Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Nhóm cây cho gỗ, cây làm cảnh và cây cho bóng mát tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Cập nhật ngày 20/11/2010 lúc 11:25:00 AM. Số lượt đọc: 3645.

Những nghiên cứu về đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật nói chung và tài nguyên thực vật nói riêng ở đây còn rất thiếu. Những nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên thực vật nói chung tại đây. Trong bài báo này, chúng tôi giới thiệu nhóm cây cho gỗ, cây làm cảnh và cho bóng mát tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt thành lập theo Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2007 với tổng diện tích là 25.200 ha (vùng lõi) gồm 5 xã (Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh thuộc huyện miền núi Hướng Hóa), có ranh giới phía tây giáp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (khoảng 6km); phía bắc giáp với tỉnh Quảng Bình (khoảng 20km); phía nam giáp các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh, huyện Hướng Hóa; phía đông giáp với 3 huyện Vĩnh Linh (1,5km), Gio Linh và Đắkrông. Diện tích vùng đệm bao gồm diện tích còn lại của 5 xã trên là 47.447ha. Đây là Khu BTTN thứ hai của tỉnh Quảng Trị sau Khu BTTN Đắkrông. Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là một vùng rừng còn tương đối nguyên sinh, là khu vực rừng còn sót lại trong vùng do sự tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đặc biệt là chất độc hoá học. Rừng trong Khu BTTN đã và đang đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn quan trọng của 4 hệ thủy lớn. Độ che phủ rừng tự nhiên trong Khu Bảo tồn lên tới 83,5%. Rừng và thảm thực vật tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa còn có giá trị kinh tế to lớn đối với cộng đồng địa phương đang sống trong và xung quanh ranh giới Khu Bảo tồn như cung cấp cây thực phẩm, các sản phẩm ngoài gỗ bao gồm cả cây làm thuốc, gỗ củi, v.v.

Phương pháp nghiên cứu

Địa điểm

5 xã (Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh) trong Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.

Thời gian

Đợt 1: 26/4/2008-15/5/2008; Đợt 2: 10/11-30/11/2008; Đợt 3: 3/5-25/5/2009.

Phương pháp

Phương pháp nghiên cứu theo Các phương pháp nghiên cứu Thực vật của Nguyễn Nghĩa Thìn. Khu vực nghiên cứu quá rộng, địa hình hiểm trở nên chúng tôi dùng phương pháp khảo sát theo tuyến, đo toạ độ địa lý tại một số điểm cần thiết, thu thập tiêu bản thực vật. Các tuyến khảo sát được thiết kế qua các kiểu rừng và các sinh cảnh khác nhau (rừng kín thường xanh với cây lá rộng á nhiệt đới, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ít bị tác động, rừng phục hồi, vùng đệm, sông, suối, thung lũng…) cũng như các điểm có độ cao khác nhau để thấy được sự phân bố của hệ thực vật ở đây.

Thực hiện một số ô tiêu chuẩn với kích thước phù hợp (20m x 20m) tại một số sinh cảnh điển hình như khu vực rừng kín thường xanh với cây lá rộng và sinh cảnh rừng kín thường xanh khu vực vùng đồi thấp để nhận xét đánh giá về những loại cây gỗ, cây bụi và cây thảo đồng thời đo chiều cao, đường kính, đếm số lượng và phân loại các loài thực vật trong ô nghiên cứu theo họ, chi và loài. Thu thập tiêu bản thực vật; giám định tên được tiến hành theo phương pháp so sánh hình thái trong phòng thí nghiệm và sắp xếp theo các nhóm công dụng.

Điều tra trong nhân dân về việc sử dụng, khai thác, sự phân bố, công dụng của một số loài thực vật trong các nhóm tài nguyên thực vật.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả điều tra các nhóm cây cho gỗ và cây làm cảnh, cho bóng mát tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được trình bày trong Phụ lục.

Nhóm cây cho gỗ

Ở Việt Nam, nhóm tài nguyên cây cho gỗ tập trung nhiều nhất vào hai ngành thực vật tiến hóa nhất trong giới thực vật là Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta), hiện nay chiếm hầu hết các diện tích đất rừng tự nhiên và gây trồng. Trong tổng số khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch, nhóm cây cho gỗ có đến 2.500 loài, phân bố trong các họ thực vật lớn hoặc trong các họ tuy số loài ít nhưng số cá thể lớn, tạo nên các kiểu thảm thực vật tối ưu. Nhóm cây cho gỗ cung cấp gỗ cho nhu cầu xây dựng, đóng đồ, làm các công trình công nghiệp. Ngoài ra, nhóm cây cho gỗ này còn đóng góp cho con người sử dụng nhiều sản phẩm quý chứa trong các cơ quan của cây dùng làm thuốc, làm thực phẩm, dầu nhựa, tanin, chất màu...

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, trong tổng số 35 họ và 117 loài thuộc 2 ngành Thực vật bậc cao có mạch thì ngành Thông (Pinophyta) gồm 2 họ, 6 loài; ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) gồm 33 họ, 111 loài. Những họ có nhiều loài cho gỗ là: Đậu (Fabaceae) - 12 loài; Long não (Lauraceae) - 11 loài; Dẻ (Fagaceae) - 10 loài; Đào lộn hột (Anacardiaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Thị (Ebenaceae) và Bồ hòn (Sapindaceae), mỗi họ có 6 loài; Xoan (Meliaceae) và Kim giao (Podocarpaceae), mỗi họ có 5 loài. Đáng chú ý là những loài cho gỗ tốt như Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Gụ lau (Sindora tonkinensis), Lim vàng (Peltophorum dasyrhachis), Lim xẹt (Peltophorum pterocarpum), Xoay (Dialium cochinchinense), Dẻ giáp (Castanopsis armata), Vù hương (Cinnamomum parthenoxylon), Giổi xanh (Michelia mediocris), Lát hoa (Chukrasia tabularis) và một số loài cây có chất lượng gỗ trung bình trong họ Đậu (Fabaceae), Thị (Ebenaceae), Xoan (Meliaceae)… Trong số những cây cho gỗ gặp tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, có 9 loài đã được cấp báo trong Sách Đỏ Việt Nam. Đây là những cây gỗ lớn có kích thước với đường kính thân từ 60cm trở lên hay bị săn lùng và khai thác trái phép, cần bảo tồn những loài cây trên và có phương án gây trồng những cây con từ nguồn giống của những cây này trong khu bảo tồn.

Nhóm cây cảnh và cho bóng mát

Nhóm cây cảnh và cây bóng mát bao gồm: cây hoa, cây cảnh và cây bóng mát. Chúng có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng điều hòa khí hậu, cải tạo môi trường, chống ô nhiễm và tiếng ồn cho cư dân.

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, chúng tôi đã điều tra được 50 loài. Họ có nhiều loài làm cảnh là Lan (Orchidaceae) - 13 loài; Dứa sợi (Agavaceae) - 5 loài; Dâu tằm (Moraceae) - 4 loài; Lộc vừng (Lecythidaceae), Thu hải đường (Begoniaceae), Kim giao (Podocarpaceae), Tuế (Cycadaceae), mỗi họ có 3 loài; Mai (Ochnaceae) - 2 loài. Trong số đó có 3 loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Một số loài chủ yếu Dendrobium spp. (họ Lan - Orchidaceae), Barringtonia spp. (họ Lộc vừng) và một số loài thuộc ngành Dương xỉ và Thông.

Kết luận

Nhóm cây cho gỗ trong khu BTTN Bắc Hướng Hóa khá phong phú, gồm 35 họ và 117 loài thuộc 2 ngành Thông và Ngọc lan, trong đó ngành Thông (Pinophyta) gồm 2 họ, 6 loài; ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) gồm 33 họ, 111 loài. Những họ có nhiều loài cho gỗ là: Đậu (Fabaceae) - 12 loài; Long não (Lauraceae) - 11 loài; Dẻ (Fagaceae) - 10 loài; Đào lộn hột (Anacardiaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Thị (Ebenaceae) và Bồ hòn (Sapindaceae), mỗi họ có 6 loài; Xoan (Meliaceae) và Kim giao (Podocarpaceae), mỗi họ có 5 loài.

Nhóm cây cảnh và cho bóng mát gồm 50 loài. Họ có nhiều loài làm cảnh là Lan - 13 loài; Dứa sợi - 5 loài; Dâu tằm - 4 loài; Lộc vừng, Thu hải đường, Kim giao, Tuế, mỗi họ có 3 loài; Mai - 2 loài. Một số loài chủ yếu Dendrobium spp. (họ Lan), Barringtonia spp. (họ Lộc vừng) và một số loài thuộc ngành Dương xỉ và Thông.

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên), 2003-2005: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 2, tập 3. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
2.      Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007: Sách Đỏ Việt Nam, Phần II - Thực vật. NXB. Khoa học tự nhiên & Công nghệ, Hà Nội.
3.      Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2000: Tên cây rừng Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
4.      Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, 2006: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.
5.      Trần Hợp, 2000: Cây cảnh, hoa Việt Nam. NXB. Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh.
6.      Trần Hợp, 2002: Tài nguyên cây gỗ Việt Nam. NXB. Nông nghiệp.
7.      Triệu Văn Hùng (Chủ biên), 2007: Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam. NXB. Bản đồ, Hà Nội.
8.      Nguyễn Đức Tố Lưu, Cao Tùng Lâm, 2002: Cây rừng làm cảnh. Tổ chức phát triển Hà Lan SNV Việt Nam.
9.      Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2004: Các loài cây lá kim ở Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
10.     Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2005: Cây họ Dầu Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
11.     Prosea, 1999-2001: Timber trees. Major commercial timbers. PROSEA 5(1,2,3).
12.        Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007: Các phương pháp nghiên cứu thực vật. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
13.     Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001: Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 1. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
14.     Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, 1996: Cây gỗ rừng Việt Nam. NXB. Nông nghiệp.

Phụ lục

 

Ghi chú: Dạng sống: GOL - Gỗ lớn; GOT - Gỗ trung bình; GON - Gỗ nhỏ; BUI - Bụi; DL - Dây leo; TH - Cây thảo. Công dụng: LGO - Lấy gỗ; CAN - Làm cảnh, cho bóng mát. Sách Đỏ Việt Nam, 2007: EN - Nguy cấp; VU - Sẽ nguy cấp; CR - Rất nguy cấp.

Trần Minh Hợi
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Nguyễn Tư Lệnh
Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Vạn Xuân
Nguyễn Quang Anh
Trường THPT Cao Bá Quát, Quốc Oai, Hà Nội
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024