Đối với các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, vấn đề phát triển kinh tế xã hội là nhu cầu cần thiết đang được quan tâm nghiên cứu nhằm nâng cao đời sống và dân trí của người dân, hoà nhịp với sự phát triển chung của cả nước. Tả Phìn là xã miền núi cao thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai với tổng diện tích tự nhiên 32,54km2, dân số là 4030 người (2008). Do sự phức tạp về địa hình, khu vực này có điều kiện tự nhiên rất đa dạng. Thảm thực vật tự nhiên có sự phân hóa độc đáo về hình thái phát sinh, đặc điểm cấu trúc, phân bố trong không gian.
Trong bài viết này tác giả đề cập đến đặc điểm phân hoá thảm thực vật tự nhiên khu vực xã Tả Phìn. Kết quả nghiên cứu cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phân hoá thảm thực vật tự nhiên. Đó sẽ là cơ sở để sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu tác giả đã sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau:
Phương pháp điều tra tổng hợp.
Phương pháp thống kê.
Phương pháp khảo sát thực địa.
Phương pháp bản đồ và Hệ thông tin địa lí.
Trong đó, phương pháp điều tra tổng hợp và thống kê được sử dụng kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích trong phòng, thu thập các dự liệu liên quan để chỉ ra sự phân hoá lãnh thổ về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực nghiên cứu. Phương pháp khảo sát thực địa nhằm minh chứng và đính chính cho những nghiên cứu trong phòng. Bản đồ và Hệ thông tin địa lí được sử dụng như nguồn tư liệu trực quan, cụ thể hoá sự phân hoá theo không gian của đối tượng nghiên cứu một cách rõ nét nhất.
Kết quả nghiên cứu
Các điều kiện sinh thái phát sinh thảm thực vật tự nhiên
Địa hình
Khu vực nghiên cứu chủ yếu là núi ở độ cao 1000 - 2437m, thuộc sườn đông của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Một vài thung lũng hẹp dọc theo suối Mống Sến theo hướng đông bắc - tây nam, rộng 200 - 300m. Bao quanh khu vực là các núi đá phiến sét, đá vôi cao 1400 - 1600m, phía tây và đông nam có các núi đá granit cao 2000 - 2200m.
Ảnh hưởng của địa hình đến thảm thực vật thể hiện sự thay đổi nhiệt ẩm theo độ cao tạo điều kiện hình thành các đai thực vật, đai đất theo độ cao. Nhiệt độ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cây thuộc khu hệ thực vật Hymalaya ở phía Bắc di cư xuống cũng như các loài thuộc khu hệ bản địa Đệ Tam cư trú và sinh trưởng. Hệ thống núi ở khu vực có hướng chắn ngang luồng gió, đường dông và đỉnh như là các cửa thoát gió. Gió ở đây thường rất mạnh, tăng cường sự thoát hơi nước, cũng như hạn chế kích thước các cây. So với các sườn núi có cùng độ cao thì tại đường dông và đỉnh núi, các loài chịu lạnh, khô, chịu gió mạnh thường nhiều hơn và có kích thước kém hơn.
Khí hậu
Sự phân hoá không gian của khí hậu tạo nên sự đa dạng của các kiểu thảm thực vật. Khu vực dưới 1600m thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi mát (15 - 200C), biên độ nhiệt ngày trung bình (7 - 90C), mưa vào mùa hè - thu với độ dài trung bình, mùa khô ngắn. Đặc trưng cho khí hậu này là rừng kín cây lá rộng thường xanh á nhiệt đới ẩm trên đất địa đới sâu dày, thoát nước tốt. Khu vực có độ cao trên 1600m thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi lạnh (< 150C), biên độ nhiệt ngày nhỏ (5 - 70C), mưa mùa hè - thu đông dài (8 tháng), mùa khô ngắn (2 tháng). Đặc trưng cho khí hậu này là rừng kín cây lá rộng (hoặc hỗn giao cây lá kim) thường xanh ôn đới ẩm trên đất địa đới sâu dày, thoát nước tốt.
Thổ nhưỡng
Lớp phủ thổ nhưỡng có sự phân hoá theo đai cao:
Từ 700 đến 1600m, phổ biến là nhóm đất mùn đỏ vàng trên núi, nhiệt độ giảm làm chậm quá trình phân giải các sản phẩm chết của thực vật, tạo ra chất hữu cơ thô chua, hàm lượng chất hữu cơ cao, từ 4 đến 10%.
Trên 1600m, nhiệt độ giảm, mưa nhiều, độ dốc lớn, rửa trôi xói mòn mạnh, vỏ phong hoá mỏng, chất hữu cơ nhiều đẩy mạnh quá trình hydrat hoá làm tăng khả năng di động của oxít sắt, đất được xếp vào nhóm đất mùn alit núi cao (Humic Alitsols).