Tại Thừa Thiên Huế, kể từ năm 2005 cỏ Vetiver đã được Ban quản lý sông Hương và Chi cục Quản lý đê điều tỉnh trồng để chống sạt lở đất ở hai bên bờ sông Hương, sông Xước Dũ, sông Bồ.... Năm 2006, Viện Địa chất - Khoáng sản cùng với mạng lưới cỏ Vetiver quốc tế đã thử nghiệm trồng loài cỏ này để xử lý môi trường đất bị ô nhiễm chất độc Dioxin ở sân bay A Sò huyện A Lưới.
Hiện nay việc sử dụng cỏ Vetiver vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân có thể là do số lượng cây giống còn ít không đủ cung cấp, trong khi việc chống sạt lở đất đai ở các bờ sông, taluy đường và các mục đích khác lại đang đòi hỏi một số lượng cây giống rất lớn.
Một mô hình trồng cỏ để bảo vệ bề mặt, chống sạt lở đất (hình theo toyogreen.com)
Phương pháp nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu: Cỏ Vetiver - Vetiveria zizanioides (L.) Nash.
+ Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn RRA (Rapid Rural Appraisal) để điều tra sự phân bố của cỏ Vetiver trong tự nhiên.
- Tìm hiểu biện pháp nhân giống cỏ Vetiver bằng phương pháp giâm hom từ thân cây trưởng thành và thân cây non bằng cách xử lý bởi các chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) ở các nồng độ và thời gian khác nhau.
- Nghiên cứu giâm hom cỏ Vetiver ở các lứa tuổi khác nhau. Hom non: là hom được lấy từ thân cây non, mang chồi ngọn, chưa hoá gỗ, phân đốt từ 1 - 2 lóng, kích thước 10cm; Hom trưởng thành: là hom lấy từ thân cây trưởng thành phân nhiều lóng, đã hoá gỗ có kích thước 10cm.
- Thống kê và xử lý số liệu theo chương trình Microsoft Excel 2003.
Kết quả nghiên cứu
Phân bố của cỏ Vetiver ở Thừa Thiên Huế
Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cỏ Vetiver được sử dụng với mục đích là chống xói mòn, sạt lở mái dốc taluy đường Hồ Chí Minh, chống sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ… Ngoài ra, năm 2006 mạng lưới cỏ Vetiver quốc tế đã tài trợ cho chương trình “Nâng cao chất lượng nước tại Việt Nam” bằng việc kết hợp với Viện Địa chất - Khoáng sản trồng thử nghiệm cỏ Vetiver để xử lý Dioxin tại khu vực sân bay A Sò - huyện A Lưới. Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy phân bố và diện tích trồng cỏ Vetiver ở Huế và vùng phụ cận như sau (bảng 1).
Các số liệu cho thấy, cỏ Vetiver chủ yếu được trồng để bảo vệ, chống sạt lở bờ sông. Phân bố tập trung ở bờ sông Hương, đoạn đi qua xã Hương Hồ, huyện Hương Trà với diện tích là 16.200m2 trong tổng só 34.424m2 đã được thống kê.
Bảng 1. Phân bố và diện tích của cỏ Vetiver tại một số vùng ở Thừa Thiên Huế
STT | Địa điểm | Diện tích (m2) |
1 | Hà Cảng, Quảng Phú, Quảng Điền | 4725 |
2 | Phò Nam 3, Quảng Thọ, Quảng Điền | 1530 |
3 | Phò Nam 2, Quảng Thọ, Quảng Điền | 4400 |
4 | Xước Dũ, Hương Hồ, Hương Trà | 3500 |
5 | Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà | 595 |
6 | Liễu Cốc Hạ, Hương Toàn, Hương Trà | 264 |
7 | Hương Hồ, Hương Hồ, Hương Trà | 16200 |
8 | Dương Phẩm, Thủy Bằng, Hương Thủy | 1000 |
9 | La Khê trẹm nối dài Thọ, Hương Trà | 210 |
| Tổng cộng | 32.424 |
Phần lớn các diện tích đã điều tra là do được Ban quản lý dự án sông Hương trồng từ năm 2005 và 2006. Đến năm 2007 có hai khu vực được trồng bổ sung, đó là kè Dương Phẩm (xã Thủy Bằng, Hương Thủy) và kè La Khê trẹm nối dài (xã Hương Thọ, Hương Trà).
Kết quả điều tra còn cho thấy, cỏ Vetiver mọc tự nhiên trong các sinh cảnh là đồi, khe, mương nước ở vùng gò đồi phía Tây Nam thành phố Huế ở các xã Hương Chữ, Vân Xá... tại một số địa phương, người dân dùng lá non cỏ Vetiver làm thức ăn gia súc (trâu, bò), dùng rễ khô tán thành bột để làm hương, xông khói để trừ các loại côn trùng như gián, muỗi. Như vậy, về khía cạnh phân bố, cỏ Vetiver xuất hiện ở vùng Huế và phụ cận chủ yếu là do con người gây trồng với mục đích như đã đề cập ở trên.
Ảnh hưởng của chất kích thích ra rễ đến khả năng ra rễ của hom cỏ Vetiver
Đối với hom thân non
Cho hom non tiếp xúc với các dung dịch IBA và IAA ở nồng độ: 250, 500, 750, 1000ppm trong thời gian 60 giây, sau đó giâm trên cát và theo dõi quá trình ra rễ. Kết quả được trình bày ở bảng 2. Số liệu bảng 2 cho thấy, thời gian ra rễ của hom được xử lý bằng IBA là 12 ngày, của IAA là 8 ngày, nhanh hơn 4 ngày so với IBA. Đến ngày thứ 12, tỷ lệ ra rễ của hom được xử lý IAA không tăng lên nữa. Do đó chúng tôi đã tiến hành thống kê và xử lý số liệu ở ngày thứ 12, còn với IAA ở ngày thứ 8.
+ Đối với IBA: Số liệu ở bảng 2 cho thấy, hom được xử lý IBA có tỷ lệ ra rễ đều cao hơn so với đối chứng. Các nồng độ IBA 500, 750, 1000ppm cho tỷ lệ cao hơn so với nồng độ 250ppm. Ở nồng độ 750ppm có số rễ/hom cao nhất (5,75 rễ/hom). Tuy nhiên, chiều dài rễ chỉ đạt 3,21cm ngắn hơn so với ở nồng độ 1000ppm (chiều dài rễ ở nồng độ 1000ppm là 3,89cm). Chúng tôi cho rằng tiêu chuẩn để chọn cây tốt khi đưa ra trồng không chỉ là chiều dài mà còn phải kể đến số lượng rễ/hom. Do đó, theo chúng tôi, IBA 750ppm là nồng độ thích hợp cho sự ra rễ của hom thân non của cỏ Vetiver.
+ Đối với IAA: Sau 4 ngày theo dõi, hom đã bắt đầu ra rễ. Ở các nồng độ 250, 500, 750 và 1000ppm cho tỷ lệ ra rễ khá cao, đạt từ 46,67 - 83,33% và đều cao hơn so với đối chứng (23,33%). Nồng độ 1000ppm cho tỷ lệ cao nhất (83,33%), tuy nhiên số rễ trung bình/hom lại ít hơn so với các nồng độ còn lại. Sau 8 ngày, tỷ lệ ra rễ của hom được xử lý ở nồng độ 250, 500 và 750ppm đều tăng lên, riêng ở nồng độ 1000ppm là không tăng nhưng vẫn đạt tỷ lệ ra rễ cao nhất (83,33%).
Ở nồng độ 1000ppm, số rễ trung bình/hom đã tăng từ 3 rễ (sau 4 ngày) lên 6,43 rễ (sau 8 ngày) và cao hơn so với các nồng độ còn lại. Qua đó cho thấy, IAA 1000ppm là nồng độ kích thích ra rễ mạnh nhất đối với hom thân non cỏ Vetiver.
Bảng 2. Tỷ lệ ra rễ của hom non cỏ Vetiver
Chất điều hòa sinh trưởng | Nồng độ (ppm) | Số hom thí nghiệm | Thời gian ra rễ (ngày) | Số hom ra rễ | Số rễ/hom | Chiều dài rễ (cm) |
Số lượng | (%) |
IBA | 250 | 30 | 12 | 13 | 43,33 | 3,29 ± 0,06 | 2,11 ± 0,04 |
IBA | 500 | 30 | 12 | 16 | 53,33 | 3,38 ± 0,06 | 2,52 ± 0,04 |
IBA | 750 | 30 | 12 | 19 | 63,33 | 5,75 ± 0,10 | 3,21 ± 0,06 |
IBA | 1000 | 30 | 12 | 16 | 53,33 | 3,75 ± 0,07 | 3,90 ± 0,07 |
| Đối chứng | 30 | 12 | 7 | 23,33 | 2,67 ± 0,05 | 3,31 ± 0,06 |
IAA | 250 | 30 | 8 | 19 | 63,33 | 5,33 ± 0,09 | 4,67 ± 0,08 |
IAA | 500 | 30 | 8 | 14 | 46,67 | 5,75 ± 0,10 | 3,58 ± 0,06 |
IAA | 750 | 30 | 8 | 22 | 73,33 | 3,88 ± 0,07 | 4,35 ± 0,08 |
IAA | 1000 | 30 | 8 | 25 | 83,33 | 6,43 ± 0,11 | 4,99 ± 0,09 |
| Đối chứng | 30 | 8 | 7 | 23,33 | 2,67 ± 0,05 | 3,31 ± 0,06 |
Đối với hom trưởng thành
Cho hom trưởng thành của cỏ Vetiver tiếp xúc với dung dịch xử lý chứa IBA, IAA ở các nồng độ: 250, 500, 750, 1000ppm trong thời gian 60 giây, sau đó giâm trên môi trường cát. Kết quả được trình bày ở bảng 3:
+ Đối với IBA: Kết quả ở bảng 3 cho thấy, trong cùng một thời gian 17 ngày, hom được xử lý bằng dung dịch IBA ở nồng độ 250, 500, 750 và 1000ppm đều cho tỷ lệ ra rễ cao hơn so với đối chứng. Nồng độ 1000ppm có tỷ lệ ra rễ cao nhất (46,67%), số lượng rễ/hom nhiều hơn (3,75 rễ/hom) so với các nồng độ khác và chiều dài rễ đạt 5,51cm, đứng thứ 2 sau nồng độ 500ppm.
Bảng 3. Tỷ lệ ra rễ của hom trưởng thành cỏ Vetiver
Chất điều hòa sinh trưởng | Nồng độ (ppm) | Số hom thí nghiệm | Thời gian ra rễ (ngày) | Số hom ra rễ | Số rễ/hom | Chiều dài rễ (cm) |
Số lượng | (%) |
IBA | 250 | 30 | 17 | 5 | 16,67 | 1,56 ± 0,03 | 2,50 ± 0,04 |
IBA | 500 | 30 | 17 | 11 | 36,67 | 2,67 ± 0,05 | 5,90 ± 0,10 |
IBA | 750 | 30 | 17 | 7 | 23,33 | 2,50 ± 0,04 | 3,17 ± 0,06 |
IBA | 1000 | 30 | 17 | 14 | 46,67 | 3,75 ± 0,07 | 5,51 ± 0,10 |
| Đối chứng | 30 | 17 | 4 | 13,33 | 1,0 ± 0,02 | 1,54 ± 0,03 |
IAA | 250 | 30 | 10 | 7 | 23,33 | 1,0 ± 0,02 | 1,85 ± 0,03 |
IAA | 500 | 30 | 10 | 16 | 53,33 | 1,25 ± 0,02 | 3,75 ± 0,07 |
IAA | 750 | 30 | 10 | 11 | 36,67 | 1,46 ± 0,03 | 3,25 ± 0,06 |
IAA | 1000 | 30 | 10 | 19 | 63,33 | 2,75 ± 0,05 | 4,67 ± 0,08 |
| Đối chứng | 30 | 10 | 4 | 13,33 | 1,0 ± 0,02 | 1,54 ± 0,03 |
+ Đối với IAA: Sau 10 ngày, hom mới bắt đầu ra rễ. Hom xử lý ở nồng độ 250, 500, 750, 1000ppm đều cho tỷ lệ ra rễ đạt từ 23,33 - 63,33%, cao hơn so với đối chứng (13,33%). Ở nồng độ 1000ppm cho tỷ lệ ra rễ cao nhất (63,33%), với số rễ/hom (2,75 rễ/hom) và chiều dài rễ (4,67cm) cao hơn so với các nồng độ còn lại. So sánh tỷ lệ ra rễ cho thấy rằng ở nồng độ 1000ppm IAA cho tỷ lệ ra rễ cao hơn IBA 1,32 lần.
Qua các thí nghiệm trên cho thấy: Mỗi loại chất ĐHST và mỗi nồng độ có tác dụng khác nhau đến quá trình tạo rễ. Nồng độ quá cao sẽ làm kìm hãm sự ra rễ của hom và có thể gây chết. Cả IBA và IAA ở nồng độ 500, 750, 1000ppm đều cho tỷ lệ hom ra rễ cao, nồng độ 250ppm có tỷ lệ ra rễ thấp. Theo chúng tôi có thể do nồng độ thấp chưa đủ để kích thích tạo rễ của hom. IAA có tác dụng kích thích ra rễ tốt hơn IBA vì cho tỷ lệ ra rễ cao, thời gian ra rễ ngắn, số lượng rễ nhiều và chiều dài trung bình rễ lớn.
Ảnh hưởng tuổi cây đến khả năng ra rễ của hom giâm
Cho hom non và hom trưởng thành tiếp xúc với dung dịch IAA 1000ppm trong thời gian 60 giây, sau đó giâm vào môi trường cát. Kết quả được trình bày ở bảng 4.
Bảng 4. Ảnh hưởng của tuổi đến khả năng ra rễ của hom cỏ Vetiver
Chỉ tiêu nghiên cứu | Hom non | Hom trưởng thành |
Thời gian tạo rễ (ngày) Tỷ lệ ra rễ (%) Số rễ trung bình/hom Chiều dài trung bình rễ (cm) | 8 - 12 83,33 6,43 4,99 | 10 - 17 63,33 2,75 4,67 |
Số liệu bảng 4 cho thấy: Thời gian ra rễ của hom non sớm hơn thời gian ra rễ của hom già, từ 2 - 5 ngày. Điều đó đã cho thấy tuổi cây mẹ có ảnh hưởng đến khả năng ra rễ của hom, cây càng già thì khả năng ra rễ của hom càng giảm.
Hom thân non cho tỷ lệ ra rễ cao hơn so với hom trưởng thành, đạt 83,33%. Nếu so sánh với hom thân trưởng thành thì tỷ lệ ra rễ ở hom thân non cao hơn 20%. Qua đó chúng ta thấy, tuổi cây có ảnh hưởng lớn đến khả năng ra rễ của hom giâm.
Số lượng rễ trung bình/hom của hom non nhiều hơn so với hom thân trưởng thành (6,43 rễ/hom và 2,75 rễ/hom). Số lượng rễ trung bình/hom lớn là điều kiện tốt cho cây con phát triển sau này. Chiều dài trung bình rễ ở hom non lớn hơn so với chiều dài trung bình rễ của hom thân trưởng thành. Tuy nhiên sự chênh lệch này không lớn, nghĩa là ở đối tượng này tuổi cây ít có ảnh hưởng đến chiều dài rễ của hom giâm.
Từ kết quả thu được, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
- Nguồn gốc hom có ảnh hưởng lớn đến khả năng ra rễ và chất lượng của bộ rễ nên việc chọn cây giống là rất quan trọng.
- Hom thân non ra rễ tốt hơn hom thân trưởng thành. Tuy nhiên, hom thân trưởng thành vẫn cho tỷ lệ ra rễ tốt nên cần được nghiên cứu để tận dụng nguồn hom cho sản xuất cây giống trong khi nguồn cây giống còn hạn chế.
Kết luận
1. Cỏ Vetiver ở Thừa Thiên Huế phân bố rất ít trong tự nhiên, chủ yếu do Ban quản lý dự án sông Hương triển khai trồng vào các năm 2005 - 2007 nhằm giữ đất, chống sạt lở bờ của sông Hương, sông Xước Dũ và sông Bồ.
2. IAA có tác dụng kích thích ra rễ hom giống cỏ Vetiver tốt hơn IBA. Ở nồng độ 1000ppm, IAA có tác dụng tốt đối với cả hom thân non và hom thân trưởng thành. Tỷ lệ cây ra rễ, số rễ trung bình/hom và chiều dài trung bình rễ là cao nhất.
Tài liệu tham khảo
1. Grimshaw R. G., 1990: Vetiver grass - The hedge againt Erosion. The World Bank. Washington DC.
2. Grodzinski A. M., D. M. Grodzinski, 1964: Sách tra cứu tóm tắt về sinh lý thực vật. (Nguyễn Ngọc Tân và Nguyễn Đình Huyên dịch năm 1981). NXB. KH & KT, Hà Nội.
3. Lã Đình Mỡi, Dương Đức Huyến, 2002: Tài nguyên Thực vật Đông Nam Á. NXB. Nông nghiệp Hà Nội.
4. Paul Trương, Trần Tân Văn, Elise Pinners, 2008: Hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ Vetiver giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường. NXB. Nông nghiệp Hà Nội.
5. Thares Srisatit, Tuearnjai Kosakul, Dusaluk Dhitivara, 2003: Effiiciency of Arsenic removal from soil by Vetiveria zizanioides (Linn.) Nash and Vetiveria nemoralis (Balansa) A. Camus.
6. Lê Văn Tri, 1992: Cách sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng và vi lượng đạt hiệu quả cao. NXB. KH & KT, Hà Nội.
Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Đắc Tạo, Nguyễn Thị Lợi
Đại học Khoa học, Đại học Huế
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)