Giai đoạn từ 1963 đến 1971, rừng ngập mặn cũng như rừng đồng bằng và rừng chân núi ở các tỉnh miền Nam và miền Trung Việt Nam, cùng với đất canh tác nông nghiệp đã bị không quân Mỹ xử lý một cách hệ thống bằng các chất làm rụng lá, chất diệt cỏ (sau đây gọi chung là chất diệt cỏ). Theo cách đó, việc sử dụng tập trung các loại chất diệt cỏ khác nhau kéo dài trong nhiều năm là một trong những hình thức mới để tiến hành chiến tranh. Theo thống kê, tổng diện tích rừng bị phun rải chất diệt cỏ khoảng 2,2 triệu ha (trong đó 1,4 triệu ha ở miền Nam) (Bethel J.S., 1975; Westing, 1976; Phùng Tửu Bôi, 1994; Socolov, Tsilova, 1996). Quân đội Mỹ đã kết hợp chất diệt cỏ với bom napan và các loại bom đạn khác để huỷ diệt thảm thực vật rừng. Trong nhiều năm chiến tranh hoá học ở miền Nam Việt Nam, một khoảng rộng rừng ngập mặn đã bị hủy diệt. Ở các tỉnh như Tây Ninh, Sông Bé (hiện nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) hơn một nửa thảm thực vật rừng cũng bị biến mất. Diện tích rừng của tỉnh Đồng Nai cũng bị suy giảm đáng kể. Hệ quả của nó đã làm cho mối liên hệ giữa rừng ở miền Nam Việt Nam và rừng của Campuchia bị phá huỷ. Trong những năm sau chiến tranh, nhu cầu về gỗ xây dựng và thương mại ngày càng tăng để đáp ứng cho công cuộc kiến thiết đất nước nên rừng cây có thân gỗ cao còn sót lại ở vùng đồng bằng cũng đều bị đốn hạ. Điều đó dẫn đến sự thu hẹp diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh sau này. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích hậu quả tác động tổng hợp của chiến tranh (hóa chất, bom napan, các loại bom đạn khác, hoạt động càn quét quân sự) lên các kiểu rừng khác nhau của miền Nam Việt Nam, giải thích nguyên nhân sự tồn tại của những cánh rừng cây gỗ với thành phần đa dạng về loài và cấu trúc thẳng đứng, đồng thời phục vụ công tác đánh giá khả năng tự hồi phục của rừng nhiệt đới sau thảm họa bởi tác động nhân sinh.
Phương pháp và đối tượng nghiên cứu
Từ năm 1989 đến năm 2008, nhóm tác giả của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tiến hành nghiên cứu hệ sinh thái rừng miền Nam Việt Nam. Qua kết quả khảo sát và nghiên cứu, đã xác định được đặc điểm thành phần khu hệ thực vật và cấu trúc thẳng đứng của rừng nhiệt đới nguyên sinh sinh trưởng ở các điều kiện tự nhiên khác nhau (độ cao, địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện thủy văn và khí hậu ở từng vùng). Trong quá trình nghiên cứu đã tìm hiểu đặc trưng sinh học của hệ cây thân gỗ, loài cây chính tạo nền tảng cho quần hệ rừng, cụ thể: chu kỳ thiên nhiên, các đặc trưng phân bố của quả và hạt, điều kiện để bào tử phát tán nảy mầm, phát triển thành cây giống và cây non. Với mục tiêu mang tính tổng hợp được đặt ra như trên, đã áp dụng các phương pháp có tính truyền thống hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu sinh thái học có tính đến đặc thù khi nghiên cứu rừng nhiệt đới. Để nghiên cứu tổ chức không gian rừng, đã sử dụng biểu đồ địa lý thực vật có các chi tiết mô tả điều tra đánh giá sự che phủ của rừng trên những diện tích mẫu rừng bất biến và tạm thời ở các quy mô khác nhau. Việc nghiên cứu cấu trúc lớp đất thổ nhưỡng và chế độ nước trong đất rừng đã được tiến hành có sử dụng các phương pháp truyền thống như: đào phẫu diện lớn và nhỏ, khoan lỗ thủng thổ nhưỡng. Đã quan sát chế độ tiểu khí hậu dưới những tán rừng. Bên cạnh đó, để phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, đã tham khảo có phân tích chọn lọc các tài liệu, bản đồ, ảnh tư liệu và phỏng vấn các nhân chứng - những người trực tiếp tham gia và chứng kiến các tác động của chiến tranh.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Để huỷ diệt thảm thực vật rừng nhiệt đới ở Việt Nam, trong hầu hết các trường hợp, quân đội Mỹ đều sử dụng chất diệt cỏ được tạo thành từ hỗn hợp axít diclorphenoxitaxetic (2,4 - D) và axit triclorphenoxitaxetic (2,4,6 - T) với tỷ lệ ngang nhau. Những loại chất diệt cỏ này thuộc nhóm hóa chất kích thích tăng trưởng mạnh. Chất diệt cỏ thấm sâu vào thực vật qua phiến lá, mầm và rễ cây. Hệ và thảm thực vật bị huỷ hoại biểu hiện qua các hình thái bên ngoài như héo úa, cong queo, vặn xoáy và các biến đổi khác về kích cỡ của lá và mầm.
Rừng ngập mặn sinh trưởng trong vùng nước triều cường ven biển ở phần cuối phía Nam của bán đảo Đông Dương và vùng châu thổ sông Mekong được xem là vùng bị tổn thương nhiều hơn cả. Một phần lớn lá cây bị rụng do tác động của chất diệt cỏ và lớp hoá chất rải rơi trên bề mặt của rễ khí sinh, rễ thường và rễ hô hấp dẫn đến sự phá huỷ nặng nề tình trạng cân bằng muối và gây diệt vong hàng loạt các loại cây gỗ. Dưới tác động của chất diệt cỏ một vùng rộng lớn rừng ngập mặn cũng đã bị hủy diệt. Hiện nay, trên khu vực trước kia từng là rừng đang được tiến hành độc canh bằng cách trồng các loại cây thân gỗ thuộc chi Đước Rhizophora.
Rừng cây gỗ họ Dầu Dipterocarpaceae (trong đó có rừng khộp) hình thành ở miền Nam Việt Nam chủ yếu trên địa hình bằng và khá bằng phẳng có độ cao 0 - 6m trên mực nước biển với đặc điểm đất có tính chất dẫn lưu kém. Đến nay, những cánh rừng như vậy được duy trì ở tỉnh Tây Ninh chỉ là những khoảnh rừng nhỏ (sát biên giới Campuchia). Những khoảnh rừng lớn chủ yếu trải rộng gần về phía vĩ độ cao hơn (Rừng Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Trong cấu trúc rừng cây gỗ họ Dầu có gần 40 loài cây thân gỗ; cấu trúc đơn giản và đặc trưng thường có 2 tầng cây, tầng trên phát triển tốt, tầng dưới bị phân mảnh (hình 1).
Hình 1: Sơ đồ mặt cắt của rừng cây gỗ họ Dầu
Ap - Aporusa, Bmb - Bombax, Br - Bridelia, But - Butea, D.in - D. intricatus, D.ob - Dipterocarpus obtusifolius, D.t - D. tuberculatus, Dill - Dillenia, Sh.o - Shorea obtusa, Sh.s - Shorea siamensis, Sind - Sindora, T - Đụn mối, T.al - Terminalia alata, Xl - Xylia.
Các loài ưu thế trội gồm: Dipterocarpus obtusifolius, D. tuberculatus, Shorea obtusa, S. siamensis (Dipterocarpaceae) và Terminalia alata (Combretaceae). Bên cạnh đó, còn ghi nhận các loài: Albizia chinensis, Bauhinia malabarica, Butea monosperma, Sindora siamensis, Xylia xylocarpa (Mimosaceae), Bombax anceps (Bombacaceae), Bridelia glauca (Euphorbiaceae), Careya arborea (Lecythidaceae), Cratoxylum cochinchinensis (Guttiferae), Dillenia pentaginata (Dilleniaceae), Schleicherea oleosa (Sapindaceae), Gardenia sootepensis, Morinda tomentosa, Mytrogyna rotundifolia, Neonauclea sessilifolia (Rubiaceae), Irvingia malayana (Irvingiaceae), Premna latifolia (Verbenaceae), Pterocarpus macrocarpus (Papilionaceae), Quercus kerri (Fagaceae), Spondias pinnata, Semecarpus sp. (Anacardiaceae), Strychnos nux-planda (Loganiaceae), Terminalia mucronata (Combretaceae), Vitex peduncularis (Verbenaceae). Đặc điểm nổi bật của rừng khộp là tầng cây thân thảo phát triển tốt với đại diện là Arundinaria pusila, có độ cao 0,5-1,5m, độ che phủ đạt 70-100%.
Những khu rừng khộp ở tỉnh Tây Ninh, thuộc vùng từng bị phun rải tập trung chất diệt cỏ và bom napan, đều đã bị huỷ diệt. Hiện nay trên diện tích rừng trước kia đều đã được canh tác bằng cây nông nghiệp hoặc cây thân gỗ phát triển nhanh thuộc các chi Acacia và Eucalyptus. Ở những vùng đất không được cải tạo đã hình thành những quần xã thực vật thân thảo với đại diện của họ Cỏ như Imperata cylindrica, Pennisetum cf. polystachyon và Themeda arundinacea chiếm ưu thế. Ở đây không diễn ra sự tái sinh của các cây thân gỗ và hồi sinh của những cánh rừng.
Trên những vùng đất feralite thoát nước tốt ở đồng bằng miền Nam Việt Nam, độ cao 30 - 70m so với mực nước biển đã hình thành những cánh rừng cây gỗ họ Dầu có thân cao với tổ chức không gian phức tạp, có từ 4 - 5 tầng (hình 2). Đặc trưng của rừng cây gỗ họ Dầu thân cao được xác định qua kết quả khảo sát ở những mảnh rừng ở Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An, nơi còn duy trì được cấu trúc nguyên sinh sau tác động của chất diệt cỏ (Kuznestov, 2003). Trong thành phần cấu tạo rừng có hơn 400 loại cây thân gỗ (trong số đó có 140 loài chủ đạo), hệ thực vật phong phú với các hình thái cây dây leo (hơn 130 loài), thực vật bì sinh và thực vật bán bì sinh.
Hình 2: Sơ đồ mặt cắt của rừng cây gỗ họ Dầu thân cao ở vùng đất sâu thoát nước
Acr - Acronychia, Agl - Aglaonema, Anc - Ancistrocladus, Ard - Ardisia, Bar - Barringtonia, Bau - Bauhinia, Buch - Buchanania, Cin - Cinnamomum, Cl - Calamus, Clph - Calophyllum, D.d - Dipterocarpus dyeri, D.t - Dipterocarpus turbinatus, Dios - Diospyros, Dis - Dischidia, Drn - Drynaria, El - Elaeocarpus, Eur - Eurycoma longifolia, Gar - Garcinia, Gon - Gonocaryum, Gr - Grewia, Irv - Irvingia, Kn - Knema, L - Lasianthus, Lag - Lagerstroemia, Le - Leea, Lic - Licuala, Lits - Litsea, Mang - Mangifera, Met - Metadina, Neph - Nephelium, Part - Parthenocissus, Pin - Pinanga, Plt - Platycerium, Pol - Polyalthia, Pot - Pothos, Psy- Psychotria, Pter - Pterospermum, Rh - Raphidophora, Rin - Rinorea, Sag - Sageraea, San - Sandoricum, Sap - Saprosma, Sc- Scaphium, Sh - Shorea, Ster - Sterculia, Syz - Syzygium, T - đụn mối, Tae - Taenitis, Tar - Tarrietia, Uv - Uvaria, Xr - Xerospermum, Zin - Zingiberaceae.
Phân tầng trên cùng (phân tầng 1) chiếm ưu thế với đại diện là loài Dipterocarpus dyeri (Dipterocarpaceae), độ cao của cây 40 - 55m. Phân tầng 2 hình thành từ những loài đồng trội thân gỗ họ Dipterocarpaceae như Dipterocarpus turbinatus, Shorea roxburghii, Anisoptera costata, Hopea odorata; những loài cây khác có: Irvingia malayana (Irvingiaceae), Mangifera cochinchinensis, Swintonia floribunda (Anacardiaceae), Parinari anamensis (Chrisobalanaceae), Lagerstroemia calyculata (Lythraceae) và Tarrietia javanica (Sterculiaceae). Phân tầng 3 gồm các loài cây thân gỗ được cấu thành từ hơn 30 họ khác nhau. Phân tầng 4 đại diện cơ bản là họ Annonaceae, Leсythidaceae, Myrtaceae và Icacinaceae, còn phân tầng 5 có họ Euphorbiaceae, Melastomataceae, Myrsinaceae, Rhizophoraceae, Rubiaceae và Violaceae. Tầng thân thảo bị phân mảnh dưới “bóng tối” của rừng.
Kết quả phân tích mẫu chất diệt cỏ cho thấy, rừng cây gỗ họ Dầu ở miền Nam Việt Nam bị tàn phá ở các mức độ khác nhau. Ngược lại, ở một số diện tích lớn của rừng vẫn duy trì được mô hình tổ chức không gian đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh. Để hiểu được hiện tượng này cần phải chú ý đến các vấn đề về hệ sinh học rừng và các khía cạnh sinh học của những loài cây chủ đạo trong rừng. Để có đối tượng so sánh, chúng tôi đã nghiên cứu các loại cây gỗ họ Dầu là loại cây gỗ ưa sáng, thân thẳng, có không gian thoáng khi cây còn ở độ cao thấp và đan sít nhau khi trưởng thành. Trong những quần thể thực vật rừng này, các loại cây được sinh trưởng từ hạt. Như đã xác định, cây gỗ họ Dầu giữ vai trò là loài lập quần. Sự khác biệt giữa các kiểu rừng được nhận biết qua mô hình tổ chức không gian của tầng cây gỗ (số tầng là 1-2 tầng đối với nhóm cây ưa sáng so với 4-5 tầng ở rừng trưởng thành, cây mọc đan sít nhau), qua thành phần cấu trúc và đa dạng hệ thực vật (cụ thể, những cây ở nhóm 1 thuộc 40 loài so với 400 loài cây ở nhóm 2), qua sự tồn tại của tầng cỏ mọc phát triển ở rừng sáng và mọc thành từng mảng ở những khu rừng kín. Ngoài ra, cũng quan sát thấy sự khác biệt về đặc điểm sinh học của các loại cây lập quần, sự khác biệt ở các vùng tiểu khí hậu rừng, ở sự cấu thành và cơ chế thủy văn của đất trồng.
Các nghiên cứu của chúng tôi cũng chứng minh rằng, ở các khu rừng có cấu trúc nhiều tầng phức tạp, thẳng đứng, lá phiến mỏng, cành nhánh, thân gỗ và lớp thảm mục khiến những cơn mưa nhỏ (lượng mưa từ 4 - 6mm) bị “chặn ngang” khi đi qua các tầng cây và đây là nguyên nhân ngăn cản sự xâm nhập của nước khí quyển vào trong đất. Có thể thấy, số lượng thể huyền phù của chất diệt cỏ phun rắc lên các tán cây thấp hơn 1mm (tương đương với mưa khí quyển), và về căn bản, trên lá, cành nhánh, vòm lá của 2 tầng trên cùng vẫn còn lượng thuốc lắng đọng lại. Có lẽ, chỉ ở những nơi “cửa sổ” của rừng, chất diệt cỏ mới có thể rơi lắng xuống tầng cây thấp nhất và lớp đất bề mặt. Do đó, khi nghiên cứu những khu rừng có cấu trúc phức tạp, sự thật chỉ ra là sự tiếp xúc của chất diệt cỏ với rễ cây là không thể. Hoàn toàn chỉ là sự tiếp xúc với các rễ mảnh, ưa hoạt động của cây ở tầng phía trên, do những rễ này bị mất đi theo mùa (vào mùa khô không bắt gặp nhóm rễ này). Nhờ bản năng của các kiểu rừng cây gỗ họ Dầu trưởng thành, sau mỗi đợt lá rụng, lớp lá mới được hình thành (tuy nhiên, qua quan sát, chúng thường bị ấu trùng loài bò sát ăn mất), lớp lá trên những cây to cũng bị rụng, trở nên ít hơn sau quá trình tự chống chọi lại chất diệt cỏ. Rõ ràng là những cây này bị yếu đi, tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp chúng không bị chết. Thời gian ẩm ướt kéo dài, sau mùa mưa đã tạo điều kiện cho quá trình phục hồi tình trạng các loại cây trên ở một mức độ nhất định.
Việc sử dụng chất diệt cỏ theo cách khác cũng có ảnh hưởng đến rừng cây gỗ họ Dầu ít tầng (tầng thấp). Do cấu trúc thẳng đứng đơn giản của rừng (1-2 tầng) và khoảng cách thưa giữa các cây, nên lượng chất diệt cỏ phun rải có điều kiện tiếp xúc tối đa lên các tán cây. Sau khi rụng lá, thân không còn chứa nhiều dưỡng chất để nuôi cây, rễ cây không ăn đến lớp đất ẩm, phần lớn những lá mới mọc không phát triển được, cây bị yếu đi và chết. Kết quả phỏng vấn những nhân chứng của chiến tranh tại các vùng bị phun rải chất diệt cỏ cũng chỉ ra như vậy.
Hình 3: Quá trình biến đổi rừng nhiệt đới
Các nghiên cứu thử nghiệm về chất diệt cỏ đối với thảm thực vật rừng được tiến hành kết hợp đốt bằng bom napan (mô phỏng thực tế). Tuy nhiên thí nghiệm đầu tiên có sử dụng bom napan để hủy diệt rừng nhiệt đới cây gỗ họ Dầu mọc dày đã cho thấy rừng không cháy, chính xác hơn là lửa không lan rộng trong rừng cây gỗ trưởng thành. Nguyên nhân là do cơ chế tiểu khí hậu ở tầng rừng thấp và trước hết là độ ẩm không khí cao (ở độ cao dưới 2m, quanh năm độ ẩm tương đối đạt trên 70% về ban ngày và đến ngưỡng 96 - 100% về chiều muộn và đêm). Ở các tầng gần mặt đất hầu như không có sự luân chuyển không khí. Chiếm vai trò quan trọng trong việc không để lửa lan rộng là do cây gỗ trưởng thành nói chung, cây gỗ họ Dầu nói riêng, có đặc tính cháy rất thấp.
Ở các rừng cây gỗ họ Dầu mọc thưa hơn, tình trạng xảy ra ngược lại. Tại đây bom napan kết hợp với chất diệt cỏ càng làm tăng mức độ nguy hiểm đối với rừng, thậm chí những khu rừng này còn sinh nhiệt một cách tự nhiên và các cây chỉ có khả năng chống chịu trước tác động của những đám cháy ngắn, ngọn lửa thấp. Sau khi tự xử lý chất diệt cỏ, cây bị rụng lá và không thể hồi phục, thậm chí bị yếu đi và chết. Số lượng cây chết ngày càng nhiều và dần lớn hơn số cây còn sống. Những cây khô dễ dàng bị bốc cháy khi bị tác động của bom napan. Các vết cháy từ nhựa trên thân cây và cành nhánh của cây gỗ dầu ở rừng sáng tạo thành những ổ lửa nhỏ gây cháy lớn. Ngọn lửa sẽ càng mạnh lên khi gặp gió, nhất là khi độ ẩm không khí thấp (≤ 50%), cỏ khô và lá rụng nhiều.
Những nhân tố tác động nêu trên chưa đủ điều kiện để những khu rừng có nhiều tầng tán, cấu trúc phức tạp chống chịu tốt với tác động của chất diệt cỏ. Bởi lẽ, nếu bị tác động nhiều lần kết hợp với sự phá hủy của bom napan thì chúng cũng bị hủy diệt. Kết quả khảo sát ở khu vực dọc một số trục giao thông có tính chiến lược trong thời gian chiến tranh đã minh chứng cho điều đó. Hơn nữa, theo lời kể của một số nhân chứng, ngọn lửa lan rất nhanh khi rừng bị “rót đầy” bom napan. Những khu rừng cháy sau đó được dọn sạch bằng máy đào và máy ủi. Đặc biệt, dọc các con đường loài cỏ Pennisentum polystachyon (Gramineae) đã được gieo trồng. Sau chiến tranh, khu vực này được dọn quang, đến thời điểm hiện tại nhiều nơi trong số đó đã được phủ bởi rừng trồng (một số loài cây có nguồn gốc từ Châu Úc như Acacia và Eucalyptus) và có xen lẫn cây lương thực, hoa màu. Những vùng đất chưa được cải tạo để làm đất trồng hiện vẫn đang bị cỏ phủ kín, trong số đó chủ yếu là các loại cỏ thân thảo giống lau, lúa. Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh, quá trình khôi phục, tái tạo rừng tại những vùng đất đã bị tàn phá trong chiến tranh (đất hoang) không hoàn toàn diễn ra theo quy luật tự nhiên. Các loại cỏ mọc chủ yếu ở đây là Imperata cylindrica, Pennisentum polystachyon và Themeda arundinacea (Poaceae), Eupatorium odoratum (Compositae) - tạo thành một quần thể bền vững.
Khả năng không thể phát triển hệ thực vật rừng ở khu vực trước kia từng là rừng có liên quan với sự thay đổi rõ rệt của chế độ tiểu khí hậu và kết cấu đất, cũng như gắn liền với đặc điểm sinh học của hệ thực vật rừng. Theo quan sát của chúng tôi, sau khi mất đi tấm chắn là các tán cây ở tầng cao (tầng 1 và 2), cây giống (tầng dưới) của các loại cây chủ đạo (độ cao khoảng 4-6m) bị yếu đi, còn lớp cây mầm và cây non thì bị chết. Cũng theo nguyên nhân này, khai thác trồng rừng ở những khu vực lộ thiên, nơi bề mặt đất dưới tác động trực tiếp của sức nóng mặt trời và nhiệt độ lên đến 50oC, bị xem như là không thể. Chúng tôi cũng ghi nhận, khi tấm chắn là lớp vòm cây bị mất đi, bề mặt đất sẽ bị thiêu đốt cùng với sức nóng của mặt trời và phải chịu tác động xói mòn do nước mưa. Điều này dẫn đến hiện tượng, chỉ qua 2 mùa mưa, tầng đất trên cùng bị phá hủy và tạo thành dòng chảy nhỏ tạm thời, còn trên bề mặt xuất hiện kết hạch laterite chứa oxit sắt. Dưới tác động của nhiệt độ cao, lớp laterite trên cùng có bề dày 3 - 5cm bị nung nóng và kết thành phiến cách điện bền vững, làm cho các loại rễ cây không thể xuyên qua được và tạo nên đặc tính không thấm nước.
Kết luận
Lấy điển hình là rừng nhiệt đới gió mùa ở miền Nam Việt Nam, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh, mặc dù rất đa dạng về thành phần và cấu trúc, sau khi rừng bị phá hủy toàn bộ không thấy có sự khôi phục, tái tạo lại của các loại thực vật rừng một cách tự nhiên. Do đó, rõ ràng là một sự trái ngược, nhưng điều kiện khí hậu nhiệt đới “thuận lợi” lại là nhân tố chủ yếu, trấn áp sự phát triển của hệ thực vật rừng.
Sự phá hủy hệ và thảm thực vật rừng dẫn đến việc hình thành quần thể cây thân thảo mang đặc điểm của thời kỳ thổ nhưỡng. Những quần thể thực vật như vậy không phải là đặc trưng của tự nhiên vùng đồng bằng Việt Nam. Cảnh quan trước kia được bao phủ bởi rừng, bị mất luôn lớp thực vật rừng nguyên sinh. Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh, những loại cây thân thảo mọc tại những khu vực này không thích hợp để chăn nuôi gia súc. Sử dụng đất để canh tác các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp và trồng rừng đòi hỏi có kiến thức khoa học chuyên môn để xây dựng những biện pháp kỹ thuật và ứng dụng chúng một cách thích hợp với môi trường sinh thái.
Tài liệu tham khảo
1. Bethel J. S., Turnbull., 1975: Military defoliation of Vietnam Forests //American forester, 81(1): 26-30, 56-61.
2. Phung Tuu Boi, Le Van Cham, 1994: The effects of herbicides on vegetation in forest of South Viet Nam// The 2nd International Symposium «Herbicides in War. The long-term effects on man and nature». Hanoi, С. 92-95.
3. Соколов В. Е, Шилова С.А. и др, 1996: Отдаленные биологические последствия войны в южном Вьетнаме. М. 239 с.
4. Кузнецов А. Н., 2003: Тропический диптерокарповый лес. М.: ГЕОС, 140 с.
5. Westing A. N., 1976: Ecological consequences of the Second Indochina War. Sipri Stockholm, Sweden. 119 p.
Kuznetsov A.N., Kuznetsova S.P., Phan Lương, Nguyễn Đăng Hội
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)