Khánh Sơn hiện đang trong tiến trình thoát khỏi đói nghèo, nền kinh tế bắt đầu có những bước phát triển mới, song hiện nay kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, trong đó kinh tế vườn chiếm vai trò khá quan trọng. Thời gian gần đây, vườn đã có sự phát triển, diện tích vườn tăng nhanh và có xu hướng chuyển dần sang vườn sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, vườn vẫn chưa thực sự phát triển và ổn định sản xuất. Mục đích của nghiên cứu là phân tích hiện trạng hệ sinh thái và môi trường vườn, giá trị kinh tế của vườn, từ đó đề xuất một số giải pháp cải tạo, ổn định các hệ sinh thái vườn.
Phương pháp nghiên cứu
Tiến hành lựa chọn các khu vực, địa điểm phù hợp thể hiện đặc trưng điển hình của các dạng hệ sinh thái vườn trong các điều kiện môi trường sinh thái khác nhau. Sử dụng phương pháp phỏng vấn, dùng bảng câu hỏi để phỏng vấn các chủ vườn, cán bộ, chuyên gia kinh tế vườn tại địa phương. Thu thập các thông tin thứ cấp. Trên cơ sở các số liệu điều tra khảo sát thực địa, tiến hành phân tích cấu trúc thực vật, môi trường vườn trong các dạng hệ sinh thái vườn. Phân tích giá trị kinh tế của từng dạng vườn từ đó đề xuất các giải pháp cải tạo, ổn định các hệ sinh thái vườn.
Trong đó hiệu quả kinh tế vườn được tính như sau: Giá tính theo thời điểm khảo sát. Đầu vào: Tổng chi phí (bằng đồng). Đầu ra: Tổng thu nhập (bằng đồng). Lợi tức ròng (lợi nhuận): phần thu nhập sau khi trừ chi phí. Lợi tức/m2: X = Lợi tức ròng/diện tích canh tác. Doanh lợi: DL = lợi tức ròng/chi phí sản xuất.
Kết quả và thảo luận
Đặc điểm cấu trúc thực vật trong các hệ sinh thái vườn
1.1. Vườn nhà
Cấu trúc cây trồng
Xét theo cơ cấu cây trồng, cách bố trí cây trồng, vật nuôi mà vườn nhà Khánh Sơn được chia làm hai dạng lớn đó là: (i) Dạng vườn nhà đơn giản bao gồm các kiểu vườn độc canh, vườn hỗn hợp và vườn tạp; (ii) Dạng vườn nhà phân lô, có cấu trúc phức tạp. Vườn được phân chia ra nhiều lô (khu vực), mỗi khu vực được bố trí loại cây trồng, vật nuôi riêng biệt. Diện tích mỗi vườn nhà phân lô khá lớn, từ 6000 m2 - 1,8 ha. Một vườn nhà phân lô điển hình thể hiện qua hình 1.
Sự đa dạng loài cây trồng trong vườn nhà
Sự đa dạng loài cây trồng giảm dần từ vườn tạp đến vườn nhà phân lô, vườn hỗn hợp đến vườn độc canh. Vườn tạp có sự đa dạng loài cây trồng cao nhất và ở đó hiện diện hầu hết tất cả các loài được khảo sát và nhận biết. Chia theo họ loài, vườn nhà có 117 loài thuộc 51 họ, trong đó có 50 loài cây thân gỗ; 14 loài cây bụi, mọng nước; 43 loài cây thân thảo; 10 loài dây leo, thân bò. Chia theo công dụng, vườn nhà có 9 loài cây lấy gỗ, lấy củi; 28 loài cây ăn quả; 6 loài cây công nghiệp, lấy hạt, lấy bột; 39 loài cây lương thực, rau màu, gia vị; 9 loài cây làm thuốc; 27 loài cây làm cảnh; 12 loài cây làm hàng rào.
Chăn nuôi trong vườn
Chăn nuôi quy mô thường chỉ tập trung ở dạng vườn phân lô. Nhìn chung, chăn nuôi trong vườn thường nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức thả rong trong vườn, nên năng suất, sản phẩm thu hoạch từ chăn nuôi thấp, thường xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ gia súc, gia cầm chết cao nhất là trong mùa mưa lũ, thời tiết giá lạnh.
Chức năng của vườn nhà
Một trong những chức năng quan trọng nhất của vườn nhà huyện Khánh Sơn là tạo sản phẩm hàng hóa. Vườn nhà là nguồn thu nhập chính của những hộ có vườn chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp. Vườn nhà còn cung cấp khối lượng sản phẩm tự cung tự cấp, cải thiện bữa ăn gia đình. Những ô rau dinh dưỡng trong vườn nhà là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, vitamin, chất khoáng, chất xơ… cho bữa ăn hằng ngày. Thảm thực vật vườn nhà còn tạo ra môi trường vi khí hậu thoáng mát.
Môi trường vườn nhà
Qua khảo sát, môi trường vườn nhà có những đặc điểm chính sau: (i) Phần lớn vườn nhà ở huyện Khánh Sơn không có rào giậu hoặc hàng rào không khép kín, rào phía trước nhà; (ii) Vệ sinh môi trường vườn nhà: Khu vực nhà ở vẫn còn nhà tạm, nhà tranh, nhà tre nứa bên cạnh căn nhà xây được Nhà nước hỗ trợ. Khu phụ bếp, khu vệ sinh thô sơ, làm bằng tre nứa, gỗ tạm…, hầu hết còn những hố xí tự hoại nên có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường. Rác thải sinh hoạt thường đổ xả trong vườn, chưa tập trung gom đốt, ít được xử lý. Chăn nuôi trong vườn thường thả rong, lượng phân thải ra vườn trực tiếp, ít thu gom xử lý, dễ xảy ra ô nhiễm môi trường; (iii) Vệ sinh nước sạch nông thôn: Hệ thống nước tự chảy được Nhà nước đầu tư, qua khảo sát nhận thấy không đem lại hiệu quả do sự cố đường ống dẫn nước, ý thức sử dụng và bảo quản tài sản chung chưa cao. Các giếng khoan thủ công qua phân tích một số chỉ tiêu cho thấy nguồn nước các giếng không đảm bảo chất lượng (bảng 1).
Bảng 1. Kết quả phân tích một số chỉ tiêu chất lượng nước giếng khoan
Chỉ tiêu phân tích | Đơn vị | Hàm lượng | Phương pháp |
Tô Hạp | Sơn Trung | Sơn Bình | Sơn Hiệp |
Độ Đục Độ Màu pH* Độ dẫn điện* Tổng chất rắn lơ lửng Độ cứng tổng cộng* Sắt tổng cộng* Tổng photpho* Tổng nitơ* | NTU Pt – Co mS/m mg/l mg/l CaCO3 mg/l mg/l mg/l | 0,52 0 5,54 4,5 39,0 6,5 0,31 0,07 1,29 | 0,48 0 5,65 9,3 40,0 15,9 0,21 0,03 3,95 | 1,28 0 4,80 11,7 41,0 10,5 0,45 0,09 4,97 | 2,32 0 6,50 40,1 36,0 154,3 0,34 0,04 2,28 | SMEWW 2130B TCVN 6492-1999 SMEWW 2510 TCVN 4560:90 TCVN 6224:1996 TCVN 6177-96 TCVN 6499-1999 TCVN 6498-1999 |
Nguồn: Phân tích tại Viện Vệ sinh Y tế cộng đồng, 2008
Sự biến động của vườn nhà
Gắn với quá trình phát triển của miền đất núi Khánh Sơn, vườn nhà biến đổi qua từng giai đoạn khác nhau, cấu trúc vườn nhà cũng biến đổi theo hướng ngày càng sản xuất hàng hóa hơn và được thể hiện qua hình 2. Vườn nhà ở huyện Khánh Sơn biến đổi qua 3 giai đoạn chính: a. Giai đoạn 1: Hình thức vườn sơ khai, từ lúc người dân chủ yếu là đồng bào người Raglai định cư nơi đây. Vườn nhà ít được đầu tư chăm sóc, người dân có cây gì trồng cây nấy; b. Giai đoạn 2: Từ những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với chính sách đi kinh tế mới, vườn tạp một phần được cải tạo, chuyển đổi thành những vườn độc canh, với các loại cây công nghiệp, cây lấy bột. Vườn tạp vẫn chiếm phần lớn, cây trong vườn vẫn là những loài cây trồng địa phương, năng suất và chất lượng thấp; c. Giai đoạn 3: Từ những năm 2000 đến nay, cùng với chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,… vườn nhà được chuyển đổi mạnh thành vườn sản xuất hàng hóa. Bắt đầu xuất hiện các vườn nhà có tính chất trang trại.

Hình 1: Mô hình VAC ở xã Sơn Trung
Khu 1: N (nhà); Khu 2: Cb (chuồng bò), Ch (chuồng heo); Khu 3: - Ao cá; Khu 4: ~ Tiêu v Dứa Chuối; Khu 5: * Rau

Hình 2: Sự biến động vườn nhà ở huyện Khánh Sơn
Vườn đồi
Vườn đồi chuyên canh cà phê phân bố ở các dạng đồi thấp, độ dốc nhỏ. Vườn đồi chuyên canh đào lộn hột phân bố ở các đồi thấp, độ dốc nhỏ, chiếm diện tích ít nhất trong các dạng vườn đồi, giống điều địa phương nên năng suất kém. Vườn đồi chuyên canh chuối mốc thường phân bố ở các dạng đồi cao, độ dốc trung bình đến lớn. Vườn hỗn hợp mì - chuối mốc, mì - bắp, đào lộn hột - chuối mốc, phân bố ở các dạng địa hình khác nhau, độ dốc nhỏ đến lớn, nơi đất nghèo dinh dưỡng hơn và thường bạc màu hơn qua thời gian canh tác, năng suất không cao. Vườn đồi có chức năng chính là sản xuất hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập kinh tế cho hộ gia đình. Vườn đồi còn đóng góp vào việc giảm dần đất trống đồi trọc, nương rẫy không hiệu quả, góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn.

Hình 3: Lát cắt ngang xã Sơn Trung

Hình 4: Lát cắt ngang xã Sơn Hiệp
Vườn rừng
Vườn rừng ở Khánh Sơn chủ yếu phân bố trên các rẫy cũ đã bạc màu, đất trống đồi trọc trước đây hoặc các vườn đồi hoạt động không hiệu quả. Mỗi hộ gia đình có diện tích vườn rừng thường khoảng 2ha. Cây trồng chủ lực trong vườn rừng hiện nay là cây keo lai – loài cây lai giữa loài keo tai tượng Acacia mangium và keo lá tràm Acacia auriculiformis.Vườn rừng ở huyện Khánh Sơn đảm nhận chức năng chính là cải tạo đất, bảo vệ đất chống xói mòn. Hai lát cắt ngang xã Sơn Trung và xã Sơn Hiệp được thể hiện qua hình 3, hình 4.
Giá trị kinh tế của vườn
Phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy có sự khác nhau giữa các dạng vườn và trong mỗi dạng vườn tùy thuộc vào loại cây trồng, điều kiện môi trường, kỹ thuật canh tác và điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình (bảng 2).
Bảng 2. Hiệu quả kinh tế của vườn
Dạng vườn | Mô hình | Lợi tức (đồng/m2) |
Vườn nhà | Độc canh | Chuối bồ hương Tiêu Mì | 7800 16670 375 |
Hỗn hợp | Tiêu -mía tím Mía đường - cà phê Tiêu - chuối - sầu riêng Cà phê - sầu riêng - dứa Chuối - bắp | 5550 307 2200 4000 1000 |
Vườn phân lô | Vườn ao chuồng, Vườn ao, Vườn chuồng | 12000-27000 |
Vườn tạp | - | - |
Vườn đồi | Cà phê Mì Chuối mốc Đào lộn hột - chuối mốc | 1364 747 1042 145 |
Vườn rừng | Keo lai | - |
Ghi chú : ++ : Cao, + : Trung bình, - : Thấp.
Bảng 3. Những đặc tính cơ bản của các mô hình vườn và ruộng
Loại hình sản xuất | Kiểu | Sức sản xuất | Tính ổn định | Tính bền vững | Tính công bằng |
Ruộng | Lúa nước | + | ++ | + | ++ |
Mía tím | ++ | + | - | ++ |
Vườn nhà | Vườn tạp | - | + | ++ | ++ |
Vườn độc canh | ++ | + | - | + |
Vườn hỗn hợp | ++ | ++ | + | ++ |
Vườn nhà phân lô | ++ | ++ | ++ | ++ |
Vườn đồi | Cà phê | ++ | + | - | ++ |
Chuối | + | - | - | + |
Mì | - | + | + | - |
Đào lộn hột | - | + | - | + |
Mì + Đào lộn hột | - | + | + | + |
Vườn rừng | Keo lai | + | ++ | ++ | ++ |
Cây rừng khác | - | + | - | - |
Vườn nhà có sự đa dạng về kiểu vườn với nhiều mô hình khác nhau, dẫn đến đa dạng về thành phần loài cây trồng. Vườn đồi và vườn rừng ít đa dạng loại cây trồng hơn và có sự biến động khá lớn về loại cây trồng. Giai đoạn trước và đầu những năm 2000, do chưa có quy hoạch cụ thể, người dân lập vườn tự phát, áp dụng khoa học kỹ thuật yếu kém, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên năng suất thấp, nhiều nhà vườn thua lỗ nặng nên chặt bỏ cây, trồng cây khác. Sự thay đổi loại cây trồng nhiều lần dẫn đến khả năng duy trì, ổn định và phát triển bền vững vườn đồi khá thấp. Tính bền vững thấp ở các mô hình ruộng mía tím, vườn độc canh và vườn rừng cây trồng trước đây, nguyên nhân do độc canh một loại cây trồng dẫn đến nguồn dinh dưỡng của đất mất cân đối, chịu tác động mạnh từ biến động thị trường giá cả hoặc sâu bệnh hại. Tính công bằng ở các mô hình vườn đồi mì, vườn rừng cây trồng trước đây thấp do sự không công bằng giữa người Kinh và người Raglai trong phân phối giống cây trồng, trong mua bán sản phẩm…
Kết luận
Nhà vườn đã quan tâm đầu tư cho hiệu quả kinh tế vườn. Vườn ở Khánh Sơn nhìn chung đang phát triển về mặt kinh tế, chưa thể hiện mặt nghệ thuật vườn. Mỹ quan môi trường vườn chưa đạt hiệu quả cao, vệ sinh môi trường vườn còn thấp, phân rác thải chưa được xử lý, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường vườn, khu phụ bếp, khu vệ sinh thô sơ và hố xí tự hoại… phản ánh phần nào chất lượng cuộc sống còn thấp của người dân. Vườn ở huyện Khánh Sơn về hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, về sự phát triển và ổn định vườn đã được cải thiện dần trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức thấp và còn nhiều biến động so với nhiều vùng khác trong tỉnh Khánh Hòa.
Hệ sinh thái và môi trường vườn ở huyện Khánh Sơn có những đặc điểm chính, đó là:
(i) Đa dạng các mô hình vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng với nhiều loại cây trồng khác nhau, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây gỗ rừng… tạo nên một thảm thực vật nhân tạo quan trọng cả về kinh tế và môi trường. Trong đó các sản phẩm chủ lực cung cấp cho thị trường lượng sản phẩm đáng kể như cà phê, mía tím, mía đường, tiêu, mì, quả và bẹ chuối, sầu riêng…
(ii) Tình hình chăn nuôi trong vườn chưa được đầu tư, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là thả rong, khó kiểm soát được dịch bệnh và gây ra ô nhiễm môi trường vườn.
(iii) Môi trường vườn được cải thiện hơn so với trước đây nhưng mỹ quan của vườn chưa được quan tâm đúng mức. Cảnh quan môi trường vườn chưa thể hiện tính nghệ thuật, rào giậu chưa hoàn chỉnh, cấu trúc thực vật nhiều tầng tán nhưng không theo trật tự, phân bố chưa hợp lý.
(iv) Hiệu quả kinh tế khác nhau ở mỗi mô hình sản xuất vườn khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn đầu tư của mỗi hộ gia đình, trình độ khoa học kỹ thuật của chủ vườn, cơ cấu cây trồng và giá cả thị trường. Hiệu quả kinh tế vườn ở huyện thấp hơn so với đồng bằng, hoạt động kinh tế vườn chưa hiệu quả, nghèo đói sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho việc phát nương làm rẫy, đe dọa nguồn tài nguyên rừng, vấn đề du canh sẽ dễ xảy ra nếu không có định hướng phát triển vườn ổn định, bền vững.
Để vườn phát triển theo hướng bền vững, một số giải pháp được đề xuất như sau:
(i) Đối với nhà vườn
Vườn nhà có ưu thế là sát nhà, dễ chăm sóc với công lao động gia đình, địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước chủ động được. Nên cải tạo vườn nhà nhất là vườn tạp để tận dụng những ưu thế của vườn nhà. Mở rộng diện tích vườn rau, tăng các ô rau dinh dưỡng góp phần tăng chất lượng bữa ăn gia đình. Cải tạo cơ bản vườn tạp từng bước, từ từ về cấu trúc cây trong vườn, giống cây trồng, đất vườn và hệ thống tưới tiêu, đồng thời nâng cao kỹ thuật canh tác của chủ vườn. Hạn chế mở rộng diện tích vườn độc canh vì độc canh một loại cây trồng gây ra hậu quả kinh tế lẫn môi trường thấp về lâu dài, vườn độc canh dễ bị rủi ro cao khi gặp các biến động lớn như dịch bệnh, giá cả thị trường.
Đối với những vườn đồi có địa hình dốc cao, đất bạc màu nhiều, nên áp dụng phương thức canh tác nông lâm kết hợp, trồng chủ lực các loại cây nông nghiệp và trồng kết hợp với cây lâm nghiệp có tính cải tạo đất, chống xói mòn. Mở rộng xây dựng vườn rừng trên các chỏm đồi đặc biệt ở các đồi có độ dốc lớn, trên các diện tích đất đồi chưa sử dụng, trên các vùng đất trống đồi trọc hoặc thay thế các vườn đồi canh tác không hiệu quả, các nương rẫy cũ theo phương thức nông lâm kết hợp trong đó trồng chủ lực các cây lâm nghiệp cải tạo đất, cho gỗ tốt và trồng xen hợp lý các cây nông nghiệp.
Môi trường sinh thái vườn và vệ sinh nông thôn: Nhà vườn cần tạo vi khí hậu vườn nhà thông thoáng, bố trí không gian nhà ở, khu phụ vệ sinh, đường đi, rào giậu, chuồng trại, ao, vườn cây trồng, hệ thống tưới tiêu với tỷ lệ hợp lý, cân đối giữa các đối tượng trên vừa tăng hiệu quả sử dụng đất vừa tạo mỹ quan môi trường vườn nhà. Nguồn phân gia súc, gia cầm cần được xử lý, có nơi ủ phân, tạo phân compost để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thu gom rác thải, xử lý chôn lấp, nghiêm cấm đổ ra sông suối gây ô nhiễm môi trường chung gây hậu quả lâu dài. Sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, có chọn lọc, sử dụng hiệu quả nguồn nước tự nhiên.
(ii) Đối với Nhà nước
Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh môi trường nông thôn hiệu quả, cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân thay thế dần các nguồn nước sinh hoạt hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng nước, xây dựng hiệu quả hệ thống đập, đê điều, kênh mương, hồ chứa nước… phục vụ sản xuất và phòng chống lũ lụt. Nhà nước cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh môi trường, tuyên truyền sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, không sử dụng các hóa chất cấm. Nghiên cứu và lập vườn cây giống nông nghiệp và lâm nghiệp tại địa phương.
Có chính sách đào tạo và đãi ngộ đội ngũ kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật đa ngành nhất là nông lâm nghiệp, khoa học môi trường, sinh học phục vụ cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ, đầu tư vốn, cây con giống, phân bón, thuốc BVTV, hướng dẫn khoa học kỹ thuật hợp lý, hiệu quả hơn.
Vườn cần được định hướng phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với các ngành nghề khác trong sự hợp nhất, tương hỗ lẫn nhau nhằm đem lại hiệu quả cao hơn về kinh tế - xã hội - môi trường.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, 2000: Báo cáo Nghiên cứu môi trường vườn ở quận 9. Đề xuất phương pháp cải tạo, sử dụng đất, chọn giống cây trồng theo hướng sinh thái học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
2. Lee Sing Jong, 1994: From garden to kitchen: Grow your own fruit and vegetables.
3. Soemarwoto G. R., Conway 1992: Journal for Farming Systems Research- Extension 2(3): 95-118.
4. Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn, 2006: Chương trình kinh tế xã hội huyện Khánh Sơn giai đoạn 2006 - 2010, Tô Hạp.
Lê Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Ngọc Ẩn
Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Nam)