp, Chỏi. Tại chân đụn cát di động trong nội địa (Gio Thành, Gio Linh), trên bãi cát cạnh chân đụn, cát vàng xám lẫn cát trắng có rú cao 5m, rộng khoảng trên ha với loài Hòe bắc bộ mọc thuần loài. Các cây gỗ khác có Trâm móc quả to, Bứa chân chim, Cọ phèn hay Dấu dầu. Tầng cây bụi cao 1-2m, có độ che phủ thay đổi, gồm các loài như Hoa dẻ lông đen, Bù dẻ trườn, Chóp máu nam bộ, Nổ xờ-pi-rây, Gai bóm, Găng gai, Cò ke trung bộ. Tầng cỏ không thể hiện rõ. Dây leo mới gặp Dây giun. Cây phụ sinh chỉ có Ráng tai chuột thường. Cây ký sinh cũng có loài Tơ xanh nhưng số lượng cá thể rất nhiều.

Trảng cây bụi thứ sinh trên cát

Trên cát vàng nghệ chỉ có mảng nhỏ, cao 2-5m, che phủ tương đối kín, gồm một số cây bụi, cây gỗ nhỏ của rú mới tái sinh như Trâm núi, Găng, Ma trá, Bồ cu vẽ, Ké hoa đào, Ké khuyết, Hồng sim, Trâm đạn, Trâm bullock, Rung rúc, Đồng bìa, Trang đỏ, Tầm xoọng, Niệt gió ấn. Dây leo mềm hay ngắn có Bòng bong to, Chạc chìu. Trên cát trắng xám, trảng cây bụi cao 2-6m, độ che phủ thay đổi. Cây có gai, lá nhỏ dày khá phổ biến. Các họ Cáp, Thầu dầu, Sim, Nhài, Cà phê có nhiều loài và cá thể. Thành phần loài gồm các loài của rú cũ sót lại và một số loài mới xâm nhập, thành phần giống với rú nhưng số lượng cá thể ít. Tầng cỏ có các cây bụi bé bò trên cát, cây ký sinh giống với rú. Ở Ba Đồn còn có trảng Tràm chỉ cao 0,5-1m, che phủ thưa, mọc lẫn với Chổi sể trên nền cỏ cao 5-10cm, khá dày đặc với ưu thế Hoà mây và Xuân thảo lông mép, Bần thảo rìa, Cát vĩ rìa. Tại Phú Lộc, trảng Tràm thấp 1-2m lại mọc cùng Chanh lương. Trên cát vàng xám, trảng chỉ có các đám nhỏ sót lại, cao 1-3m, che phủ thưa thớt trên nền cát di động. Thành phần loài gồm các loài của rú cũ sót lại giống như ở rú nhưng số lượng cá thể ít, thưa thớt.

Trảng cỏ thứ sinh trên cát

Trảng cỏ trên cát vàng nghệ có diện tích khoảng 2-3ha, thường xuyên bị gia súc giẫm đạp, thấp (<10cm), che phủ khá kín (60-80%) với các loài Cúc chỉ thiên, Thu thảo, Cỏ sữa đất, Thóc lép dị quả, Chổi đực, Hoàng tiên, Túc hình hạt, Thiên nhĩ ấn. Trên bậc thềm cát trắng xám cao 3m so với vùng trũng lân cận ở Hải Thuận (Hải Lăng), ven Trằm Bàu Bàng (Phong Điền) có trảng cỏ cao 10-20cm, che phủ tương đối kín vào mùa mưa với ưu thế của Tinh thảo cát, Tinh thảo rung, Bần thảo rìa. Trên các bãi cát nhấp nhô (tiếp giáp giữa các cồn cát cao phía nội địa và vùng cát ngập nước) ở Nam Quảng Bình có trảng cỏ cao 40cm, che phủ thưa (40%) với ưu thế gần như tuyệt đối của loài Hòa mây. Ngoài ra còn có các loài khác như Lục lông, Túc dị hình, Túc hình 2 sừng, Túc hình hoa dài, Tinh thảo tích lan, Mao tái, Cát vĩ rìa, Thiên nhĩ ấn, Chua lè, Rau má tía, Nhụy lưỡi lá nhỏ, Sâm ruộng, Màn màn trắng, Sài hồ nam, Kỳ nhông, Thóc lép dị quả, Đậu hai lá, Nọc sởi, Bạch thiệt, Cứu thảo dân chúng, Rau đắng đất, Ruột gà có khớp, An điền hai hoa, An điền cỏ, Hoàng tiên, Cói quăn xim, Bạc đầu rừng, Cói trục dai hoa cầu, Cú ma, Cói trục dai lùn. Trên cát vàng xám ven biển: tại các đụn thấp (2-4m) không ổn định có trảng cỏ với ưu thế của Cỏ chông cao >1m, che phủ kín mọc lẫn với Quan âm biển, Dừa cạn và loài Tơ xanh sống ký sinh. Trên các đụn là trảng cỏ thấp (<5-10cm), thưa với ưu thế của Cói quăn lông tơ. Phía chân sườn về phía nội địa, hay trên các mô cát cao phía trong thường gặp quần xã Cỏ may đông cao 0,5-1m, che phủ thưa. Các cây cỏ họ Cói, Hòa thảo khá phổ biến với các loài Cói chát râu, Cói quăn láng, Cói quăn năm cạnh, Mao thư nghiên, Cói tương ngờ, Cú ma, Cói trục dai lùn, Cương mao trung hoa, Hùng thảo quy nhơn, Lục lông, Xuân thảo dài, Mao tái, Mồm giả, Thiên nhĩ ấn. Các loài trong các họ khác có Cỏ tam khôi, Ngải biển, Đại bi, Cúc giải, Chua lè, Rau má tía, Nhụy lưỡi lá nhỏ, Cải đồng nhỏ, Sâm ruộng, Màn màn trắng, Sài hồ nam, Bạch cổ đinh, Đa quả chụm, Bất giao, Bìm chồi, Đại kích biển, Kỳ nhông, Thóc lép dị quả, Hàn the, Thóc lép đỏ, Chim bim, Chàm đồng tiền, Đậu hai lá, Bái trắng, Rau đắng đất, Cỏ bụng cu, Viễn chi lá nhỏ, Sâm mùng tơi, Ruột gà có khớp, An điền hai hoa, An điền cỏ, An điền lá thông, Lữ đằng thuôn, Lữ đằng dạng sa dĩnh, Hoàng tiên, Trai đơn giản.

Rừng đầm lầy nước ngọt trên đất phù sa

Tại Vĩnh Long, ven sông Sa Lung, rừng rộng vài ha, cao 8-15m, đường kính 10-20cm, che phủ kín tương đối kín. Thành phần loài cây gỗ đơn giản, chỉ gồm một số loài như Chúng nôm, Vàng nghệ, Côm hải nam, Côm bộng, Côm xanh, Sóc lông, Chàm bia, Sung xanh, Máu chó lá nhỏ, Trâm hôi, Trâm đại, Gáo trắng. Tầng cây gỗ nhỏ, bụi, thưa, có Lài trâu, Thóc lép dị quả, Quần châu, Chiêng chiếng, Vẩy lá hẹp, Dành dành, Lẩu ít gân, Bồ đề trung bộ, Quan âm, Dứa cam. Tầng cỏ thưa, chỉ có một số loài Dương xỉ như Ráng chò chanh, Dây choại, Móng ngựa trung, Móng ngựa vân nam, Ráng sẹo gà dải, Ráng thư dực đâm chồi, Ráng cù lần ký sinh, Ráng ổ tròn đứt đoạn, Ráng cánh dính liền, Ráng a diệp chẻ đôi. Dây leo có nhiều gồm Bòng bong lắt léo, Bòng bong nhật, Bòng bong bò, Trắc dây, Nho đất. Cây ký sinh ít mới gặp Chùm gửi trung bộ. Trên phù sa cổ với địa hình bằng, trũng, độ cao > 10m, ở thượng nguồn của sông Phu (Phú Bài), có rừng Tràm cao 8m, đường kính 15-20cm, tạo thành tầng tương đối kín. Dưới tán có một số loài cây bụi như Bộp. Tầng cỏ thưa có Chổi sể, Sậy núi cao 1-2m.

Trảng cây bụi chịu ngập thứ sinh trên đất phù sa

Chỉ có diện tích nhỏ, cao 2-6m, che phủ tương đối kín, thành phần loài gồm các cây bụi, gỗ nhỏ chịu ngập trong các họ Na, Trúc đào, Thiên lý, Cúc, Bứa, Côm, Thầu dầu, Vang, Đậu, Trinh nữ, Bạc hà, Lộc vừng, Mua, Dâu tằm, Máu chó, Sim, Cà phê, Cam chanh, Bồ đề, Trôm, Cỏ roi ngựa, Dứa dại. Các loài cỏ thường cao >1m, nhiều loài đạt 2-3m. Dây leo nhiều.

Trảng cỏ chịu ngập thứ sinh trên đất phù sa

Trên đồng bằng phù sa ngập định kỳ hay thường xuyên có trảng cỏ cao 0,5-2m, che phủ kín với các loài ưu thế thuộc các loài trong họ Cói chiếm ưu thế nơi nước sâu, trong họ Hòa thảo nơi ngập nông, mùa khô đất thoát ngập. Trên đất nhiễm mặn và trong các thung lũng, ven sông thường gặp quần xã Sậy núi hay Sậy lớn mọc dày đặc và quần xã Nghể đông, cao 1-2m trên đất lầy. Nơi đất nhiễm phèn có quần xã Cói chát râu, Cói đất chua (cây chỉ thị đất phèn), Cói bàng, Cúc chân vịt. Nơi bằng trũng, trên vùng đồi tại Quảng Trị, có quần xã Nút áo, Nụ áo gân tím, Xà bong, Mồm râu mày cực nhỏ, San nước trên đất hình thành từ đá cát bột kết. Trên bề mặt đồi phù sa cổ phẳng và trũng Hương Thủy, có trảng cỏ cao 0,2-0,3m, che phủ khá kín với ưu thế Lữ đằng căm-bôt và các loài Chanh lương, Chổi sể, Mua thường, Chà là nhỏ. Trên vùng bán ngập của các hồ với nền đất cứng chặt có trảng cỏ cao 0,5-1m, che phủ kín với với ưu thế Cỏ gừng, mọc cùng còn có Cỏ chân nhện hoa tím, Nút áo.

Quần xã thuỷ sinh nước ngọt trên đất phù sa

Quần xã thủy sinh nước ngọt có diện tích tương đối rộng, bao gồm các thủy vực nước chảy, nước tĩnh. Các dạng sống thủy sinh gồm: trôi nổi, nổi (bằng phao, thân xốp), chìm. Nơi ngập sâu, nước tĩnh thường thấy quần xã với ưu thế các loài Súng. Dưới nước là các loài Rong sống chìm. Trong lòng suối nước nông, ngập định kỳ, chảy mạnh tương đối mạnh vào mùa mưa, có các đám Cấu trời. Ngoài ra còn có các loài trong các họ Bèo dâu, Rau cần trôi, Bèo ong, Kim ngư, Rong tiên, Thuỷ lệ, Rong ly, Thuỷ nữ, Rau dừa, Hoa mõm chó, Củ ấu, Từ cô, Choi, Ráy, Thủy thảo, Bèo tấm, Thủy kiều, Lục bình, Rong lá liễu.

Rừng đầm lầy trên cát lẫn phù sa trên than bùn và cát ẩm

Tại Nhĩ Thượng, dọc sông Bến Ngự, trên nền cát lẫn phù sa khá chặt, nước trong, luôn chảy, có dải rừng (dài 1-2km, rộng 30-60m) ngập mùa mưa với các cây gỗ cao 5-8m, đường kính 20-30cm, che phủ kín, với ưu thế của Lộc vừng, Lộc vừng e-béc-hát, Thoa. Dưới tầng cây gỗ, Mua thường mọc dày đặc, cao 1-1,5m. Tại quán Lùm xanh (Thủy Phương), trên cát ướt, rừng đầm lầy sót lại có Lộc vừng, Đỏm lông, Bánh dầy, Xăng mã nguyên. Dây leo có Bòng bong lắt léo. Tại Trà Lộc, trên nền cát trên than bùn, ven đầm, rừng cao 8-15m, che phủ kín với các loài cây gỗ Vàng nghệ, Côm bắc bộ, Sóc hồng Kông, Mán đỉa trâu, Quế rành, Ô đước tụm, Dầu đắng, Ô đước gân lồi, Bời lời căm-bôt, Bời lời nha trang, Bời lời cuống dài, Bời lời bao hoa đơn, Tra làm chiếu, Tra bồ đề, Si, Sung, Trâm, Trâm núi, Sắn thuyền, Trai, Xăng mã nguyên, Bưởi bung ít gân, Dung lá trà. Dưới rừng có tầng cỏ thưa. Cây phụ sinh ít. Tại căn cứ tỉnh ủy Thừa Thiên (Phú Vang), trên nền cát ngập nước đen hầu như quanh năm còn sót lại các cây gỗ cao 5-8m như Mù u, Đỏm thon, Bời lời nhớt, Xăng mã trâm. Tầng cây bụi cao 2-3m, có Dấu dầu háo ẩm, Dứa dại.

Rừng Tràm trên than bùn

Trong trằm than bùn Trà Lộc và các trằm ở Phong Điền, Quảng Điền, có rừng Tràm cao 5-7m, che phủ thưa (do chặt phá). Trên bề mặt than bùn là lớp cỏ Mồm râu mày cực nhỏ, cao 20-30cm, mọc dày đặc và các loài Chổi sể, Chanh lương, Hoàng đầu hẹp, Hoàng đầu ít hoa.

Trảng cây bụi thứ sinh trên cát ẩm nước ngọt

Chỉ có diện tích nhỏ, cao 3-5m với cấu trúc lộn xộn, với các loài Mao quả evrard, Mù u, Móc mèo, Muồng biển, Dấu dầu háo ẩm. Ngoài ra còn có các cây bụi phân bố rộng, phát tán tán mạnh thâm nhập.

Trảng cỏ chịu ngập thứ sinh trên cát ẩm nước ngọt

Đặc sắc, ít nơi có, tập trung thành mảng rộng lớn trong vùng trũng giữa vùng cát, sau đụn cát ven biển. Trên các bãi cát thấp trũng ở Nhĩ Thượng, nước tù, nhiều mùn đen, có lớp cát rắn dưới độ sâu 0,5-1m, có quần xã Đuôi lươn cao 0,5m. Xung quanh bãi trũng là trảng cỏ cao 0,3m, dày đặc, thuần loài Mồm trụi. Trong trảng cỏ còn gặp Tràm, Bèo đất, Gọng vó lá dài, Dùi trống nghèo, Dùi trống 6 cạnh. Nơi cao hơn, ít mùn trên mặt (Gio Hải, Triệu Vân, Bố Trạch) có quần xã Mồm râu mày cực nhỏ. Các loài mọc cùng có Dùi trống nghèo, Dùi trống 6 cạnh, Bèo đất, An điền bốn cạnh, Mua bauche. Hai loài Hồng vĩ hình sao, Voòng phá vàng khá phổ biến trong trảng cỏ này nhưng không gặp ở các vùng cát ẩm khác. Trên các đầu lạch, cát ẩm khi mưa, nước chảy, không tích mùn có trảng cỏ Gừng cao 1-1,5m mọc dày đặc. Trên vùng trũng rộng (bề mặt tích mùn vừa phải, mùa mưa đọng nước, ở độ sâu 1m có lớp kết vón dày tới 30cm) đến hàng ngàn ha ở Nam Quảng Bình, Hải Khê, đuôi trằm ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc có trảng cỏ với ưu thế của Chanh lương cao 0,5-1m, mọc dày đặc mọc cùng Hoàng đầu hẹp, Tràm, Chổi sể. Sau đụn cát ven biển, trong vũng nước tù, mùn ít, trảng cỏ chịu ngập với ưu thế của Đuôi lươn (0,6m) nơi nước sâu. Ven bờ là là trảng cỏ thấp (20cm), che phủ kín với ưu thế của Đẳng hoa so le mọc với Lữ đằng dạng nổ. Nơi cao tiếp xúc với bãi cát và ven lạch (chảy vào vũng) có một vạt Mua bauche; nơi trũng sâu hơn có vạt Năn cong. Nơi sâu và có mùn đen có Đuôi lươn mọc thành vòng ven hố trũng; nơi sâu hơn là Cói đắng lông và giữa hố trũng là quần xã thủy sinh nổi thuần loài Rau om bò. Dọc theo các lạch: gần biển có các mảng Rau đắng biển, mọc dày đặc; sâu trong đất liền, có trảng cỏ Đẳng hoa so le (cao 10cm) mọc lẫn với Dùi trống trung bộ, Dùi trống lá dài, Bèo đất, Lữ đằng nhỏ, An điền Heyn, An điền bốn cạnh, Cói trục, Bán biên liên cùng với các loài sống thủy sinh ở chỗ nước sâu. Hai bên bờ lạch là trảng cỏ kéo dài hàng km tới vùng trũng giữa vùng cát, với ưu thế của các loài Mua.

Quần xã thuỷ sinh ở đầm than bùn

Nơi có nền đáy là than bùn (Quảng Trạch, Trà Lộc), nước tù đọng, ven bờ, nước nông, mùa khô không ngập, nền đáy cát, có Trang lá nước.

Rừng ngập mặn

Trước phổ biến nay chỉ còn các đám nhỏ rải rác. Nơi độ mặn cao vào mùa khô (đầm An Cư, 29-35,5‰) có rừng cao 2-5m với các loài chịu mặn cao như Cọc đỏ, Cọc trắng và các loài ở phía nam như Đước nhọn, Mắm trắng, Bần ổi. Trong phá Tam Giang, độ mặn dao động rất mạnh (0,5‰-28‰), rừng gồm các loài rộng muối Bần chua, Sú, Đước vòi, Vẹt dù, Trang. Dọc các sông, độ mặn tương đối cao, thay đổi vừa phải (Xuân Tùng, Tường Vân, Cửa Ròn) có rừng với ưu thế của Đước đôi, Đước nhọn, Đước vòi, Sú, Vẹt dù. Ven bờ, đất rắn, có Cọc trắng, Mướp xác hường, Giá, Cui biển, Tra làm chiếu)... Sâu trong nội địa, nơi nước lợ (Quấn Hầu), có rừng Bần chua cao 8-15m, đường kính 20-30cm hay trảng cây bụi Dừa nước cao 4-5m, che phủ kín.

Trảng cây bụi, cỏ chịu ngập nước mặn thứ sinh

Trên các bãi triều ở cửa sông (Gianh, Bư Lu) có trảng cây bụi, cỏ chịu ngập nước lợ, che phủ thưa với các loài như Ráng biển thường, Ô rô, Ô rô nước, Chà là biển, Nê. Ven các đầm, phá, có trảng cỏ chịu ngập nước lợ gồm các loài của rừng ngập mặn trước đây. Nơi đất chặt, ven cửa sông, phá (Tư Hiền) có các bãi cỏ Còng còng to, che phủ kín. Nơi nước lợ, ngập sâu thường gặp các đám Sậy, cao 2-3m.

Trảng cỏ trên bãi biển

Nơi các đụn cát cát ven biển luôn bị phá, trên các đụn nhỏ (cao 0,5-1m) đang hình thành, có trảng cỏ với ưu thế của Quan âm biển mọc bò lan khá dày đặc. Nơi bờ biển tương đối ổn định có trảng cỏ Cỏ gấu biển mọc cùng Rau muống biển. Các loài cỏ khác có Tam khôi, Sa sâm, Lức cây, Hải cúc, Phì diệp biển, Cỏ lết, Cỏ bụng cu, Cói quăn thu, Cói sa biển.

Quần xã thuỷ sinh nước mặn

 Quần xã thủy sinh sống chìm ở phá Tam Giang, có Hải kiều rộng, Hẹ biển, Ái diêm béc-ca-ri, Ái diêm xoan, Rong mái chèo, Giang thảo gau-di-cau-đe, Thủy kiều ấn, Thủy kiều nhỏ. Ngoài biển mới thu được mẫu của Hải kiều thủy phỉ tại cửa Tư Hiền.

Trảng cây bụi dựa biển trên các bãi biển đá

Nơi tiếp giáp với núi ăn ra sát biển, trên bãi đá, đất nhiễm mặn, có trảng cây bụi cao >3m với các loài Đa hẹp, Mướp xác hường, Hếp, Dứa dại, Dứa việt, Dứa gỗ, Tra làm chiếu, Tra bồ đề, Vông nem. Dưới tán cây bụi là các loài cỏ chịu mặn.

Rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng cây lá kim á nhiệt đới mưa ẩm

Có diện tích nhỏ, được bảo tồn tốt. Hầu hết các cây gỗ có bộ lá rộng thường xanh, chất lá cứng, dai, bóng. Số loài và cá thể rụng lá vào mùa đông lạnh, có lá vảy, lá kim ít. Cây có bao chồi chống lạnh tăng dần theo độ cao. Hoa nở tương đối tập trung vào tháng V-VI. Cây có bạnh vè và hoa quả ở thân ít. Cấu trúc rừng ở nơi độ cao thấp, địa hình bằng, rừng ít bị tác động có các tầng vượt tán, >30 - 35m, trên sườn núi tán rừng, 18-25m, che phủ kín và tầng dưới tán, 10-15m, che phủ thưa; cây bụi, gỗ nhỏ, 2-8m, che phủ thưa; cỏ, quyết cao < 2m, độ che phủ thưa. Ngoài ra còn có quần phiến dây leo, ký sinh, phụ sinh. Thành phần loài thay đổi theo độ cao, các cây gỗ trong họ Dẻ, Long não, Ngọc lan, Hồ đào, Dung, Hồng quang, Chè. Các ưu hợp: Hoàng đàn giả+ Trâm xâylan; Hoàng đàn giả + Quế mua; Hoàng đàn giả + Gò đồng; Gò đồng + Hoàng đàn giả + Dẻ; Dẻ + Trám.

Quần xã đặc biệt ở đỉnh núi

Tại các đỉnh đất mỏng, gió mạnh thường xuyên, luôn ẩm do mây mù có quần xã cây gỗ chỉ cao 5-6m, che phủ kín. Các cây gỗ lá rộng đều có bao chồi chống lạnh. Các loài thường gặp có Hoàng đàn giả mọc cùng các loài cây gỗ nhỏ của họ Chè, Đỗ quyên.

Trảng cây bụi thứ sinh

Chiếm diện tích nhỏ, cao < 8m, che phủ kín. Thành phần loài hỗn tạp gồm các cây bụi và các cây gỗ nhỏ có bộ lá thường xanh. Các cây trong họ Thầu dầu (thường <1200m), Đậu, Đỗ quyên, Đơn nem, Ngũ gia bì, Cỏ roi ngựa chiếm ưu thế. Ngoài ra còn có tầng cỏ và dây leo.

Thảm cây nông nghiệp ngắn ngày

Lúa nước chiếm diện tích lớn, phân bố ở đồng bằng ven sông và trên cát ẩm. Màu chủ yếu là Sắn (trên cả cát trắng), Ngô, Đậu, Lạc, rau các loại, cây thực phẩm trồng trên đất phù sa luân canh với Lúa nước, trên đất cát bằng ẩm và rải rác ở vùng đồi. Nương rẫy: phân bố rải rác ở vùng đồi, thành các mảng nhỏ từ vài chục đến vài trăm m2. Cỏ chăn nuôi: cỏ cao sản đang được phát triển trồng ở một số địa phương, chủ yếu là Cỏ voi.

Thảm cây công nghiệp lâu năm

Cao su trước đây chỉ treenbazan, nay đang được mở rộng ở vùng đồi. Tiêu tập trung trên bazan, rải rác ở vùng đồi và vùng cát. Chè chỉ có diện tích nhỏ. Điều bắt đầu phát triển trên một số vùng cát. Ngoài ra, còn có trồng Bời lời, Sở, Quế, Trẩu với diện tích nhỏ.

Rừng trồng

Có 80.616ha, phân bố phổ biến ở vùng đồi, vùng cát ven biển, trồng riêng hay kết hợp với các cây khác thành các mô hình. Các cây chính Keo lá tràm, trên vùng đồi và cát ẩm; Thông nhựa, Thông ba lá, Thông ca-ri-bê trên đất sỏi sạn ở vùng đồi; Bạch đàn trên đồi và cát ẩm; Phi lao trên cát biển; Luồng ven sông. Rừng ngập mặn trồng ít. Các cây bản địa hay đặc sản có Trầm hương, Muồng đen, Sến mật, Dầu đọt tím, Sao, Trám trắng, Bời lời, Quế, Trường chua, Huỷnh, Chò chỉ, Kiền kiền, Vạng trứng, Lim xanh, Gụ mật.

Cây trồng trong các khu dân cư, công sở, di tích lịch sử, khu công nghiệp

Tập đoàn cây phong phú về chủng loại và công dụng, gồm cây bóng mát, cây cho gỗ, vật liệu xây dựng, màu, rau, cây cảnh, thuốc…

Các khu vực có độ che phủ thảm thực vật thấp

Các khu vực có độ che phủ thấp bao gồm các diện tích chăn nuôi thủy sản, nghĩa địa, sân bay, cầu cảng. Diện tích của chúng tăng khi xã hội phát triển, đồng thời diện tích thảm thực vật bị khai phá cũng lớn lên.

Kết luận

Thảm thực vật trên dải ven biển đa dạng về kiểu loại gồm 32 đơn vị, được chia thành 2 nhóm chính là thảm thực vật tự nhiên và thảm thực vật trồng. Thảm thực vật tự nhiên chia theo các vành đai nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở vành đai nhiệt đới (<800m ở Quảng Bình và <900m ở Thừa Thiên - Huế), trên đất địa đới (tầng dày, thoát nước tốt) có các đơn vị từ 1 đến 5. Trên đất phi địa đới (tầng mỏng, thoát nước nhanh) có các đơn vị từ 6 đến 10. Trên đất nội địa đới ngập nước ngọt ở vùng đồng bằng, ven sông suối với nền đáy phù sa hiện đại ngập định kỳ có các đơn vị từ 11 đến 14, trên than bùn và cát ẩm khá đặc sắc là các đơn vị từ 15 đến 19. Thảm thực vật ngập mặn có các đơn vị từ 20 đến 24. Thảm thực vật trên vành đai nhiệt đới gồm các kiểu từ 25 đến 27. Còn lại là các đơn vị thảm thực vật gây trồng.

Tài liệu tham khảo

1.     BIRDLIFE- EU- FIPI, 2001: Thông tin các khu bảo vệ hiện có và đề xuất ở Việt Nam, Hà Nội.
2.     Đặng Thái Dương, 2002: Tạp chí Nông nghiệp & PTNT, 12: 1114-1115, Hà Nội.
3.     Trinh Dzanh,1996: Paleobotanist, 45: 430-439.
4.     Phan Nguyên Hồng và cs, 1999: Rừng ngập mặn Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
5.     Vũ Tự Lập, 2004: Địa lý tự nhiên Việt Nam. NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6.     Trần Đình Lý và cs, 2005: Thảm thực vật vùng cát Quảng Bình, Quảng Trị. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 971-974.
7.     Schmid M., 1974: La végétation du Vietnam. Le massif sud - annamitique et les région limitrophes. ORSTOM. Paris.
8.     Vũ Trung Tạng, 1994: Các hệ sinh thái cửa sông Việt Nam (Khai thác, duy trì và phát triển nguồn lợi). NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
9.     Nguyễn Nghĩa Thìn, Mai Văn Phô, 2003: Đa dạng sinh học hệ nấm và thực vật vườn Quốc gia Bạch Mã. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
10.  Thái Văn Trừng, 1999: Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Nguyễn Hữu Tứ - Vũ Anh Tài
Viện Địa lý - Viện KH&CN Việt Nam

(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2023