Hằng năm, các cù lao được bồi đắp một lượng phù sa rất lớn làm cho đất đai trở nên màu mỡ, vườn cây ăn trái phát triển tươi tốt quanh năm. Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên: sông nước mênh mông, trên cù lao vườn cây trái bạt ngàn, hệ thống những mương rạch quanh co với hai bên là bần và dừa nước, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Vườn nhà ở cù lao, không những đem lại nguồn lợi kinh tế cho cư dân nơi đây bằng nguồn thu từ sản phẩm nông ngư nghiệp, mà việc kết hợp phát triển dịch vụ du lịch hợp lý trên mảnh vườn cây ăn trái, tận dụng thời gian nông nhàn, đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho một số hộ nhà vườn thực hiện mô hình này.
Do vậy, việc nghiên cứu hệ sinh thái và môi trường vườn ở cù lao Thới Sơn và cù lao Tân Long là bước đi cần thiết để góp phần vào việc xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch bền vững, nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế vườn nhà ở cù lao, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, ổn định về mặt kinh tế cho cư dân nông thôn, giúp người nông dân an tâm xây dựng mô hình vườn thích hợp, đồng thời đề ra một số giải pháp cho sự phát triển du lịch bền vững của điểm đến cù lao Thới Sơn và Tân Long.
Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu hệ sinh thái vườn, tìm hiểu các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, đánh giá tình hình vùng nghiên cứu và từ đó đưa ra kiến nghị để xây dựng mô hình vườn thích hợp nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững:
- Tạo điều kiện thai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tại cù lao.
- Làm cơ sở để quản lý, bảo vệ môi trường và làm tiền đề cho các bước phát triển du lịch trong tương lai của các cù lao, góp phần nâng cao đời sống của cư dân vùng cây ăn trái.
Phương pháp nghiên cứu
Phần ngoại nghiệp
Đi thực địa thu thập số liệu bao gồm việc chuẩn bị, khảo sát địa điểm nghiên cứu, đến từng địa phương liên hệ ban nông nghiệp, phòng thống kê, tìm hiểu về vườn cây ăn trái. Ngoài ra, còn khảo sát tình hình đất, nước tại điểm nghiên cứu. Lấy mẫu về phân tích; Liên hệ người dân lập phiếu điều ra.
Phần nội nghiệp
Kế thừa những tư liệu sẵn có và thông qua các số liệu thu thập được, chúng tôi tiến hành phân tích kết quả đồng thời tìm hiểu về: Hiệu quả kinh tế các mô hình, với giá tính theo thời điểm khảo sát, gồm: Đầu vào: tổng chi phí; Đầu ra: tổng thu nhập; Lợi tức ròng: phần thu nhập sau khi trừ chi phí; Lợi tức/m2: tính bằng = Lợi tức ròng/diện tích canh tác; Doanh lợi: DL = Lợi nhuận (lợi tức ròng)/chi phí sản xuất; và sau cùng là phân loại, so sánh đánh giá hiệu quả để từ đó rút ra được mô hình tối ưu.
Đặc điểm tự nhiên và môi trường
Vị trí địa lý
Thới Sơn: Phía đông giáp phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho; phía Tây giáp xã Song Thuận; phía nam giáp tỉnh Bến Tre; phía bắc giáp xã Bình Đức, huyện Châu Thành và xã Trung An thuộc thành phố Mỹ Tho. Cù lao Tân Long: Phía đông giáp xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo; Phía tây giáp xã Thới Sơn, huyện Châu Thành và phường 4 thành phố Mỹ Tho; phía nam giáp sông Tiền, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; phía bắc giáp phường 1, phường 2, phường 9, thành phố Mỹ Tho.
Đặc điểm đất đai - địa hình
Đất đai: là một phần của tự nhiên, nhìn chung, có giá trị trực tiếp cho hoạt động du lịch: đất đai lại là một tài nguyên quí giá cho canh tác vườn cây ăn trái, tạo cảnh quan đặc trưng gây hấp dẫn cho du khách. Đất cù lao Thới Sơn và Tân Long chủ yếu là nhóm đất phù sa phát triển trên trầm tích sông biển. Đây là nhóm đất có lịch sử canh tác ổn định. Các loại cây trái như nhãn, xoài, mít, bưởi, cam, quýt rất thích hợp với thổ nhưỡng của cù lao Thới Sơn và Tân Long.
Địa hình: Thới Sơn và Tân Long là cù lao sông được hình thành từ sự bồi tụ phù sa, là hình thái thường gặp tại đồng bằng sông Cửu Long. Độ cao trung bình từ 0,5-0,8m. Bề mặt bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch khá phong phú. Nhờ vào hệ thống kênh rạch mà nghề làm vườn phát triển. Kênh rạch trở thành nguồn tưới và tiêu nước rất hiệu quả. Cù lao nằm trong vùng trầm tích trẻ, lớp mặt được bồi lắng phù sa mới khoảng 10m. Xen kẽ giữa các lớp phù sa là các lớp đất sét, cát có độ phì nhiêu cao rất thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là trồng các cây ăn trái, tạo cảnh quan miệt vườn rất đặc trưng.
Lượng mưa
Mùa mưa thường trùng với gió mùa Tây Nam từ biển Đông thổi vào từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mang theo nhiều hơi nước làm cho thời tiết mát mẻ, khí hậu ẩm, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.430mm.
Lượng mưa biến thiên từ 1.400-2.200mm/năm. Tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có số ngày mưa ít nhất, biến thiên khoảng từ 0-6 ngày/tháng. Từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch có số ngày mưa nhiều nhất, biến thiên từ 13-21 ngày/tháng. Có 2 đỉnh mưa: đỉnh thứ nhất vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch và đỉnh thứ 2 là vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 dương lịch. Lượng mưa không lớn lắm, thường nhỏ hơn 50mm. Những trận mưa có thời gian từ 1-5 ngày sẽ quyết định mức độ úng lụt nội đồng. Giữa hai đỉnh có thời kỳ khô hạn gọi là hạn Bà Chằn, thường xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch.
Bảng 1. Lượng mưa qua các năm của tỉnh Tiền Giang
Năm | 2000 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 |
Lượng mưa (mm) | 1.640,1 | 159,5 | 1.488,8 | 2.349,5 | 1.705,9 | 1.531,4 |
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang, 2006
Hiện trạng vườn - phát triển du lịch và quản lý
Hiện trạng vườn nhà
Vườn nhà gồm vườn và một căn nhà. Diện tích của mỗi vườn nhà từ 500m2 đến 20.000m2, sức lao động chủ yếu là chủ nhà.
Khảo sát thực tế cho thấy ở các cù lao diện tích còn rộng nên vườn nhà trung bình có khoảng vài công đất (mỗi công là 1.000m2). Chỉ có một ít vườn nhà có diện tích trên một mẫu (mỗi mẫu là 10.000m2). Những loài cây ăn trái chủ yếu có nhãn, xoài, sầu riêng.
Khảo sát thực tế tại 105 vườn nhà cho thấy, ở những vườn cây được chăm sóc chu đáo, bón phân tưới nước đầy đủ theo yêu cầu của cây, cây cối luôn phát triển xanh tốt, hiệu quả phòng ngừa bệnh cũng rất cao. Ở những vườn không được chăm sóc chu đáo, cây thiếu phân, thiếu nước, cằn cỗi hoặc không được cắt tỉa cành lá hàng năm nên rậm rạp, nhiều cỏ dại… làm cho vườn không thông thoáng, bệnh gây hại nhiều hơn những vườn được chăm sóc kỹ.
Thiết kế vườn: Xẻ mương, lên liếp: để có năng suất và hiệu quả kinh tế nhà nông đã thực hiện tỉ lệ đất lên liếp 100% ở cả 2 cù lao nhằm mục đích: Nâng cao tầng mặt để tránh ngập úng; Hạ mực nước vốn thường ngày lên cao; Thoát nước nhanh chóng vào mùa mưa và đưa nước vào trong mùa nắng; Nuôi thêm tôm cá trong vườn.
Tùy thuộc diện tích vườn, kích thước liếp mỗi nơi có thay đổi: bề rộng liếp từ 5-10m, thường trồng cây hai hàng cạnh mương, một ở giữa, bề rộng mương 2-3m. Kỹ thuật phổ biến ở 2 cù lao là lên liếp theo lối cuốn chiếu.
Hiện trạng phát triển du lịch và quản lý
Thành tố cơ bản của du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn và Tân Long
- Vị trí địa lý: Gần thành phố Mỹ Tho và cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, một cửa ngõ quan trọng trong tua du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
- Giải trí, vận động: Có sự kết hợp độc đáo giữa vườn cây, sông nước và cộng đồng dân cư. Vì vậy tiềm năng du lịch nơi đây không những là tham quan mà còn là nhu cầu tương tác, trải nghiệm và tham gia vào các sinh hoạt hằng ngày của dân địa phương. Nhiều hình thức giải trí vận động có điều kiện phát triển như: câu cá, trồng cây, chèo xuồng, đi dạo, đi xe đạp, tắm sông, giăng lưới…
Các loại hình du lịch đặc thù: Du lịch thăm miệt vườn; du lịch văn hóa; du lịch sông nước miệt vườn; du lịch ẩm thực dân gian; du lịch cộng đồng.
Kết quả và thảo luận
Kết quả điều tra thành phần vườn của các hộ
Nhà
Ở đây thịnh hành một kiểu nhà ở trong vườn. Phần lớn nhà được kiến trúc theo kiểu truyền thống, sân trồng cây cảnh, chung quanh là vườn cây ăn trái xanh um, quả trĩu cành.
Thực vật
Thực vật hoang dại ít, cây trồng chủ yếu là cây ăn trái với chủng loại phong phú. Một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nhãn, xoài, bưởi, măng cụt, sầu riêng, bòn bon… Cây có trái quanh năm có mít, mãng cầu, ổi, khế, thơm, đu đủ, mận. Cây ưu thế nhất là nhãn, có thể kể một số loại nhãn có giá trị đang được người dân ưa chuộng như: nhãn xuồng, nhãn tiêu da bò, nhãn tiêu huế, nhãn cơm vàng, nhãn cơm trắng,…
Động vật
Chăn nuôi trên cạn như các loại gia súc, gia cầm thường được người dân nuôi như chó để giữ vườn, heo, gà, vịt, ong, …, dưới nước như tôm càng xanh, cá tra, cá mè, cá tai tượng, cá điêu hồng, cá chim trắng thường được nuôi trong mương vườn; đánh bắt tự nhiên trên cạn: rắn, ếch, nhái, chim, chuột, sóc…, dưới nước như tép, cua, cá trê, cá lóc, cá rô, cá sặt, cá lòng tong, cá bống,…
Kết quả phân tích nước
Bảng 2 . Kết quả phân tích mẫu nước quanh vườn
Chỉ tiêu Ký hiệu mẫu | pH | Độ màu Pt-Co | Độ đục NTU | Cặn không tan mg/l | Tổng cứng mg/l | Chất hữu cơ mg/l | Fe Mg/l |
1 | 7,43 | 8 | 16 | 11,9 | 182 | 5 | Vết |
2 | 7,42 | 5 | 2 | 0,8 | 174 | 0 | Vết |
TCVN 5942-1995 | Loại A | 6-8,5 | - | - | 20 | - | - | 1 |
Loại B | 5,5-9 | - | - | 80 | - | - | 2 |
Chỉ tiêu Ký hiệu mẫu | NH4+ mg/l | Ca2+ mg/l | Cl- mg/l | NO3- mg/l | NO2- mg/l | SO42- mg/l | PO43- mg/l |
1 | 0,1 | 78,3 | 33,5 | 0,2 | 0,3 | 6,5 | 0,5 |
2 | 0,1 | 75 | 28,4 | 0,3 | 0,3 | 8,2 | 0,4 |
TCVN 5942-1995 | Loại A | 0,05 | - | - | 10 | 0,01 | - | - |
Loại B | 1 | - | - | 15 | 0,05 | - | - |
Nguồn: Trung tâm Tư vấn & CGCN An toàn – Vệ sinh Lao động & Bảo vệ Môi trường miền Nam, 2007.
Ghi chú: Ký hiệu mẫu 1: Ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn; 2: Khu phố Tân Hòa, phường Tân Long.
- Về mẫu nước quanh vườn: Mẫu nước quanh vườn được lấy tại cù lao Thới Sơn, Tân Long vào giữa tháng 5 dương lịch, khi thời tiết còn khô hạn, chỉ mới bắt đầu một vài cơn mưa đầu mùa. So sánh kết quả phân tích chất lượng nước mặt tại điểm nghiên cứu với tiêu chuẩn chất lượng nước mặt TCVN 5942-1995 cho thấy đa số các chất ô nhiễm đều nằm trong giới hạn TCVN 5942-1995, riêng hàm lượng NO2- cao hơn tiêu chuẩn cho phép rất nhiều.
Hiện trạng phát triển du lịch vườn nhà tại cù lao Tân Long, Thới Sơn và giải pháp
Hiện trạng
Cù lao Tân Long
Về kinh tế: Ít du khách đến tham quan, nên thu nhập từ du lịch cũng ít;
Về môi trường: Thành phố Mỹ Tho chiếm mặt tiền phía bắc, vườn nhà tập trung ở phía đông và nam cù lao, với số lượng ít, diện tích nhỏ, có ranh giới bằng lưới B40 nên giảm tính hoang dã, tự nhiên;
Về con người: Cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và nghề làm vườn, chịu ảnh hưởng của nếp sống đô thị. Tỷ số dân nông nghiệp chỉ khoảng 30%, diện tích đất trên đầu người thấp 140m2/người.
Cù lao Thới Sơn
Về kinh tế: Số lượng khách đến Thới Sơn ngày càng tăng;
Về môi trường: Còn giữ được nét hoang sơ. Vườn nhà rải dọc khắp cù lao với số lượng nhiều, hầu như hộ nào cũng có vườn, mương, rạch là ranh giới tự nhiên giữa các vườn nhà. Cây trái phong phú, nhiều chủng loại. Nhà hầu như vẫn giữ được những nét hoang sơ. Tỉ lệ dân nông nghiệp tương đối cao (khoảng 60%), diện tích đất trên đầu người cao 1.067m2/người.
Về con người: Vẫn giữ được nét mộc mạc. Vì thế, khách du lịch đến Thới Sơn ngày càng tăng.
Giải pháp
Về phát triển vườn
Tăng hiệu quả sử dụng đất: Chuyển đổi cơ cấu từ chuyên canh cây lâu năm sang trồng thêm các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và đa dạng để tăng nguồn thu nhập phục vụ du lịch như xoài, cam, quýt, bưởi, sầu riêng, măng cụt, bòn bon…; Tận dụng phần diện tích đất ao, mương trong vườn nhà nuôi thêm tôm, cá; Tận dụng đất có mặt nước chưa sử dụng quanh cù lao thành một làng nghề nuôi cá bè phục vụ tham quan du lịch và xuất khẩu.
Về phát triển du lịch
Đối với cù lao Thới Sơn: Trong những năm trước mắt cần xây dựng Thới Sơn thành một làng du lịch miền quê mang tính đa dạng và tổng hợp trên cơ sở vườn nhà phục vụ tham quan nghỉ ngơi, vui chơi giải trí… Đề nghị tổ chức theo các mô hình sau: Vườn sinh thái, làng nghề Nam Bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe, khu thể thao dưới nước, khu đón tiếp đường bộ, khu làng xã Nam Bộ. Đối với cù lao Tân Long: Vườn nhà tập trung chủ yếu về phía nam và phía đông của cù lao. Khu vực này được sông Tiền bao quanh, cảnh đẹp, gió mát, trong lành kết hợp với vườn cây ăn trái thuận lợi cho qui hoạch phát triển du lịch sinh thái vườn, sông nước nghỉ dưỡng cùng với loại hình giải trí vận động trên sông rạch, trên bộ. Đề nghị qui hoạch các phân khu chức năng du lịch như sau: khu bãi tắm cuối cù lao phía đông, khu nghỉ mát, khu nhà nghỉ mát, khu nhà nghỉ, nhà hàng, khu du lịch dã ngoại; qui hoạch nông dân trồng các loại cây ăn trái bốn mùa, trồng rau sạch, nuôi tôm, cá, gia cầm… để cung cấp tại chỗ cho các nhà hàng ăn uống với ẩm thực truyền thống trên cù lao hoặc khách tự câu, bắt và tự phục vụ; xây dựng điểm du lịch trung tâm trên 8 công đất của Nhà nước tại cù lao, mở các tuyến để khách bơi xuồng, đi xe đạp, tản bộ tham quan giải trí tìm hiểu nếp sống sinh hoạt văn hóa người dân.
Kết luận và Kiến nghị
Kết luận
Hệ sinh thái và môi trường cù lao Thới Sơn và Tân Long hội đủ các điều kiện để duy trì và phát triển vườn cây ăn trái đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng: phong phú, đa dạng nhiều chủng loại, cây trái quanh năm, mùa nào thứ ấy. Vườn cây ăn trái ở cù lao Thới Sơn và Tân Long đã hình thành từ nhiều năm nay sẽ còn tồn tại lâu dài mang theo những đặc điểm, đặc thù của nó. Ngoài ra, nó còn đảm nhận các chức năng quan trọng như: tạo sản phẩm tự cung tự cấp từ các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, tạo vẻ mỹ quan, tạo sản phẩm hàng hóa, bảo vệ đất, bảo trì gen, góp phần cải thiện vi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường - không gian du lịch sinh thái.
Mô hình vườn nhà kết hợp du lịch đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà vườn tại cù lao Thới Sơn, trong tương lai Thới Sơn và Tân Long sẽ trở thành trung tâm du lịch của tỉnh. Cần sớm thực hiện qui hoạch chi tiết, cụ thể để giải quyết quá tải về “sức chứa” khi lượng du khách đến cù lao ngày càng tăng, nhất là những mùa cao điểm. Cần giải quyết một số vấn đề về môi trường: Xử lý nước thải và rác thải để bảo vệ môi trường tự nhiên cho cù lao.
Kiến nghị
Đối với nông dân: Nên tham gia hộ nông dân để học tập kinh nghiệm và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát huy hoàn chỉnh mô hình VAC; Phải căn cứ vào điều kiện môi trường, kinh nghiệm và khả năng để xây dựng mô hình cho phù hợp; Đặc biệt chú ý công tác chọn giống, ưu tiên phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cung cấp dịch vụ du lịch nhằm tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; Không nên sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá nhiều tránh gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí; Có ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan và môi trường vừa là nghĩa vụ, cũng là quyền lợi cho cộng đồng địa phương.
Đối với chính quyền: Giúp nông dân vay vốn với lãi suất thấp - ưu tiên phát triển cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao để vừa phục vụ du lịch sinh thái, vừa cải thiện thu nhập cho nhà vườn; Có một kế hoạch đào tạo đặc biệt về phát triển mô hình du lịch sinh thái, trước mắt đào tạo đội ngũ cán bộ điều hành, các hướng dẫn viên du lịch để có được một đội ngũ cán bộ điều hành có nguyên tắc và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sinh thái chuyên nghiệp, có năng lực; Giữ gìn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, vườn cây ăn trái, sông nước; Tăng cường công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng du lịch thông qua việc kiểm tra thẩm định cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các đơn vị kinh doanh du lịch; Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và ý thức của người dân, của cộng đồng địa phương về phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; Soạn thảo và ban hành các quy chế quản lý các khu du lịch và nhà vườn để thu hút khách, xây dựng qui chế đảm bảo an toàn du lịch trong điều kiện địa phương; Kiểm tra chất lượng và nâng cao nghiệp vụ bán hàng ở các nơi bán hàng lưu niệm để bảo đảm uy tín đối với khách và để tạo ấn tượng tốt về địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 1996: Một số mô hình vườn nhà ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. NXB. Nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 1996: Thực vật có công dụng hữu ích trên các vườn miền Nam Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Karyono, 1990: Agroforestry practices in Indonesia with a special reference to homegarden. Institute of ecology Padjadiaran University, Bandung, Indonesia.
4. Vũ Công Hậu, 1987: Cây ăn trái miền Nam, NXB. Nông nghiệp Hà Nội.
5. Phạm Hoàng Hộ, 1991-1993: Cây cỏ Việt Nam (tập 1-3). NXB. Montréal.
6. Lin Long Chun, 1990: Diversification of homegardens as a subtainable agroecosystem in Xishuangbana, China. Institute of ecology Padjadiaran University, Bandung, Indonesia.
7. Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, 2006: Phiếu điều tra và cơ sở hạ tầng xã Thới Sơn huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang năm 2006.
8. Ủy ban Nhânđbân tỉnh Tiền Giang - Sở Thương mại Du lịch, 2005: Báo cáo tổng hợp quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Tiền Giang.
Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Ngọc Ẩn
Đại học KHTN - DDHQG Tp. HCM
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Nam)