Nhìn cây lúa mượt mà, cứng cáp phát triển trên ruộng của ông út Hoai, nhiều nông dân ở xa đến tham quan không khỏi suýt xoa khen ngợi và tò mò đặt câu hỏi: “Ruộng có xịt nhện gié trong giai đoạn lúa từ 35-40 ngày không?”. Út Hoai thú thật: “Mùa này, áp lực sâu bệnh chung toàn vùng tương đối nhẹ nên tui chỉ phun xịt 1 lần thuốc trừ sâu cuốn lá thôi”. Rồi út Hoai giải thích: “Đúng ra nếu làm lúa hàng hóa thông thường thì không cần phun xịt gì cả, nhưng làm lúa giống nhìn vào phải đẹp mắt, nên tui buộc phải phun xịt để bảo quản chất lượng hạt giống”. Trong suốt vụ thu đông 2010, tính ra một lần phun thuốc trừ sâu cuốn lá của ông tốn tổng cộng 1.620.000 đồng, trong khi ở ruộng chung ấp Tây Bình của nông dân Nguyễn Hoàng Be thì chi phí này rất cao. Cùng sản xuất lúa giống, nhưng nông dân Nguyễn Hoàng Be (canh tác trên diện tích 3 hec-ta) đã phải phun thuốc trừ sâu đến 3 đợt. Anh Be nhận định: “Riêng rầy nâu xuất hiện đại trà, cánh đồng nào cũng có nên tui phải xử lý thuốc 1 lần ở giai đoạn lúa trổ đều”. Nếu cộng cả 2 thứ thuốc trừ rầy và thuốc trừ sâu lại thì anh Be tốn tổng cộng 3.960.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng cái khoản phun xịt thuốc hóa học trên đồng ruộng thì út Hoai tiết kiệm được 2.340.000 đồng.
Với chiều dài gần 2.000 mét dọc theo các bờ đê xương cá, ông út Hoai đều trồng các loài cây có hoa như: Mè, cúc ngũ sắc, hướng dương, đậu bắp, sao nháy. Trước ngày xuống giống lúa, vợ chồng đã lui cui tìm giống để trồng hoa. Ông nói: “Mùa này không cần chăm sóc nhiều, tuy nhiên lúc mới giâm cây thì nên bảo quản cho tốt. Nếu trời nắng nên tưới nước mỗi ngày một lần vào buổi chiều, còn trời mưa thì khỏe ru!”. Cây nào phát triển cũng tốt, thu hút nhiều thiên địch, đặc biệt cây đậu bắp cho thu hoạch trái mỗi ngày đến vài ký. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu An: “Tỉnh An Giang có nhiều thuận lợi vì chúng ta đã thực hiện và đã có kinh nghiệm trồng hoa sinh thái ở đồng ruộng nên vụ đông xuân tới đây sẽ có nhiều nông dân tự tìm hoa để trồng, giúp dẫn dụ thiên địch phòng trừ rầy nâu. Mong rằng, chương trình sẽ ngày càng được bà con hưởng ứng làm theo song song với chương trình “1 phải, 5 giảm”. Đây là tiến bộ kỹ thuật, giúp bảo vệ cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, đồng thời ít sử dụng thuốc trừ sâu tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân và bảo vệ được môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng. Qua đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân cùng thực hiện, hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.
Công nghệ sinh thái là thiết kế lại hệ thống ruộng lúa sao cho đa dạng hóa về thực vật và động vật, hay nói cách khác là làm cho các loài trong hệ sinh thái ruộng lúa được phong phú. Từ đó, tạo được chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong sự biến động nhưng cân bằng còn được gọi là dịch vụ sinh thái. Từ dịch vụ sinh thái này, các thiên địch sẽ tấn công các loài sâu hại và giữ mật số của dịch hại ở mức thấp nhất, không gây ra sự mất mát năng suất và chúng ta không cần phải xử lý thuốc trừ sâu. |