Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > CỔ TRUYỀN

Riềng ôn trung giảm đau

Cập nhật ngày 13/3/2011 lúc 9:33:00 PM. Số lượt đọc: 2869.

Củ riềng còn gọi là Cao lương khương (khương là gừng, còn Cao Lương tức là gừng mọc ở đất Cao Lương - Trung Quốc nên có tên này) hay quả hột riềng, phong khương, tiểu lương khương, có khá (Thái), kìm sung (Dao).

Là loại cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi và một số nước nhiệt đới ở châu Á. Riềng ưa ẩm, râm, song không chịu được úng. Là thức được dùng làm gia vị, còn dùng làm thuốc trị bệnh.

Cây riềng có tên khoa học là: Languas officinarump thuộc họ Gừng: Zingiberaceae, là loại cây nhỏ, thân rễ mọc bò ngang, dài. Cụm hoa mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một màu xanh, một màu trắng. Lá không cuống, có bẹ, hình mác dài.
Có tác dụng dược lí như gây giãn mạch trên mạch máu cô lập và chống co thắt cơ trên ruột, có thể làm lành các vết loét, có thể thay đổi một số thành phần trong thải lọc máu.

Đông y cho rằng riềng có vị cay tính ấm, thơm, đi vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, làm ấm bụng, làm thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, chữa đầy hơi,dùng chữa nôn mửa nấc, chống khí lạnh tiêu thức ăn chữa đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét do hàn hoặc sốt rét sốt nóng, đau răng, các chứng trúng gió, làm ấm tỳ kể cả đi lỵ lâu ngày, thổ tả, chuột rút, hắc lào hoặc lang ben... đặc biệt riềng bánh tẻ dùng ngậm chữa viêm thanh quản (khàn tiếng) rất tốt.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ (củ) phơi khô. Cách bào chế đơn giản. Người ta đào rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi cắt thành từng đoạn 2 – 3cm, phơi khô. Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền.

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy riềng có thành phần hóa học là tinh dầu vào khoảng 1%, có mùi thơm của long não, chủ yếu có chất xineola và metylxinnamat. Ngoài ra, còn có chất dầu vị cay gọi là galangola được dùng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi...Để tham khảo và áp dụng dưới đây xin nêu những cách trị liệu bệnh từ củ riềng như sau.

  • Chữa đau bụng lạnh, nôn mửa, tiêu chảy: Củ riềng và củ gấu có lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6g, ngày uống 3 lần.
  • Chữa tiêu chảy:
    - Riềng, Củ gấu, gừng khô, sa nhân, trần bì, lượng bằng nhau, tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g.
    - Riềng: 200g, quế:120g, hậu phác: 80g, tán khô. Sắc uống mỗi lần 12g.
    - Riềng: 20g, nụ sim: 80 g, vỏ gối: 60g. Dùng dạng bột hoặc viên ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.
  • Chữa sốt rét cơn, ăn không tiêu, buồn nôn hoặc đau bụng thổ tả: Hạt riềng tán nhỏ, uống 6 – 10g ngày.
  • Chữa sốt rét kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trừ đảm hòa vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15 – 20 viên. Hoặc chữa cảm sốt, sốt rét kém ăn: Lấy quả riềng tán nhỏ, uống ngày 6 – 10g.
  • Chữa sốt rét: Bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 – 20 viên.
  • Chữa ho viêm họng, tiêu hóa kém: Củ riềng thái lát mỏng, muối chua. Mỗi khi sử dụng ngâm với vài hạt muối rồi nhai nuốt dần.
  • Chữa đau tức xối lên tim, toát mồ hôi lạnh, xuyến thở: Dùng riềng, ô dược (ngâm rửa với rượu một đêm sao khô), tiểu hối hương, thanh bì lượng bằng nhau, uống ngày 2 lần, mỗi lần 4g.
  • Chữa hắc lào, lang ben: Củ riềng già 100g, giã nát ngâm trong 200ml rượu hoặc cồn 70 độ, chiết ra lấy dung dịch này bôi vào nơi hắc lào, ngày bôi vài lần.. Hay Củ riềng thật già, thái lát, ngâm với rượu 90 độ, càng lâu càng tốt, bôi ngày vài lần. Hoặc: Củ riềng già, chuối xanh và một chút vôi bột, bôi trị hắc lào cũng rất hay.
  • Chữa lang ben: Củ riềng 100g, lá và củ chút chít 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh, đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày.
  • Chữa đau bụng do lạnh: Củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2 – 4ngày.
  • Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 5g. Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
  • Chữa phong thấp: Riềng, vỏ quýt, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày.
  • Trị chứng đầy bụng, khó tiêu: Riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần. Ngày dùng 2 – 3 lần.
  • Chữa đau dạ dày do hư hàn (Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm): Củ riềng, hương phụ mỗi vị 8g, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, ô dược 10g, đinh hương 7g, sa nhân 4g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.
  • Chữa đau dạ dày cấp: Đau đớn khó chịu, nôn oẹ, ăn uống kém. Dùng các vị sau: cao lương khương (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g. Sắc uống ngày một thang.
  • Chữa chứng đau dạ dày: Đau dữ dội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng. Dùng thang gia vị thược dược cam thảo: Bạch thược sao 30g, cam thảo chích 10g, cao lương khương 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024