Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu
Nguyên liệu nghiên cứu của chúng tôi là toàn bộ tiêu bản của họ Gai (Urticaceae) thu ở Việt Nam đang được lưu giữ trong các phòng tiêu bản thực vật trong nước. Phương pháp nghiên cứu là điều tra giá trị sử dụng trên thực tế ở các vùng của Việt Nam và tham khảo các tài liệu có liên quan đến giá trị sử dụng của họ Gai ở trong nước và nước ngoài.
Kết quả nghiên cứu
Các loài có ích trong họ Gai (Urticaceae) được sử dụng trong các lĩnh vực sau:
Làm thuốc
Họ Urticaceae có 35 loài có giá trị sử dụng làm thuốc. Bộ phận được sử dụng chủ yếu là rễ để chữa các bệnh như cảm cúm, sởi, sốt cao, ho, hen, lở loét, mẩn ngứa, thanh nhiệt, giải độc, đau răng, rắn cắn v.v... Những bài thuốc từ các cây của họ này được sử dụng thường xuyên trong nhân dân. Đặc biệt ở Trung Quốc hầu như không thể thiếu các cây thuộc họ Gai trong những vị thuốc bắc. Trong đó phải kể đến một số loài phổ biến như:
Boehmeria nivea (L.) Gaudich. - Gai tuyết: Theo tài liệu cho biết khoa học y dược hiện đại đã chứng minh dịch chiết bằng cồn từ cây Gai trên ống nghiệm có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu, đã làm thí nghiệm trên chuột, chó, thỏ và đã thu được kết quả tốt. Đây là cây thuốc có tiềm năng cho y học trong tương lai. Hiện tại đây là loài cây thuốc dùng rễ để chữa động thai, chảy máu, dọa sẩy, đái đục, đái ra máu, sưng tấy và phối hợp với các vị thuốc khác dùng làm thuốc an thai. Lá của loài này là nguyên liệu làm thuốc chế vitamin C, chữa ho và còn dùng để làm bánh gai, một loại bánh truyền thống rất nổi tiếng ở nhiều địa phương ở nước ta.
Laportea violacea Gagnep.- Han tía: Đây là loài lá có lông rất ngứa, khi chạm phải thì gây đau buốt và sưng đỏ, lợi dụng đặc điểm này mà người dân dùng lá han để diệt chuột (kinh nghiệm của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng). Loài này rễ có tác dụng chữa tê thấp, hen phế quản, làm thuốc trừ giun, ỉa ra máu và làm dễ tiêu hoá.
Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. - Bọ mắm: Đây là loài cây thuốc có tác dụng chữa cảm, ho hoặc ho lâu ngày, viêm họng, bệnh về phổi, lỵ, viêm ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu tiện, nấm da cứng, dùng ngoài trị đinh nhọt, sâu quảng, viêm mủ da, viêm vú, đụng giập. Ở Ấn Độ, cây dùng trị giang mai, bệnh lậu và nọc độc rắn. Ở Ma-lai-xi-a, dịch lá tươi và nước sắc lá dùng uống cho lợi sữa khi có hiện tượng ngưng tiết sữa.
Lấy sợi
Một số loài trong họ Gai được sử dụng để lấy sợi vì sợi gai bền, chắc, chịu lực, chịu mặn. Người ta dùng sợi gai để sản xuất các loại hàng như dệt vải, may mặc, lưới đánh cá, vải lót lốp xe đạp, ô tô, dây cua roa, chỉ khâu giầy. Trong công nghệ dệt, sợi gai thường được pha trộn với sợi polyeste, sợi bông và tơ tằm. Một số loài được trồng để lấy sợi như Boehmeria nivea (L.) Gaudich., Boehmeria holosericea Blume, Maoutia puya (Hook.f.) Wedd., Oreocnide frutescens (Thunb.) Miq.
Danh sách các loài có ích trong họ Gai (Urticaceae) ở Việt Nam
STT | Tên khoa học | LT | LC | CG | CS | RA | CDK |
1 | Boehmeria diffusa Wedd. | x | | | | | |
2 | Boehmeria holosericea Blume | | | | x | | |
3 | Boehmeria macrophylla Hornem. | x | | | x | | |
4 | Boehmeria nivea (L.) Gaudich. | x | | | | x | x |
5 | Boehmeria pendunliflora Wedd. xx Long | x | | | | | |
6 | Boehmeria tonkinensis Gagnep. | | | | | x | |
7 | Chamabainia cuspidata Wight | x | | | | | |
8 | Debregeasia velutina Gaudich. | x | | | | | x |
9 | Dendrocnide sinuata (Blume.) Chew | x | | | | | x |
10 | Dendrocnide stimulans (L.f.) Chew | x | | x | | | |
11 | Dendrocnide urentissima (Gagnep.) Chew | x | | | | | |
12 | Elatostema balansae Gagnep. | x | | | | x | |
13 | Elatostema rupestre (Buch. -Ham.) Wedd. | x | | | | | |
14 | Gonostegia hirta (Blume) Miq. | x | | | | x | x |
15 | Gonostegia pentadra (Roxb.) Miq. | x | | | | x | |
16 | Laportea interrupta (L.) Chew | x | | | | | |
17 | Laportea violacea Gagnep. | x | | | | | |
18 | Maoutia puya (Hook. f.) Wedd. | x | | | x | | |
19 | Nanocnide lobata Wedd. | x | | | | | |
20 | Oreocnide frutescens (Thunb.) Miq. | x | | | x | | |
21 | Oreocnide integrifolia (Gaudich.) Miq. | x | | | | | |
22 | Oreocnide obovata (Wright) Merr. | x | | | | | |
23 | Oreocnide tonkinensis (Gagnep.) Merr. & Chum | x | | | | | |
24 | Pellionia heteroloba Wedd. | x | | | | | |
25 | Pellionia radicans (Sieb. & Zucc.) Wedd. | x | | | | | |
26 | Pellionia repens (Lour.) Merr. | x | | | | | |
27 | Pellionia scabra Benth. | x | | | | | |
28 | Pellionia tonkinensis Gagnep. | x | | | | | |
29 | Pilea cadieri Gagnep. | | x | | | | |
30 | Pilea melastomatoides (Poir.) Wedd. | x | | | | | |
31 | Pilea microphylla (L.) Liebm. | x | | | | | |
32 | Pilea notata Wright. | x | | | | | |
33 | Pilea peltata Hance | x | | | | | |
34 | Pilea peploides | x | | | | | |
35 | Pilea plataniflora Wright | x | | | | | |
36 | Pouzolzia sanguinea (Blume.) Merr. | x | | | x | x | |
37 | Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. | x | | | | | |
38 | Urtica fissa E. Pritz. | x | | | | | |
Ghi chú: LT: làm thuốc; LC: làm cảnh; CG: cho gỗ; CS: cho sợi; RA: cho rau ăn; CDK: các công dụng khác như làm thức ăn gia súc, nguyên liệu làm giấy,...
Sản lượng gai hằng năm trên thế giới khoảng 130.000 tấn. Trung Quốc là nước sản xuất nhiều nhất khoảng 100.000 tấn, tiếp đến là Braxin 16.000 tấn và Pillippin 3000 tấn. Các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia, Malaixia cũng trồng gai nhưng với lượng nhỏ. Ở Việt Nam ngành này không phát triển mạnh, chỉ là nghề thủ công ở một số ít địa phương.
Thực phẩm (làm rau ăn): Một số loài trong họ này được sử dụng làm rau ăn như loài Boehmeria tonkinensis Gagnep. - Đay suối, lá non vò ra nấu canh ăn như rau đay. Loài Elatostema balansae Gagnep. - Rau pơ lang, lá và chồi non vò qua xào hoặc nấu canh ăn rất ngon. Ngoài ra lá gai cũng là nguồn thức ăn gia súc giàu dinh dưỡng.
Ngoài các giá trị chủ yếu nêu trên, một số loài trong họ này còn được sử dụng làm cảnh, lấy gỗ, làm nguyên liệu giấy… Các loài có ích trong họ Gai (Urticaceae) đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế của họ Gai đặc biệt trong lĩnh vực lấy sợi. Nếu các loài có ích của họ Gai được nghiên cứu sản xuất và chế biến trên quy mô công nghiệp, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy việc điều tra, nghiên cứu, khai thác và phát triển, sản xuất, kinh doanh, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này mang ý nghĩa quan trọng và là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Huy Bích và cs., 2004: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Tâp I. NXB. KH&KT, Hà Nội.
2. Võ Văn Chi, 1997: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học Tp.HCM.
3. Võ Văn Chi, 2003: Từ điển thực vật thông dụng. Tập I. NXB. KH&KT, Hà Nội.
4. Võ Văn Chi, 2004: Từ điển thực vật thông dụng. Tập II. NXB. KH&KT, Hà Nội.
5. Heywood V. H., D. M. Moore, I. B. K. Richardson, W. T. Stearn, 1993: Flowering plant of the world. London. pp. 95-99.
6. Nguyễn Tiến Hiệp (Nguyễn Tiến Bân chủ biên), 2003: Urticaceae. Danh lục các loài thực vật Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, tập II: 209-226.
7. Kubitzki K. ed.. 1993: The families and genera of vascular plant, 2: 612-630. Berlin.
8. Đỗ Tất Lợi, 1995: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. KH&KT, Hà Nội, tr. 62-64.
9. Lã Đình Mỡi, Dương Đức Huyến, 2000: Tài nguyên thực vật Đông Nam Á. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội, Tập 3: 10-13.
Dương Thị Hoàn, Hà Thị Vân Anh
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)