Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > THẢM THỰC VẬT VIỆT NAM

Kết quả nghiên cứu cấu trúc và diễn thế thảm thực vật ỏ khu rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang

Cập nhật ngày 20/11/2010 lúc 12:13:00 PM. Số lượt đọc: 4145.

Khu rừng Khau Ca ở phía đông bắc tỉnh Hà Giang, có tọa độ 22o51’N và 105o08’E, là khu rừng khá cô lập trên một khối núi đá vôi thuộc các xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), Yên Định và Minh Sơn (huyện Bắc Mê) với tổng diện tích chỉ vào khoảng 1000ha. Tuy nhiên, đây lại là khu vực rất quan trọng, đó là nơi sinh sống của loài Voọc mũi hếch đặc hữu của Việt Nam.

Mặc dù nằm ở vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Du Già, Bắc Mê nhưng do sự cô lập với các khu vực xung quanh bởi núi đá vôi nên rừng trên đó như là một lãnh địa riêng của loài Voọc mũi hếch. Tuy vậy, khu vực cũng không có điều kiện phát triển, mở rộng ra được. Do đó, sinh cảnh tối đa cho sự tồn tại và phát triển của các đàn Voọc ở đây có thể bị giới hạn. Với diện tích nhỏ như vậy, làm thế nào để đàn Voọc có thể tồn tại được? Câu trả lời chính là sự đa dạng có thể nói là nguyên sinh của thảm thực vật. Nhưng chúng ta cũng biết rằng thảm thực vật trên đá vôi luôn đã mang tính nhạy cảm cao và vì vậy, để bảo tồn được sinh cảnh của loài Voọc quý hiếm trên, cần nghiên cứu cấu trúc, thành phần các loài thực vật ở đó để làm cơ sở cho công tác bảo tồn.

Phương pháp nghiên cứu

Do sự chia cắt mạnh về địa hình mặc dù chỉ giới hạn trong khoảng 1000ha nhưng bề mặt đá vôi ở Khau Ca không hề đơn giản. Do đó, sẽ rất khó khăn để tiến hành lập các ô tiêu chuẩn để tiến hành đo đạc. Thay vì phải lập các ô tiêu chuẩn với kích thước tối thiểu là 20x50m hoặc 10x50m, chúng tôi tiến hành điều tra theo tuyến. 4 tuyến được thiết lập ở tất cả các phía của khu vực, đó là các tuyến điều tra, theo dõi, khảo sát động thái của đàn Voọc cũng như vật hậu của các loài chúng dùng làm thức ăn. Trên mỗi tuyến, chọn ngẫu nhiên một khoảng cách cố định là 50m. Tất cả các cây gỗ có đường kính ngang ngực trên 10cm và mọc cách tuyến dưới 2m đều được đo đạc, mô tả và đưa vào phẫu diện làm cơ sở xác định kiểu và ưu hợp thảm thực vật. Cũng trên các tuyến, việc điều tra được mở rộng từ khu vực trung tâm ra đến mép ngoài của khu bảo tồn để từ đó sắp xếp và hệ thống được trật tự diễn thế của các quần xã thực vật. Các kiểu thảm, ưu hợp và các quần xã thực vật được mô tả theo hệ thống của Thái Văn Trừng (1999).

Kết quả nghiên cứu

Hệ thống các tuyến: Tuyến A và tuyến C ở độ cao khoảng 600-800m, bao phủ bởi rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với đặc trưng kiệt nước trên đá vôi. Rừng ở tuyến D: độ cao dưới 700m, bao phủ bởi rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới đất thấp với đặc trưng kiệt nước trên đá vôi. Thảm thực vật đang trong giai đoạn phục hồi. Rừng ở tuyến B, độ cao trên 700m, bao phủ bởi rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi thấp. Trên các tuyến, ở phía mép ngoài của khu rừng, nơi bị tác động thường xuyên của cư dân địa phương trong nhiều năm trước, thảm thực vật thể hiện rõ tính chất thứ sinh, cùng với các kiểu thảm thực vật ở khu vực trung tâm của các tuyến, chúng làm nên dãy diễn thế thay cho lịch sử phát triển thảm thực vật của khu vực.

Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp, kiểu phụ thổ nhưỡng kiệt nước trên đất đá vôi

Cấu trúc gồm 5 tầng đặc trưng cho rừng nhiệt đới nguyên sinh. Rừng này phân bố ở vùng trung tâm của tuyến A, C và đại diện cho phần lớn diện tích của Khau Ca. Tầng vượt tán gồm các loài Nghiến - Excentrodendron tonkinense (Tiliaceae), Trai - Garcinia sp. (Clusiaceae), Sâng - Pometia pinnata (Sapindaceae)… Trong đó có nhiều cây gỗ lớn với đường kính khoảng từ 60cm đến hơn 100cm và chiều cao có thể lên đến 50m. Tầng tán ở độ cao từ 20 đến 35m gồm các cây gỗ khá lớn, tán rộng và đan gần như kín tạo nên màn rừng với độ che phủ tới trên 80%. Đại diện cho tầng này là các loài Thị - Diospyros spp. (Ebenaceae), Sâng - Pometia pinnata (Sapindaceae), Han voi - Dendrocnide urentissima (Urticaceae), Đỏm balansa - Bridelia balansae (Euphorbiaceae)… và đặc biệt là một loài thuộc họ Nhài (Oleaceae), loài này chiếm đến 60% về số lượng cây gỗ trong tầng tán, ngoài ra, với tán rộng và lượng cây non bổ sung khá nhiều ở tầng dưới tán, loài này thực sự có vai trò rất quan trọng trong cấu trúc của thảm thực vật ở khu vực Khau Ca. Tầng dưới tán gồm các cây có chiều cao xấp xỉ 10m, gồm các cây non của các loài ở tầng trên và chỉ một số ít các loài cây gỗ khác như: Han xanh - Laportea grandis (Urticaceae), các loài Nhọc - Polyalthia spp. (Annonaceae), Lòng mang - Pterospermum spp. (Sterculiaceae), Bọ mắm - Pouzolzia sp. (Urticaceae), Hỏa rô - Phlogacanthus sp. (Acanthaceae). Các cây dưới tán phân bố thưa thớt do ánh sáng bị tầng tán che lấp nhiều. Tầng cây bụi và thảm tươi: với tổng độ che phủ khoảng gần 20% diện tích bề mặt và chủ yếu là ở những chỗ lộ sang do địa hình phức tạp làm cho cây gỗ khó tồn tại được. Các loài đại diện đặc trưng cho vùng đá vôi như: Bóng nước - Impatiens sp. (Balsaminaceae), Thu hải đường - Begonia spp. (Begoniaceae), Sam rừng - Elatostema spp. (Urticaceae), Xà căn - Ophiorrhiza spp. (Rubiaceae), Cao cẳng - Ophiopogon spp. (Convallariaceae)… và các loài thuộc họ Thượng tiễn (Gesneriaceae), họ Ô rô (Acanthaceae). Thực vật ngoại tầng có sự tham gia của các loài dây leo và các loài thực vật bì sinh với thành phần loài không phong phú lắm nhưng có số lượng cá thể khá dày, đặc trưng cho một kiểu thảm nguyên sinh. Thành phần các loài thực vật bì sinh - ký sinh gồm các loài như Tổ điểu - Asplenium nidus (Aspleniaceae), Đại cán nam - Macrosolen cochinchinensis, Mộc vệ trung hoa - Taxillus chinensis (Loranhthaceae) và các loài thuộc họ Lan - Orchidaceae... các loài dây leo khá đơn diệu như: Dây bù khai - Erythropalum scandens (Olacaceae), các loài của các họ Thiên lý (Asclepiadaceae), Bầu bí - Cucurbitaceae, Nho (Vitaceae), Tiết dê (Menispermaceae)… và đặc biệt là khu vực có khá nhiều cây Bóp cổ, là các đại diện của chi Ficus (Moraceae).


Hình 1: Phẫu đồ tuyến A, từ điểm A1200 đến A1250m, thung lũng núi đá vôi (<700m)


Hình 2: Phẫu đồ tuyến H, từ điểm H1700 đến H1750m, cận đỉnh đá vôi (>700m) 


Hình 3: Phẫu đồ tuyến C, từ điểm C1800 đến C1850m, thung lũng núi đá vôi (<700m)

Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp, kiểu phụ thổ nhưỡng kiệt nước trên đất đá vôi

Các kiểu rừng đai núi thấp phân bố ở độ cao trên 700m so với mặt nước biển, bao gồm hầu hết các đỉnh và vùng cận đỉnh của các núi đá vôi trong khu vực. Các đỉnh cao nhất có thể đạt đến 1300m (đỉnh Cột Mốc), trung bình khoảng 900 đến 1100m. Rừng thường xanh nguyên sinh đai núi thấp trên đất đá vôi ở Khau Ca gần như giữ được tính nguyên sinh của nó bởi một phần vì địa hình rất khó đi lại (đá tai mèo) do đó, nhìn từ trên xuống, thảm thực vật như một bức màn giăng kín, trải dài trên bề mặt các khối núi đá vôi trên toàn khu vực. Rừng ở tuyến A và tuyến C là kiểu rừng kín rừng kín hỗn hợp cây lá rộng lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp, thuộc kiểu phụ thổ nhưỡng kiệt nước trên đất đá vôi với ưu hợp Nghiến + Kim giao.


Hình 4: Phẫu đồ tuyến C, từ điểm C1850 đến C1900, thung lũng núi đá vôi (<700m) 

Ưu hợp Nghiến + Kim giao: Ưu hợp này có thể gặp được ở tuyến C, tuyến A, tuyến H (là một phần của tuyến A, hình 2). Cùng với Nghiến, Kim giao - Nageia fleuryi (Podocarpaceae), Trai, Sếu là những thành viên của kiểu rừng ở độ cao trên 700m. Ở đây có thể gặp những cây Kim giao với thân nâu nhẵn to đến 80cm và cao hơn 30m, cùng với Nghiến là hai loài nổi lên trên tầng vượt tán. Tuy nhiên, hiện tại số lượng cá thể của Kim giao là không nhiều, có thể là kết quả của tác động khai thác chọn trong quá khứ nhưng lượng cây non của chúng cho phép ta hy vọng về một sự tái sinh tốt đẹp. Ở tầng tán, Nghiến, Trai, Sếu và loài cây họ Nhài vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Ngoài ra còn có một số loài khác như Trám (Canarium sp.), Gội Aglaia sp. (Meliaceae), Nhọc - Polyalthia sp. (Annonaceae), Thị rừng - Diospyros sp. (Ebenaceae), Thích - Acer tonkinensis, Acer sp. (Aceraceae), Hòa hương - Platycarya strobilifera (Juglandaceae), cùng các loài thuộc họ Dẻ (Fagaceae), họ Xoài (Anacardiaceae)… Tầng dưới tán đa phần là những cây non của tầng trên và Lài trâu - Tabernaemontana spp. (Apocynaceae), Lấu - Psychotria sp., Huân lang - Wendlandia sp., Trang - Ixora sp. (Rubiaceae), Han voi - Dendrocnide urentissima (Urticaceae)… Tầng bụi và thảm tươi có sự ưu thế của các loài họ Thượng tiễn (Gesneriaceae), họ Ô rô (Acanthaceae) và Bóng nước - Impatiens sp. (Balsaminaceae), Thu hải đường - Begonia spp. (Begoniaceae), Sam rừng - Elatostema spp. (Urticaceae), Xà căn - Ophiorrhiza spp. (Rubiaceae), Cao cẳng - Ophiopogon spp. (Convallariaceae)… Thực vật ngoại tầng gồm các loài bì sinh (Dương xỉ, Phong lan, Việt quất - Vaccinium spp.) và các loài dây leo: Dây bù khai - Erythropalum scandens (Olacaceae), các loài của các họ Thiên lý (Asclepiadaceae), Bầu bí - Cucurbitaceae, Nho (Vitaceae), Tiết dê (Menispermaceae)… Móng bò - Bauhinia spp. (Caesalpiniaceae), Vuốt - Uncaria sp. (Rubiaceae), Rau bù khai - Erythropalum scandens (Erythropalaceae), Tử quả - Idoides sp. (Icacinaceae).


Hình 5: Phẫu đồ tuyến B, từ điểm B1550 đến B1600, đỉnh núi đá vôi (>700m)


Hình 6:Phẫu đồ tuyến B, từ điểm B2250 đến B2300, đỉnh núi đá vôi (>700m) 

Kiểu rừng thưa cây lá rộng hỗn giao cây lá kim hơi khô, á nhiệt đới núi thấp

Là ưu hợp tiền sinh với thành phần loài thân thuộc với khu hệ thực vật cổ á nhiệt đới đệ tam bản địa Việt Bắc - Hoa Nam với ưu hợp chính là Thông + Dẻ và ưu hợp Trai + Thích (các ưu hợp tiền sinh).


Hình 7: Phẫu đồ tuyến D, từ điểm D600 đến D650m, sườn núi đá vôi (<700m)

Ưu hợp Trai + Thích: Tầng cây gỗ thấp khoảng từ 6 - 12m. Các loài ưu thế chủ yếu là Trai - Garcinia spp., Thích - Acer spp. (Aceraceae), Hồi - Illicium spp. (Illiciaceae), Trẩu - Vernicia spp. (Euphorbiaceae), Chân chim - Schefflera spp., Dendropanax sp. (Araliaceae), Mạy rẹc - Diospyros sp. (Ebenaceae)… và các loài Dẻ, Sồi - Quercus spp., Lithocarpus spp., Castanopsis spp. (Fagaceae)  cùng với các loài cây lá kim là Thông Pà cò - Pinus kwangtungensis (Pinaceae), Thông đỏ - Taxus chinensis (Taxaceae), Dẻ tùng sọc trắng - Amentotaxus argotaenia (Amentotaxaceae) (hình 5). Tầng cây bụi hầu như khuyết hoàn toàn chỉ có một vài cây con của các loài cây gỗ đang trong giai đoạn phát triển còn non, tầng thảm tươi có thành phần loài nghèo nàn và mật độ cá thể cũng rất thưa thớt chủ yếu là các loài thuộc họ Thượng tiễn (Gesneriaceae), Cói (Cyperaceae)… đáng chú ý là ở đây là nơi có rất nhiều các cá thể của một số loài Lan hài với mật độ rải rác thường thấy xuất hiện trong thảm thực vật này như Hài vân nam - Paphiopedilum malipoense, Tiên hài vàng xanh - Paphiopedilum hirsitissimu, Hài hen-ri - Paphiopedilum henryanum (Orchidaceae). Thành phần khác là các loài thuộc các họ Cúc (Asteraceae), Kim đồng (Malpighiaceae), Nhài (Oleaceae), Hoàng liên gai (Berberidaceae), Trúc đào (Apocynaceae)…


Hình 8:. Phẫu đồ tuyến D, từ điểm D850 đến D900m, sườn núi đá vôi (<700m)

Ưu hợp Thông + Dẻ: Chủ yếu phân bố ở vùng đỉnh và cận đỉnh. Thành phần cây lá kim gồm Thông pà cò - Pinus kwangtungensis (Pinaceae), Thông đỏ - Taxus chinensis (Taxaceae), Dẻ tùng sọc trắng - Amentotaxus argotaenia (Amentotaxaceae) trong khi đó những cây lá rộng phải kể đến  Chân danh - Celastrus spp. (Celastraceae), Kháo - Phoebe (Lauraceae), Platycarya strobilifera (Juglandaceae), Dẻ - Castanopsis spp. (Fagaceae)… Hầu hết các cây gỗ đều phân cành thấp, cành khẳng khiu và có nhiều địa y bám (hình 6).

Tầng cây bụi thưa thớt với các loài chủ yếu là của tầng cây gỗ, ngoài ra còn có một số loài đặc trưng như: Hoàng liên gai - Mahonia nepalensis (Berberidaceae)… Các loài thực vật ở tầng thảm tươi khá nghèo nàn nhưng ở đây lại xuất hiện nhiều cá thể của các loài Lan hài quí như: Hài vân nam - Paphiopedilum malipoense, Hài hen-ri - Paphiopedilum henryanum (Orchidaceae), và các loài Lipais spp., Coelogyne spp. (Orchidaceae)… ngoài ra còn có các loài thực vật đặc trưng cho sườn núi đá vôi như Primularia spp. (Primulariaceae), Viola spp. (Violaceae) và các loài thuộc họ Thượng tiễn (Gesneriaceae). Thành phần các loài thực vật ngoại tầng khá nghèo nàn, hầu như các loài dây leo bị khuyết trong cấu trúc thảm thực vật này mà chỉ có các loài thực vật bì sinh đặc biệt là các loài lan như Phi công thiên - Renanthera coccinea (Orchidaceae), Coelogyne spp., Dendrobium spp., Liparis spp. và các loài Lưỡi mèo tai chuột - Pyrhosia lanceolata (Polypodiaceae), Mộc vệ ký sinh - Loranthus spp. (Loranthaceae).

Rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp

Về bản chất là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp (dưới 700m so với mặt nước biển), thuộc kiểu phụ thổ nhưỡng kiệt nước trên đất đá vôi với ưu hợp cơ bản vẫn là Nghiến + Trai nhưng do sự can thiệp của con người, hiện rừng đang trong giai đoạn phục hồi. Trong quá trình khảo sát thấy rằng phần lớn trên tuyến D thành phần dây leo tỏ ra rất nổi trội, tỷ lệ của những cây gỗ nhỏ cao hơn trong khi đó những cây gỗ lớn không nhiều, mức độ che phủ của tán rừng giảm, chỉ còn khoảng 60% (tuyến D, các phẫu đồ ở hình 7, hình 8), đặc biệt, các loài Bọ mắm, Nóng và Hỏa rô là những loài chính trong tầng dưới tán, đôi khi, ở những chỗ trống (mất tán cây gỗ) thì những loài này chiếm đến 100% diện tích. Do mức độ khép tán kém, nhiều khoảng trống lộ ra nên các loài mọc nhanh chiếm ưu thế, điển hình là các loài thuộc họ Thầu dầu (Euhporbiaceae) như Bụp bạc - Mallotus spp., Sòi - Triadica rotundifolia (Euphorbiaceae), họ Gai (Urticaceae) có loài Bọ mắm - Pouzolzia sp. mọc thành những khoảnh khá rộng, cùng với đó là các loài mọc nhanh khác như Lòng mang - Pterospermum spp., Sảng - Sterculia spp. (Sterculiaceae), Sung - Ficus spp. (Moraceae)… chúng có độ cao khoảng hơn 10m, cây nhỏ nhưng về số lượng thì khá nhiều.

Các quần xã thứ sinh nhân tác khác

Thảm thực vật ở mức độ phục hồi còn thấp, ngoại hình giống như trảng, đặc biệt là có sự tham gia của Ráy - Allocasia macrorrhiza và Chuối - Mussa sp. là những loài thân thảo mọc nhanh khá phổ biến ở rừng thứ sinh trên đất đá vôi. Các cây bụi nhỏ gặp phổ biến trong kiểu thứ sinh này là Rum trung bộ - Cecrospermum annamensis (Cecropiadaceae), Mò - Clerodendron sp. (Verbenaceae), Đót - Thysanolaena maxima, các loài thuộc họ Cà phê - Rubiaceae, họ Hoa hồng - Rosaceae, họ Cam - Rutaceae… Tầng thảm tươi ở đây khá phong phú về cả mật độ cũng như thành phần loài gồm các loài thuộc: chi Ráy - Allocasia spp. (Araceae), chi Tổ điểu - Asplenium spp. (Aspleniaceae), chi Cao hùng - Elatostema app. (Urticaceae), chi Xà căn - Ophiorrhiza spp. (Rubiaceae)… Do bị tác động nên trong kiểu thảm này đã có sự xâm thực của nhiều loài thực vật ngoại tầng tạo nên sự đa dạng về thành phần loài cũng như sự tập trung mật độ cá thể cao trong thảm. Các loài thực vật ngoài tầng đặc trưng gồm: Mộc thông - Iodes cirrhosa (Icacinaceae), các loài thuộc họ Thiên lý - Asclepiadaceae, các loài thuộc chi Tứ thư - Tetrastigma spp., chi Vác - Cayratia spp. (Vitaceae), chi Ráy leo - Pothos spp., chi Ráy - Rhaphidophora spp. (Araceae), Chi móng bò - Bauhinia spp. (Caesalpiniaceae), Tổ điểu - Asplenium nidus (Aspleniaceae), Lưỡi mèo tai chuột - Pyrrhosia lingua (Polypodiaceae)…

Ưu hợp Guột: Ưu hợp Guột - Dicranopteris linearis (Pteridaceae) phân bố trên đất thoái hóa, khô cằn của vùng ngoài khu vực Khau Ca. Chúng phân bố thành những giải liên tục và đôi khi được xen kẽ bằng những cây bụi như Mua - Melastoma septemnervium (Melastomataceae), Cỏ lào - Chromolaena odorata (Asteraceae), Thành ngạnh - Cratoxylon formosum (Clusiaceae), Linh lông - Eurya stenophylla (Theaceae)…

Ưu hợp Cỏ lào + Cỏ tranh: Trên đất thoái hóa sau tác động nương rẫy, trên sườn đồi khô cằn thường hình thành nên các ưu hợp cỏ dạng lúa cao, như đã mô tả ở trên, Chít và Lau là dạng cỏ cao điển hình. Ngoài ra, khu vực rìa của Khau Ca cũng có các ưu hợp cỏ dạng lúa trung bình mà đại diện là Cỏ tranh - Imperata cylindrica (Poaceae) cùng với Cỏ lào là hai đại diện chính của kiểu phụ này. Các loài khác gặp ở đây là Cỏ sữa lá nhỏ - Euphorbia thymifolia (Euphorbiaceae), các loài Mã đề - Plantago asiatica, Plantago major (Plantaginaceae), Đơn buốt - Bidens pilosa (Asteraceae), Cúc chân voi - Elephantopus scaber (Asteraceae), các loài cỏ họ Lúa (Poaceae): Paspalum spp., Pannicum spp., Eragrosstis sp., Eleusine indica…


Hình 9: Sơ đồ diễn thế thảm thực vật khu vực đai thấp (dưới 700m) của Khau Ca

Diễn thế thảm thực vật

Trạng thái nguyên sinh là trạng thái đỉnh cao trong tiến trình biến đổi (diễn thế) của thảm thực vật ở khu vực núi đá vôi Khau Ca, trong khi đó, trạng thái suy thoái nặng nề nhất là các kiểu thảm thứ sinh nhân tác, thảm thực vật bị suy thoái nặng nề sau tác động chặt trắng, phát nương làm rẫy và chăn thả. Do hầu hết những thảm nhân tác đều phân bố ở độ cao dưới 700m nên ở độ cao cao hơn (đai núi thấp) chỉ có các trạng thái thảm thực vật nguyên sinh. Những ghi nhận về diễn thế dựa trên thời gian bỏ hoang của các trạng thái thảm thực vật thứ sinh và các trạng thái ít bị tác động của kiểu rừng nguyên sinh được thực hiện ở đai thấp (dưới 700m). Kết quả đã xây dựng nên loạt diễn thế (ngoại suy) thảm thực vật ở khu vực Khau Ca như hình 9.

Kết luận

Thảm thực vật ở khu rừng Khau Ca, theo 4 tuyến nghiên cứu, được mô tả trong 4 kiểu và kiểu phụ (thổ nhưỡng và miền thực vật) gồm: kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp; kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp với kiểu phụ thổ nhưỡng kiệt nước trên đất đá vôi và ưu hợp Nghiến + Kim giao; kiểu rừng thưa cây lá rộng hỗn giao cây lá kim hơi khô, á nhiệt đới núi thấp với kiểu phụ miền thực vật là hai ưu hợp tiền sinh Trai + Thích và Thông + Dẻ; kiểu rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp và các quần xã thứ sinh nhân tác khác với ưu hợp Guột và ưu hợp Cỏ lào + Cỏ tranh. Loạt diễn thế dựa trên sự hiện hữu của các kiểu thảm thực vật này được xây dựng từ các kiểu phụ nhân tác trên đất nguyên trạng hoặc thoái hóa đến trạng thái trung gian và tiến tới các trạng thái ổn định, phát triển theo hai hướng (kiểu phụ) là thổ nhưỡng và miền thực vật (ưu hợp tiền sinh).

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyen Anh Duc, Vu Anh Tai, Le Khac Quyet, 2006: Journal of Science, Nature Science and Technology, T. XXII, 3C: 91-95.
2.     Thái Văn Trừng, 1999: Các kiểu thảm thực vật rừng Việt Nam. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.

Vũ Anh Tài
Viện Địa lý
Nguyễn Anh Đức, Lê Khắc Quyết
Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024