Điều tra thành phần cỏ dại là một trong các hợp phần của Dự án “Điều tra cơ bản thành phần sinh vật hại trên một số cây trồng chính và sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch chủ yếu ở Việt Nam” (2006-2010) do Viện Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện nhằm phục vụ mục đích hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta về lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa. Tính đến nay, Bình Thuận đã có 10.578ha Thanh long, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 9.000ha. Tổng sản lượng năm 2006 đạt 130.000 tấn, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Khoảng 80% tổng sản lượng Thanh long được tiêu thụ tại thị trường trong nước, còn lại được xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là đặc khu hành chính Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan, Xingapo, Thái Lan, Trung Quốc... và bước đầu đã thâm nhập vào thị trường Đức, Hà Lan và Mỹ. Bài viết này cung cấp những kết quả điều tra về thành phần cỏ dại có trong các vườn Thanh long ở Bình Thuận do Viện Bảo vệ thực vật thực hiện trong 2 năm 2008 và 2009.
Phương pháp nghiên cứu
Việc điều tra và thu thập thành phần cỏ dại trên đất trồng cây Thanh long ở tỉnh Bình Thuận được tiến hành theo phương pháp điều tra ngẫu nhiên theo tuyến. Đánh giá mức độ phổ biến của các loài cỏ dại trên đồng ruộng, chụp ảnh, thu thập mẫu vật và mô tả đặc điểm của chúng. Mẫu vật đã thu thập được làm tiêu bản khô theo phương pháp ép khô hoặc luộc mẫu trong dung dịch axít acetic (CH3COOH) và sunphat đồng (CuSO4). Giám định tên cây theo các tài liệu của Phạm Hoàng Hộ (1999), Nguyễn Khắc Khôi (2000), Lê Kim Biên (2000), Đỗ Tất Lợi (2006) và Suk Jin Koo et al. (2000).
Kết quả nghiên cứu
Thành phần cỏ dại trong vườn Thanh long ở tỉnh Bình Thuận đã được điều tra thu thập tại 8 xã trong tháng 8 năm 2008 và tháng 9 năm 2009. Trong đó có 4 xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam (gồm Hàm Kiệm, Hàm Cường, Tân Lập và Hàm Mỹ), 3 xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (gồm Hàm Chính, Hàm Đức và Hồng Sơn) và 1 xã (Phong Nấm) thuộc thành phố Phan Thiết. Kết quả cho thấy có 124 loài cỏ dại thuộc 32 họ thực vật gây hại trong các vườn Thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Các họ thực vật có số loài nhiều gồm họ Hòa thảo Poaceae (23 loài chiếm 18,55% tổng số loài thu được), họ Lác - Cyperaceae (15 loài chiếm 12,10%), họ Đậu - Leguminosaceae (14 loài chiếm 11,29%), họ Cúc - Asteraceae (8 loài chiếm 6,45%), họ Dền - Amarathaceae (8 loài chiếm 6,45%), họ Bụp - Malvaceae (7 loài chiếm 5,65%), họ Thầu dầu - Euphorbiaceae (6 loài chiếm 4,84%) và họ Bìm - Convollaceae (5 loài chiếm 4,03%). Đa số các họ còn lại thường chỉ có từ 1-2 loài (bảng 1). Có 8 loài được xem là đối tượng gây hại nguy hiểm cần phòng trừ gồm Thài lài trắng (Commelina diffusa Burm.f.); Cói hoa xanh (Cyperus compressus L.); Cỏ lác mỡ (Cyperus iria L.); Cỏ gấu (Cyperus rotundus Linn); Lồng vực cạn (Echinochloa colona (L.) Link.); cây Cứt lợn (Ageratum conyjoides L.); cây Trinh nữ bò (Mimosa pudica L.); Rau mương đứng (Ludwigia octovalvis (Jacq.) Raven.).
Bảng 1. Thành phần các loài cỏ dại trong vườn Thanh long ở Bình Thuận

Ghi chú: + rất ít, tần suất bắt gặp dưới 25%; + + ít, tần suất bắt gặp 25 – 50%; + + + nhiều, tần suất bắt gặp 51-75%; + + + + rất nhiều, tần suất bắt gặp trên 75%; * loài đặc biệt quan trọng về mức độ gây hại.
Kết luận
Đã xác định được 124 loài cỏ dại thuộc 32 họ của 21 bộ thực vật gây hại trong các vườn Thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Trong đó có 8 loài gây hại quan trọng cần được phòng trừ gồm Commelina diffusa Burm.f.; Cyperus compressus L.; Cyperus iria L.; Cyperus rotundus Linn; Echinochloa colona (L.) Link.; Ageratum conyjoides L.; Mimosa pudica L. và Ludwigia octovalvis (Jacq.) Raven. Cần tiếp tục điều tra thành phần cỏ dại trong các vùng trồng Thanh long tập trung ở các tỉnh, thành khác trong cả nước để hoàn thiện danh lục cỏ dại hại Thanh long ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Kim Biên, 2000: Thực vật chí Việt Nam. Quyển 7. Họ Cúc Asteraceace Dumort. NXB. Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. 724 tr.
2. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam. Quyển I-III . NXB. Trẻ Tp. Hồ Chí Minh.
1. Nguyễn Khắc Khôi, 2000: Thực vật chí Việt Nam. Quyển 3. Họ Cói Cyperaceae Juss. NXB. Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. 570 tr.
2. Đỗ Tất Lợi, 2006: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội. 1274 tr.
3. Suk Jin Koo, Yong Woong Knon, Dương Văn Chín, Hoàng Anh Cung, 2000: Cỏ dại phổ biến tại Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. 291 tr.
Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Kim Hoa, Trần Thanh Tháp
Viện Bảo vệ Thực vật
Trần Thị Hường
Viện Môi trường Nông nghiệp
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)