Đây là một vùng đất kiên cường trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Sài Gòn-Gia Định. Củ Chi có tọa độ địa lý từ 10o53’00” đến 10o10’00” vĩ độ bắc và từ 106o22’00” đến 106o40’00” kinh độ đông, gồm 20 xã và một thị trấn với 43.450,2ha diện tích tự nhiên, bằng 20,74% diện tích toàn thành phố.
Bài báo này cung cấp thông tin về tài nguyên thực vật cây thân gỗ trên hệ sinh thái gò đồi thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh nhằm góp phần đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên của một trong số những khu rừng còn sót lại ở khu vực Đông Nam Bộ-là cơ sở cho việc phát triển trong tương lai và khai thác bền vững.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tổng quan tư liệu
Tập hợp, phân tích, kế thừa các công trình khoa học, các kết quả khảo sát đánh giá nhanh, các tư liệu khoa học đã có để tổng hợp thông tin, định hướng cho nội dung khảo sát và nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa
Điều tra, khảo sát và thu thập mẫu vật vùng nghiên cứu, yêu cầu mẫu thu phải có đầy đủ các bộ phận đặc trưng như: thân (cành non, cành già), lá (lá non, lá trưởng thành), hoa (chùm hoa, hoa đực, hoa cái), quả (quả non, quả có hạt)… kích thước mẫu vừa phải, khoảng từ 35-45cm, được gói gọn trong các tờ giấy báo. Mẫu thu được gắn nhãn mang các thông tin như: địa điểm lấy mẫu, thời gian lấy mẫu, tên hoặc nhóm người lấy mẫu, sinh cảnh lấy mẫu và đặc biệt là các đặc điểm không lưu lại được trên mẫu khi mẫu bị sấy khô, ngâm tẩm (màu sắc hoa, có mủ hay không có mủ, kích thước cây gỗ…). Mẫu thu được xử lý sơ bộ ngoài thực địa bằng cồn với nồng độ 60-80¬¬¬¬o để tránh hư hỏng mẫu, các mẫu này được bảo quản trong túi nilon kín. Các bộ phận của mẫu phải được bao gói cẩn thận bằng giấy báo hay túi nilon, kèm theo nhãn.
Phương pháp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
Tất cả các mẫu vật thu thập được xử lý, phân tích xác định tên khoa học và sắp xếp các bậc phân loại họ, chi, loài theo hệ thống phân loại của A.L.Takhtajan (1973). Để định loại các mẫu thu được, chúng tôi sử dụng các tài liệu sau: Cây cỏ Việt Nam, quyển I, II, III (Phạm Hoàng Hộ, 1999), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Bân, 1997), Phân loại học thực vật (Hoàng Thị Sản, 1999), Cây cỏ có ích ở Việt Nam, tập 1, 2 (Võ Văn Chi, Trần Hợp), Từ điển thực vật thông dụng, tập 1, 2 (Võ Văn Chi)... Đặc biệt là đối chiếu, so mẫu với bộ tiêu bản chuẩn Việt Nam được lưu trữ ở Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu
Phạm vi và giới hạn của vùng gò đồi
Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về giới hạn độ cao của vùng gò đồi; theo Vũ Tự Lập (1999) thì kiểu đồi có độ cao tuyệt đối dưới 500m và độ cao tương đối từ 25-200m, sườn ít dốc đến thoải 8-150, còn theo nhà địa mạo Nga I. Spiridonov (1970) thì chỉ tiêu phân chia đồng bằng, đồi và núi như sau.
Bảng 1. Chỉ tiêu phân chia đồng bằng, đồi, núi theo I. Spiridonov (1970)
Trong phạm vi vùng gò đồi huyện Củ Chi, chúng tôi quan niệm gò đồi là những vùng đất cao xen với đồng bằng có độ cao từ 10-200m so với mặt biển. Về hình thái ngoài, đó là những vùng đất cao lúp xúp, có độ cao gần bằng nhau, đỉnh thường bằng phẳng, ở chân là các thung lũng - các thung lũng đó hiện nay đã được khai phá biến thành ruộng lúa hay đất trồng màu.
Thành phần loài thực vật có giá trị tài nguyên vùng nghiên cứu
Qua kết quả điều tra, khảo sát vùng nghiên cứu chúng tôi đã thu thập được 210 mẫu vật của 70 loài thuộc 58 chi, 31 họ, 19 bộ nằm trong duy nhất một ngành là ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Thành phần loài thực vật có giá trị tài nguyên được thể hiện qua bảng 2.
Bảng 2. Danh lục thực vật có giá trị tài nguyên huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Ghi chú: GL: gỗ lớn; GV: gỗ vừa; GN: gỗ nhỏ; B: cây bụi; T: thuốc; G: gỗ; G, T: gỗ, thuốc; AQ: ăn quả; C: làm cảnh; G, D: cho gỗ, nhựa dầu; Ta: Tanin, BT: bảo tồn.
Từ kết quả trên có thể nêu ra một số nhận xét về hệ thực vật Củ Chi như sau: Thực vật cây thân gỗ có giá tị tài nguyên ở Củ Chi có số lượng loài, chi, họ tương đối phong phú và đa dạng, với 70 loài được phân bố ở 58 chi, 31 họ thực vật có mạch, điều này cho thấy đây là vùng có độ đa dạng sinh học thực vật khá cao. Tất cả các bộ, họ, chi, loài vùng nghiên cứu đều nằm trong một ngành là Ngọc lan (Magnoliophyta) và cũng trong một lớp Ngọc lan (Magnoliopsida). Trong số 19 bộ được ghi nhận thì bộ Chè (Theales) có số lượng loài cao nhất (11 loài) chiếm 15,7 % trong tổng số 70 loài thực vật vùng nghiên cứu. Trong số 31 họ thực vật vùng nghiên cứu, có 5 họ nhiều loài nhất phải kể đến là: họ Euphorbiaceae (họ Thầu dầu) có 8 loài, họ Dipterocarpaceae (họ Dầu) có 7 loài, họ Moraceae (họ Dâu tằm) có 5 loài, họ Annonaceae (họ Na) có 4 loài và họ Myrtaceae (họ Sim) có 3 loài.
Dạng sống và giá trị sử dụng của thực vật
Về dạng sống, căn cứ vào thang đánh giá của Raunkauer (1943) và được áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng tôi chia dạng sống hệ thực vật vùng nghiên cứu ra làm những dạng chính như sau: cây gỗ lớn (≥ 25m), cây gỗ vừa (15m-25m), cây gỗ nhỏ (≤ 15m) và cây bụi (≤ 7m). Trong đó, cây gỗ lớn có 19 loài (chiếm 27,14%), cây gỗ vừa có 13 loài (chiếm 18,57%), cây gỗ nhỏ có 23 loài (chiếm 32,86%), cây bụi có 15 loài (chiếm 21,42%) trong tổng số 70 loài thực vật. Như vậy, thành phần thực vật quan trọng vùng nghiên cứu là cả 4 dạng, chúng tạo thành thảm thực vật có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn ở hiện tại cũng như trong tương lai trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường của huyện nói riêng và của cả thành phố nói chung. Nếu phân chia theo giá trị sử dụng thì số loài được sử dụng làm thuốc là 24 loài (chiếm 34,29%), lấy gỗ là 15 loài (chiếm 21,43%), cây cho thuốc và gỗ là 14 loài (chiếm 20%), ăn quả là 3 loài (chiếm 4,29%), làm cảnh là 8 loài (chiếm 11,43%), cây cho gỗ-nhựa dầu là 4 loài (chiếm 5,71%), cây cho tanin là 1 loài (chiếm 1,42%), cây cho gỗ-tinh dầu là 1 loài (chiếm 1,42%) trong tổng số 70 loài có giá trị tài nguyên.
Đánh giá chung về tài nguyên thực vật vùng nghiên cứu
Vùng Củ Chi đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, tàn phá nặng nề về hệ sinh thái rừng nói chung trong đó có thực vật. Nhưng chỉ riêng thực vật cây thân gỗ có giá trị tài nguyên thì có đến 70 loài thuộc 31 họ và được chia làm 8 nhóm công dụng chính là:
- Cây cho gỗ: có 15 loài, được sử dụng làm đồ mỹ nghệ, đóng đồ đạc gia dụng, tàu thuyền, xây dựng…, trong những loài cây gỗ ở đây có một số loài thật sự có giá trị như: Vên vên (Anisoptera costata Korth.), Xến đỏ (Shorea roxburghii), Lim vàng (Peltophorum dasyrrachis), Gõ mật (Sindora siamensis var. siamensis), Thiết đinh lá bẹ (Markhamia stipulata var. pierrei).
- Cây làm thuốc: có 24 loài, trong đó không phải loài nào người dân ở Củ Chi cũng sử dụng mà có một số loài không biết hết tác dụng chữa bệnh của nó, có loài còn có thể chữa được bệnh nan y. Các loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh như: Bình bát (Annona glabra), Núc nác (Oroxylon indicum), Đào tiên (Crescentia cujete), Mạc tâm (Hymenocardia punctata), Gừa (Ficus microcarpa), Bí bái (Acronychia pedunculata), Sung (Ficus racemosa), nhựa Sung được sử dụng để chữa bệnh rất phổ biến.
- Cây lấy gỗ và làm thuốc trị bệnh: có 14 loài, trong đó có một số loài là những cây gỗ lớn. Một số loài có giá trị như: Cui (Heritiera littoralis), Thành ngạnh nam (Cratoxylum cochinchinensis), Sao đen (Hopea odorata), Xây (Dialium cochinchinensis)…
- Cây lấy gỗ và nhựa dầu: có 4 loài, những cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) thường cung cấp dầu trét ghe, kỹ thuật sơn, vecni… do là những cây gỗ lớn nên còn dùng để lấy gỗ.
- Cây lấy gỗ và tinh dầu: có 1 loài, có cây Tràm (Melaleuca cajuputi) được sử dụng lấy tinh dầu trị bệnh (dầu khuynh diệp).
- Cây cảnh và bóng mát: có 8 loài, những cây dùng để trang trí và làm cảnh đẹp, thường có hoa thơm ngát, màu sắc hấp dẫn như Huỳnh mai (Ochna integerrima) biểu tượng của ngày Tết, Lài (Jasminum sambac)…
- Cây ăn quả: có 3 loài, dùng để bồi bổ sức khỏe hoặc cho nước giải khát. Cây ăn quả ở đây chủ yếu là cây trồng do đó có một ít cây như: Thị đài dúng (Diospyros pilosanthera), Côm Harmand (Elaeocarpus harmandii), Bồ quả hoe (Uvaria rufa)…
- Cây cho tanin: có 1 loài, có loài Mã rạng ba thùy (Macaranga triloba) dùng làm thuốc hoặc sản xuất công nghiệp.
Tài nguyên các loài cây thân gỗ ở huyện Củ Chi còn phục vụ rất nhiều mặt trong đời sống con người, nhưng nhu cầu về sử dụng các sản phẩm của cây gỗ vẫn ngày càng gia tăng. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua các công dụng chính, làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu về sau. Do đó việc tìm hiểu đa dạng về nhóm cây này vẫn phải được đề ra, một mặt phục vụ cho đời sống ngày càng cao của nhân dân, mặt khác phải bảo vệ, tôn tạo được nguồn tài nguyên cây gỗ đảm bảo cân bằng sinh thái, cải tạo nuôi trồng, giữ cho rừng luôn bền vững, cho năng suất cao. Đặc biệt trong nghiên cứu này cũng đã ghi nhận được 12 loài có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của IUCN (2007) và Sách Đỏ Việt Nam (2007).
Kết luận
Tài nguyên thực vật cây thân gỗ ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có 70 loài, thuộc 58 chi, 31 họ thực vật, phân bố trong 19 bộ và của duy nhất một ngành là ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Trong đó, cây gỗ lớn có 16 loài (chiếm 22,86%), cây gỗ vừa có 17 loài (chiếm 24,29%), cây gỗ nhỏ có 29 loài (chiếm 41,43%), cây bụi có 8 loài (chiếm 11,43%).
Tài nguyên thực vật cây thân gỗ có giá trị tài nguyên được chia làm 8 nhóm, trong đó số loài có công dụng làm thuốc là 24 loài (chiếm 34,29%); cho gỗ là 15 loài (chiếm 21,43%); cho thuốc và gỗ là 14 loài (chiếm 20%); ăn quả là 3 loài (chiếm 4,29%); làm cảnh là 8 loài (chiếm 11,43%); gỗ-nhựa dầu là 4 loài (chiếm 5,71%); cây cho tanin là 1 loài (chiếm 1,42%); cây cho gỗ-tinh dầu là 1 loài (chiếm 1,42%).
Số loài thực vật có giá trị bảo tồn là 12 loài (chiếm 18,57%) trong 70 loài cây thân gỗ có giá trị tài nguyên của vùng.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân, 1997: Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam. NXB. Nông nghiệp.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2007: Sách Đỏ Việt Nam, Phần Thực vật. NXB. Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
3. Võ Văn Chi, Trần Hợp, 1999: Cây cỏ có ích ở Việt Nam, Tập 1, 2. Nxb Giáo dục.
4. Võ Văn Chi, 2003: Từ điển thực vật thông dụng. NXB. KH&KT.
5. Phạm Hoàng Hộ, 1999: Cây cỏ Việt Nam, Tập 1, 2, 3. NXB. Trẻ.
6. Trần Hợp, 2003: Tài nguyên cây gỗ Việt Nam. Nxb Nông nghiệp.
7. Đỗ Tất Lợi, 1999: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học.
8. Lecomte H., 1922 : Flore Générale de L’Indochine. Paris Masson et Cie’Editeurs.
9. Trần Đình Lý, 2006: Hệ sinh thái gò đồi các tỉnh Bắc Trung Bộ. NXB. Khoa học tự nhiên và Công nghệ. Hà Nội.
Đặng Văn Sơn
Viện Sinh học nhiệt đới
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Nam)