Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Là các đại diện thuộc chi Kiều lam Calanthe R.Br. họ Lan (Orchidaceae Juss.) ở Việt Nam. Mẫu vật nghiên cứu là các cá thể ở ngoài thiên nhiên và các tiêu bản khô được lưu giữ tại các phòng tiêu bản của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (HN), của Viện Sinh học nhiệt đới (VNM), của Đại học Khoa học tự nhiên (HNU), Viện Dược liệu (HNPM), Viện Điều tra Qui hoạch rừng (HNF) và một số nơi khác.
Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi dùng phương pháp hình thái so sánh để nghiên cứu chi Calanthe ở Việt Nam. Đây là phương pháp nghiên cứu truyền thống, đơn giản so với một số phương pháp khác nhưng đảm bảo độ chính xác tin cậy và phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay của nước ta.
Kết quả nghiên cứu
Đặc điểm hình thái
Các đại diện của chi Calanthe là những cây thân cỏ, bọng khá lớn và nạc, rụng lá hằng năm (subgen. Preptanthe) hoặc gần như không có bọng, bao bởi gốc lá không rụng hoặc rụng hằng năm (subgen. Calanthe). Lá lớn, thường mỏng nhẵn và có mép gấp nếp hoặc lượn sóng. Cụm hoa đứng với cuống cụm hoa cao. Lá đài và cánh hoa rời và ít nhiều trải phẳng. Cánh môi có cựa, cựa thường dài và mập lên; phiến môi thường chia 3 thùy hoặc hiếm khi không chia thùy, thường có những đường sống ngắn hoặc có những thể chai nhỏ ở gốc. Cột ngắn, dính suốt chiều dài với mép cánh môi phồng lên tạo cựa hình ống. Khối phấn 8. Bầu hạ, noãn nhiều. Quả nang, hình chùy, hình con suốt hoặc hình thuôn dài. Hạt rất nhỏ.
Phân loại
Khi nghiên cứu chi Calanthe R.Br. ở Việt Nam, chúng tôi đã sử dụng hệ thống phân loại của Gunnar Seidenfaden (1975) để sắp xếp các loài. Căn cứ vào các đặc điểm hình thái đã phân tích, chúng tôi xây dựng khóa định loại các loài thuộc chi Calanthe ở Việt Nam và xếp vào 2 phân loài và 2 sectio với các đặc điểm chính của chúng như sau:
Subgen 1. Preptanthe: Cây có bọng
Subgen 2. Calanthe: Cây không có bọng; các loài thuộc phân chi này được xếp vào hai section sau:
Sect. 1. Calanthe: Lá bắc không rụng
Sect. 2. Styloglossum: Lá bắc rụng
Khóa định loại các loài thuộc chi Calanthe R.Br. ở Việt Nam
1A. Cây có bọng nạc, cuống lá có khớp, rụng hằng năm; trục cụm hoa mọc ở gốc của
bọng (Subgen. Preptanthe).
2A. Thùy bên của môi không rộng ra nhiều về phần đỉnh không có mép lượn
sóng; thùy giữa chia đôi; lá đài hình trứng, phần đỉnh rộng và tròn lại
3A. Hoa màu trắng, gốc môi màu vàng, lá đài 20-30mm ...... C. vetista
3B. Hoa màu hồng, gốc môi màu đỏ sẫm, lá đài 12-30mm ...................
............................................................................................ C. rubens
2B. Thùy bên của môi rộng ra nhiều về phần đỉnh cụt có mép lượn sóng,
thường ôm lấy cột; thùy giữa không chia đôi; lá đài hình mác rộng,
phần đỉnh hẹp và cụt.
4A. Đường sống giữa trên hypochile tiếp tục trên epychile có hình bản
mỏng nhô cao .............................................................. C. succedanea
4B. Đường sống giữa trên hypochile tiếp tục trên epychile có hình
đường sống tròn thấp hoặc dạng gân nổi rõ .............. C. cardioglossa
1B. Cây có thân ngắn không có bọng, cuống lá không có khớp, lá không rụng hằng năm;
trục cụm hoa mọc ở chồi thân (Subgen. Calanthe).
5A. Lá bắc không rụng (Sect. Calanthe)
6A. Lá có sọc màu bạc dọc gân lá ................................ C. argeteo-striata
6B. Lá không có sọc màu bạc dọc gân lá.
7A. Cánh môi tròn, không có thùy bên. Phiến môi có 2 đường
sống, nhô lên ở phần đầu cuối thành hình bán nguyệt .................
................................................................................ C. petelotiana
7B. Cánh môi có thùy bên. Phiến môi không có đặc điểm như trên.
8A. Thùy giữa cánh môi xẻ đôi
9A. Các phân thùy của thùy giữa được chia bởi một
khe hẹp; thùy bên hẹp hơn phân thùy của thùy giữa.
Hoa có các bớt tía .............................. C. alismaefolia
9B. Phân thùy của thùy giữa rộng không được chia
bởi khe hẹp; thùy bên không hẹp hơn phân thùy của
thùy giữa. Hoa không có các bớt tía.
10A. Hoa trắng
11A. Cựa dài 10-12mm ..... C. angusta
11B. Cựa dài 15-50mm ..... C. triplicata
10B. Hoa xanh ........................... C. herbacea
8B. Thùy giữa cánh môi không xẻ đôi
12A. Cựa dài bằng hoặc hơn lá đài giữa; thùy bên
vươn tới ngang thùy giữa; có 3 đường sống dài suốt
chiều dài cánh môi; hoa màu tím .......... C. alleizettii
12B. Cựa ngắn hơn lá đài giữa, đôi khi không có;
thùy bên không vươn tới thùy giữa; không có các
đường sống dài suốt chiều dài cánh môi; hoa màu
xanh hoặc xanh nhạt pha tía
13A. Cánh môi có 3 đường sống, dầy lên ở
phần đỉnh; hoa màu xanh nhạt ................
............................................. C. brachychila
13B. Cánh môi có 2 đường sống ngắn gần gốc;
hoa màu xanh nhạt pha tía.
14A. Thùy giữa dài hơn 2 lần chiều rộng,
đỉnh cụt nhọn...................... C. puberula
14B. Thùy giữa ngắn hơn chiều rộng,
tròn ..................................... C. velutina
5B. Lá bắc rụng (Sect. Styloglossum)
15A. Cụm hoa mọc lên từ thân rễ; tách biệt với chồi lá
16A. Hoa màu trắng, cánh môi màu tía ...................... C. duyana
16B. Hoa màu vàng, cánh môi màu vàng
17A. Cụm hoa dầy và ngắn; cựa thẳng và mập; cột cao
12-13mm .................................................. C. densiflora
17B. Cụm hoa thưa và dài; cựa hình chùy, đôi khi cong;
cột cao 6-7mm ................................................. C. clavata
15B. Cụm hoa mọc lên từ chồi lá
18A. Hoa màu trắng ........................................... C. angustifolia
18B. Hoa màu vàng
19A. Cánh môi có thùy bên lớn hình tam giác, giữa chúng
có hai đường sống; cựa dầy lên ở đỉnh; hoa màu vàng
nghệ ............................................................. C. chevalieri
19B. Cánh môi không có thùy bên rõ ràng hoặc có khi
không có; cựa không dầy ở đỉnh; hoa màu vàng ...................
......................................................................... C. lyroglossa
Kết luận
Ở Việt Nam, chi Kiều lam (Calanthe R.Br.) là một chi không lớn thuộc họ Lan (Orchidaceae Juss.) và hiện biết có 20 loài. Các đặc điểm hình thái cơ bản của các đại diện thuộc chi Kiều lam ở Việt Nam đã được mô tả. Hệ thống G. Seidenfaden (1975) được sử dụng để nghiên cứu chi Kiều lam ở Việt Nam. Lần đầu tiên khóa định loại các loài thuộc chi Kiều lam hiện biết đã được xây dựng.
Tài liệu tham khảo
1. Averyanov L. V., A. L. Averyanova, 2003: Updated checklist of the Orchids of Vietnam: 18-19. National University Publishing House. Hanoi.
2. Averyanov L.V., P. G. Efimov: Rheedea, 16(1): 15-28.
3. Nguyễn Tiến Bân, L. V. Averyanov, Dương Đức Huyến, 2005: Orchidaceae Juss. Danh lục các loài thực vật Việt Nam tập 3: 534-537. NXB. Nông nghiệp. Hà Nội.
4. Chen S, Z. Tsi, K. Lang, G. Zhu, 1999: Flora Reipublicae Popularis Sinicae 18. Calanthe R.Br.: 267-321. Science Press. Peking.
5. Gagnepain F., 1934: Flore Générale de l'Indo-Chine, (2): 384-398. Paris.
6. Phạm Hoàng Hộ, 2000: Cây cỏ Việt Nam, 3: 870-874. NXB. Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.
7. Seidenfaden G., 1992: Oper. Bot., 114: 88-99.
8. Seidenfaden G., J. J. Wood, 1992: The Orchids of Peninsular Malaysia and Singapore. Fredenborg.
Dương Đức Huyến
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)