Xuôi theo quốc lộ 22 về huyện Củ Chi, chúng tôi rẽ vào một con đường lớn tiến về xã Trung An, một xã đang có những mô hình kinh tế đưa lại cuộc sống no đủ cho bà con nơi đây, trong đó có mô hình trồng ổi không hạt. Theo lời chỉ dẫn chúng tôi tìm đến vườn ổi không hạt của chị Đặng Thị Nhắc đúng lúc chị đang miệt mài bón phân cho vườn ổi của mình.
Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên má, chị Nhắc tâm sự: “Trồng ổi không hạt cũng vất vả lắm chú ạ, nhưng bù lại thì hiệu quả kinh tế cao nên dù vất vả bao nhiêu tôi cũng vui. Hiện gia đình đang trồng 2.000 gốc ổi, cho sản lượng trên 20 tấn/năm, bán với giá 12.000đ/kg trừ chi phí gia đình cũng lãi được trên 100 triệu đồng”. Chị Nhắc cho biết thêm, ổi không hạt được trồng kết hợp trong vườn du lịch sinh thái nên chủ yếu bán cho khách du lịch, phần còn lại thì mối lái đến mua tại vườn.
Đến mùa, khi ổi, chôm chôm và các loại trái cây cùng chín rộ cũng là lúc vườn du lịch sinh thái của chị Nhắc tấp nập đón khách du lịch, có ngày lên đến trên 200 lượt khách, với giá vé 20.000đ/lượt, gia đình chị thu về trên 4 triệu đồng.
Tương tự, hộ ông Đỗ Xuân Thành, ấp An Hòa cũng đang mở rộng diện tích ổi không hạt vì cho lợi nhuận cao. Tiếp chúng tôi trong bộ trang phục màu nâu giản dị, ông Thành cho biết, trước đây khi mới đưa giống ổi không hạt về trồng, do chưa biết áp dụng KHKT nên năng suất thấp, nhiều lúc ông định chặt bỏ đi trồng cây khác. “Nhưng được sự quan tâm của nhà nước trong dự án hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Tập đoàn ChinFon (Đài Loan), chúng tôi đã được tiếp xúc và áp dụng kỹ thuật mới của Đài Loan vào việc trồng ổi nên lợi nhuận đưa lại từ ổi không hạt là rất lớn” – ông Thành nói.
| “Hiện mô hình vườn du lịch sinh thái ở xã đã chứng minh được hiệu quả, thu nhập của bà con tăng 1,5- 2 lần so với trước. Hàng năm có đến 300 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan các vườn cây ăn trái của xã Trung An. Chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện để mô hình này được nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã, trong đó ổi không hạt sẽ là một trong những cây trồng chủ lực” – ông Ly nói. |
Hiện gia đình ông Thành có 200 gốc ổi không hạt cho trái quanh năm. Ông cũng dự định thời gian tới sẽ tiếp tục chiết cành làm giống để mở rộng thêm diện tích ổi không hạt. Gần đó, ông Lê Văn Hòa, một hộ đang trồng thử nghiệm ổi không hạt cho biết, lúc trước vườn của gia đình ông là vườn cây lâu năm già cỗi, nhưng từ khi được nhà nước hỗ trợ từ dự án nên ông đã cải tạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tạo vườn cũ để trồng thử ổi không hạt. “Hiện nay trên mảnh vườn của tôi có 600 gốc ổi đang bắt đầu cho thu hoạch. Tuy đây là lần thu hoạch đầu tiên, nhưng gia đình cũng dự đoán sẽ dư dả tiền ăn Tết và cho lợi nhuận để tiếp tục mở rộng thêm diện tích” - ông Hòa khẳng định.
Trao đổi với NNVN, ông Huỳnh Văn Huệ - Tổ trưởng tổ trái cây xã Trung An cho biết, nhờ chương trình hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Tập đoàn ChinFon cùng sự quan tâm của các cấp các ngành tạo điều kiện, giúp đỡ cho bà con phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng vùng nông thôn mới đã khiến cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng tăng cao. Đối với việc trồng ổi không hạt, đây là một mô hình được đánh giá đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây khác.
Theo ông Hồ Văn Thành Ly - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, mô hình du lịch kiểu miền Tây sông nước kết hợp vườn trái cây bắt đầu đã được hình thành, đưa lại hiệu quả thiết thực cho bà con trong xã. Hiện nay trái cây của xã Trung An có tới 80% được bán cho khách du lịch, trong đó ổi không hạt là những món quà mà bất cứ du khách nào đến thăm cũng tìm mua như một món đặc sản.