Cả Văn phòng Hội Bảo tồn thiên nhiên và môi trường Việt Nam xúc động vì tiếng kêu “bằng tất cả tấm lòng đau xót khi nhìn thấy cây Mò Cua lịch sử của quê hương đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và bị lãng quên”. Kèm theo bức thư, ông Tuấn gửi tấm ảnh và bài “Hãy cứu lấy cây “Mò Cua” lịch sử ở Tiền Giang” của Tú Ân.
Bài viết của Tú Ân cho biết, tại xã Bình Đức, Châu Thành, Tiền giang – nơi khi xưa ghi dấu chiến thắng lịch sử Rạch Gầm – Xoài mút của vua Quang Trung . Trên bờ dòng kinh Xoài Mút có ngôi đình cổ Tân Thuận, tại phía trước đình tiếp giáp bờ kinh có cây cổ thụ dân chúng thường gọi là cây MÒ CUA . Theo các bô lão trong làng thì cây cổ thụ nầy có tuổi tính đến nay hơn 200 năm và từ xưa lưu truyền đến nay nó vẫn mang tên Mò Cua. Cây nầy nằm sát bờ, một phần rể cây chòm ra mé nước bờ kinh. Nhìn vào gốc cây chúng ta thấy ngay nguy cơ rất gần là cây sẽ ngã sụp xuống dòng kinh bất cứ lúc nào. Trước năm 1802 (Vua Gia Long lên ngôi) Rạch Xoài mút là ranh giới tự nhiên của 2 làng Tân Thuận và An Đức nên trên bờ kinh nầy có 2 ngôi đình làng Tân Thuận và An Đức.
Bài viết nêu lên 2 vấn đề phải được giúp đỡ để làm rõ là xác định chính xác tên của cây và giải pháp gấp rút cứu giữ và bảo tồn cây. Bài viết kết thúc bằng ước mong rằng “Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngành Bảo Tồn Bảo Tàng, Ngành Thực Vật Học Quốc Gia, các nhà Văn Hóa Lịch sử và Chính quyền vào cuộc để cho hào khí trận Rạch Gầm-Xoài Mút vẫn còn vang động mãi”.
Văn phòng Hội chia sẻ và đồng cảm với nỗi lo lắng của cộng đồng xã Bình Đức, Châu Thành tỉnh Tiền Giang và đang cố gắng làm tốt những gì Hội có thể.