Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > HỆ THỰC VẬT

Một số kết quả điều tra cây thuốc của dân tộc Thái xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An

Cập nhật ngày 24/11/2010 lúc 12:47:00 AM. Số lượt đọc: 1883.

Từ thời xa xưa, ông cha ta đã biết cách sử dụng loại dược liệu tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh. Những kinh nghiệm quý báu, công thức pha chế, cách thức sử dụng cây cỏ tự nhiên làm thuốc đã được lưu truyền và tích luỹ qua nhiều thế hệ. Các ông lang, bà mế của đồng bào các dân tộc miền núi nước ta đã tích luỹ nhiều đời tạo nên nhiều bài thuốc dân gian quý giá lấy từ cây cỏ

Ngày nay, với thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người, sự gia tăng bệnh tật ngày một nhiều. Hiện tại, có nhiều bệnh mà y học trong nước cũng như ngoài nước phải “bó tay” khi điều trị bằng thuốc tây, nhưng một số bài thuốc y học cổ truyền lại chữa khỏi và không gây tác hại phụ. Chính vì vậy, tây y hiện đại đã quay lại tìm các hợp chất có trong thiên nhiên, trong các loài thực vật dùng làm thuốc và với kinh nghiệm dân gian của các dân tộc để chữa bệnh, những kinh nghiệm quý báu của các ông lang, bà mế, của bà con dân bản ngày càng mai một, các loài cây thuốc quý ngày càng mất đi. Do đó, việc điều tra các loại thực vật có tác dụng chữa bệnh theo kinh nghiêm dân gian là rất cần thiết. Bài báo này chúng tôi bước đầu điều tra cây thuốc của đồng bào dân tộc Thái xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để làm cơ sở cho quá trình khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý.

Phương pháp nghiên cứu

Thu mẫu và xử lý mẫu

Tiến hành phỏng vấn người dân địa phương và thu mẫu theo phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn. Công việc này được tiến hành từ tháng 5 năm 2006 đến tháng 8 năm 2007, mẫu được lưu trữ tại Phòng Thực vật, Khoa Sinh học, Đại học Vinh. Định loại: Sử dụng phương pháp hình thái so sánh.

Chỉnh lý tên khoa học dựa vào tài liệu

Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Sắp xếp các họ, chi, loài theo Brummitt, 1992.

Kết quả nghiên cứu

Đa dạng về các taxon

Bước đầu điều tra cây thuốc dân tộc Thái ở Châu Cường, Quỳ Hợp, Nghệ An, chúng tôi đã xác định được 71 họ, 153 chi và 191 loài. Kết quả thống kê được thành phần loài phân bố theo các ngành được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Sự phân bố các ngành thực vật ở Châu Cường

Ngành

Họ

Chi

Loài

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Polypodiophyta

2

2,8

2

1,3

3

1,6

Pinophyta

1

1,4

1

0,7

1

0,5

Magnoliophyta

68

95,8

150

98,0

187

97,9

Tổng số

71

100

153

100

191

100

Theo thống kê ở bảng 1 cho thấy, cây thuốc phân bố không đồng đều trong 3 ngành thực vật, các taxon tập trung chủ yếu trong ngành Mộc lan (Magnoliophyta) với 68 họ chiếm 95,8%, 150 chi chiếm 98,0% và 187 loài chiếm 97,9%, ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 2 họ chiếm 2,8%, 2 chi chiếm 1,3%, 3 loài chiếm 1,6%; ngành Thông (Pinophyta) chỉ có 1 họ chiếm 1,4%, 1 chi chiếm 0,7% và 1 loài chiếm 0,5%.      Để thấy rõ hơn sự đa dạng trong các taxon thực vật của các loài cây làm thuốc, chúng tôi đã tiến hành khảo sát sâu hơn về ngành Mộc lan (Magnoliophyta) và được thể hiện qua bảng 2.

Bảng 2. Số lượng họ, chi, loài trong ngành Mộc Lan (Magnoliophyta)

Lớp

Họ

Chi

Loài

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Mgnoliopsida

54

79,4

122

81,3

154

82,35

Liliopsida

14

20,6

28

18,7

33

17,65

Tổng

68

100,00

150

100,00

187

100,00

Qua bảng 2, lớp Mộc lan (Magnoliopsida) có vai trò rất lớn với số lượng là 154 loài chiếm 82,35%; thuộc 54 họ chiếm 79,4% và 122 chi chiếm 81,3%; lớp Hành (Liliopsida) với 33 loài chiếm 17,65%; thuộc 14 họ chiếm 20,6% và 28 chi chiếm 18,7%. Các họ đa dạng nhất là: Fabaceae, Asteraceae, Rubiaceae, Poaceae, Euphorbiaceae, Lamiaceae, Verbenaceae, Minispermaceae, Moraceae, Zingiberaceae mỗi họ từ 5-13 loài, có 82 loài chiếm 42,93% tổng số loài cây thuốc điều tra được.

Đa dạng về dạng sống của các cây làm thuốc

Căn cứ vào những dấu hiệu thích nghi của từng loài thực vật đó để làm cơ sở phân loại dạng sống, kết quả điều tra, phân loại và phân tích đa dạng về dạng sống của cây thuốc tại xã Châu Cường (Quỳ Hợp) phân ra các dạng sống khác nhau. Trong đó, nhóm cây thân thảo với 77 loài chiếm 40,3%; tiếp đến là nhóm cây thân bụi với 46 loài chiếm tỷ lệ 24,1%; nhóm cây thân gỗ có 36 loài chiếm 18,85%; nhóm cây thân leo gồm 32 loài chiếm 16,75%.

Đa dạng bộ phận sử dụng của cây làm thuốc

Trong việc sử dụng cây thuốc theo kinh nghiệm y học cổ truyền cho thấy các bộ phận của cây thuốc được dùng chữa bệnh khác nhau tuỳ theo cách vận dụng chữa bệnh của các thầy thuốc. Kinh nghiệm của các ông lang, bà mế về sử dụng các cây thuốc cũng khác nhau tuỳ loài, có loài sử dụng toàn cây (thường đối với cây thân thảo, thân leo) hoặc 3 bộ phận (thân-lá-củ, rễ-vỏ-lá…), có loài sử dụng 2 bộ phận (lá-thân, rễ-thân, vỏ-quả…), có những loài chỉ sử dụng 1 bộ phận (thân, lá…), có những bài thuốc phải kết hợp các bộ phận cây khác nhau để chữa trị các bệnh mới có tác dụng. Thậm chí trong 1 cây bộ phận này thì có ích nhưng bộ phận khác lại gây độc như cây Củ đậu (Pachyrhizus erosus (L.) Urb.), Cà độc dược (Datura metel L.). Khi sử dụng các bộ phận để làm thuốc thì thường lấy 1 bộ phận là nhiều hơn cả, với 98 loài chiếm 51,31% so với tổng số loài cây thuốc được điều tra, tiếp đến là 2 bộ phận với 56 loài chiếm 29,32%; cả cây có 30 loài chiếm 15,71% và thấp nhất là 3 bộ phận có 7 loài chiếm 3,66%.

Sự đa dạng trong các bộ phận được sử dụng

Kết quả thống kê, điều tra cho thấy, đồng bào dân tộc ở Châu Cường sử dụng các bộ phận khác nhau vào mục đích chữa bệnh khác nhau với tỷ lệ nhất định. Dùng lá, có tới 103 loài chiếm 53,9% so với tổng số loài, tiếp đến là thân và cành có 70 loài chiếm 36,64%, quả với 14 loài chiếm 7,32%, hạt với 10 loài chiếm 5,23%, củ với 11 loài chiếm 5,75%, rễ với 8 loài chiếm 4,18%, hoa, ngọn lần lượt có số loài bằng nhau (3 loài) với tỷ lệ 1,57%, tiếp đến là vỏ với 5 loài chiếm 2,61%, ít hơn cả trong bộ phận sử dụng là gai và nhựa (mủ) đều có số loài là 1, cùng chiếm tỷ lệ 0,52%.

Sự phân bố cây thuốc theo môi trường sống

Các cây thuốc của đồng bào dân tộc xã Châu Cường có môi trường sống rất phong phú, có những cây sống ven rừng, trong rừng sâu, các vùng đồi, núi đá vôi, cạnh khe suối, ven đường, trong vườn nhà… Số lượng loài cây thuốc của dân tộc Thái (Châu Cường) phân bố không đồng đều trên các sinh cảnh. Ở nương rẫy là đa dạng nhất với 93 loài (chiếm 48,69%), rừng với 67 loài (chiếm 35,07%); ở vườn nhà với 52 loài (chiếm 27,22%), nhóm cây sống ở đồi, trảng cây bụi với 44 loài (chiếm 23,03%), thấp nhất là nhóm cây ở suối, khe với 7 loài (chiếm 3,66%).

Đa dạng về các nhóm bệnh được chữa trị

Kinh nghiệm y học cổ truyền cho thấy một cây có thể có tác dụng với nhiều loại bệnh và ngược lại phải dùng nhiều loại cây mới chữa được một bệnh. Theo tài liệu của Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi, Đỗ Huy Bích, Trần Đình Lý… Chúng tôi tạm chia việc sử dụng các cây thuốc dân tộc để chữa bệnh theo các nhóm bệnh như sau (bảng 3).

Bảng 3. Sự đa dạng về các nhóm bệnh được chữa trị bằng cây thuốc dân tộc Thái

STT

Các nhóm bệnh

Số lượng

Tỷ lệ %

1

Bệnh ngoài da (nhiễm trùng, lở, mụn nhọt…)

20

10,47

2

Bệnh về thận (sỏi thận, lợi tiểu, viêm thận…)

19

9,94

3

Bệnh về xương (gãy xương, bong gân…)

7

3,66

4

Bệnh về tiêu hoá (tả, lị, ngộ độc…)

21

10,99

5

Bệnh do thời tiết (cảm nóng, lạnh, đau đầu…)

27

14,13

6

Bồi bổ sức khoẻ

16

8,37

7

Bệnh về phụ nữ (đẻ, dạ con…)

22

11,51

8

Bệnh về mắt

11

5,75

9

Hô hấp (ho, phế quản, phổi…)

9

4,71

10

Trẻ em (suy dinh dưỡng, giun sán, vặn mình…)

12

6,28

11

Bệnh về thần kinh (bại liệt, thần kinh…)

5

2,61

12

Bệnh về gan (gan, da vàng…)

14

7,32

13

Bệnh về răng

3

1,57

14

Động vật cắn (sên, vắt cắn…)

10

5,23

15

Bệnh ung thư (các loại u…)

3

1,57

16

Bệnh của gia súc, gia cầm (ghẻ, bọ mạt…)

2

1,04

17

Bệnh dạ dày

3

1,57

18

Các bệnh khác

21

10,99

Kết quả trình bày ở bảng 3 cho thấy, cây thuốc của dân tộc Thái Châu Cường sử dụng chữa được nhiều nhóm bệnh khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là các bệnh do thời tiết như cảm cúm, cảm hàn, cảm lạnh… có 24 loài (chiếm 12,56%); bệnh về thận, bệnh ngoài da có số loài gần tương tự nhau với số loài lần lượt 18; 19 chiếm tỷ lệ 9,42%; 9,94%; bệnh được chữa trị bằng cây thuốc dân tộc ít nhất là bệnh về răng; bệnh ung thư; bệnh của gia súc gia cầm tương ứng với số loài 3; 3; 2 (tỷ lệ đạt là 1,57%; 1,57%; 1,04%).

Kết luận

Thực vật làm thuốc ở Châu Cường bước đầu xác định được 191 loài với 153 chi, 71 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch là Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta), Mộc lan (Magnoliophyta); ngành Mộc lan chiếm ưu thế với 97,7% tổng số loài. Các họ đa dạng nhất là: Fabaceae, Asteraceae, Rubiaceae, Poaceae, Moraceae, Menispermaceae, Verbenaceae, Lamiaceae, Euphorbiaceae, Zingiberaceae. Các cây thuốc được sử dụng ở dạng thân, chủ yếu là dạng thân thảo có 77 loài (chiếm 40,3%), cây bụi có 46 loài (chiếm 24,1%), thân gỗ có 36 loài (chiếm 18,85%), dây leo có 32 loài (chiếm 16,75%). Bộ phận sử dụng nhiều nhất là lá với 103 loài (chiếm 53,9%), thân và cành 70 loài (chiếm 36,64%); thấp nhất là gai, nhựa (mủ) chỉ có 1 loài (chiếm 0,52%). Các cây thuốc đã được sử dụng chữa nhiều bệnh khác nhau là bệnh thời tiết có 27 loài (chiếm 14,13% tổng số loài), bệnh về phụ nữ 22 loài (chiếm 11,51%), bệnh tiêu hoá 21 loài (chiếm 10,99%) tiếp đến là bệnh ngoài da 20 loài (chiếm 10,47%), bệnh thận 19 loài (chiếm 9,94%), ít nhất là bệnh ung thư 3 loài (chiếm 1,57%), bệnh dạ dày 3 loài (chiếm 1,57%) và chữa bệnh cho gia súc gia cầm 2 loài (chiếm 1,04%).

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Tiến Bân, 1997: Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ Thực vật hạt kín ở Việt Nam. NXB. KH & KT, Hà Nội.
2.     Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên), 2003-2005: Danh lục các loài Thực vật Việt Nam, Tập II-III. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
3.     Đỗ Huy Bích và cs., 2004: Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập I + II. NXB. KH & KT, Hà Nội.
4.     Brummitt R. K., 1992: Vascular Plant families and genera. Royal Botanic Gardens, Kew.
5.     Võ Văn Chi, 1996: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội.
6.        Võ Văn Chi, Trần Hợp, 1999-2003: Cây cỏ có ích ở Việt Nam, Tập I-II. NXB. Giáo dục, Hà Nội.
7.     Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000: Cây cỏ Việt Nam, Tập 1-3. NXB. Trẻ Tp. HCM.
8.     Đỗ Tất Lợi, 1999: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. KH & KT, Hà Nội.
9.     Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997: Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
10.  Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001: Danh lục các loài thực vật Việt Nam Tập I. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.

Lê Thị Hương, Đỗ Ngọc Đài, Ngô Trực Nhã
Trường Đại học Vinh
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)

anhtai.bvn

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2025