Mở đầu
Với các đặc điểm về địa hình, hướng phơi, độ cao, khí hậu, thủy văn, tác động của con người kết hợp với đặc tính sinh thái của từng loài đã tạo nên sự đa dạng của hệ thực vật Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm. Trong đó, nguồn tài nguyên cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng về thành phần loài, giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, do khai thác không chú ý đến tái sinh trong nhiều năm qua, cùng với các nguyên nhân khác, nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở Vườn quốc gia Tam Đảo đã bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều loài đã được cấp báo trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam. Như Ba Kích (Morinda officinalis How); Đảng Sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. & Thoms.),... Vì vậy, bảo vệ tài nguyên cây thuốc, đặc biệt là các cây thuốc mọc tự nhiên ở rừng đã trở thành yêu cầu cấp bách nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội hiện nay và tương lai. Để hướng tới xây dựng được các biện pháp thích hợp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững cho nguồn tài nguyên cây thuốc. Trong thời gian qua, Vườn quốc gia Tam Đảo đã tiến hành điều tra và đánh giá hiện trạng của nguồn tài nguyên này.
Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp đã được áp dụng là: các phương pháp nghiên cứu thực vật truyền thống; các phương pháp điều tra cộng đồng RRA (đánh giá nhanh nông thôn) và PRA (đánh giá nông thôn có sự tham gia); phương pháp nghiên cứu kế thừa tài liệu.
Kết quả nghiên cứu
Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên cây thuốc Vườn quốc gia Tam Đảo
Thành phần loài cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo
Đa dạng về bậc ngành
Qua quá trình điều tra, nghiên cứu, đến nay đã xác định được nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn quốc gia Tam Đảo phân bố thuộc 5 ngành thực vật là: ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành Tháp bút (Equisetophyta), ngành Dương xỉ (Polypodiophyta), ngành Hạt trần (Pinophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Khi đi sâu nghiên cứu thành phần cây thuốc ở Tam Đảo, đã thấy rằng: Số loài cây thuốc phân bố ở các ngành không đồng đều nhau, chủ yếu tập trung ở ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Sự phân bố đó được thể hiện rất rõ qua Bảng 1.
Bảng 1: Sự phân bố các loài cây thuốc trong các ngành thực vật

Như vậy, đa số các taxons đều tập trung trong ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) với 177 họ (chiếm 92,67%), 607 chi (chiếm 95,55%), 869 loài (chiếm 97,00%); các ngành còn lại chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Có thể thấy ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) có số loài thực vật chiếm đa số trong khu vực nghiên cứu, vì vậy chiếm tỷ lệ lớn các cây được dùng làm thuốc.
Đi sâu khảo sát ngành Ngọc lan, trong ngành gồm hai lớp:
Ta thấy số lượng các taxons trong hai lớp này cũng có sự khác biệt lớn, được thể hiện qua Bảng 2:
Bảng 2: Số lượng họ, chi, loài cây thuốc ở hai lớp trong ngành Ngọc lan

Qua Bảng trên cho ta thấy Lớp hai lá mầm chiếm tỷ lệ lớn, với 79,88% số họ, 84,64% số chi và 84,50% số loài trong ngành Ngọc lan. Tỷ lệ hai lớp trong ngành Ngọc lan có sự phân hoá khá mạnh.
Đa dạng về bậc họ
Theo Tolmachov A.L., 1974: Thành phần thực vật ở rừng nhiệt đới khá phong phú và đa dạng. Thể hiện là rất ít họ chiếm 10% tổng số loài khu hệ thực vật. Khu hệ thực vật đó được coi là đa dạng về họ.
Qua điều tra, thống kê cho thấy, tại Vườn quốc gia Tam Đảo có 177 họ thực vật bậc cao có mạch được sử dụng làm thuốc. Thống kê của 10 họ giàu loài nhất, cụ thể tại Bảng 3:
Bảng 3: Các họ giàu loài cây thuốc nhất tại Vườn quốc gia Tam Đảo

Họ Cúc (Asteraceae) có số lượng loài được sử dụng làm thuốc lớn nhất, với 63 loài chiếm 7,25%. Tổng số loài của 10 họ trên chỉ chiếm 36,95% số loài trong nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn. Như vậy ta có thể khẳng định rằng thành phần loài cây thuốc tại đây đa dạng ở bậc họ.
Đa dạng về bậc chi
Sự phân bố cây thuốc trong các chi không đều nhau; thống kê của 10 chi có số loài nhiều nhất được thể hiện qua Bảng 4:
Bảng 4: Các chi giàu loài cây thuốc nhất tại Vườn quốc gia Tam Đảo

Trên đây là 10 chi có số loài nhiều nhất. Hai chi Ficus và Euphorbia có số loài nhiều nhất (15 và 8 loài). Tổng số loài trong 10 chi này là 71, chiếm 7,92% số loài đã điều tra, nghiên cứu. Như vậy, có thể kết luận thành phần cây thuốc ở đây đa dạng về bậc chi.
Đa dạng về bậc loài
So với số loài cây thuốc ở Việt nam, cụ thể được thể hiện qua Bảng 5:
Bảng 5: So sánh cây thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo với Việt Nam

(*): (Theo số liệu của Viện Dược liệu)
Như vậy, ta thấy mặc dù chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ trên bản đồ Việt Nam, nhưng thành phần thực vật làm thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo lại chiếm một tỷ lệ đáng kể (896 loài chiếm 23,28%) trong thành phần cây thuốc của nước ta.
Đa dạng dạng sống của cây làm thuốc ở Vườn quốc gia Tam Đảo & vùng đệm
Trong số 896 loài cây thuốc đã biết có tại Vườn quốc gia Tam Đảo, đã xác định được được dạng sống cho 817 loài và lập phổ dạng sống cho các loài này, có 79 loài chưa xác định được dạng sống sẽ không tham gia trong công thức phổ dạng sống. Nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn quốc gia Tam Đảo có mặt của hầu hết tất cả các nhóm dạng sống khác nhau, với tỷ lệ và cấu trúc khác nhau. Nhóm cây chồi trên đất (Ph) có 689 loài, chiếm 84,33% về phổ dạng sống; nhóm cây chồi nửa ẩn (H) có 19 loài, chiếm 2,33%; nhóm cây chồi ẩn (Cr) có 76 loài, chiếm 9,30% và nhóm cây chồi một năm (Th) có 33 loài, chiếm 4,04% phổ dạng sống.
Phổ dạng sống của hệ thực vật ở khu vực nghiên cứu được xây dựng như sau:
SB = 84,33 Ph + 2,33 H + 9,30 Cr + 4,04 Th, trong đó nhóm cây chồi trên đất (Ph) có phổ dạng sống như sau:
Ph = 32,37 MM + 21,10 Mi + 15,35 Na + 1,20 Hp + 13,19 Lp + 0,96 Ep + 0,24 Pp
Trong đó: MM – cây chồi trên lớn và vừa; Mi – cây chồi trên nhỏ; Na – cây chồi trên lùn; Hp – cây chồi trên thân thảo; Lp – cây dây leo; Ep – cây bì sinh; Pp – cây ký sinh.
Đánh giá đa dạng về nơi sống
Nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn quốc gia Tam Đảo phân bố ở tất cả các sinh cảnh điển hình của vùng núi Tam Đảo và vùng đệm. Tuy nhiên, số lượng loài thường gặp ở các sinh cảnh không đồng đều nhau. Cụ thể tại Bảng 6:
Bảng 6: Đa dạng về nơi sống của cây thuốc Vườn quốc gia Tam Đảo

(Tỷ lệ % trong bảng lớn hơn 100%, do có nhiều loài sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau)
Qua Bảng trên cho ta thấy, các loài cây thuốc sống trong Rừng (trồng, tái sinh, tự nhiên) chiếm số lượng lớn nhất, 529 loài (59,04%). Và chỉ có 3 loài cây được mang giống từ nơi khác về trồng, chiếm 0,33%, là: Xuyên bạch chỉ (Angelica anomala Ave-Lall.); Bạch chỉ (Angelica decursiva (Miq.) Franch. & Sav.); Xuyên khung (Ligusticum wallichii Franch.).
Qua quá trình điều tra, đã nhận thấy rằng có rất nhiều loài có thể sống ở hai hay nhiều sinh cảnh khác nhau, thậm chí có loài phân bố rải rác từ trong làng xóm đến tận trên núi cao, như: Cỏ Mần trầu (Eleusine indica (L.) Gaertn); Cỏ Tranh (Imperata cylindrica (L.) Beauv),... Mặt khác, các loài cây thuốc mọc ở trong rừng tự nhiên, ven suối thường đóng vai trò quan trọng trong các bài thuốc của nhân dân vùng đệm và là đối tượng cần quan tâm bảo tồn.