Sa mu dầu là nguồn gen quí hiếm được phân hạng ở cấp VU A1adC1 trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và xếp nhóm 2 trong danh lục thực vật rừng động vật rừng nguy cấp quí hiếm của Nghị định số 32 của Chính phủ. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) là loại bền, ít mối mọt, có hoa vân, màu sắc rất đẹp và rất được ưa dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm các vật dụng trong gia đình, làm nhà nên đang là đối tượng bị chú trọng khai thác. Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu về đa dạng thực vật đã khẳng định, Sa mu dầu có phân bố ở một số vùng thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Tuy nhiên, các thông tin, các dẫn liệu khoa học và các nghiên cứu chuyên sâu về loài cây quý hiếm này chưa có nhiều. Vì vậy, việc nghiên cúư các đặc điểm sinh học, sinh thái và phân bố của loài cây này để đề xuất các giải pháp bảo tồn chúng tại Vườn Quốc gia Pù Mát là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Loài cây Sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) thuộc họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu sự phân bố; một số đặc điểm sinh thái; khả năng tái sinh tự nhiên và đề xuất giải pháp bảo tồn loài Sa mu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp kế thừa
Kế thừa các tài liệu cơ bản như: Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương cùng các tài liệu liên quan về vấn đề nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước phục vụ cho báo cáo.
Phương pháp điều tra theo tuyến
Dựa vào điều kiện địa hình và kế thừa các thông tin từ một số công trình nghiên cứu trước, tác giả đã lập 04 tuyến điều tra: Tuyến 1: Từ khu vực Khe Tun đến khu vực Khe Ca; Tuyến 2: Từ khu vực Khe Bu đi đến Khe Ngoã; Tuyến 3: Khu vực thượng nguồn Khe Thơi; Tuyến 4: Khu vực Pù Nhông. Phương pháp thu thập số liệu trên ô tiêu chuẩn: Trên các vị trí xuất hiện loài Sa mu dầu được xác định thông qua điều tra theo tuyến, chúng tôi lập 03 ô tiêu chuẩn điển hình tạm thời và tiến hành điều tra theo phương pháp lâm học. Các ô tiêu chuẩn được lập với diện tích 2000m2 (40m x 50m).
Kết quả và thảo luận
Đặc điểm phân bố của loài Sa mu dầu
Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) ở Vườn Quốc gia Pù Mát có khu phân bố hẹp, gián đoạn, tạo thành những quần thể Sa mu dầu gần như thuần loài và xuất hiện ở độ cao từ 900m đến 1.500m so với mực nước biển. Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) thường xuất hiện trong rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim á ẩm nhiệt đới.
Bảng 1. Khu vực phân bố của Sa mu dầu tại VQG Pù Mát

Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) phân bố thành các quần thể với những cá thể có kích thước rất lớn. Đường kính bình quân từ 80cm đến 160cm, chiều cao từ 30-50m. Cá biệt có những cây khổng lồ đường kính từ 450-500cm, chiều cao trên 60m. Ở các khu vực Sa mu dầu phân bố độ dốc rất cao, biến động từ 350 đến 450, địa hình rất phức tạp và chia cắt. Sa mu dầu thường mọc theo các đường phân thuỷ giữa các khe và men dần lên các đỉnh dông. Sa mu dầu xuất hiện tập trung ở khu vực thượng nguồn Khe Thơi, đã phát hiện được 650 cá thể, các khu vực khác số lượng đã phát hiện được ít hơn như khu vực Khe Ca - Khe Tun, thượng nguồn Khe Ngoã, Pù Nhông.
Bảng 2. Thống kê diện tích phân bố của loài Sa mu dầu ở các khu vực

So sánh sự phân bố của loài Sa mu dầu với một số loài cây thuộc ngành Hạt trần có ở Vườn Quốc gia Pù Mát theo đai cao: Để thấy rõ đặc điểm phân bố của loài Sa mu dầu so với đặc điểm phân bố của một số loài cây thuộc ngành Hạt trần ở Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đã tiến hành so sánh phân bố của loài Sa mu dầu với các loài khác theo đai độ cao. Dựa trên các kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước và số liệu hiện có về phân bố của các loài thuộc ngành Hạt trần, kết hợp với số liệu nghiên cứu trong chuyên đề này, chúng tôi đã có sơ đồ phân bố Hạt trần theo đai cao như sau:

Qua sơ đồ phân bố các loài Hạt trần theo đai cao chúng ta thấy, loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) có phân bố ở đai cao 1.000 - 1.500m. Đây là độ cao chuyển giao giữa kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng á ẩm nhiệt đới. Từ kết quả trên chúng ta thấy, Sa mu dầu có thể phân bố cùng đai cao với loài Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii) hoặc Dẻ tùng (Amentotaxus poilanei) và có thể cả với Pơ mu (Fokienia hodginsii) nhưng loài Pơ mu thường phân bố ở đai độ cao cao hơn.
Một số đặc điểm sinh thái của loài Sa mu dầu
Độ cao, địa hình
Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) phân bố ở các kiểu rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng – lá kim á ẩm nhiệt đới, ở đai cao từ 960m -1.500m. Độ dốc ở các khu vực phân bố rất lớn, biến động từ 380 - 450, địa hình biến đổi rất phức tạp và chia cắt. Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) thường phân bố từ chân các khe lên đến lưng chừng đỉnh dông. Tại các khu vực này, đỉnh núi thường là vách đá dựng đứng, độ dốc rất lớn. Rừng ở các khu vực này thường là rừng nguyên sinh chưa bị tác động nhiều, trừ một số hoạt động khai thác trầm trước đây. Chính yếu tố này là một trong những nguyên nhân làm cho khả năng mở rộng phân bố của loài thường rất khó khăn và điều này có thể giải thích hiện tượng phân bố trong giới hạn hẹp của loài Sa mu dầu (Cunninghamia konishii). Mặt khác, việc phân bố ở những nơi có địa hình phức tạp khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tái sinh của loài. Ở những nơi có độ dốc lớn cây con rất khó bám vào đất và thường bị nước cuốn trôi đến những nơi có điều kiện bất lợi và không có khả năng sống sót. Ở một số nơi cây con sống sót được chúng thường mọc thành đám, đây chính là nguyên nhân dẫn đến phân bố của Sa mu dầu thường thuần loài theo đám.
Đặc điểm cấu trúc của tầng cây gỗ
Cấu trúc tổ thành và mật độ của tầng cây gỗ
Từ kết quả điều tra ở 03 OTC, chúng tôi đã tính toán được công thức tổ thành của tầng cây gỗ nơi có Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) phân bố như sau:
Bảng 3. Cấu trúc tổ thành tầng cây gỗ nơi Sa mu dầu phân bố

Ở khu vực Khe Thơi, Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) có ưu thế hoàn toàn vượt trội so với các loài cây khác trong quần xã thực vật ở đây. Các chỉ tiêu sinh trưởng, mật độ của Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) ở khu vực Khe Thơi cao nhất. Mức độ ưu thế và các chỉ tiêu sinh trưởng của Sa mu dầu giảm dần từ khu vực Khe Ca - Khe Tun đến khu vực khe Ngõa. Đặc điểm này cũng hoàn toàn giống với đặc điểm phân bố diện tích Sa mu dầu ở các khu vực trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Như vậy, có thể thấy khu vực ở Khe Thơi là vùng sinh thái phù hợp nhất với Sa mu dầu. Qua các công thức tổ thành chúng ta thấy thường xuyên xuất hiện các loài thực vật như: Giẻ, Trâm đỏ, Mắc niễng với tỷ lệ tham gia vào công thức tổ thành tương đối lớn. Như vậy, bước đầu có thể nhận thấy đây là những loài thường xuyên mọc cùng Sa mu dầu và giữa chúng có mối quan hệ nhất định. Tuy nhiên, để kiểm tra mối quan hệ này chúng ta cần nghiên cứu mức độ thân thuộc của chúng.
Bảng 4. Các chỉ tiêu sinh trưởng của loài Sa mu dầu

Sinh trưởng
Các chỉ tiêu sinh trưởng bình quân của Sa mu dầu ở các khu vực rất lớn. Điều này chứng tỏ các cây Sa mu dầu trong quần xã thực vật này hầu hết đã đến tuổi thành thục nhưng các thế hệ kế cận không có, nghĩa là các cây có kích thước nhỏ không xuất hiện. Đây thực sự là một vấn đề bất thường đối với quần xã này và rất cần được quan tâm nghiên cứu.


Một số cây Sa mu dầu (Cuninghamia) có đường kính từ 450 cm đến 500cm ở VQG Pù Mát
Cấu trúc tầng thứ
Hầu hết các khu vực có Sa mu dầu phân bố, rừng còn có tính nguyên sinh rất cao, độ tàn che của rừng cao thường biến động từ 0,70 đến 0,80. Rừng được chia làm 3 tầng rõ rệt: Tầng vượt tán A1 gồm những cá thể có chiều cao trên 27m như: Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), Giổi (Manglietia insignis), Chò chỉ (chiếm 15-20% tổng số cây trong quần xã, cây mọc rải rác và phân bố tương đối đều trong quần xã; Tầng rừng chính A2 gồm những cây gỗ có chiều cao từ 15-25m, chiếm 55-60% tổng số cá thể, chủ yếu là các loài cây: Re (Cinamommum spp.), Giẻ (Lithocarpus elegans), Vàng dành (Machilus trijuga), Vừ (Endiandra hainanensis), Trâm (Syzygium spp.), Trường (Mischocarpus pentapetalus)… chúng là tầng cây tạo độ tàn che chủ yếu cho quần xã; Tầng A3 bao gồm các cây có chiều cao dưới 15m chủ yếu là Bứa, Chòi mòi, Chè rừng, Săng mây, Côm trâu… Tầng cây bụi thảm tươi dưới tán rừng rất thưa và chủ yếu là các loài Quyết chạc ba phân nhánh (Tectaria brachiata), Rau tai voi (Pentaphagma), Thu hải đường (Begonnica sp.), Mua (Melastoma eberhardtii), Ớt rừng (Ludwigia octovalvis).
Đặc điểm đất đai, khí hậu
Đất đai: Các khu vực có Sa mu dầu phân bố chủ yếu là đất feralit vàng nhạt hay vàng xám, phát triển trên đá trầm tích và biến chất có kết cấu hạt thô, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình. Mặt đất ở các khu vực này thường có nhiều đá vụn hoặc đá lộ đầu. Nhiệt độ: Các khu vực Sa mu dầu xuất hiện thường thường có nhiệt độ từ 22-240C. Biên độ nhiệt có thể biến động rất lớn trong năm. Lượng mưa và chế độ ẩm: Các khu vực có Sa mu dầu phân bố thường có lượng mưa rất cao từ 1700mm-2000mm. Lượng mưa thường tập trung theo mùa, mùa mưa thường đến sớm và kết thúc sớm hơn so với khu vực ở vùng thấp. Các khu vực này chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu Lào và thường phân thành 02 mùa rõ rệt. Độ ẩm ở đây biến đổi rất lớn, về mùa mưa độ ẩm rất cao nhưng về mùa khô, đặc biệt mùa gió Lào thì độ ẩm rất thấp. Chế độ chiếu sáng: Các khu vực này thường phân bố ở mép khe lên đến lưng chừng dông núi, nơi có độ dốc rất lớn, nên độ dài giờ chiếu sáng bị giảm đi rất nhiều. Trong rừng thường thiếu ánh sáng.
Khả năng tái sinh
Qua kết quả điều tra chúng tôi đã phát hiện một số đặc điểm tái sinh của loài rất quan trọng. Quả (nón) Sa mu dầu sau khi chín thì hạt không được tách ra mà vẫn nằm nguyên ở trên nón. Nón rụng xuống gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm cây tái sinh ngay trên nón. Hiện tượng này hoàn toàn khác so với các loài thuộc ngành Hạt trần mà chúng ta đã nghiên cứu và tìm hiểu. Qua đây chúng ta có thể giải thích tại sao trong tự nhiên thường thấy Sa mu dầu tái sinh theo cụm hoặc theo đám. Một đặc điểm quan trọng nữa là mật độ cây tái sinh bắt gặp nhiều nhất là ở các khu vực trống, nhiều ánh sáng hoặc những nơi đất có thay đổi như: sạt lở, làm mới…. Điều này chứng tỏ cây tái sinh của Sa mu dầu có nhu cầu ánh sáng rất cao, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dưới tán rừng rất ít xuất hiện cây tái sinh của Sa mu dầu. Bởi vì, dưới tán rừng có Sa mu dầu phân bố độ tàn che rất cao, thiếu hụt ánh sáng rất lớn và làm cho cây tái sinh Sa mu dầu không phát triển được.
Qua kết quả điều tra chúng tôi thấy tình hình tái sinh của Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) rất kém. Cây tái sinh chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn cây mạ và khi chuyển sang giai đoạn cây con thì ít bắt gặp, tỷ lệ cây con có triển vọng rất thấp. Đây là một vấn đề và là một thách thức lớn đang đặt ra trong công tác bảo tồn loài cây quy hiếm này.
Giải pháp bảo tồn loài Sa mu dầu tại Vườn Quốc gia Pù Mát
Từ kết quả điều tra, nghiên cứu về đặc điểm phân bố, sinh thái và khả năng tái sinh tự nhiên của loài Sa mu dầu. Để bảo tồn loài Sa mu dầu tại Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Bảo tồn nguyên vị (in - situ)
Xác lập cụ thể các tiểu khu có Sa mu dầu phân bố và giao cho các trạm QLBVR Khe Bu, Khe Thơi, Khe Kèm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và bảo vệ nghiêm ngặt. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, người dân thôn bản trong việc tuần tra, kiểm soát; Tăng cường công tác tuyên truyền để thông báo cho người dân biết vị trí, tầm quan trọng của khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực đặc biệt, tuyệt đối không được người dân nào vào và khai thác ở khu vực này. Đồng thời vận động quần chúng tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, xây dựng thùng thư phát giác để kịp thời ngăn chặn, xử lý những đối tượng có những hành vi phá rừng trái phép, xây dựng nội quy và hương ước làng bản; Trong những điều kiện nhất định, chúng ta có thể tiến hành xúc tiến tái sinh bằng việc phát dọn các thực bì để tăng cường ánh sáng dưới tán rừng cho cây con của Sa mu dầu phát triển. Vào mùa quả chín có thể thu lượm quả của Sa mu dầu đưa vào gieo ở những khu vực gần kề đó, nơi có lỗ trống và ánh sáng phù hợp để tạo điều kiện cho cây tái sinh có khả năng sống sót và tổ chức làm đất dưới tán rừng để tăng khả năng tiếp xúc của hạt tạo điều kiện cho quá trình nảy mầm.
Bảo tồn chuyển vị (ex - situ)
Đây là giải pháp mang tính định hướng, bằng việc nhân giống sinh dưỡng (bằng hom) và nhân giống hữu tính (ươm hạt) để trồng vào các khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp để bảo tồn loài thực vật quý hiếm này. Tuy nhiên để bảo tồn chuyển vị thành công, Vườn Quốc gia Pù Mát cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn về đặc điểm sinh thái của loài Sa mu dầu để đảm bảo thành công.
Kết luận
Đã xác định được Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) phân bố ở các khu vực là Khe Thơi, Khe Tun, Khe Ngoã và Pù Nhông với diện tích khoảng 7,167ha của Vườn Quốc gia Pù Mát. Sa mu dầu phân bố ở những nơi độ cao từ 960m-1500m, thường mọc cùng với một số loài cây lá kim và lá rộng như Đỉnh tùng, Dẻ tùng, Pơ mu và Giổi; yêu cầu về nhiệt độ trung bình khoảng từ 23-240C và biên độ nhiệt giao động trong năm lớn; các khu vực này thường có hai mùa rõ rệt và chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu Lào.
Khả năng tái sinh của Sa mu dầu rất kém, cây tái sinh dưới tán rừng rất ít và chủ yếu ở giai đoạn cây mạ. Cây tái sinh ở giai đoạn cây con hầu như không bắt gặp. Cần bảo tồn nguyên vị các khu vực có Sa mu dầu tại VQG Pù Mát.
Tài liệu tham khảo
1. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001: Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập 1: 1165-1166. NXB. Nông nghiệp.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2007: Sách Đỏ Việt Nam. Phần Thực vật. 530-532. NXB. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.
3. Trần Huy Thái, Phùng Tuyết Hồng, Nguyễn Thị Minh, 2007: Thành phần hóa học của tinh dầu Sa mu dầu (Cunminghamia konishii Hayata) ở Việt Nam. Những vấn đề nghiên cứu trong khoa học sự sống. 375-377.


Sa mu dầu phân bố trong rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim á ẩm nhiệt đới
Nguyễn Văn Sinh
Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Nam)