Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Hiện trạng tài nguyên Tre nứa và vai trò của chúng đối với cộng đồng người dân tộc Thái ở huyện vùng cao Mai Châu - Hòa Binh

Cập nhật ngày 11/8/2010 lúc 3:38:00 PM. Số lượt đọc: 15680.

Tre nứa bao gồm các loài thuộc phân họ Tre (Bambusoideae), họ Hoà thảo (Poaceae). Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu ha rừng tre nứa (cả thuần loại và hỗn giao) đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mianma về diện tích. Từ đó có thể thấy tài nguyên tre nứa giữ vị trí rất quan trọng trong tài nguyên rừng nước ta.

Do có nhiều đặc tính quý nên tre nứa đã được sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như trong thủ công nghiệp và công nghiệp hiện đại. Đã thống kê được hơn 30 công dụng của tre nứa, trong đó những công dụng chính là làm hàng thủ công, mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng, làm nguyên liệu trong công nghiệp giấy sợi và sản xuất măng tre làm thức ăn tươi hoặc khô. Ngoài ra, tre nứa là loài mọc nhanh, sớm cho sản phẩm, kỹ thuật gây trồng tương đối đơn giản, có khả năng sinh trưởng trên đất khó canh tác và đất hoang hoá, là loài đa tác dụng… nên tre nứa là nguồn tài nguyên phong phú đã và đang được con người sử dụng rộng rãi.

Mai Châu là huyện vùng cao tỉnh Hoà Bình nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc Thái, giao thông đi lại khó khăn, nơi có nhiều loài tre nứa như: Bương, Nứa tép, Nứa lá to... mọc tự nhiên. Nguồn tài nguyên này đã và đang trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tài nguyên tre nứa đang ngày một suy giảm cả về số lượng và chất lượng; kỹ thuật trồng, khai thác, sử dụng tre nứa chưa được chú ý nhiều và đặc biệt là nhận thức của người dân chưa thấy rõ giá trị của nguồn tài nguyên này cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là những thách thức không nhỏ để phát triển nguồn tài nguyên tre nứa tại địa phương.

Phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá hiện trạng, vai trò của tre nứa đối với cộng đồng người Thái tại Mai Châu - Hòa Bình.

Nội dung nghiên cứu

- Thành phần loài và vùng phân bố của nguồn tài nguyên tre nứa tại Mai Châu - Hòa Bình.

- Tình hình khai thác, sử dụng, gây trồng và khả năng phát triển tài nguyên tre nứa của cộng đồng người Thái tại khu vực nghiên cứu.

- Vai trò của tre nứa đối với kinh tế hộ tại khu vực nghiên cứu.

Phạm vi nghiên cứu

Hai xã Đồng Bảng và Vạn Mai của huyện Mai Châu - Hoà Bình.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp kế thừa, sử dụng có chọn lọc các nguồn tài liệu trong và ngoài nước có liên quan.

- Phương pháp đánh giá nông thôn có người dân tham gia (PRA).

- Phương pháp điều tra chuyên ngành để xác định tuyến; lập ô tiêu chuẩn (ÔTC); điều tra đặc điểm hình thái, sinh thái, sinh trưởng của các loài tre nứa trong khu vực.

- Phương pháp chuyên gia để kiểm tra mức độ chính xác của các thông tin thu được cũng như đưa ra các giải pháp phát triển có hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thành phần và phân bố các loài tre nứa

Để xác định thành phần và phân bố của tre nứa tại địa phương, chúng tôi đã tiến hành điều tra năm 2004 và 2005 và điều tra bổ sung năm 2008 tại xã Vạn Mai và Đồng Bảng thu được kết quả có 23 loài tre nứa phân bố, trong đó có 11 loài mọc tự nhiên và 12 loài được người dân gây trồng ở các thôn, xã (bảng 1). Đặc biệt là các loài như Bương mốc, Mai, Bương phấn, Mai mười, Tre gai đã được trồng từ lâu đời và có kích thước lớn. Một số loài mới trồng như Luồng, Lục trúc, Điềm trúc trong một số năm trở lại đây, trong đó Luồng được trồng phổ biến ở các hộ trên diện tích đất lâm nghiệp đã nhận qua một số chương trình dự án 327, 661 tại địa phương. Hầu hết các loài đều phân bố ở sườn núi, khe núi và chân đồi.

Bảng 1. Các loài tre nứa phân bố trong khu vực 

TT

Tên

thường gọi

Tên địa phương

Tên khoa học

Thân ngầm

Địa danh

Nơi

phân bố

Ghi chú

1

Bương cong

Bương tuần giáo

Dendrocalamus sp.

Mọc cụm

Nghẹ, Phiêng Sa

Thung núi đá vôi

Tự nhiên

2

Bương mốc

Mạy tền, Bương lớn

Pseudoxytenanthera sinuata (Gamble) T. Q. Nguyen

Mọc cụm

Phiêng Sa, Đồng Bảng

Sườn núi,

khe núi

Trồng

3

Bương phấn, Mạy puốc caina

Mạy puộc

Dendrocalamus aff. pachystachys Hsueh et D.Z. Li

Mọc cụm

Đồng Bảng

Chân, sườn

Trồng

4

Điềm trúc, Mai xanh, Mạy tông hoa to

Tre tàu,

Bát độ

Dendrocalamus latiflorus Munro

Mọc cụm

Đồng Bảng

Sườn núi

Trồng

5

Giang

Mạy hang

Maclurochloa sp.

Cụm dựa

Phiêng Sa, Vạn Mai

Sườn, đỉnh

Tự nhiên

6

Giang đặc

Co hẹ

Melocalamus sp.

Mọc cụm

Phiêng Sa

Vách ta luy

Tự nhiên

7

Hóp đá

Mạy luồng, Luồng địa phương

Bambusa sp.

Mọc cụm

Đồng Bảng

Chân, sườn

Trồng

8

Hóp sào

Mạy hóp

Bambusa multiplex (Lour.) Raeusch

Mọc cụm

Đồng Bảng

Chân núi

Trồng

9

Lục trúc

Tre măng ngọt

Bambusa oldhami Munro

Mọc cụm

Đồng Bảng

Khe núi

Trồng

10

Luồng

Luồng

Dendrocalamus barbatus Hsueh et D.Z. Li

Mọc cụm

Cả 2 xã

Chân, sườn

Trồng

11

Mai cây

Mạy mai

Dendrocalamus aff. yunanicus Hsueh et Li

Mọc cụm

Đồng Bảng

Sườn, khe núi

Trồng

12

Mai ống, Mai dây, Tre rồng vân nam

Mạy mười, Mạy puốc

Dendrocalamus yunnannicus Hsueh et D.Z. Li

Mọc cụm

Phiêng Sa, Đồng Bảng

Sườn núi,

khe núi

Trồng

13

Măng đắng, Trúc đốt to hoa dày

Lành anh

Indosasa crassiflora McClure

Mọc tản

Phiêng Sa, Đồng Bảng

Sườn, chân núi

Tự nhiên

14

Mạy lay, Le lông trắng

Mạy chà láy

Pseudoxytenanthera albo-ciliata (Munro) T. Q. Nguyen

Mọc cụm

Phiêng Sa

Sườn, đỉnh

Tự nhiên

15

Nứa lá to

Cọ hia

Schizostachyum funghomii McClure

Cụm thưa

Đồng Bảng

Sườn

Tự nhiên

16

Nứa mọc tản

Mạy đấy

Pseudostachyum polymorphum Munro

Cụm thưa

Khán

Sườn,

chân, đỉnh

Tự nhiên

17

Nứa tép

Cọ pao

Schizostachyum pseudolima McClure

Cụm thưa

Nghẹ, Khán

Sườn,

chân, đỉnh

Tự nhiên

18

Tre gai

Mạy đằng ngà

Bambusa blumeana Schult. & Schult. f.

Mọc cụm

Đồng Bảng, Vạn Mai

Chân đồi,

ven suối

Trồng

19

Tre là ngà bắc

Mạy là ngà

Bambusa sinospinosa McClure

Mọc cụm

Đồng Bảng

Chân đồi,

ven suối

Trồng

20

Tre mỡ

Mạy bương phấn

Bambusa vulgaris Schre ex Wend

Mọc cụm

Đồng Bảng

Sườn và chân núi, khe núi

Trồng

21

Tre vàng sọc

 

Bambusa vulgaris var. striata (Lodd. ex Lindl.) Gamble

Mọc cụm

Đồng Bảng

Trồng làm cảnh

Trồng cảnh

22

Trúc cần câu

Mạy bùa

Phyllostachys sulphurea A.C. Riv.

Mọc cụm

Nghẹ

Đỉnh núi

Tự nhiên

23

Vầu đắng

Mạy khôm

Indosasa angustata McClure

Mọc tản

Đồng Bảng, Nghẹ, Khán

Sườn núi,

chân núi

Tự nhiên

Trong 23 loài tre nứa, có 20 loài dạng thân ngầm mọc cụm (3 loài mọc cụm thưa với xu hướng chung có hiện tượng nâng bụi cao dần theo thời gian).

Tình hình khai thác, sử dụng, gây trồng và phát triển tài nguyên tre nứa ở Mai Châu

Tình hình khai thác

Điều tra thực tế và phỏng vấn các hộ gia đình cho thấy tại khu vực nghiên cứu tất cả các loài tre nứa đều được khai thác thân và măng. Kết quả thu được về việc khai thác thân và măng tre nứa theo mùa vụ tại Mai Châu được thể hiện ở bảng 2.

Khai thác măng

Có 2 thời điểm khai thác trong năm. Đợt 1 vào mùa xuân (tháng 2 đến tháng 4) khai thác một số loài mọc tản như: Vầu đắng, Lành anh. Đợt 2 vào mùa mưa (tập trung vào tháng 6 đến tháng 9) khai thác một số loài mọc cụm như: Luồng, Bương, Mai, Nứa…

Đối với một số loài mọc tự nhiên (Vầu đắng, Nứa…) kỹ thuật khai thác chưa đảm bảo, hầu hết là khai thác triệt để, số lượng chừa lại rất ít, chính điều này đã làm cho rừng tre nứa nhanh bị thoái hoá, kích thước măng và thân khí sinh bé dần.

Đối với rừng trồng người dân chủ yếu khai thác thân khí sinh. Quá trình khai thác măng được bắt đầu khi bụi cây đạt 3-4 tuổi sau khi trồng, chỉ khai thác tỉa những măng bé để dùng trong gia đình, để lại những măng to, khoẻ để phát triển thành cây mẹ tạo măng cho năm sau.

Qua kết quả điều tra thấy rằng hàng năm người dân địa phương khai thác măng rất lớn (100.000kg - 140.000kg); trong đó măng Bương phấn và Vầu đắng được khai thác nhiều nhất. Măng Luồng ít được người dân khai thác là do giá bán thân khí sinh cao hơn rất nhiều so với bán măng.

Khai thác thân khí sinh

Qua bảng trên ta thấy rằng, người dân khai thác thân trong hầu hết các tháng trong năm nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 1, tháng 2, tháng 11 và tháng 12. Đây là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán người dân cần tiền để sắm sửa và tiêu trong dịp Tết.

Qua điều tra thực tế và phỏng vấn người dân, lượng khai thác thân hàng năm của thôn Đồng Bảng đạt khoảng 150.000 - 170.000 cây (trong tổng số 420ha), tại Vạn Mai con số này là 130.000 - 150.000 cây (trong tổng số 400ha). Trong đó, khai thác chủ yếu là rừng trồng các loại Luồng, Bương phấn, Mai, Bương mốc.

Sau khi trồng 4-5 năm người dân tiến hành khai thác thân khí sinh. Trong quá trình khai thác, mỗi bụi để lại ít nhất 2 thế hệ (tuổi 1, tuổi 2), khai thác những cây già, cây xấu và cây cụt ngọn trước để những cây còn lại phát triển.

Tiêu chuẩn cây khi khai thác phụ thuộc vào mục đích sử dụng như: ván sàn, xây dựng, nguyên liệu giấy...

Bảng 2. Lịch mùa vụ khai thác một số loài tre tại khu vực nghiên cứu

  Tháng âm lịch   

Loài

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Bương

Khai thác thân

Khai thác măng

 

Khai thác thân

 

Luồng

Khai thác thân

Khai thác măng

 

Khai thác thân

 

Mai

Khai thác thân

 

Khai thác măng

 

 

Khai thác thân

 

Tre gai

Khai thác thân

 

 

 

Khai thác măng

 

 

Khai thác thân

 

Điềm trúc

 

 

 

 

Khai thác măng

 

 

 

 

Lục trúc

 

 

 

 

Khai thác măng

 

 

 

 

Vầu đắng

 

Khai thác măng

 

Khai thác thân

 

 

 

 

Có thể nhận thấy rằng người dân địa phương đã sử dụng phong phú kiến thức bản địa trong quá trình khai thác.

Tuy nhiên, vì nhu cầu kinh tế - xã hội và lợi ích trước mắt, một số hộ đã khai thác với cường độ cao chỉ để lại cây tuổi 1 trong bụi dẫn đến kết cấu bị phá vỡ, cây dễ đổ, kích thước măng và thân khí sinh của năm sau nhỏ đi, dễ bị sâu bệnh hại.

Tình hình sử dụng

Kết quả điều tra hiện trạng một số loài tre nứa tại Mai Châu (bảng 3) cho ta thấy, các loài hiện nay được người dân đánh giá có giá trị cao chủ yếu là các loài được gây trồng từ lâu đời (Bương cong, Bương phấn, Hóp đá…). Các loài này được sử dụng nhiều hơn so với các loài tự nhiên (Vầu đắng, Lành anh) vào các mục đích như: làm măng, xây dựng, ống đựng nước, đan lát… Có thể thấy người dân địa phương cũng đã quan tâm đến gây trồng và sử dụng các loài tre nứa (Luồng, Bương phấn, Mai, Tre gai) và ít phụ thuộc vào tự nhiên. Đây được coi là yếu tố tích cực nhằm phát triển nguồn tài nguyên tre nứa tại địa phương.

Nguồn tài nguyên tre nứa ở khu vực nghiên cứu đã cung cấp cho người dân địa phương nhiều sản phẩm khác nhau, góp phần quan trọng trong đời sống người dân ở khu vực này.

Bảng 3. Hiện trạng sử dụng một số loài tre nứa tại địa phương

        Loài

 

Mục đích

sử dụng

Các loài gây trồng (có giá trị cao)

Các loài tự nhiên

Luồng

Bương

 phấn

Bương

cong

Mai ống

Mai cây

Hóp đá

Bương

mốc

Vầu đắng

Lành anh

Tre gai

Măng tươi

**

**

**

**

*

 

**

**

**

*

Măng chua

**

**

**

**

 

 

**

*

*

*

Măng khô

 

 

 

*

 

 

**

 

 

 

Bán thân (làm nguyên liệu giấy)

**

**

*

**

**

**

**

 

 

*

Xây dựng

**

**

**

*

**

**

*

 

 

**

Làm sàn nhà

*

 

*

 

**

*

 

 

 

**

Giàn sấy trên bếp

**

 

 

 

 

 

 

 

 

**

Đan lát

*

 

 

 

**

 

 

 

 

**

Hàng rào

**

 

 

 

 

 

 

 

 

*

Ống đựng nước

*

*

 

 

**

 

*

 

 

 

Củi

**

**

**

**

 

 

**

 

 

**

Làm máng nước

**

**

**

**

*

 

 

 

 

 

Làm đũa

**

**

**

 

 

 

 

 

 

*

Tên nỏ

*

*

**

*

 

 

 

 

 

**

Chuồng trại

**

**

 

 

 

 

*

 

 

*

Ghi chú: **: sử dụng nhiều (16-40 hộ đồng ý); *: sử dụng ít (<16 hộ đồng ý).

Kiến thức, kinh nghiệm của người dân về khai thác, sử dụng thân khí sinh và măng trong đời sống văn hoá

Người dân tộc Thái có kiến thức sâu rộng về khai thác và sử dụng tre nứa vào đời sống của họ. Tre nứa có nhiều công dụng và có ý nghĩa đặc biệt đối với các gia đình, điều đó được thể hiện qua các đặc điểm: nhà sàn, khèn, đồ thủ công mỹ nghệ, măng tươi, măng khô, măng chua... Những kiến thức này đã được tích luỹ lâu đời thành kiến thức bản địa cần được trân trọng, nâng niu và bảo tồn. Để phát triển thế mạnh của địa phương cần kết hợp hài hoà với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm phát triển bền vững tài nguyên tre nứa ở khu vực.

Tình hình gây trồng tre nứa và khả năng phát triển

Từ xưa tới nay, người dân địa phương chủ yếu trồng cây bằng gốc. Ưu điểm của cách này là dễ sống, nếu trồng đúng thời vụ và quản lý chăm sóc tốt thì tỷ lệ sống có thể đạt 100%, cây con mọc lên sinh trưởng mạnh, sớm thành bụi, thành rừng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là hệ số nhân giống thấp, mỗi bụi tre chỉ đánh được 1-2 gốc của các cây tuổi 1, tuổi 2. Cách trồng này cũng tốn nhiều công sức, gây tác động xấu tới bụi cây mẹ. Vì vậy cần có những phương pháp khác để có thể khắc phục hạn chế này.

Trong mấy năm gần đây được sự hỗ trợ của Dự án 327 và 661, đặc biệt là nhiều đợt tập huấn về nhân giống một số loài tre nứa của Trường Đại học Lâm nghiệp đã giúp người dân biết cách nhân giống bằng phương pháp chiết cành và giâm hom 3 loài đó là: Bương mốc, Bương phấn và Luồng.

Diện tích trồng tre nứa tại địa phương: Qua kết quả điều tra kết hợp với sử dụng nguồn tài liệu thứ cấp diện tích trồng tre nứa tại địa phương được thể hiện thông qua bảng 4.

Bảng 4. Diện tích trồng tre nứa tại địa phương

 

Địa danh

1997

2008

S (ha)

%

S (ha)

%

Đồng Bảng

63,7

3,63

420

8,44

Vạn Mai

78,1

4,45

400

8,03

Các xã còn lại

1.614,5

91,92

4.157,75

83,53

Toàn huyện

1.756,3

100

4.977,75

100

Từ đó có thể thấy rằng người dân địa phương đang ngày một quan tâm tới gây trồng và phát triển tre nứa.

Vai trò của tre nứa đối với cộng đồng

Vai trò của tre nứa đối với kinh tế hộ

Kết quả trình bày ở bảng 5 cho ta thấy một cách nhìn tổng quát về cơ cấu thu nhập của từng nhóm hộ tại khu vực nghiên cứu. Nguồn thu nhập từ tre nứa của các nhóm hộ tại Đồng Bảng (xã Đồng Bảng) và Khán (xã Vạn Mai) là lớn nhất (nhóm hộ II từ 44,15% đến 45,05%; nhóm hộ III từ 65,67% đến 70,01% và nhóm hộ IV từ 63,88% đến 74,98%. Đồng Bảng và Khán là khu vực có quốc lộ 6A và 15 chạy qua là cơ hội cho rất lớn người dân buôn bán và tiêu thụ tre nứa.

Tuy nhiên, qua bảng số liệu cũng thấy rằng mặc dù nguồn thu từ tre nứa chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của các nhóm hộ nhưng tập trung ở các nhóm hộ nghèo và trung bình. Nguyên nhân là do các nhóm hộ khá tại 2 thôn này tập trung ở ven các đường quốc lộ thuận lợi về mặt kinh doanh, buôn bán các mặt hàng khác như: thực phẩm, tạp hoá, hàng ăn… đã tạo ra nguồn thu lớn hơn thu nhập từ tre nứa. Vì vậy, nguồn thu từ các nguồn thu khác chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong các nhóm hộ khá tại hai thôn này. Chính quyền địa phương có thể phát huy thế mạnh về giao thông để thông qua trao đổi, buôn bán, phát triển nguồn tài nguyên tre nứa này.

Bảng 5. Thu nhập từ các nguồn thu khác nhau của các nhóm hộ

 

Thôn

Nhóm hộ

Nông nghiệp

Tre nứa

Khác

Đ

%

Đ

%

Đ

%

Nghẹ

II

10839750

46,34

8853750

37,85

3711250

15,81

III

8308020

66,82

3149000

25,17

1262500

8,01

IV

1115000

40,14

1266250

45,53

533333

14,33

Khán

II

8550000

37,06

10402500

45,05

4162500

17,89

III

2677000

22,63

8273200

70,01

1530000

7,36

IV

1583750

23,36

4314000

63,88

865000

12,76

Đồng Bảng

II

1702000

7,09

10634000

44,15

11772000

48,76

III

2972000

25,15

7792000

65,67

1087000

9,18

IV

1721250

20,36

6340000

74,98

523333

4,66

Ghi chú: nhóm hộ II - khá; nhóm hộ III - trung bình; nhóm hộ IV - nghèo.

Các giá trị khác của tre nứa

Giá trị về mặt xã hội

Các hoạt động như nhân giống, trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm của Luồng, Bương, Mai, Vầu, Nứa… trong khu vực đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu ngành nghề và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương (bình quân 1ha Luồng 1 năm (nếu khai thác từ 3-5 cây/bụi) cần tối thiểu 100-120 công lao động).

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây do diện tích trồng Luồng, Bương ở địa phương nhiều (4.977,75ha), chính quyền địa phương đã cho phép một số công ty chế biến bột giấy, làm đũa xuất khẩu đã thu hút được nhiều lao động địa phương trẻ, khoẻ, có trình độ văn hoá từ lớp 7 trở lên vào tham gia làm công nhân các dây chuyền như: vận chuyển nguyên liệu, băm, nấu và xeo giấy; cắt khúc, tạo phôi đũa, đóng gói và xử lý đũa xuất khẩu… Hiện nay, lương của một người công nhân làm trong nhà máy giấy HAPACO từ 800.000-1.200.000đ/tháng cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ý nghĩa về mặt môi trường sinh thái

Đến nay, ở địa phương diện tích đất trống gần như không còn, hầu hết diện tích đã được phủ xanh chủ yếu bằng các loài trong nhóm tre nứa. Loài được trồng phổ biến ở đây là Luồng, Bương, Mai và một số ít cây lá rộng khác trồng hỗn giao (thông qua các Chương trình và Dự án). Các loài như Bương, Luồng sinh trưởng rất tốt và phát huy tác dụng phòng hộ tốt.

Nhờ tác dụng của hệ rễ tre Luồng mà lớp đất mặt dưới rừng tre Luồng được hạn chế mức độ giảm thấp độ xốp và khả năng thấm nước của đất dưới các trận mưa rào. Đồng thời, nhờ có lớp thảm mục dưới rừng tre Luồng, với tác dụng bám giữ đất khá tốt của hệ rễ rừng tre Luồng mà cường độ xói mòn đất dưới rừng tre Luồng rất thấp.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất các sản phẩm từ tre nứa cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, nguồn nước sinh hoạt bị đe doạ. Điều này đã được người dân địa phương phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Kết luận

Thành phần các loài tre nứa trong khu vực rất phong phú, 23 loài đã phát hiện, thuộc 8 chi với 2 nhóm thân mọc cụm và mọc tản, gần một nửa số loài (11 loài) có phân bố tự nhiên ở khu vực, nhiều loài có triển vọng trong kinh doanh, đó là những loài thân có thành dày, lóng dài, măng to và ăn ngon.

Tre nứa được người dân tộc Thái khai thác thân và măng sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: làm nhà, đan lát, thực phẩm... vào các thời điểm khác nhau trong năm tùy loài. Khai thác thân khí sinh vào hầu hết các tháng trong năm (chủ yếu là tháng 1, tháng 2, tháng 11 và tháng 12). Khai thác măng 2 đợt trong năm (đợt 1 mùa xuân - một số loài mọc tản; đợt 2 mùa mưa - một số loài mọc cụm). Người dân trồng tre nứa theo truyền thống bằng gốc và đã chú ý nhân giống bằng chiết cành và giâm hom. Diện tích gây trồng tre nứa đã được ngày càng tăng lên.

Tre nứa giữ một vai trò quan trọng về mặt kinh tế (thu nhập từ tre nứa) đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là nhóm hộ trung bình (từ 65,67% đến 70,01%) và nhóm hộ nghèo (từ 63,88% đến 74,98%) tại Đồng Bảng và Khán. Ngoài ra, tre nứa còn có vai trò về mặt xã hội và môi trường sinh thái; tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây và phát huy tốt tác dụng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ nguồn nước.

Tài liệu tham khảo

1.    Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên), 2003-2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 2, tập 3. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
2.    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1998: Phương pháp đánh giá nông thôn có người dân tham gia (PRA) trong hoạt động khuyến nông-khuyến lâm. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
3.    Vũ Văn Dũng, Lê Viết Lâm, 2005: Kết quả nghiên cứu tài nguyên tre nứa của Việt Nam, Tài liệu hội nghị KHCN Lâm nghiệp, 20 năm đổi mới (1986-2005) - Phần Lâm sinh, 301-311.
4.    Trần Ngọc Hải, 2005: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 21: 83.
5.    Triệu Văn Hùng (Chủ biên), 2007: Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam. NXB. Bản đồ, Hà Nội.
6.    Lê Viết Lâm, 2005: Nghiên cứu phân loại họ phụ Tre (Bambusoideae) ở Việt Nam. Tài liệu hội nghị KHCN Lâm nghiệp, 20 năm đổi mới (1986-2005) - Phần Lâm sinh, tr. 312-321.
7.    Li D. Z., 1998: Taxonomy and Biogeography of the Bambuseae. Kunming Institute of Botany China.
8.    Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2005: Tre trúc Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
9.    Prosea, 1994: Plant resources of South - East Asia, No 7. Bamboos, Bogor, Indonesia.
10. Rao N., V. Ramanatha Rao, 1999: Bamboo and Rattan Genetic Resources and Use. International Network for Bamboo and Rattan.
11. UBND xã Đồng Bảng, 2005: Báo cáo công tác quản lý và bảo vệ rừng xã Đồng Bảng tháng 01 năm 2005.
12.   UBND xã Vạn Mai, 2005: Báo cáo công tác quản lý và bảo vệ rừng xã Vạn Mai tháng 01 năm 2005.
13. Zhu Zhaohua, 2000: Sustainable Development of the Bamboo and Rattan Sectors in Tropical China. China Forestry Publishing House.

 

Phạm Thành Trang
Trường Đại học Lâm nghiệp
Trần Minh Hợi
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024