Vườn Quốc gia Pù Mát được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Trong số đó có nhiều loài quý hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng. Riêng về thực vật đã có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và danh sách thực vật bị đe doạ trên thế giới cần được bảo tồn.
Hầu hết các diện tích rừng nguyên sinh còn sót lại ở Vườn Quốc gia Pù Mát được phân bố ở độ cao từ 900m đến 1.841m. Chính vì vậy ở khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với đa dạng sinh học của Vườn cũng như ý nghĩa về công tác bảo tồn, đặc biệt là đa dạng của hệ thực vật núi cao. Do đó, việc đánh giá tính đa dạng thực vật núi cao phục vụ cho công tác bảo tồn là điều rất cần thiết.
1. Đa dạng các taxon trong ngành
Sự phân bố của các taxon trong các ngành thực vật núi cao Vườn Quốc gia Pù Mát được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 1.Sự phân bố các ngành trong hệ thực vật núi cao VQG Pù Mát
STT | Ngành thực vật | Họ | Chi | Loài |
Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % |
1 | Lycopodiophyta | 2 | 1,8 | 3 | 1,2 | 6 | 1,1 |
2 | Equisetophyta | 1 | 0,9 | 1 | 0,4 | 1 | 0,2 |
3 | Polypodiophyta | 11 | 9,8 | 23 | 9,0 | 36 | 6,6 |
4 | Gymnospermae | 4 | 3,6 | 7 | 2,7 | 7 | 1,3 |
5 | Angiospermae | 94 | 83,9 | 222 | 86,7 | 492 | 90,8 |
| Tổng cộng | 112 | 100 | 256 | 100 | 542 | 100 |
Qua kết quả bảng 1 chúng ta thấy, hệ thực vật núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát khá phong phú và đa dạng với sự xuất hiện của 5/6 ngành chính của thực vật bậc cao có mạnh. Sự phân bố của các taxon trong các ngành không đồng đều, chủ yếu tập trung trong ngành hạt kín (Angiospermae) với 492 loài (chiếm 90,8%), 222 chi (chiếm 86,7%) và 94 họ (chiếm 83,9%) tổng số các loài, chi và họ của toàn hệ. Dương xỉ (Polypodiophyta) là ngành chiếm vị trí tương đối với 36 loài (6,6%), 23 chi (9,0%), 11 họ (9,8%) tổng số các loài, chi và họ toàn hệ. Đặc biệt chúng ta thấy, ngành Equisetophyta chỉ có duy nhất 01 họ, 01 chi và 01 loài. Đây là ngành có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn và cần phải có những ưu tiên để bảo vệ.
So sánh 05 ngành thuộc hệ thực vật núi cao với toàn bộ khu hệ thực vật Vườn Quốc gia Pù Mát chúng ta thấy kết quả như sau:
- Hệ thực vật núi cao có 5 ngành/6 ngành của toàn Vườn. Đặc biệt trong đó ngành Equisetophyta có số họ, số chi và số loài đại diện cho bộ hệ thực vật của Vườn.
Bảng 2. So sánh hệ thực vật núi cao với hệ thực vật VQG Pù Mát
Ngành | Họ | Chi | Loài |
Núi cao | Toàn Vườn | Núi cao | Toàn Vườn | Núi cao | Toàn Vườn |
Psilotophyta | | 1 | | 1 | | 1 |
Lycopodiophyta | 2 | 2 | 3 | 3 | 6 | 18 |
Equisetophyta | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
Polypodiophyta | 11 | 24 | 23 | 69 | 36 | 149 |
Gymnospermae | 4 | 7 | 7 | 12 | 7 | 16 |
Angiospermae | 96 | 167 | 222 | 845 | 492 | 2309 |
Tổng cộng | 112 | 202 | 256 | 927 | 542 | 2492 |
- Đối với ngành Lycopodiophyta: Số họ, số chi của hệ thực vật núi cao đều bằng với số chi, số họ toàn Vườn và số lượng họ và chi cũng rất ít chỉ có 02 họ và 03 chi. Số lượng loài bằng 30,33% so với tổng số loài của hệ thực vật toàn Vườn.
- Đối với ngành Polypodiophyta và Gymnospermae: Số họ chiếm 45,83-51,17%, số chi chiếm từ 33,33-58,33%, số loài chiếm từ 24,16-43,75% so với số họ, số chi và loài của hệ thực vật toàn Vườn.
- Sự khác biệt lớn nhất chỉ thể hiện ở số lượng loài trong ngành Angiospermae. Số lượng loài chỉ chiếm 21,31% so với hệ thực vật toàn Vườn.
Đa dạng về phân loại các taxon dưới ngành
Bảng 3. Các họ đa dạng nhất
STT | Họ | Số chi | Số loài |
1 | Rubiaceae | 13 | 33 |
2 | Melastomataceae | 10 | 19 |
3 | Lauraceae | 9 | 29 |
4 | Euphorbiaceae | 8 | 16 |
5 | Orchidaceae | 8 | 12 |
6 | Theaceae | 6 | 19 |
7 | Loranthaceae | 6 | 6 |
8 | Papilionoidae | 5 | 7 |
9 | Myrsinaceae | 5 | 26 |
10 | Ericaceae | 5 | 28 |
| Tổng | 75 | 223 |
Qua kết quả ở bảng 3 cho thấy 10 họ có số chi từ 5 chi trở lên và chiếm 29,30% tổng số chi của hệ thực vật núi cao (75 chi/256 chi). Trong đó có 03 họ đa dạng nhất có từ 09 chi trở lên là: họ Cà phê (Rubiaceae) 13 chi, họ Mua (Melastomataceae) 10 chi và họ Long não (Lauraceae) 9 chi. Có 7 họ có từ 16 loài trở lên là: Cà phê (Rubiaceae), Long não (Lauraceae), họ Đỗ quyên (Ericacea), họ Đơn nem (Myrsinaceae), họ Chè (Theaceae), họ Mua (Melastomataceae), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae).
Họ Cà phê (Rubiaceae) là họ đa dạng nhất về số chi và số loài trong hệ thực vật núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát.
Đa dạng sinh học nguồn gen có ích và mức độ bị đe doạ
Đa dạng nguồn gen có ích
Bảng 4. Nhóm loài cây có ích
STT | Công dụng | Số lượng loài | Tỷ lệ (%) |
1 | Nhóm cây làm thuốc | 141 | 26,0 |
2 | Nhóm cây lấy gỗ | 119 | 22,0 |
3 | Nhóm cây làm cảnh | 32 | 5,9 |
4 | Nhóm cây có thể làm thức ăn cho người hoặc cho gia súc | 22 | 4,1 |
5 | Nhóm cây làm đồ thủ công, mỹ nghệ | 5 | 0,9 |
6 | Nhóm cây xây dựng | 4 | 0,7 |
7 | Nhóm cây cho tinh dầu | 3 | 0,6 |
8 | Nhóm cây cho sợi | 1 | 0,2 |
9 | Nhóm cây có công dụng tiềm năng | 215 | 39,6 |
| Tổng cộng | 542 | 100 |
Qua kết quả ở bảng trên chúng ta thấy nhóm cây làm thuốc chiếm vị trí rất quan trọng 26,0%, tiép theo là các nhóm cây lấy gỗ (22,0%), cây làm cảnh (5,9%), Cây làm thức ăn cho người và gia súc (4.1%) và các nhóm cây khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Đặc biệt chúng ta thấy nhóm cây tiềm năng chiếm tỷ lệ rất lớn (39,6%) chứng tỏ hệ thực vật núi cáo ở Vườn Quốc gia Pù Mát đang chứa đựng nhiều giá trị tiềm tàng và cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để đánh giá hết các giá trị của nó.
Bảng 5. Nhóm cây bị đe doạ
STT | Tên Việt Nam | Tên khoa học | Họ | Mức độ |
1 | Pơ mu | Fokienia hodginsii | Cupressaceae | EN |
2 | Sa mu dầu | Cunninghamia konishii | Taxodiaceae | VU |
3 | Vàng tâm | Manglietia fordiana | Magnoliaceae | VU |
4 | Sến mật | Madhuca pasquieri | Sapotaceae | EN |
5 | Khôi trắng | Ardisia sylvestris | Myrsinaceae | VU |
6 | Mã tiền lá bóng | Strychnos nitida | Loganiaceae | EN |
7 | Mã tiền lông | Strychnos ignatii | Loganiaceae | VU |
8 | Kim cang nhiều tán | Smilax elegantissima | Smilacaceae | VU |
9 | Kim cang petelot | Smilax petelotii | Smilacaceae | CR |
Về nhóm cây có nguy cơ bị tiêu diệt, theo Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật, 2007) đã thống kê được hệ thực vật núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát có 9 loài (chiếm 1,66% tổng số loài) thực vật bậc cao có mạnh thuộc hệ thực vật núi cao cần bảo vệ và có danh sách ưu tiên: Pơ mu (EN), Sa mu dầu (VU), Vàng tâm (VU), Sến mật (EN), Khôi trắng (VU), Mã tiền bóng (EN), Mã tiền lông (VU), Kim cang nhiều tán (VU), Kim cang petelot (CR) (bảng 5).
4. Đa dạng về dạng sống
Bảng 6. Số lượng và tỷ lệ % nhóm dạng sống
Dạng sống | Ph | Ch | Hm | Cr | Th | Tổng |
Số loài | 474 | 17 | 36 | 5 | 10 | 542 |
Tỷ lệ | 87,5 | 3,1 | 6,6 | 1,0 | 1,8 | 100 |
Nhóm dạng sống chồi trên chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong hệ thưc vật núi cao Vườn Quốc gia Pù Mát với 87,5%. Các nhóm dạng sống khác có tỷ lệ khá thấp và tương đối đồng đều nhau. Phổ dngj sống của khu hệ thực vật núi cao Vườn Quốc gia Pù Mát được thiết lập như sau:
SB = 87,5Ph + 3,1Ch + 6,6Hm + 1,0Cr + 1,8Th
Trong nhóm cây chồi trên chúng ta thấy các nhóm nhỏ phân bố tương đối đều nhau:
Bảng 7. Tỷ lệ của các dạng sống nhóm cây chồi trên
Dạng sống | Meg | Mes | Mi | Na | Lp | Ep | Pp | Tổng |
Số loài | 66 | 77 | 118 | 85 | 75 | 36 | 17 | 474 |
Tỷ lệ | 13,92 | 16,24 | 24,89 | 17,93 | 15,82 | 7,59 | 3,59 | 100 |
Trong đó, nhóm dạng sống cây nhỏ co chồi trên đât (Mi) chiếm tỷ lệ cao nhất (24,89%); các nhóm cây gỗ lớn cao trên 30m (Meg), cây gỗ lớn có chồi trên đất cao 8-30m (Mes), cây có chồi trên đất lùn dưới 2m (Na), cây chồi trên đất leo cuốn (Lp) có tỷ lệ gần bằng nhau giao động từ 13,92% - 17,92%. Tỷ lệ các loài cây có chồi trên đất sống nhờ và sống bám có tỉ lệ tương đối cao với 7,59%. Điều nỳ hoàn toàn hợp lý, vì ở độ cao 900m trở lên là giới hạn chuyển giao của kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh á ẩm nhiệt đới. Ở các đai cao này, chiều cao của rừng thường có xu hướng giảm, độ ẩm cao nên các loài cây dây leo cuốn, cây sống nhờ và sống bám phát triển mạnh. Do đó, tỷ lệ các loài cây này chiếm ưu thế tương đối so với nhóm cây gỗ tầng trên.
Một số giải pháp bảo tồn hệ thực vật núi cao Vườn Quốc gia Pù Mát
Qua các kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, hệ thực vật núi cao ở Vườn Quốc gia Pù Mát có vai trò rất quan trọng đối với tính đa dạng sinh học của Vườn. Đặc biệt hệ thực vật núi cao có nhiều loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryi)… có những ngành thực vật mà số họ, số chi và số loài đại diện cho toàn bộ hệ thực vật của Vườn như ngành Psilotophyta. Sự phân bố của các loài thực vật núi cao thường gắn liền với sinh cảnh của khu vực. Do đó để bảo tồn được đa dạng sinh học của hệ thực vật núi cao, chúng ta phải bảo vệ được sinh cảnh sống của chúng. Hiện nay, sự tác động của con người đến vùng núi cao Pù Mát chưa nhiều, nhưng một số loài thực vật có giá trị cao như: Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu (Cunninghamia konishii), Vàng tâm (Manglietia fordiana), Kim giao (Nageia fleuryi)…vẫn đang bị săn lùng và khai thác trộm bằng các hình thức nhỏ lẻ và khá tinh vi. Vì vậy, những loài này đang bị đe doạ thực sự. Mặt khác, với sự tác động của phát triển kinh tế xã hội, áp lực nhu cầu gỗ ngày càng tăng đang là mối đe doạ nghiêm trọng đến đa dạng của hệ thực vật Vườn Quốc gia Pù Mát nói chung và hệ thực vật núi cao nói riêng. Do đó, để bảo tồn tốt đa dạng sinh học ở khu vực này chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu.
Các giải pháp bảo tồn đa dạng hệ thực vật núi cao tại Vườn Quốc gia Pù Mát:
- Công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thưc: Tăng cường giáo dục cộng đồng dân cư sống trong vườn và vùng đệm về công tác bảo tồn, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng để người dân nắm được; vận động người dân tham gia vào bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát thông qua các hình thức chia sẽ trách nhiệm và quyền lợi thu được từ các hoạt động bảo tồn. Thông qua sự tham gia đó thì nhận thức của người dân được tăng lên.
- Công tác quản lý bảo vệ rừng: Ưu tiên bố trí lực lượng làm công tác trực tiếp QLBVR ở các trạm, đặc biệt là các trạm QLBVR Khe Thơi, Tam Đình, Tam hợp nơi mà người dân dễ dàng tiếp cận được với các hệ sinh thái núi cao; Tăng cường công tác tuần tra để kịp thời nắm bắt các hoạt động khai thác trái phép vào rừng; phối hợp với chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng để truy quét các hoạt động khai thac, buôn bán vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn, đặc biết là khu vực Tây Bắc thuộc xã Tam hợp, huyện Tương Dương; xây dựng hương ước quản lý bảo vệ rừng trong thôn bản và giám sát thực thi việc thực hiện.
- Quản lý và phát triển kinh tế ở vùng đệm: Phối hợp với chính quyền và các Hạt kiểm lâm xử lý nghiêm túc các hoạt động vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn vùng đệm; xây dựng các dự án phát triển kinh tế vùng đệm, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế cho người dân nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân; xây dựng cơ chế chia sẽ lợi ích từ công tác bảo tồn và lôi kéo sự tham gia của người dân vào công tác bảo tồn.
- Về công tác bảo tồn:
+ Xây dựng chiến lược bảo tồn và xác định các loài quý hiếm ưu tiên bảo tồn.
+ Bảo tồn nguyên vị (in-situ): Đây là giải pháp bảo tồn có tính khả thi lớn ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Tính đa dạng của hệ thực vật núi cao có quan hệ mật thiết với sinh cảnh và hệ sinh thái. Do đó, để bảo vệ tính đa dạng của hệ thực vật núi cao, chúng ta cần phải quan tâm bảo vệ sinh cảnh và hệ sinh thái của khu vực này.
+ Bảo tồn chuyển vị (ex-situ): Đây là giải pháp mang tính định hướng, bằng việc nhân giống vô tính (bằng hom) hoặc gieo ươm hạt một số loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao để trồng trong vườn thực vật ngoại vi. Tuy nhiên, để thực hiện thành công giải pháp này cần có những nghiên cứu chuyên sâu.
Tài liệu tham khảo
1. Võ Văn Chi, 1997: Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học. Tp. Hồ Chí Minh.
2. Dự án SFNC Nghệ An (Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Nghệ An: Ala/Vie/94/23/ do cộng đồng Châu Âu tài trợ), 2001: Pù Mát. Điều tra đa dạng sinh học của một khu bảo vệ ở Việt Nam. NXB. Lao động Xã hội.
3. Trần Đình Lý, 1993: 1900 loài cây có ích. NXB. Thế giới. Hà Nội.
4. Phạm Hoàng Hộ, 1991-1993: Cây cỏ Việt Nam, 3 tập, 6 quyển. Montréal.
5. Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000: Cây cỏ Việt Nam, tập 1-3. NXB. Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh.
6. Thin, N. N., 1998: Diversity of Flora and Vegetation of Pumat natural reserve, Con Cuong district, Nghe An province.
7. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thanh Nhàn, 2005: Đa dạng thực vật Vườn Quốc gia Pù Mát. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Sinh
Vườn Quốc Gia Pù Mát
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)