Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > TÀI NGUYÊN THỰC VẬT VIỆT NAM

Đa dạng nấm lớn Việt Nam và giá trị tài nguyên của chúng

Cập nhật ngày 22/6/2011 lúc 11:00:00 AM. Số lượt đọc: 10984.

Nếu ước tính số loài nấm có thể có trên lãnh thổ Việt Nam gấp 6 lần số loài thực vật bậc cao thì số loài có thể lên tới 72000 loài. Điều đó có nghĩa là hơn 90% số loài nấm có thể có của Việt Nam còn chưa được định loài và nêu tên trong danh lục

Mở đầu

Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng 12000 loài thực vật bậc cao và 3000 loài động vật có xương sống đã được mô tả, trong đó có những loài đặc hữu. Cấu trúc địa chất độc đáo, địa lý thủy văn đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, những kiểu sinh thái khác nhau… đã góp phần tạo nên sự đa dạng của khu hệ nấm Việt Nam.

Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã nhắc đến “Linh chi là một sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam”.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, những nghiên cứu về nấm của Việt Nam nói chung và nấm lớn nói riêng được thực hiện đầu tiên từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi các tác giả nước ngoài như Patouillard N. (1890, 1897, 1907, 1909, 1913, 1915, 1917, 1920, 1923, 1927, 1928), Hariot P. & Patouillard N. (1914), Heim R. & Maleneon G. (1918)...

Ở Miền Nam Việt Nam, Phạm Hoàng Hộ (1953), Joly P. (1968), … cũng bước đầu công bố một số loài nấm.

Ở miền Bắc Việt Nam, sau khi hòa bình lập lại, việc nghiên cứu nấm nói chung và nấm lớn nói riêng được tiến hành ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số cơ quan khác với các công trình của Nguyễn Văn Diễn (1965), Trương Văn Năm (1965), Trịnh Tam Kiệt (1965, 1966), H. Kreisel (1966), Nguyễn Văn Quyết (1969), Trịnh Tam Kiệt (1970), Cao Văn Bình (1970), Trịnh Văn Trường (1970), Trịnh Tam Kiệt (1975)…

Từ ngày đất nước thống nhất, các nghiên cứu về nấm cũng được tiếp tục tiến hành bởi một số tác giả nước ngoài như Joly P. & Perreau J. (1977), Pfister D. H. (1977), Parmasto E. (1986); các tác giả trong nước như Trịnh Tam Kiệt (1977, 1981, 1996, 1998, 2001, 2005, 2008, 2010), Ngô Anh (1978, 1999, 2003), Phan Huy Dục (1991, 1996), Lê Xuân Thám và Hoàng Thị Mỹ Linh (2001), Trịnh Tam Kiệt và các tác giả khác (2001), Trịnh Tam Kiệt, Trịnh Thị Tam Bảo (2004, 2005, 2006, 2008), Trịnh Tam Kiệt và Phan Văn Hợp (2008), Đoàn Văn Vệ, Trịnh Tam Kiệt (2008); cũng như công bố chung giữa các tác giả nước ngoài và Việt Nam của H. Dörfelt, T. T. Kiet & A. Berg (2004), Trịnh Tam Kiệt, Trịnh Thị Tam Bảo & H. Dorfelt (2007)…

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc nuôi trồng nấm ăn ở Việt Nam đã thúc đẩy việc nhập nhiều chủng giống nấm ăn ở nước ngoài để tiến hành nghiên cứu, thuần hóa và nuôi trồng ở Việt Nam đã dẫn tới sự có mặt của tập đoàn giống với khoảng 50 chủng nấm ăn và nấm cho dược liệu. Một số chủng đã phát tán bào tử và hình thành quả thể trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam và góp phần phong phú cho khu hệ nấm.

Nhìn chung khu hệ nấm Việt Nam nói chung và nấm lớn nói riêng còn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ so với thực vật bậc cao và động vật có xương sống và được công bố chủ yếu bởi các khóa luận, luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các bài báo đăng trong các tạp chí khoa học trong nước và một số ít ở nước ngoài. Các sách xuất bản chuyên về phân loại nấm cũng còn rất ít, có thể kể ra một số công trình của Trịnh Tam Kiệt (1981, 1996), Bùi Xuân Đồng (1976, 1984) Trịnh Tam Kiệt và các tác giả khác (2001)… Vì vậy, những nhận xét nêu ra ở dưới đây chỉ mới mang tính chất sơ bộ bước đầu về khu hệ nấm lớn Việt Nam.

Đặc điểm chung về khu hệ nấm lớn Việt Nam

Tới thời điểm hiện nay (2010), có khoảng 2500 loài nấm đã được ghi nhận cho lãnh thổ Việt Nam, trong số đó khoảng 1400 loài thuộc 120 chi là những loài nấm lớn (Macro fungi). Ta có thể so sánh một số nhóm nấm lớn đã được điều tra bước đầu của Việt Nam với nấm lớn của Trung Quốc và thế giới để thấy rõ mức độ đa dạng của chúng (Bảng 1).

Bảng 1. Số lượng loài và giống của một số bộ Nấm Việt Nam so sánh với Trung Quốc và Thế giới

Taxa

Số lượng loài/số lượng giống ở VN

Số lượng loài/số lượng giống ở TQ

Số lượng loài/số lượng giống trên thế giới

Myxomycota

22/13

 

888/62

Ascomycota

 

 

 

Meliolales

18/1

360/10

1600/24

Xylariales

68/12

 

2487/209

Pezizales

18/8

400/73

1030/177

Basidiomycota

 

 

 

Agaricales

250/7

800/120

6000/300

Aphyllophorales

303/15

600/100

1500/150

Auriculariales

7/1

15/1

20/5

Boletales

50/12

500/40

1100/90

Dacrymycetales

4/3

37/7

80/11

Hymenogastales

1/1

48/7

120/15

Lycoperdales

22/6

60/10

270/33

Nidulariales

11/3

30/4

60/5

Phallales

11/4

73/19

140/32

Russulales

35/5

150/6

500/10

Tremellales

17/8

82/73

270/53

Đi sâu phân tích khu hệ nấm lớn Việt Nam về sự đa dạng của các taxon, ta thấy các loài nấm Đảm (Basidiomycota) chiếm ưu thế rõ rệt với hơn 90% tổng số loài; sau đó là nấm Nang (Ascomycota) chiếm khoảng 8%; nấm Nhầy (Myxomycota) chiếm 1,5% và nấm Nội cộng sinh (Glomeromycota) chiếm khoảng 0,5%. Trong ngành nấm Đảm thì tuyệt đại đa số nấm lớn thuộc ngành phụ Agaricomycotina Doweld (2001); chỉ có một số rất ít loài thuộc 2 ngành phụ Pucciniomycotina R. Baeuer, Beregow… (với 12 loài thuộc chi Septobasidium thuộc bộ Septobasidioles) và Ustilagomycotina Doweld (2001) với các lớp thuộc Ustilagomycetes (với 2 đại diện thuộc lớp nấm Than là Ustilago maydis trên ngô và Ustilago esculenta trên củ niễng đều ăn được) và Exobasidiomycetes (với một vài loài thuộc chi nấm Đảm ngoài Exobasidium gây bệnh phồng lá). Trong ngành phụ Agaricomycotina, đại đa số nấm lớn thuộc về lớp Agaricomycetes. Hai lớp còn lại chỉ có số lượng loài rất khiêm tốn là Tremellomycetes (17 loài thuộc bộ Tremellales) và lớp Dacrymycetes ( với 5 loài thuộc bộ Dacrymycetales). Trong lớp Agaricomycetes, các bộ có số lượng loài nhiều nhất là Aphyllophorales sensu lato (hơn 300 loài), Agaricales sensu lato (gần 300 loài), Boletales (gần 60 loài), Russulales (gần 40 loài). Các bộ có ít loài nhất là Hymenogastrales (1 loài), Ceratiomycetales (1 loài).

Nếu ước tính số loài nấm có thể có trên lãnh thổ Việt Nam gấp 6 lần số loài thực vật bậc cao (Hawksworth 1991, 2001) thì số loài có thể lên tới 72000 loài. Điều đó có nghĩa là hơn 90% số loài nấm có thể có của Việt Nam còn chưa được định loài và nêu tên trong danh lục. Trong danh lục Thực vật Việt Nam phần Nấm (2001), số lượng loài nấm chỉ có khoảng 2250 loài, trong đó các loài nấm Nang (Ascomycota) còn rất ít so với các loài nấm đảm (Basidiomycota). Trong khi đó, nhìn chung trên thế giới số lượng loài nấm Nang ước tính chiếm 2/3 trong tổng số các loài nấm đã được mô tả. Mặt khác, ngay trong nấm Đảm (Basidiomycota) thì các loài nấm Than (Usilagomycetes), Nấm rỉ (Pucciniomycetes) mới chỉ được nêu ra với một số ít các đại diện. Thêm vào đó, các loài nấm thủy sinh trong nước ngọt và nước mặn của Việt Nam hầu như còn chưa có công bố nào. Ngay đối với nấm lớn, số lượng các taxon đã định tên được cũng chỉ là bước đầu. Chỉ riêng chi Marasmius cũng có tới khoảng 500 loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nhưng ở Việt Nam mới chỉ được dẫn ra một số loài đặc trưng. Tình trạng tương tự như vậy cũng có thể kể ra với các chi nấm có quả thể với kích thước bé như Mycena, Marasmiellus,… Trong khi định loại nấm, chúng ta hiện nay chủ yếu dựa vào các khóa định loại và mô tả loài chuẩn của các tác giả nước ngoài khi nghiên cứu khu hệ nấm của Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và một số ít tài liệu có được của khu hệ nấm Đông Phi, Trung Quốc, Liên Xô cũ … Qua đó dễ nhận ra có sự khác biệt giữa các loài nấm của Việt Nam và các nước khác, nhất là nấm ôn đới. Trong một số trường hợp, khi có đủ căn cứ thì một số loài mới và thứ mới cho khoa học cũng được mô tả. Có thể kể làm ví dụ như: Favolaschia tonkinensis (Pat.) Sing. = Laschia tonkinensis Pat., Flammunila hanoiensis Pat., Nấm bao gốc mép nhăn - Amanita excelsa (Fr.) Bertillon var. nigrogranulata Dörfelt, Kiet R Berk var. nov. , Nấm dù nhỏ - Chaetocalathus columallifer (Berk.) Singer var. microspora Dörfelt, Kiet & Berg var. nov., Nấm sao đất miệng đen - Geastrum frimbriatum Fr. var. melanocyclum Dörfelt, Kiet & Berk var. nov., Lactarius sanguifluus Fr. var. asiaticus Dörfelt, Kiet & Berk var. nov., Lactarius volemus (Fr.) Fr. var. asiaticus Dörfelt, Kiet & Berk var. nov., Polyporus ciliatus Fr.: Fr. var. tropicus Döfrelt, Kiet & Berg var. nov., Xerocomus langbianensis Dörfelt, Kiet & Berk sp. nov., ... Ở đây cũng cần phải nói thêm, có một số loài được các tác giả người Pháp trước kia mô tả là loài mới cho khoa học. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra mẫu chuẩn, các tác giả khác đã đính chính lại và cho rằng chúng là các synonym của các loài đã được mô tả. Có thể kể làm ví dụ như: Lentinus tonkinensis Pat. (1917) thực ra là Nấm hương Lentinula edodes (Berk.) Pegler., Lentinus bavianus Pat. là synonym của Lentinus squarrosulus Mont., Favolus annamensis Pat. là synonym của Polyporus udus Jungh., ...

Ngay cả chi Amanita có khu phân bố toàn thế giới với rất nhiều loài nấm gây ngộ độc chết người nguy hiểm và cũng có những loài nấm ăn quý, trong khi định loại, các nhà nấm học Trung Quốc cũng dựa chủ yếu vào các chuyên khảo nấm của Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Những nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc có sự phối hợp với các tác giả nước ngoài, trong đó có chú ý tới các đặc điểm sinh học phân tử và siêu cấu trúc đã chỉ ra có khoảng 30 loài mới, hoàn toàn tách biệt với các loài đã được mô tả khá giống nhau về mặt hình thái. Gần đây, khi nghiên cứu chi Xylaria ở Vườn Quốc gia Cúc Phương của Việt Nam, Trần Huyền Trang (2010) đã chỉ ra số loài mới ghi nhận cho lãnh thổ Việt Nam là khá lớn (20 loài) và 17 loài có thể là mới cho khoa học.
Có thể thấy nhận định của Readhead (1989) về các nghiên cứu nấm ở Bắc Mỹ “khu hệ nấm đã được nghiên cứu rất ít so với khu hệ động vật và thực vật bậc cao” hay của Mao (2000) ở Trung Quốc “những nghiên cứu về hệ thống và phân loại nấm tụt hậu ít nhất khoảng 50 năm so với việc nghiên cứu các cây có mạch và động vật có xương sống” cũng đúng cho tình trạng nghiên cứu nấm ở Việt Nam.

Sự đa dạng về các yếu tố địa lý của nấm lớn Việt Nam

Khu hệ nấm Việt Nam rất đa dạng. Chúng được tạo thành từ:

Các loài liên nhiệt đới

Gồm các taxon thuộc các chi: Amauroderma, Cookeina, Heterochaete, Deflexula, Podoscypha, Haddowia, Favolaschia, Lentinus, Tomophagus, …với số loài khá lớn; có thể kể làm ví dụ như: Amauroderma auriscalpium (Pers.) Pat., Amauroderma macer (Berk.) Pat., Amauroderma subrugosum (Bres. & Pat.) Torrend, Ganoderma tropicum (Jungh) Bres., Ganoderma tornatum (Pers.) Bres., Tomophagus colossus Murr., Hymonochaete attenuata Lev., Hymenochaete cacao Berk., Stereum lobatum Fr., Nigrofomes melanoporus (Mont.) Murr., Perenniporia matius (Berk.) Ryv., Volvariella volvacea (Fr.) Sing., Volvariella murinella Gill., Deflexula fascicularis (Bres.), Phallus aurantiacus Mont., Dictyophora multicolor Berk. & Br., ...

Các loài nhiệt đới cổ

Chúng có số chi ít hơn các yếu tố liên nhiệt đới, nhưng cũng có thể gặp một số chi như: Sarcoxylon, Microporus và một số loài của các chi khác như: Cerrena meyenii (Klotzch) L. Hansen, Lentinus sajor-caju (Fr.) Fr., Lentinus tuberregium (Fr.) Fr., Lentinus similis Berk. and Broome, Lentinus squarrosulus Mont., Pseudofavolus tenuis (Hooker) Cunn., Rigidoporus durus (Jungh.) Imaz., … Ryvarden (1993) cho rằng rất có thể chi Microporus được hình thành sau khi có sự tách của Châu Mỹ ra khỏi Châu Phi.

Các loài nhiệt đới Á - Phi

Bao gồm một số loài điển hình như: Nấm lỗ keo Favolaschia tonkinnensis (Pat.) Singer (Laschia tonkinnensis Pat.), Nấm mối Termitomyces eurrhizus (Berk.) R. Heim, Termitomyces clypeatus R. Heim, Podabrella microcarpa (Berk. & Br.) Sing., …

Các loài nhiệt đới Châu Á

Gồm một số đại diện như: Cookenia institia (Berk. and M. A. Curtis) Kuntze, Heterochaete cretacea Pat., Termitomyces heimii Natarajan, …

Các loài Đông Á và Bắc Mỹ

Chỉ gồm một số taxon như: Wolfiporia cocos (Schu.), Boletus griseus Forst., Boletus aff. ornatipes Peck, …

Các loài Đông Á

Gồm một số đại diện như: Ganoderma amboinense Pat., Ganoderma sinenese Zhao & Zang, Lentinula edodes (Berk.) Pegler. (qua nuôi trồng chủ động, nấm hương ngày nay đã có cả ở Bắc Mỹ và Châu Âu), …

Các loài ôn đới

Đặc biệt chúng ta có thể gặp các loài nấm phân bố ở vùng ôn đới trong rừng của các vùng núi vừa và núi cao như Sapa - Phansipang, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Ba Vì – Hà Nội, Pù Mát – Nghệ An, Bạch Mã – Bình Trị Thiên, Đà Lạt - Lâm Đồng. Cụ thể như: Thelephora nigrescens Bres., Thelephora palmata (Scop.) Fr., Flammulina velutipes (Curt.: Fr.) P. Karst., Gomphus floccosus (Schw.) Sing., Gomphus glutinosus (Pat.) Petersen, Tremella mesenterica Petz.: Fr., Cortinarius violaceus (L.: Fr.) Fr., Stropharia aeruginosa (Curtis: Fr.) Quel., Trametes versicolor (L.: Fr.) Pilat, Aleuria aurantia (Pers.: Fr.) Fuck.

Các loài Bắc bán cầu

Có số lượng taxon khá lớn, bao gồm các đại diện thuộc các chi: Inocybe, Lactarius, Clavaria, Spongipellis, Favolus, Fistulina, Lepista, Suillus, … với một số loài điển hình như: Lactarius volemus (Fr.) Fr., Lepista sordida (Fr.) Singer, Russula nigricans (Bull.) Fr., Russula viescens (Schaeff.) Fr., Russula cyanoxantha (Schaeff.: Fr.) Pers., Russula foetens (Pers.) Fr., Russula emetica (Schaeff.: Fr.) Pers., Russula delica Fr., Boletus edulis Bull.: Fr., B. erythropus (Pers.: Fr.) Krombh, Aureoboletus gentilis (Quel.) Pouz., Suilus luteus (L.: Fr.) S. F. Gray, Xerocomus badius (Fr.: Fr.) J.-E. Gilb., Cantharellus cibarius Fr., Cantharellus tubaeformis (Bull.) Fr., Tremiscus helveloides (Dc.: Fr.) Donk., Pseudohydnum gelatinosum (Scop.: Fr.) Karst.; một số loài nấm phá gỗ như: Pycnoporus cinnabarinus (Jacq.: Fr.) Karst., Bjerkandera adusta (Willd.: Fr.) Karst., Trametes hirsuta (Wulf.: Fr.) Pilat, …

Các loài toàn thế giới

Ở Việt Nam có các loài điển hình như: Schizophyllum communne Fr.: Fr. (mọc khắp mọi nơi và quanh năm), Lentinus tigrinus (Bull.: Fr.) Fr., Polyporus arcularius (Batsch) Fr., Irpex lacteus (Fr.: Fr.) Fr., Laetiporus sulphureus (Bull.: Fr.) Murrill, Daldinia concentrica (Bolt.: Fr.) Ces. & De Not.. Ngoài ra cũng phải kể đến các loài gần như có khu phân bố toàn thế giới (thực ra ban đầu chúng không phải là toàn thế giới nhưng qua trồng trọt, chăn nuôi gắn với các hoạt động sống của con người, chúng đã có khu phân bố rộng ở khắp mọi nơi) như: Agaricus campetris L.: Fr., Agaricus bitorquis (Quel.) Sacc., Agaricus bisporus (Lange.) Imbach, Macrolepiota rachodes (Vitt.) Quel., Coprinus disseminatus (Pers.: Fr.) S. F. Gray, Panaeolus papilionaceus (Bull.: Fr.) Quel.,...

Giá trị tài nguyên nấm lớn Việt Nam

Các loài nấm lớn của Việt Nam tỏ ra có giá trị tài nguyên rất đáng kể về nhiều mặt, bao gồm:

Các loài nấm ăn được

Có khoảng hơn 200 loài trong đó khoảng 50 loài là nấm ăn quý. Tuyệt đại đa số nấm ăn của Việt Nam thuộc các đại diện của nấm Đảm Basidiomycota và một số ít loài thuộc nấm Túi Ascomycota. Có thể kể làm ví dụ như: các loài Mộc nhĩ thuộc chi Auricularia (7 loài), Ngân nhĩ – Tremella (5 loài), Nấm hương Lentinula edodes (Berk.) Pegler, Nấm rơm - Volvariella volvacea (Fr.) Sing., Nấm mối - Termitomyces (3 loài), Nấm thông - Boletus edulis Bull.: Fr., Nấm chàm - Boletus aff. felleus (Bull. : Fr.) Karst., Nấm trắng khổng lồ - Macrocybe gigantea (Massee) Pegle. Lodge, Nấm cỏ dày - Entoloma clypeatus (L.) Quél., Nấm bào ngư Pleurotus spp., Nấm mào gà – Cantherellus cibarius Fr., Nấm ngọc châm - Hypsizigus marmoreus (Peck) Bigelow, Nấm kim châm – Flammulina velutipes (Curt. ex Fr.) Sing., ... Đáng chú ý là một đại diện của Nấm than Ustomycetes là Ustilago esculenta P. Henn. - Yenia esculenta (P. Henn.) Liou kí sinh trên gốc của cây Niễng được dùng làm thực phẩm, trước kia được bày bán ở chợ, hiện nay trở nên rất hiếm.

Các loài nấm dùng làm dược liệu

Các loài nấm có thể dùng làm dược liệu có khoảng hơn 200 loài (Trịnh Tam Kiệt, 2008) trong đó có rất nhiều loài là dược liệu quý như : Linh chi một năm – Ganoderma lucidum complex, Linh chi sò – Ganoderma capense (Lloyd) Teng; Linh chi nhiều năm – Ganoderma applanatum (Pers.) Pat., Ganoderma australe (Fr.) Pat., Linh chi hải miên - Tomophagus colossus Murrill, Nấm lỗ phấn nhiều năm – Lariciformes officinalis (Vill.: Fr.) Kotl. & Pouz., Nấm lỗ gỉ sắt - Inonotus obliquus (Pers.: Fr.) Pil. và một số khác, Nấm vân chi - Trametes versicolor (Fr.) Pilat., Nấm phiến chi - Schizophyllum commune Fr., Nấm hương Lentinula edodes (Berk.) Pegler, Nấm kim châm – Flammulina velutipes (Curt. ex Fr.) Sing., Mộc nhĩ - Auricularia, Ngân nhĩ – Tremella, Đông trùng hạ thảo - Cordycep sinensis (Berk.) Sacc. - Cordycep militaris (L.) Link, … Những nghiên cứu bước đầu về các chất có hoạt tính sinh học của một số nấm lớn Việt Nam cho thấy chúng rất giàu các chất có trọng lượng phân tử lớn như polysaccharide, polysaccharide – peptide, lectine, … và các chất có trọng lượng phân tử nhỏ như các flavonoid, steroid, terpenoid, … có tác dụng chống viêm, tăng cường đáp ứng miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy giảm miễn dịch, tiết niệu, tim mạch,…

Các loài nấm độc

Các loài nấm độc ở Việt Nam cũng khá phong phú. Những nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra danh lục của hơn 30 loài (Trịnh Tam Kiệt, 2008). Trong số các loài nấm độc của Việt Nam, nhóm nguy hiểm nhất là các loài gây ngộ độc chết người như: Nấm độc xanh đen - Amanita phalloides (Fr.) Serc., Nấm độc tán trắng - Amanita verna (Lam.) Pers., Nấm độc trắng hình nón - Amanita virosa Lam.: Fr. đã gây ra rất nhiều vụ ngộ độc, đặc biệt là ở các vùng núi nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Một số loài nấm độc khác gây ngộ độc thần kinh, tiêu hóa, gây ảo giác khác cũng rất nguy hiểm. Có thể kể ra như: Nấm ruồi, nấm độc đỏ - Amanita muscaria (L. ex Fr.) Pers. ex Hooker., Nấm độc nâu - Amanita pantherina (D.C) Secr., Cortinarius aff. gentilis (Fr.: Fr) Fr. - Cortinarius aff. gentilis (Fr.) Fr. - Nấm độc rỉ sắt, Entoloma lividum (Bull.) Quél., Chlorophyllum molypdites (Meyer. ex Fr.) Mass. – Nấm ô phiến xanh, Mycena pura (Pers.: Fr.) P. Kummer, Inocybe rimosa (Bull.) Quél., Clitocybe aff. rivulosa (Pers.: Fr.) P.Kumm, Nấm phiến đốm (Nấm phân) - Panaeolus papilionaceus (Bull.) Quél. - Panaeolus retirugis (Fr.) Gill., …

Các loài nấm có khả năng ứng dụng trong công nghệ sinh học và bảo vệ môi trường

Khoảng 50 loài nấm có khả năng sinh enzyme và một số hoạt chất quý có thể được ứng dụng trong công nghệ sinh học và bảo vệ môi trường.

Kết luận

Nhìn chung, từ các tài liệu đã dẫn ra ở trên, chúng ta có thể thấy khu hệ nấm Việt Nam nói chung và nấm lớn nói riêng mới chỉ được nghiên cứu bước đầu. Tuy vậy, khu hệ nấm lớn Việt Nam cũng rất đa dạng, được cấu thành từ nhiều yếu tố địa lý và có giá trị tài nguyên to lớn. Để khắc phục tình trạng tụt hậu so với việc nghiên cứu thực vật bậc cao và động vật có xương sống, bảo tồn nguồn gen nấm lớn và phát huy những giá trị tài nguyên quý, chúng ta cần đầu tư thích đáng nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu một cách đầy đủ khu hệ nấm lớn Việt Nam trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo chính

  1. Phạm Hoàng Hộ (1953), Cây cỏ miền Nam Việt Nam, Trung tâm Học liệu – Bộ Giáo Dục, Sài Gòn.
  2. Trịnh Tam Kiệt (1981), Nấm lớn Việt Nam, Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  3. Trịnh Tam Kiệt (1996), Danh lục nấm lớn Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
  4. Trịnh Tam Kiệt và các tác giả (2001), Danh lục các loài thực vật Việt Nam (phần Nấm), Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
  5. Dörfelt, T. T. Kiet & A. Berg, 2004. Neue Makromyceten-Kollektionen von Vietnam und deren systematische und ökogeographische Bedeutung, Feddes Reperttorium 115 (2004) 1-2, 164-177.
  6. Heim, R. & Malencon, G., 1928. Champignon du Tonkin recuellies par M. V. Demange. Ann. Crypt. Exot. 1, 58-74. Paris.
  7. Joly, P., 1968. Elements de la flore mycologique du Viet Nam. IV. La flore des pinedes du planteau du Lang-Bian. Bull. Soc. Mycol. France, 84(4), 529-565.
  8. Joly, P & Perreau, J., 1977. Sur quelques chapignons sauvages consomnes au Viet Nam. Travaux dedies a Goerges Viennot-Bourgin. Soc. Franc. Phytopath., Paris, pp. 159-168.
  9. Kiet T. T. (1975), Einige Charak¬teri¬stika der Grosspilzflora Nord-Vietnams, Fed¬des Repert. Berlin 86(1-2), pp. 113-117.
  10. Kiet T. T. (1998), Preliminary checklist of macrofungi of Vietnam, Feddes Repertorium, Berlin, 109(3-4), pp. 257-277.
  11. Kiet T. T. (1998), Charakteriska der Grosspilzflora Vietnam, Feddes Repert. Berlin 109(3-4), pp. 249-255.
  12. Trinh Tam Kiet, Trinh Tam Bao, B. Albrech, D. Henrich (2007), New records and new Taxa of Vietnam’s Macro Fungi and their ecological characteristics, Procceedings ICCC11: 2007, Goslar, Germany.
  13. Trinh Tam Kiet (2008), Poisonous mushrooms of Vietnam, Genetics and Applications, No 4, pp. 70-73.
  14. Kreisel, H., 1966. Holzzerstorende Pilze aus Viet Nam. Biol. Rundschau 4 (5): 245-246. Berlin.
  15. Pamasto, E, 1986. Preliminary licstjof Vietnamese Aphyllophorales s.str., Talin
  16. Patouillard, N., 1890. Contributions a la flore mycologique du Tonkin (3e serie). J. Bot. (Paris) 11, 335-349, 367-374.
  17. Patouillard, N., 1907. Champignons nouveaux du Tonkin. Bull. Soc. Myc. France 23, 69-79.
  18. Patouillard, N., 1913-1927. Quelques champignons du Tonkin. Bull. Soc. Myc. France.
  19. Patouillard, N., 1923. Contributions a letude des champignons de l’Annam. Bull. Mus. Hist. Nat. Paris. 29, 332-339.
  20. Patouillard, N., 1927. Quelques champignons du Tonkin (Suite). Bull. Soc. Myc. France 43, 24-34.
  21. Pfister, D. H., 1977. Annotated index to fungi described by Patouillard. Contr. Reed Herb. 25. 211 pp.
  22. Zhu L. Yang, 2005. Diversity and Biogeography of Higher Fungi in China, In: Evolutionary Genetics of Fungi (ed. by Jianping Xu) Norfolk, U. K.: Horizon Bioscience.

Trịnh Tam Bảo, Trịnh Tam Kiệt
Đại học Quốc gia Hà Nội

(Báo cáo khoa học Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, 2011)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024