Đó là câu chuyện có thực tại H.Cao Phong (Hòa Bình). Dù còn 3 năm nữa việc bán "khí trời" mới bắt đầu chính thức, nhưng thời điểm này đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề mua sản phẩm đặc biệt này.
Với nhiều người, đây là câu chuyện lạ lẫm lần đầu tiên nghe thấy không chỉ ở VN mà còn trên thế giới. Việc “bán khí trời”, theo ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Môi trường rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp VN), có thể giải thích nôm na: các nước phát triển đã thải ra một lượng khí nhà kính quá mức, trong đó chủ yếu là khí carbon gây ra biến đổi khí hậu. Nghị định thư Kyoto năm 1997 yêu cầu các nước này phải cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong 3 cách để giảm phát thải khí, thì việc đầu tư thương mại các dự án (DA) trồng rừng tại các nước đang phát triển được ủng hộ. Lý do đơn giản bởi rừng là bể chứa hấp thụ và lưu giữ CO2. VN là nước đầu tiên ở châu Á triển khai DA trồng rừng theo Cơ chế phát triển sạch (AR-CDM) quy mô nhỏ.
Rừng cây xanh mát này sẽ là mỏ cung cấp chứng chỉ giảm phát thải, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân - Ảnh: Ngọc Thắng
Trước, nói trồng rừng ai cũng hãi, bởi vài chục năm mới cho thu hoạch. Nay với rừng này, chỉ 3 năm nữa là cho tiền. Ngoài được tiền từ khí trời, chúng tôi còn được thu cả gỗ, các sản phẩm từ rừng... Anh Bùi Văn Luyện (xóm Rú 4, xã Xuân Phong, H.Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) |
Rủ nhau trồng rừng
Chúng tôi đến Hòa Bình - nơi được chọn để triển khai DA trồng rừng bán “khí trời” cho các nước phát triển. Tới xã Xuân Phong (H.Cao Phong), anh Bùi Văn Hải, cán bộ Ban quản lý DA chỉ tay về phía những quả đồi phủ kín một màu xanh mướt giới thiệu: “Bắt đầu từ năm 2009, DA trồng rừng sạch đã chính thức triển khai tại hai xã Xuân Phong và Bắc Phong, với 240 hộ dân tham gia. Mục tiêu của DA là phủ xanh 309 ha rừng, nhằm đem lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua việc bán chứng chỉ carbon”. Do đây là công việc mới mẻ, khó khăn, nên DA có sự hỗ trợ rất tích cực của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ĐH Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu sinh thái rừng và môi trường (Viện Khoa học lâm nghiệp VN). Ngoài ra, Công ty Honda VN còn hỗ trợ giống, chi phí chăm sóc cây 3,5 tỉ đồng.
Mới qua 2 năm, nhưng những cây keo tai tượng đã lớn bằng cổ tay, cao quá đầu người. Toàn bộ rừng trồng trong vùng DA đã được phủ xanh và phát triển tốt. Ông Bùi Ngọc Thơ (xóm Rú 4, xã Xuân Phong) cho biết: "Những năm 1970, nơi đây là rừng, có nhiều cây cổ thụ lắm. Thế nhưng, do thiếu đất bà con đã chặt bỏ rừng để mở rộng đất canh tác. Nào ngờ, rừng thì mất, đói thì vẫn hoàn đói. Trồng ngô thì cây quặt quẹo không trổ bắp, trồng sắn cũng không ra củ. Khi có DA trồng rừng, được hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc, tiền bảo vệ rừng, bà con hăng hái tham gia".
Anh Bùi Văn Luyện, cùng xóm Rú 4, xen vào: “Trước, nói trồng rừng ai cũng hãi, bởi vài chục năm mới cho thu hoạch. Nay với rừng này, chỉ 3 năm nữa là cho tiền. Ngoài được tiền từ khí trời, chúng tôi còn được thu cả gỗ, các sản phẩm từ rừng...”.
Thu tiền tỉ
Để có được những khu rừng xanh tốt này không phải là việc dễ dàng. Ông Bùi Văn Tới (xóm Má, xã Bắc Phong) kể: "Mảnh đất cằn, bỏ hoang cả chục năm nay, trồng cây gì cũng không sống nổi. Khi đưa cây keo về trồng, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cây chết khá nhiều, bà con băn khoăn lo lắng, khiến ban đầu một vài hộ nản lòng. Nhưng được giải thích lợi ích của việc trồng rừng sạch, nhiều hộ đã quay lại tiếp tục trồng rừng. Diện tích trồng vì thế hiện đã ổn định ở 280 ha”.
Theo ông Phùng Văn Khoa, giảng viên ĐH Lâm nghiệp, Phó giám đốc Quỹ phát triển rừng Cao Phong, việc trồng rừng theo cơ chế sạch quả thật không dễ. Ngoài đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao, còn yêu cầu tính thống nhất trong việc chọn cây trồng, không phải muốn trồng gì thì trồng. Khu rừng của DA sẽ chỉ trồng keo tai tượng và keo lá tràm - loại cây có khả năng nâng cao chất màu cho đất... Đi theo DA, người dân có rất nhiều lợi ích, như được thu tiền từ bán khí, có thu nhập ổn định từ việc chia sẻ lâm sản và các sản phẩm từ rừng như củi, mật ong, được hưởng 100% gỗ khi hết chu kỳ. Đặc biệt, người dân sẽ được sống trong một môi trường trong lành, mát mẻ.
Anh Bùi Văn Luyện (xóm Rú 4, xã Xuân Phong) hồ hởi: "Trước kia vào mùa hè, nắng nóng như muốn thiêu cháy quả đồi. Hồ nước cạn khô, không đủ nước tưới tiêu. Đã thế bệnh đau mắt, tiêu chảy liên miên. Không ngờ, giờ cây phát triển tốt, quả đồi nào cũng xanh ngát, mát lành. Có công ăn việc làm, có nguồn thu từ rừng, có môi trường sống lý tưởng, bà con ai cũng vui".
Nói về triển vọng DA, ông Phùng Văn Khoa cho biết: "Rừng Cao Phong đã được cấp giấy chứng nhận CDM quốc tế. Dù mới triển khai được 2 năm, chúng tôi nhận được rất nhiều e-mail và điện thoại từ các tổ chức nước ngoài đề nghị mua "lúa non". Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa nghĩ đến việc này. Muốn có được lượng chứng chỉ dồi dào, mục tiêu trước mắt là người dân chăm sóc, bảo vệ rừng thật tốt. Toàn bộ khâu bao tiêu sản phẩm sau này chúng tôi sẽ lo".
Theo tính toán của ông Khoa, trong thời hạn 16 năm, rừng có thể hấp thu khoảng 43.000 tấn khí carbon. Như vậy, DA sẽ thu về 25,49 tỉ đồng, trong đó 22,54 tỉ đồng bán lâm sản và 2,95 tỉ bán chứng chỉ carbon. Chỉ riêng tiền này, chia bình quân cho người dân, mỗi hộ cũng được vài trăm ngàn đồng/tháng. Số tiền này không lớn, nhưng so với trồng ngô, sắn như trước thì đó là một khoản thu đáng kể...
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1997 đã thông qua Nghị định thư Kyoto, trong đó quy định các nước phát triển phải cam kết giảm phát thải. Ở các nước công nghiệp phát triển, chi phí để cắt giảm khí phát thải (CO2) rất cao do phải bỏ công nghệ sản xuất cũ, thay thế bằng công nghệ mới, đình giảm sản xuất. DN ở các nước này có thể mua lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước khác để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với môi trường. |