Trang chủ   Tin tức   Cơ sở dữ liệu    Đăng ký   Giới thiệu   Tìm kiếm: 
Infinite Menus, Copyright 2006, OpenCube Inc. All Rights Reserved.

Tương thích với

TIN TỨC > BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Đa dạng sinh học và vai trò bảo tồn đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững tại Côn Đảo

Cập nhật ngày 22/6/2011 lúc 11:19:00 AM. Số lượt đọc: 5036.

Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch-dịch vụ chất lượng cao, có tầm cỡ khu vực và quốc tế và tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của huyện Côn Đảo

Mở đầu

Vườn quốc gia Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 1993, Vườn nằm về phía Đông – Nam của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cách Bà Rịa – Vũng Tàu 179 km, cách cửa sông Hậu 80 Km. Toàn bộ diện tích của Vườn đều nằm trong khu vực quần đảo Côn Sơn. Vườn có tọa độ địa lý như sau:

  • Từ 106 0 31 phút đến 106 045 phút Kinh độ Đông
  • Từ 8 0 34 phút đến 8 049 phút Vĩ độ Bắc

Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích là 19.990,7 ha, trong đó: Diện tích hợp phần bảo tồn rừng là 5.990,7 ha được chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 4.215,6 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.755,1 ha; phân khu dịch vụ hành chính 20 ha. Diện tích hợp phần bảo tồn biển là 14.000 ha được chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 1.735,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái 2.740,2 ha; phân khu phát triển 9.524,7 ha. Ngoài ra có vùng đệm biển bao quanh các phân khu là 20.500 ha. Mục tiêu và nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được xác định:

Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, sự đa dạng sinh học và các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo của Côn Đảo để Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng của quốc gia và quốc tế.
Bảo vệ nguyên vẹn và phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn các khe, suối, bảo vệ đất, góp phần duy trì sự sống trên đảo, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ rừng nhằm góp phần củng cố quốc phòng và an ninh vùng hải đảo tiền tiêu phía Đông Nam tổ quốc.

Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch-dịch vụ chất lượng cao, có tầm cỡ khu vực và quốc tế và tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của huyện Côn Đảo.

Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và chiến lược của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) quốc gia Việt Nam đã đưa Vườn quốc gia Côn Đảo vào danh sách các khu vực ưu tiên hàng đầu cần phải bảo tồn. Ngân hàng Thế giới, trong ấn phẩm xuất bản năm 1995 với tiêu đề một hệ thống các khu vực bảo tồn vùng biển tiêu biểu toàn cầu cũng đã xếp Côn Đảo là khu vực ưu tiên. Năm 2005 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 264/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế-xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020. Một trong những quan điểm, nội dung mà Quyết định 264/2005/QĐ-TTg nhấn mạnh: “….phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo để phát triển du lịch biển – đảo chất lượng cao với những khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn….”. Với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững Côn Đảo là tầm nhìn chiến lược đã và đang được triển khai thực hiện.

Phương pháp nghiên cứu

Điều tra được thực hiện theo tuyến và điểm đại diện cho các sinh cảnh điển hình của khu vực VQG Côn Đảo. Các nghiên cứu được tiến hành theo các phương pháp truyền thống theo các lĩnh vực chuyên ngành (động vật học, thực vật học, sinh thái học,..). Mẫu vật sinh vật được các chuyên gia phân loại học Việt Nam và nước ngoài giám định, hiện đang được lưu giữ tại phòng mẫu vật của VQG Côn Đảo.

Trong báo cáo có kế thừa kết quả điều tra, khảo sát của các đoàn nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tiến hành tại khu vực Côn Đảo

Kết quả và thảo luận

Đa dạng sinh vật rừng VQG Côn Đảo

Đa dạng thực vật rừng

Quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo đều được che phủ bằng thảm thực vật rừng có độ che phủ tới 80% diện tích tự nhiên, rừng phân bố bắt đầu từ mép nước biển lên đến đỉnh núi.

Kết quả điều tra thực vật rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo năm 2000 đã ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch, trong 6 ngành thực vật, như sau:

Bảng 1. Thống kê hệ thực vật VQG. Côn Đảo

Số TTTên Việt NamTên khoa họcSố HọSố chiSố loài% số loài
Tổng quát1606401.077100
1Ngành Thạch TùngLycopodiophyta112-
2Ngành Dương XỉPolypodiophyta1535474
3Ngành Thiên TuếCyadophyta1141
4Ngành Dây GắmGnetophyta113-
5Ngành ThôngPinophyta222-
6

Ngành thực vật hạt kín:

- Lớp 2 lá mầm

- Lớp 1 lá mầm

Magnoliophyta

Dicolyleonae

Moncotyledonae

140

116

24

600

502

98

1.019

858

161

95

80

15

Các loài thực vật ở Vườn quốc gia Côn Đảo có quan hệ thân thuộc với một số khu hệ thực vật Malaixia-Indonexia, ấn Độ-Miến Điện, Vân Nam - Quý Châu (Trung Quốc) và khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa. Những loài thực vật ở đây phân bố thành 2 kiểu thảm thực vật chính là:
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới. Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, phân bố ở các đảo Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, hòn Bà, hòn Cau và hòn Tre Lớn, thường phân bố thành từng vạt nhỏ không liên tục trên nhiều dạng địa hình và điều kiện lập địa khác nhau.

Những loài quý hiếm: Lát hoa (Chukrasia tabularia), Găng néo (Manilkara hexandra), Quăng lông (Alangium salvifolium)…Đặc biệt, trong số 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch đã được phát hiện ở Côn Đảo thì có 44 loài được các nhà khoa học tìm thấy đầu tiên ở Côn Đảo gồm: 14 loài cây gỗ, 6 loài dây leo,10 loài cây gỗ nhỏ (tiểu mộc), 13 loài cỏ và 1 loài khuyết. Trong đó có 11 loài được lấy tên “Côn Sơn” đặt tên cho loài: Bui Côn Sơn (Ilex condorensis), Gội Côn Sơn (Amoora poulocondorensis), Thạch trang Côn Sơn (Petrocosmea condorensis), Xà căn Côn Sơn (Ophiorrhiza harrisiana var condorensis), Dọt dành Côn Sơn (Pavetta condorensis), Lấu Côn Sơn (Psychotria condorensis), Xú hương Côn Sơn (Lasianthas condorensis), Thiệt thủ Côn Sơn (Glossogyne condorensis), Kháo Côn Sơn (Machilus thunbergii sieb-et-var condorensis), Dầu Côn Sơn (Dipterocarpus condorensis), Đậu khấu Côn Sơn (Miristica guatterifolia).

Đa dạng động vật rừng VQG Côn Đảo

Kết quả điều tra đã ghi nhận được tổng số 160 loài động vật hoang dã thuộc 64 họ, 32 bộ, 4 lớp tại Vườn quốc gia Côn Đảo, gồm 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch nhái.

Bảng 2. Thống kê hệ động vật VQG Côn Đảo

Nhóm động vậtSố bộSố họSố loài đã biết
Thú101629
Chim173285
Bò sát41338
Ếch nhái148
Tổng số3265160

Trong 160 loài đã xác định có 31 loài quý hiếm (chiếm 19,38% tổng số loài động vật của Vườn quốc gia) bao gồm: 11 loài thú, 8 loài chim và 12 loài bò sát.

Đặc biệt có những loài như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, Bồ câu Nicobar, gầm Ghì Trắng, chim Điên Mặt Xanh, chim Nhiệt Đới... đó là những loài chỉ còn có ở Côn Đảo trong lãnh thổ nước ta.

Nhóm Động vật đặc hữu của Côn Đảo: Có 4 loài Động vật đặc hữu của Côn Đảo. Đó là những loài cần quan tâm bảo vệ đặc biệt vì chỉ còn có ở đây như: Sóc Mun (Callosciurus sp.) là loài chưa được định tên, song có thể nói là loài mới, ở Việt Nam mới chỉ gặp ở Côn Đảo; loài phụ Sóc Đen Côn Đảo (Rafuta bicolor condorensis) chỉ mới gặp ở Côn Đảo; Thạch sùng Côn Đảo (Cyrtod tylus condorensis) cũng chỉ mới biết ở Côn Đảo, loài này còn tương Đối phổ biến ; Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis) là loài phân loài linh trưởng đặc hữu cho Việt Nam.

Đa dạng sinh học vùng biển Côn Đảo

Các hệ sinh thái biển khu vực Côn Đảo

Biển Côn Đảo có 3 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích là 32 ha, hệ sinh thái cỏ biển có diện tích khoảng 600 ha, hệ sinh thái các sạn san hô có diện tích khoảng 1.000 ha.

+ Hệ sinh thái san hô:

Hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng bao quanh Vườn Quốc gia Côn Đảo, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy cao, với 342 loài, 61 giống, 17 họ. Có thể nói thành phần loài khu hệ san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam. Các giống san hô chiếm ưu thế là Acropora, Porites, Pachyseris, Montipora, Panova.

+ Hệ sinh thái cỏ biển:

Qua khảo sát nghiên cứu vùng biển Côn Đảo có 11 loài cỏ biển chiếm 84,61 % tổng số loài hiện nay đã biết ở Việt Nam (13 loài), nhiều hơn của Singapo 04 loài và nhiều hơn Brunei 06 loài. Hệ sinh thái cỏ biển là nơi sinh tồn của loài bò biển (dugon). Hiện xác định ở vùng biển Côn Ðảo có khoảng 8 - 12 cá thể Dugong dugon, đây là loài thú biển ăn thực vật lớn nhất còn tồn tại và được thế giới đặc biệt quan tâm, hiện nay chỉ còn thấy ở Côn Đảo và Phú Quốc.

+ Hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM):

Hệ sinh thái rừng ngập mặm tại VQG Côn Đảo có diện tích khoảng trên 32 ha. Số loài thực vật ngập mặn ở Côn Đảo đã được xác định có 46 loài, trong đó có 28 loài cây RNM chủ yếu thuộc 14 họ, 18 loài tham gia RNM thuộc 13 họ. Họ có nhiều loài nhất trong khu vực là họ Đước với 9 loài, họ Bàng 3 loài, họ Đậu 3 loài, các họ còn lại có 1 – 2 loài. Mật độ bình quân là 2.099 cây. Năm loài đóng vai trò quan trọng, chiếm ưu thế là Sú đỏ, Vẹt dù, Dà vôi, Đưng và Đước đôi.

Trong 46 cây rừng ngập mặn đã phát hiện tại Vườn Quốc gia Côn Đảo có 3 cây có tên trong sách đỏ Việt Nam là Đước đôi (Rhizophora apiculata Blume) Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt), Quao nước (Dolichandrone spathacea (L.) K.Sch.), 2 loài chưa có tên trong danh mục thực vật RNM Việt Nam là Vẹt hainesii (Bruguiera hainesii C.G. Rogers) và Xu rumphii (Xylocarpus rumphii (Kostel) Mabb), 02 loài ít thấy xuất hiện ở hệ sinh thái RNM Việt Nam là Bằng phi (Pemphis acidula J. R. Forst.& G. Forst) và Đước lai (Rhizophora x lamarckii Giff).

Khu hệ sinh vật biển

Khu hệ sinh vật biển đã thống kê được có 1.516 loài trong đó: Thực vật ngập mặn 46 loài, Rong biển 127 loài, Cỏ biển 11 loài, thực vật Phù du 157 loài, động vật Phù du 115 loài, San hô 342 loài, thân mềm 187 loài, cá rạn san hô 202 loài, Giáp xác 116 loài, Da gai 75 loài, Giun nhiều tơ 130 loài, thú và bò sát biển 8 loài.

Kết quả nghiên cứu đã thống kê được ở thuỷ vực Côn Đảo có tới 44 loài là nguồn gien cực kỳ quí hiếm của biển Việt nam và đã được đưa vào Sách đỏ. Chúng bao gồm: 02 loài rong, 02 loài thực vật ngập mặn, 03 loài san hô, 12 loài thân mềm, 01 loài giáp xác, 04 loài da gai, 07 loài cá, 07 loài bò sát, 05 loài chim và 01 loài thú. Thành phần loài sinh vật biển khu vực VQG Côn Đảo được thống kê trong bảng 3.

Ngoài ra vùng biển Côn Đảo còn có bò sát và thú biển:

Thú biển: Vùng biển Côn Đảo thường xuất hiện 3 loài thú: cá heo mõm dài (Stenella longirostris), Cá voi xanh (Balaenoptera musculus) và Dugong dugon hay còn gọi là Bò biển (seacow). Đây là 3 lòai thú biển cần quan tâm bảo vệ, đặt biệt có loài thú Dugong dugon đã tồn tại từ lâu ở Côn Đảo nhưng đến năm 1995 mới được phát hiện. Hiện nay Dugong là đối tượng được quan tâm bảo vệ trên phạm vi toàn cầu.

Bò sát biển: bao gồm các loài rùa biển và rắn biển. Rùa biển: có 2 loài đang sinh sống và lên đẻ hàng năm ở Vườn Quốc gia Côn Đảo là: Chelonia mydas (vích) và Eretmochelys imbricata (đồi mồi). Vùng biển Côn Đảo cũng là sinh cảnh kiếm ăn của loài Rùa da (Dermochelys coriacea), Quản đồng (Lepidochelys olivacea). Với 14 bãi đẻ của rùa biển, hàng năm về Côn Đảo làm tổ với số lượng khoảng 350 cá thể rùa mẹ, đây là quần thể rùa được đánh giá chiếm 70 - 80% số rùa biển làm tổ/năm ở toàn vùng biển Việt Nam.

Bảng 3. Thống kê thành phần loài sinh vật biển tại Côn Đảo

Nhóm sinh vậtSố loàiTỉ lệ (%)
Rừng ngập mặn463,03
Rong biển1278,38
Cỏ biển110,73
Thực vật phù du15710,36
Động vật phù du1157,59
San hô (cứng và mềm)34222,56
Giun nhiều tơ1308,58
Giáp xác1167,65
Thân mềm18712,34
Da gai754,95
Cá san hô20213,32
Thú biển và bò sát80,53
Tổng cộng1.516100
 

Bảo tồn đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững tại Côn Đảo

Bảo tồn đa dạng sinh học chính là cơ sở và động lực cho sự phát triển bền vững Côn Đảo. Thảm thực vật và độ che phủ rừng Côn Đảo chiếm 80% tổng diện tích tự nhiên là lá chắn tốt nhất để phòng hộ, bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của các Nhà khoa học lượng nước ngầm và nước mặt Côn Đảo được duy trì, điều tiết điều hòa hằng năm bởi thảm thực vật rừng Côn Đảo. Địa hình Côn Đảo độ dốc lớn, lớp đất mặt cạn, rừng Côn Đảo tạo thành lớp phủ hữu hiệu chống lại xói mòn, rửa trôi, lắng đọng và bồi lấp. Côn đảo nằm giữa biển khơi thường xuyên chịu ảnh hưởng gió, bão, áp thấp nhiệt đới vì vậy rừng đóng vai trò quan trọng chắn gió, cát bay bảo vệ môi trường.

Hệ sinh thái rạn san hô chứa đựng sự đa dạng cao các loài cá và các loài thủy sinh vật khác; là sinh cảnh đẻ trứng, ương nuôi ấu trùng, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển của khu vực biển Đông Nam Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á. Rạn san hô còn có tầm quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng lượng Oxy trong nước biển và bảo vệ bờ biển Côn Đảo. Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái cỏ biển có vài trò quan trọng là nguồn thức ăn chính của loài Bò biển Dugong dugon một loài thú quý hiếm ở biển.

Bảo tồn đa dạng sinh học (đa dạng hệ sinh thái, đa dạng thành phần loài) nhằm duy trì, lưu giữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Côn Đảo và của Việt Nam, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững.

Nhiều loài sinh vật tại Côn Đảo có giá trị cung cấp thực phẩm và dược liệu. Bảo tồn đa dạng sinh học tại Côn Đảo chính là sự bảo tồn và khai thác bền vững kho dược liệu và thực phẩm trong tương lai.

Nhiều năm qua, Côn Đảo là nơi để các nhà khoa học đến nghiên cứu và nhiều sinh viên đến thực tập. Có thể nói rằng đa dạng sinh học Côn Đảo có giá trị cao về giáo dục và khoa học.

Đa dạng sinh học và cảnh quan Côn Đảo đang là tiềm năng và thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch sinh thái đang tạo ra nghề và thu nhập ổn định, đáng kể cho cộng đồng địa phương.

Quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học Côn Đảo đang áp dụng phương pháp đồng quản lý và đem lại hiệu quả cao. Tất cả các kế hoạch, phương án bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học đều được cơ quan quản lý và các chuyên gia thảo luận, bàn bạc với cộng đồng địa phương. Lợi ích từ bảo tồn đa dạng sinh học được chia sẻ công bằng cho các bên có liên quan.

Đa dạng sinh học Côn Đảo đang là tiềm năng và thế mạnh để Côn Đảo phát triển và Bảo tồn đa dạng sinh học là cơ sở, biện pháp để Côn Đảo phát triển bền vững.

Kết luận

Quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo đều được che phủ bằng thảm thực vật rừng với độ che phủ tới 80% diện tích tự nhiên, tại đây đã ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.

Đã ghi nhận 160 loài động vật hoang dã trên cạn thuộc 64 họ, 32 bộ, 4 lớp tại Vườn quốc gia Côn Đảo, gồm 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch nhái. Một số loài trong đó là đặc hữu.

Biển Côn Đảo có 3 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích là 32 ha, hệ sinh thái cỏ biển có diện tích khoảng 600 ha, hệ sinh thái các sạn san hô có diện tích khoảng 1.000 ha.

Đã thống kê được có 1.516 loài sinh vật biển, trong đó: thực vật ngập mặn 46 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 11 loài, thực vật phù du 157 loài, động vật phù du 115 loài, san hô 342 loài, thân mềm 187 loài, cá rạn san hô 202 loài, giáp xác 116 loài, da gai 75 loài, giun nhiều tơ 130 loài, thú và bò sát biển 8 loài.

Bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của Côn Đảo. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với việc duy trì sự cân bằng, bảo vệ môi trường và các giá trị thiên nhiên độc đáo của khu vực, mà còn có giá trị giáo dục, đảm bảo khả năng cung cấp thực phẩm, dược liệu và tạo cơ sở cho phát triển du lịch sinh thái tại Côn Sơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003. Danh lục các loài thực vật việt Nam, tập II. Nxb. Nông nghiệp.
  2. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2005. Danh lục các loài thực vật việt Nam, tập III. Nxb. Nông nghiệp.
  3. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2003. Danh lục các loài thực vật việt Nam, tập II. Nxb. Nông nghiệp.
  4. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên), 2005. Danh lục các loài thực vật việt Nam, tập III. Nxb. Nông nghiệp
  5. Bộ KHCN & Viện KHCNVN, 2007. Sách đỏ Việt Nam, phần I. Động vật, phần II. Thực vật. Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
  6. PROSEA 12(3), 2003. Medicinal and poisonous plants. Backhuys Publishers, Leiden.
  7. Lăng Văn Kẻng, 1997. Điều tra tổng hợp tài nguyên biển và ven biển Côn Đảo. Phân viện Hải dương học Hải Phòng.
  8. Nguyễn Chí Thành (chủ biên), 2004. Tài nguyên động, thực vật Vườn Quốc gia Côn Đảo. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  9. Nguyễn Văn Tiến, Đặng Ngọc Thanh, Nguyễn Hữu Đại, 2002. Cỏ biển Việt Nam: thành phần loài, phân bố, sinh thái-sinh học. Nxb. Khoa học và Kỹ Thuật.
  10. Đỗ Công Thung (chgủ biên), 2007. Kết quả điều tra về giá trị tiềm năng sinh học và giá trị các hệ sinh thái biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo.
  11. Nguyễn Văn Tiến, 2004. Tiến tới quản lý hệ sinh thái cỏ biển Việt Nam. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.
  12. Võ Sĩ Tuấn (chủ biên), 2006. Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam. Nxb Khoa khọc Kỹ thuật.
  13. Nguyễn Huy Yết, 1998. Kết quả nghiên cứu hệ sinh thái san hô và xác định các khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam.

Trần Định Huệ
Vườn Quốc gia Côn Đảo
huecondao@gmail.com

(Báo cáo khoa học Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, 2011)

Đánh giá:      Google Bookmarks Facebook Twitter   Gửi email     Bản để in     Phản hồi

SÁCH THAM KHẢO

CÁC BÀI MỚI HƠN:
CÁC BÀI ĐĂNG TRƯỚC:
TIN BÀI MỚI NHẤT


ĐƯỢC XEM NHIỀU NHẤT

SÁCH THAM KHẢO

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 
 
 
 
 

TỪ KHÓA

BVN - BotanyVN - Botany Research and Development Group of Vietnam
(©) Copyright 2007-2024