Trồng cây rễ hương dưới tán rừng cho hiệu quả cao
Dự án chọn được 4 nhóm hộ tại các xã Châu Hạnh, Châu Hội và Châu Phong, với diện tích trồng hơn 6ha.
Các chuyên viên Sở Khoa học Công nghệ, Trạm Khuyến nông huyện đã về bản, làng hướng dẫn kỹ thuật trồng cho đồng bào. Cây rễ hương rất thích hợp trồng dưới tán rừng, trồng quanh vườn hộ và trên đất đồi, lượng đầu tư phân NPK chỉ có 500 kg/ha, thời gian trồng vào tháng Năm, tháng Sáu, với mật độ khoảng 3.000 khóm/ha. Mỗi năm, người dân chỉ cần làm cỏ, vun gốc 2 đến 3 lần.
Sau 18 tháng, cây rễ hương cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 4.500kg/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, các hộ thu lãi hơn 50 triệu đồng/ha.
Qua hơn hai năm thực hiện dự án, mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình.
Trạm khuyến nông, khuyến ngư Quỳ Châu đã nhân rộng ra các xã Châu Bình, thị trấn Quỳ Châu, Châu Thắng, Châu Tiến… với nhiều hộ dân trồng riêng lẻ, mỗi năm cung cấp trên 140 tấn rễ hương tươi cho các làng nghề trên địa bàn sản xuất được hơn 16.000.000 que hương, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng.
Mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng đã mở ra một hướng đi mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, sinh thái rừng bền vững.
Tiên Lý: Thoát nghèo nhờ cây hương bài
Thôn Tiên Lý có 140 hộ dân, cách trung tâm xã Yên Định khoảng 7 km thuộc vùng xâu, xa, đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Sơn Động. Nơi đây có tới hơn 70% diện tích đất đồi rừng, do đó kinh tế các hộ chủ yếu từ nương đồi.
Khoảng mười năm trước, phong trào trồng cây ăn quả phát triển mạnh, nhiều nương rẫy trồng ngô, sắn đã chuyển thành những đồi cây ăn quả. Tính ra gia đình nào cũng có hàng trăm cây vải thiều, hồng, nhãn… Tuy nhiên, do địa hình đồi núi có độ dốc lớn, nước tưới khó khăn cộng với khí hậu không phù hợp nên chất lượng quả kém, năng suất đạt thấp. Vì vậy số hộ đói nghèo của thôn vẫn chiếm trên 60%.
Sau nhiều vụ thử nghiệm, người dân nơi đây đã tìm ra hướng thoát nghèo, đó là trồng cây hương bài cung cấp cho các cơ sở làm hương. Nói về cách làm này, anh Trần Văn Tam (người có công đầu đưa giống cây hương bài về thôn) cho biết: "Cách đây 6 năm, tình cờ tôi đến thăm một người bạn ở xã An Lạc thấy có cây hương bài. Hỏi ra biết được loại cây này dùng để chế biến hương liệu làm hương thơm. Nén hương bài khi thắp lên có mùi thơm ngát được nhân dân khắp nơi ưa dùng, giá bán cao hơn các loại hương khác. Chính vì vậy, cây hương bài đang được nhiều cơ sở sản xuất hương tìm kiếm thu mua. Ngay sau đó tôi vay anh em tiền mua 2,5 tạ cây giống về trồng. Loại cây này lại rất thích hợp với chất đất và khí hậu ở đây nên chẳng cần nhiều công chăm bón cây vẫn phát triển mạnh. Thấy vậy tôi tách nhánh nhân rộng dần trên đồi vải, keo, bạch đàn. Sau 2 năm tôi đã có hơn 1 ha cây hương bài. Từ năm 2005 đến nay gia đình tôi thu về 70 triệu đồng. Từ hộ nghèo, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà khang trang, nuôi 3 con ăn học và còn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng". Anh Tam cho biết thêm: Trồng cây hương bài rất dễ bởi thích hợp với đất đồi rừng lại có thể trồng xen vườn cây ăn quả và cây lấy gỗ. Chỉ cần cuốc hố sâu 20-30 cm cho một ít phân NPK, sau 3 tháng vun gốc bón thêm một lần phân là cây phát triển. Sau một năm khóm cây nhiều và già thì thu hoạch. Khi thu hoạch chặt bỏ phần lá còn lại cây và rễ có thể bán tươi với giá hiện tại 4-4,5 nghìn đồng/kg hoặc bán khô khoảng 14 nghìn đồng/kg.
Thấy anh Tam trồng cây hương bài thu nhập cao, nhiều hộ trong thôn đã mua giống về trồng và mở rộng diện tích khoảng 55 ha. Đến nay, hàng chục hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có nhờ cây hương bài.
Hiện tại xã Yên Định có khoảng 400 hộ trồng với tổng diện tích gần 100 ha, trong đó khoảng 100 hộ đã có thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Tiếng lành đồn xa, cây hương bài đang được nhiều người dân trong huyện tìm đến Yên Định mua cây giống về trồng với mong muốn xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển.
Nguồn tổng hợp: Kinh tế nông thôn & VietNam+